Khám tim mạch tổng quát đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các bệnh lý về tim. Để từ đó, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, giúp cải thiện tình trạng bệnh và hạn chế các biến chứng. Vậy khi khám tim mạch tổng quát cần khám những gì? Quy trình như thế nào?
Những dấu hiệu cảnh báo về bệnh tim mạch bạn nên biết
Các bệnh lý về tim mạch nếu không được can thiệp điều trị sớm, bệnh sẽ nặng dần theo thời gian, nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến bệnh tim, bạn nên đến bệnh viện thăm khám, giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, đem lại hiệu quả chữa trị tốt và tránh được các biến chứng. Những dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch mà bạn nên biết là:
- Khó thở: Xuất hiện khi người bệnh hoạt động gắng sức, khi nằm, khó thở về đêm;
- Đau tức ở vùng ngực: Cơn đau có thể âm ỉ kéo dài hoặc đau theo từng đợt, đau dữ dội tùy theo nguyên nhân bệnh lý ở tim. Đôi khi đau lan ra vùng bả vai, cánh tay, cổ hoặc sau lưng;
- Rối loạn nhịp tim: Tim đập nhanh/chậm bất thường, đập không đều;
- Hồi hộp, đánh trống ngực, có thể nghe được tiếng đập của tim;
- Bị sưng phù ở nhiều vùng trên cơ thể, thường là ở chân, mắt cá chân;
- Chóng mặt, ngất xỉu;
- Da, niêm mạc tím lại ở môi, tay, chân hoặc nặng hơn là toàn thân sau khi hoạt động thể chất;
- Huyết áp tăng. (1)
Việc khám sức khỏe tim mạch quan trọng như thế nào đối với bệnh tim mạch?
Theo thống kê, cứ 2 giây thì có một bệnh nhân tử vong vì các bệnh tim mạch, 5 giây đối với trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và 6 giây có một bệnh nhân tử vong do đột quỵ.
Hầu hết bệnh nhân gặp các vấn đề về tim mạch ở giai đoạn đầu đều thường bỏ qua các triệu chứng của bệnh, vì chúng xuất hiện không thường xuyên hoặc biểu hiện không rõ. Chỉ đến khi các dấu hiệu bệnh tim trở nên nặng hơn, ảnh hưởng đến hoạt động trong đời sống thì người bệnh mới đi thăm khám. Việc khám và điều trị chậm trễ là nguyên nhân khiến bệnh tim càng trở nên nghiêm trọng, chữa trị khó và hiệu quả thấp, có nguy cơ gây ra các biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Hiện nay, các bệnh lý tim mạch không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, mà ngày càng có nhiều người trẻ mắc phải những bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống thiếu khoa học của một bộ phận người trẻ hiện nay, lạm dụng các chất kích thích, căng thẳng, thường xuyên thức khuya, ít vận động, chế độ ăn không cân đối,… Điều này khiến rất nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 30 - 35, thậm chí dưới 30 tuổi mắc phải các bệnh lý tim mạch và tử vong do nhồi máu cơ tim.
Chính vì vậy, việc khám sức khỏe tim mạch không chỉ quan trọng đối với người cao tuổi, người có dấu hiệu cảnh báo bệnh tim, mà ngay cả những người trẻ tuổi khỏe mạnh cũng nên đi khám định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Khi nào cần đi khám chuyên khoa tim mạch?
1. Khi được chẩn đoán các bệnh lý tim mạch hoặc nguy cơ tim mạch trước đó
Bệnh nhân được chẩn đoán có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cần được khám chuyên khoa tim mạch. Các xét nghiệm y tế sẽ được chỉ định thực hiện tùy thuộc vào các triệu chứng của người bệnh, giúp đưa ra chẩn đoán chính xác về nguyên nhân gây bệnh.
2. Khi xuất hiện các triệu chứng có nguy cơ về bệnh tim mạch
Người bệnh cần đi khám chuyên khoa tim mạch khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh tim như: Đau ở ngực, khó thở, chóng mặt, rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, đột ngột giảm thị lực, ngất xỉu,… Thông qua các xét nghiệm y học, bác sĩ sẽ chẩn đoán được các triệu chứng ở người bệnh có liên quan đến những bất thường nào ở tim để có phương pháp xử trí phù hợp.
3. Khám tim mạch định kỳ nếu bạn có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim
Không phải đến khi nào có triệu chứng nghi ngờ bệnh tim thì mới cần đi khám chuyên khoa tim mạch. Tốt nhất bạn nên đi khám tim mạch định kỳ nếu có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như: Chế độ ăn thiếu khoa học, thường xuyên thức khuya, căng thẳng quá mức, bị thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim,…
Khám tim mạch là khám những gì? Quy trình và phương pháp chẩn đoán
1. Quy trình khám tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hỏi bệnh
Bệnh nhân khi đi khám tim mạch, trước tiên sẽ được bác sĩ thăm hỏi về tình trạng sức khỏe để có đánh giá ban đầu. Bác sĩ sẽ đưa ra một số câu hỏi về các triệu chứng người bệnh gặp trước đó có liên quan đến bệnh tim như: đau ngực, khó thở, chóng mặt, đánh trống ngực, ngất xỉu,…
Xem thêm: Các dấu hiệu bệnh tim ở nam giới và những dấu hiệu bệnh tim ở nữ giới có vài điểm khác nhau và giống nhau, việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo giúp người bệnh có thể sắp xếp thời gian thăm khám sớm đề phòng ngừa tiến triển bệnh phức tạp hơn.
Đồng thời, bác sĩ cũng xem xét về các yếu tố tiền sử gia đình, các loại thuốc đang sử dụng nếu có, thăm hỏi về lối sống, sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. (2)
Khám thực thể đối với người bệnh
- Tư thế người bệnh: Bệnh nhân nằm ngửa, chân hơi co, lưng và đầu gối cao để bác sĩ kiểm tra xem liệu có bất thường hoặc triệu chứng nào xuất hiện hay không.
- Quan sát bệnh nhân: Quan sát các điểm bất thường ở bên ngoài của bệnh nhân có thể giúp chẩn đoán ban đầu về các bệnh lý liên quan đến tim mạch như: Màu sắc của da và niêm mạc tím tái, lồng ngực có biểu hiện biến dạng, tĩnh mạch ở cổ nổi, tuyến giáp to ra, vùng thượng vị đập theo nhịp tim, phù chân,…
- Trực tiếp kiểm tra: Các bất thường ở mỏm tim có thể được phát hiện khi bác sĩ thực hiện kiểm tra bằng cách sờ trực tiếp. Các dự đoán giúp khoanh vùng bệnh như: Tim bị đẩy sang một bên, mỏm tim đập không rõ, mỏm tim đập nhanh.
- Nghe tim: Để có được chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng của tim, bác sĩ sẽ dựa vào những biểu hiện của bệnh nhân và nghe được sự thay đổi tiếng tim, sự thay đổi nhịp tim, âm thổi, tiếng cọ màng tim. (3)
Bác sĩ sẽ có cách khám tim mạch khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân và qua các bước thăm khám thực thể sẽ giúp bác sĩ có cơ sở đưa ra những nhận định sơ bộ ban đầu về tình trạng tim, từ đó có chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác để đưa ra kết luận chính xác hơn.
>> Tham khảo thêm: Gói khám tim mạch cho trẻ em và người lớn tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM tại đây.
2. Các kỹ thuật chẩn đoán xác định bệnh
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu là khâu cần thiết trong các bước khám tim mạch tổng quát. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ có thể đánh giá được số lượng và chất lượng của các tế bào máu. Đồng thời, xét nghiệm máu còn giúp đánh giá chức năng gan, thận, đường máu, các rối loạn chức năng chuyển hóa lipid…
Điện tâm đồ
Bệnh nhân có các biểu hiện như đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim cùng các biểu hiện khác có nghi ngờ liên quan đến tim đều được cho xét nghiệm bằng điện tâm đồ. Xét nghiệm giúp theo dõi hoạt động, tốc độ, nhịp điệu của tim. Kết quả được hiển thị bằng dạng sóng trên máy tính hoặc trên giấy, giúp chẩn đoán các bệnh lý ở tim như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim,…
Siêu âm tim
Phương pháp này dùng để khảo sát các bất thường ở van tim, cơ tim, viêm nhiễm quanh van tim,… Siêu âm tim giúp bác sĩ tiếp cận được những thông tin quan trọng về cấu trúc, hoạt động của tim. Đây là kỹ thuật không xâm lấn, thông qua việc sử dụng sóng siêu âm tần số cao để có được những hình ảnh động về tim, giúp cho việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
X-quang ngực thẳng
Chụp X-quang ngực thẳng được chỉ định thực hiện khi bác sĩ có nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh về tim hoặc phổi.
Chụp CT mạch vành
Đây là kỹ thuật giúp xác định vị trí xuất phát, đường đi của mạch máu nuôi tim (hay còn gọi là mạch vành) và đánh giá sự tắc nghẽn (nếu có), nhờ hình ảnh được ghi lại rõ nét, đa chiều hơn. Chụp CT mạch vành là kỹ thuật hiệu quả để chẩn đoán các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh động mạch vành.
Chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ không sử dụng bức xạ ion hóa gây hại của tia X, mà nó hoạt động bằng cách tạo ra một từ trường mạnh bên trong cơ thể. Kỹ thuật này có độ chính xác cao, có khả năng khảo sát chức năng tim, giúp chẩn đoán xác định một số bệnh lý như bệnh cơ tim, viêm cơ tim, đánh giá mức độ xơ hóa cơ tim, từ đó giúp hướng dẫn điều trị và tiên lượng bệnh.
