LỜI NÓI ĐẦU
Ngày nay, kinh doanh không còn bị bó buộc trong phạm vi biên giới của mỗi quốc gia của chính công ty đó. Dù các công ty không tham gia kinh doanh quốc tế cũng bị các sản phẩm và dịch vụ quốc tế cạnh tranh trên chính thị trường quốc gia mình. Vì vậy, nhiều quốc gia đã bãi bỏ những giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu hay các giấy phép tương tự cho bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế.
Mặt khác, ngày càng có nhiều sản phẩm không chỉ đơn thuần có xuất xứ từ một quốc gia đơn lẻ mà có sự phối kết hợp của nhiều linh kiện và chi tiết được sản xuất từ rất nhiều nước khác nhau. Nếu chỉ quản lý một vài phân xưởng sản xuất trong một nhà máy để cho ra các sản phẩm theo yêu cầu có khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ là phương thức quản trị quá lạc hậu trong thời đại này. Những sản phẩm toàn cầu có thể được tạo ra bởi một chuỗi các hoạt động từ nước này sang nước khác nhằm khai thác các lợi thế cạnh tranh từng quốc gia nhằm tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế rất cao. Một sản phẩm có thể được thiết kế ở Mỹ nhưng lại được sản xuất tại Đài Loan và lắp ráp tại Trung Quốc để cho ra những sản phẩm hoàn hảo và hiệu quả nhất. Do đó, các kỹ năng và nghiệp vụ quản lý chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế, mua ngoài và quản trị mạng sản xuất toàn cầu đã trở thành những kỹ năng quản trị đáng được quan tâm của không ít các doanh nhân hiện nay.
Thậm chí, ngày nay nhiều thông tin và loại sản phẩm dịch vụ mới ra đời rất nhanh chóng được lan truyền đến khắp nơi trên thế giới. Người tiêu dùng trên thế giới đã cập nhật nhạy bén hơn với tất cả những thông tin cần thiết về kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh doanh. Một sản phẩm được tin dùng và bán chạy ở một quốc gia cũng có khả năng được săn lùng bởi các khách hàng ở quốc gia khác.
Tất cả các sự việc đó cho thấy kinh doanh ngày nay không còn là vấn đề nội địa hay quốc tế mà đều cần phải hiểu biết kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh quốc tế. Các công ty lớn hay doanh nhân nhỏ cũng đều mong muốn cập nhật nhiều hơn những kiến thức kinh doanh quốc tế để tồn tại trong một thế giới hội nhập đầy biến động. Thách thức nhiều và cơ hội cũng rất lớn là điều ai cũng nhận ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ quá trình toàn cầu hóa vì những lý do và lợi ích các nhóm rất khác nhau. Thực chất, toàn cầu hóa và quốc tế hóa không phải là nguyên nhân của các thất bại và bất bình đẳng. Cơ hội và thách thức đều như nhau nhưng những công ty và doanh nhân giỏi thường là những người biết nắm lấy các cơ hội tốt để phát triển nên tất yếu sẽ có những nhóm, những cá nhân lại chịu những thất bại và thiệt thòi trong quá trình toàn cầu hóa. Vì vậy, việc ủng hộ hay phản đối toàn cầu hóa vẫn đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Để tránh những thất bại hay bất lợi trong quá trình này, tất yếu các công ty rất cần có kiến thức về kinh doanh quốc tế.
Với tất cả các kinh nghiệm và sự giúp đỡ của các đồng chủ biên, đồng nghiệp, các doanh nhân, các giảng viên trong nước và quốc tế, Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã biên soạn cuốn Giáo trình Kinh doanh quốc tế này nhằm làm tư liệu giảng dạy và tham khảo cho các nhà doanh nghiệp, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên khối kinh tế và các độc giả quan tâm đến kinh doanh nói chung và kinh doanh quốc tế nói riêng.
Giáo trình này được thiết kế 14 chương (không kể chương mở đầu), còn lại được chia thành 2 phần chính với các tác giả biên soạn từng chương như sau:
Chương mở đầu: PGS.TS. Nguyễn Thị Hường.
Phần A: Môi trường kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh quốc tế
Chương 1: ThS. Nguyễn Thu Ngà 50% và Trịnh Tuệ Giang 50%.
Chương 2: ThS. Bùi Thị Lành 30% và Nguyễn Thị Thanh Hà 70%.
Chương 3: TS. Nguyễn Bích Ngọc 50% và PGS.TS. Đàm Quang Vinh 50%.
Chương 4: TS. Nguyễn Anh Minh.
Chương 5: PGS.TS. Nguyễn Thị Hường.
Chương 6: TS. Nguyễn Anh Minh.
Chương 7: TS. Nguyễn Anh Minh 90% và PGS.TS. