Có hai phương pháp cắt ruột thừa là mổ hở và mổ nội soi. Lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của viêm ruột thừa và tiền sử bệnh của bệnh nhân.
♦ Mổ hở
Bác sĩ sẽ rạch một đường ở phía dưới bên phải bụng để tiếp cận và cắt bỏ ruột thừa. Sau đó, vết thương được khâu lại bằng chỉ y khoa. Nếu ruột thừa bị vỡ, họ sẽ đồng thời làm sạch khoang bụng.
Mổ hở được áp dụng nếu ruột thừa đã bị vỡ, nhiễm trùng và lan sang các cơ quan khác. Đây cũng là lựa chọn ưu tiên cho những người đã từng phẫu thuật vùng bụng trước đây.
♦ Mổ nội soi
Bác sĩ sẽ rạch 2-3 vết nhỏ gần rốn và trên vùng xương mu, hơi chếch về phía xương hông của người bệnh. Sau đó, họ dùng một ống nhỏ, hẹp được gọi là ống thông đưa vào khoang bụng qua vị trí vết rạch này. Ống thông sẽ làm phồng bụng của bạn bằng khí carbon dioxide để bác sĩ nhìn thấy ruột thừa của bệnh nhân rõ ràng hơn.
Khi bụng đã căng phồng, dụng cụ nội soi sẽ được đưa vào qua vết mổ. Ống nội soi mang theo camera và dụng cụ phẫu thuật ở đầu. Camera ghi lại hình ảnh và đưa lên trên màn hình để hướng dẫn bác sĩ tìm ruột thừa và kẹp nó lại, bóc tách ra khỏi ruột già. Sau đó, đoạn ruột này được cắt bỏ và lấy ra ngoài thông qua một trong các vết mổ đã được tạo ra ban đầu. Cuối cùng, các vết mổ được đóng lại bằng thiết bị dập ghim hoặc khâu lại bằng chỉ tự tiêu.
Phẫu thuật nội soi thường là lựa chọn tốt nhất cho người lớn tuổi và những người thừa cân. Nó có ít rủi ro hơn phương pháp mổ hở và thường có thời gian hồi phục ngắn hơn.
3. Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ
Trĩ là hiện tượng các tĩnh mạch sưng lên nằm xung quanh hậu môn hoặc ở phần dưới trực tràng. Trĩ nội xuất phát ở phía trên cơ thắt hậu môn. Trĩ ngoại phát triển ở phía dưới cơ thắt hậu môn. Khoảng 50% người lớn gặp phải các triệu chứng của bệnh trĩ ở độ tuổi 50.
Một số phương pháp phẫu thuật trĩ phổ biến nhất:
♦ Phương pháp phẫu thuật cổ điển
Phẫu thuật Milligan Morgan (1937), phẫu thuật Ferguson (1959), phẫu thuật Whitehead (1882)… được phát triển từ rất lâu đời về trước nên những phương pháp này còn rất nhiều nhược điểm như.
- Để lại vết thương tại vùng hậu môn.
- Rất đau sau khi phẫu thuật, vết mổ lâu liền sẹo, để lại sẹo tại vùng hậu môn và có nguy cơ gây hẹp hậu môn sau mổ.
- Việc cắt hết các búi trĩ có thể dẫn tới hậu môn đóng không kín, gây chảy dịch sau mổ.
♦ Phương pháp phẫu thuật Longo (1993)
Phương pháp này được thực hiện bằng cách cắt bỏ vòng niêm mạc trĩ trên đường lược và khâu nối tự động bằng máy PPH. Mục đích chính nhằm cắt bỏ nguồn mạch máu đến các búi trĩ đồng thời kéo niêm mạc trực tràng bị sa lên phía trên.
♦ Phương pháp khâu triệt mạch trĩ
Phương pháp xác định động mạch trĩ bằng siêu âm Doppler để thắt búi trĩ ở trên đường lược. Phương pháp này không phải cắt trực tiếp các búi trĩ nên ít đau, ít để lại biến chứng và bệnh nhân có thể ra viện trong ngày.
Phương pháp này được chỉ định tốt cho trĩ, sa niêm mạc trực tràng độ 2, độ 3 và áp dụng cho trĩ, sa niêm mạc trực tràng độ 4. Phương pháp này đang được áp dụng phổ biến rộng rãi tại châu Âu để thay thế phương pháp Longo.
4. Mổ thủy tinh thể/mổ cườm
Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm khô, cườm đá) là hiện tượng mờ đục thủy tinh thể trong mắt, gây ra những rối loạn thị giác. Hiện nay có 2 phương pháp mổ đục thủy tinh thể là:
- Phương pháp nhũ tương hóa thủy tinh thể (Phương pháp Phaco): Tạo một đường rạch nhỏ ở một bên giác mạc và đưa thiết bị vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm thủy tinh thể mềm, phân thành những mảnh nhỏ và có thể hút ra. Phương pháp này hiện nay rất phổ biến vì ít gây đau đớn, bệnh nhân phục hồi nhanh sau phẫu thuật.
- Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao: Tạo một đường rạch dài hơn ở một phía giác mạc rồi lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra. Cuối cùng là hút phần còn sót lại.
Người bệnh sẽ được đưa thủy tinh thể nhân tạo vào trong mắt, thay thế cho thủy tinh thể bị đục đã được hút ra ngoài.
5. Sinh mổ
Quy trình một ca sinh mổ được diễn ra như sau:
♦ Giai đoạn trước mổ: Trước khi phẫu thuật, đường ruột (đường tiêu hóa) sẽ được làm sạch và dịch truyền sẽ được đưa vào cơ thể qua tĩnh mạch trên cánh tay. Bạn cũng sẽ được đặt một ống thông tiểu để giữ cho bàng quang trống trong quá trình phẫu thuật.