3. Tư vấn kết quả và đưa ra hướng điều trị thích hợp
Sau khi hoàn tất các bước thăm khám, thực hiện xét nghiệm, người bệnh nhận kết quả và quay trở lại phòng khám ban đầu. Khi đó, bác sĩ sẽ giải thích về kết quả thông qua các xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh đã thực hiện và tư vấn về tình trạng sức khỏe tim mạch, các bất thường hoặc vấn đề mà người bệnh gặp phải bao gồm:
- Người bệnh có mắc bệnh liên quan đến tim mạch hay không?
- Đó là bệnh gì?
- Bệnh ở mức độ nào?
Cùng với đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp bệnh nhân. Hướng dẫn người bệnh cần điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc chỉ cần điều chỉnh về lối sống, sinh hoạt để cải thiện bệnh, giúp ngăn ngừa các biến chứng.
Các bệnh tim mạch thường được phát hiện sau khi khám tim mạch
Sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bệnh ở tim có thể được phát hiện như:
- Bệnh mạch vành;
- Bệnh van tim: hẹp hoặc hở van tim;
- Bệnh cơ tim: bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế, bệnh cơ tim giãn nở;
- Rối loạn nhịp tim: rung nhĩ, cuồng nhĩ, block nhĩ thất, suy nút xoang, nhịp chậm xoang, nhịp nhanh thất, nhịp nhanh trên thất, ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất;
- Các bệnh về mạch máu: hẹp hoặc tắc động mạch ngoại biên, suy giãn tĩnh mạch,…;
- Bệnh động mạch chủ: giãn, phình hoặc bóc tách động mạch chủ;
- Bệnh tim bẩm sinh;
- Suy tim, u tim… (4)
Một số bệnh lý về tim có diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện rõ trong giai đoạn đầu. Chỉ khi thăm khám, làm xét nghiệm thì mới phát hiện ra bệnh. Do đó, bệnh nhân nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe tim mạch theo định kỳ hoặc đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy có bất thường nghi ngờ bệnh tim.
Những lưu ý cho người bệnh trước và sau khi đi khám tim mạch
1. Trước khi đi khám tim mạch
Để cho việc khám tim mạch được thuận tiện, có kết quả chính xác, trước khi đi thăm khám, người bệnh cần chú ý:
- Nhịn ăn ít nhất 4 tiếng trước khi thăm khám vì có thể cần làm xét nghiệm máu;
- Mang theo hồ sơ bệnh án trong vòng 6 tháng gần nhất, bao gồm các kết quả xét nghiệm, đơn thuốc;
- Chuẩn bị thông tin về các triệu chứng, những loại thuốc đang sử dụng để cung cấp cho bác sĩ khi thăm khám;
- Không sử dụng các sản phẩm có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá trước khi thăm khám;
- Người bệnh nên mặc trang phục thoải mái để thuận tiện cho việc thăm khám.
2. Sau khi khám tim mạch
Sau khi được thăm khám, nếu bác sĩ có kết luận mắc bệnh về tim mạch nặng, cần nhập viện để can thiệp điều trị ngay, thì người bệnh cần liên hệ với người thân nhanh chóng đến hỗ trợ. Trường hợp bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc cần điều chỉnh về lối sống, sinh hoạt, sau khi thăm khám về nhà, cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện bệnh. Đồng thời, cần đến bệnh viện thăm khám theo định kỳ để bác sĩ theo dõi được tình trạng sức khỏe và kịp thời phát hiện các bất thường khác nếu có.
BVĐK Tâm Anh là đơn vị hàng đầu chuyên thăm khám và điều trị các bệnh lý tim mạch
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có Trung tâm Tim mạch - là đơn vị hàng đầu trong việc thăm khám và chăm sóc điều trị các bệnh lý tim mạch, mạch máu và lồng ngực cho trẻ em và người lớn, với những ưu điểm vượt trội:
- Có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch tại Việt Nam như: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, TS.BS Trần Vũ Minh Thư, BS.CKI Vũ Năng Phúc, BS.CKI Nguyễn Phạm Thùy Linh, ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy…;
- Trung tâm triển khai các gói khám tầm soát bệnh tim mạch cơ bản và nâng cao cho cả người lớn, trẻ em;
- Hệ thống máy móc, trang thiết bị tiên tiến, được nhập khẩu trực tiếp từ các nước châu Âu như máy siêu âm chuyên tim, máy điện tim 12 kênh, máy thở cao cấp, máy chụp MRI 3 Tesla, máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ, máy MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt,…;
- Phòng khám, phòng mổ được tiện nghi hiện đại, đảm bảo an toàn, vô khuẩn, vô trùng;
- Có sự phối hợp của các liên chuyên khoa trong những ca phẫu thuật lớn, giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất;
- Đội ngũ nhân viên y tế, chăm sóc khách hàng hỗ trợ hướng dẫn tận tình;
- Các thủ tục được thực hiện đơn giản, tiến hành nhanh chóng, tiện lợi cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin:
Các bước khám tim mạch tổng quát cũng như tầm quan trọng của việc khám tim mạch đã được làm rõ. Người bệnh nên tìm hiểu kỹ về quy trình khám cũng như lựa chọn cơ sở y tế uy tín để khám, tầm soát và điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch sớm, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm.