ĐẠO YÊU THƯƠNG ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Bạn thân mến, Nếu đến thăm thủ đô Hà Nội, bạn sẽ thấy gần Hồ Gươm có phố Nhà Thờ. Gọi là phố Nhà Thờ vì con đường ấy dẫn đến ngôi nhà thờ cổ kính rêu phong, mà người dân Hà Nội quen gọi là Nhà Thờ Lớn. Nếu bạn hỏi thăm, người ta sẽ nói: “Nhà Thờ Công Giáo đấy”.
Khi bạn ghé Sài Gòn, lại thấy ở đầu đường Đồng Khởi, con đường trung tâm và đẹp nhất thành phố, sừng sững ngôi nhà thờ rực rỡ mầu gạch đỏ. Nhiều người dân Sài Gòn quen gọi là Nhà Thờ Đức Bà và coi đó như một trong những biểu tượng của Sài Gòn hoa lệ. Nếu bạn hỏi thăm, người ta cũng bảo: “Nhà Thờ Công Giáo đấy”. Không chỉ có Nhà Thờ Lớn hay Nhà Thờ Đức Bà, còn cả hàng trăm ngôi nhà thờ lớn nhỏ của người Công Giáo trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi Chủ nhật, bạn thấy nhiều người ăn mặc lịch sự đến nhà thờ. Hằng năm, vào những dịp lễ lớn, nhất là lễ Giáng Sinh, những ngôi nhà thờ ấy trở thành trung tâm thu hút mọi người, Công Giáo và cả ngoài Công Giáo, đến xem hang đá, nghe Thánh Ca Giáng Sinh, dự lễ. Thế rồi, qua các phương tiện truyền thông, bạn cũng nghe nói đến những nhân vật Công Giáo nổi tiếng, ví dụ Mẹ Têrêxa Calcutta, một nữ tu được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1979, vì tình yêu thương và sự phục vụ bà dành cho những người cùng khổ trong xã hội. Gần gũi hơn, ngay trong trường bạn đang học, tại xí nghiệp hoặc cơ quan bạn đang làm, cũng có những người theo đạo Công Giáo. Có khi một trong những bạn thân của bạn cũng là người Công Giáo. Rồi với chút ngạc nhiên bởi cách sống của họ, bạn tự hỏi: Đạo Công Giáo là đạo gì? Tại sao gọi là Công Giáo? Đạo này dạy người ta điều gì? Theo đạo này thì phải làm sao? Nếu bạn thắc mắc như thế, tôi xin kể cho bạn nghe đôi chút về đạo Công Giáo
Bạn thân mến, Đọc sách báo, hay lang thang trên mạng, thỉnh thoảng bạn cũng thấy nhắc đến đạo Công Giáo. Bên canh đó, còn là Thiên Chúa Giáo, rồi Kitô Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành nữa. Những tôn giáo này có liên hệ với nhau không? Có lần bạn đem ra hỏi một người Công Giáo, nhưng xem ra họ cũng mù mờ, cho nên bạn cảm thấy mơ hồ. Vậy, để tôi kể bạn nghe, đơn giản thôi chứ không rắc rối lắm đâu. Tâm điểm của mọi sự ở đây là nhân vật có tên gọi là GIÊSU, có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Ngài cũng được gọi là Đấng KITÔ, dịch sát nghĩa là Đấng được xức dầu. Chúng ta cứ gọi là Đấng Cứu Thế cho dễ hiểu. Đức Giêsu Kitô xuất hiện trong lịch sử nhân loại cách đây hai ngàn năm, tại đất nước Do Thái. Những ai tin vào Ngài và đi theo Ngài thì được gọi là Kitô hữu, và đạo Ngài rao giảng được gọi là Kitô Giáo. Thuở ban đáu, chỉ có Kitò Giáo mà thôi. Nhưng đến thế ký XI (1054), do những bất đồng vé nôi dung giáo lý, cũng như kỷ luật Giáo Hội, đã có sự phân chia thành hai khỏi là Chính Thống Giáo và Công Giáo. Đến thế kỷ XVI (1517), ngay trong khối Công Giáo ở phương Tây, lại có một cuộc ly khai nữa. Những người ly khai được gọi là Cải Cách (Protestant Reformation). Riêng ở Việt Nam lại quen với tên gọi là Tin Lành. Tất cả những người theo đạo Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, đều tin vào Đức Giêsu Kitô. Vì thế đều được gọi chung là Kitô hữu, đều theo Kitô Giáo cả. Còn Thiên Chúa Giáo là từ được dùng ở Việt Nam để nói về Công Giáo. Tuy nhiên, từ ngữ này chưa đúng lắm. Thiên Chúa Giáo là từ ngữ được dùng để chỉ về tôn giáo độc thần, thờ một Thiên Chúa Duy Nhất. Nhưng tôn giáo độc thần gồm có Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo. Do đó, dùng từ Thiên Chúa Giáo để nói về Công Giáo là chưa chính xác đủ. Hơn thế nữa, gọi là Thiên Chúa Giáo không diễn tả được ý nghĩa của Công Giáo (Catholicism) là đạo phổ quát, dành cho hết mọi người. Hy vọng bạn đã có sự phân biệt rõ ràng những điểm chung và riêng của những từ ngữ trên. Dù thế nào chăng nữa, nhân vật trung tâm vẫn là Đức Giêsu Kitô. Vì thế, tôi mời bạn đọc những trang kế tiếp, để biết rõ hơn về nhân vật trung tâm này.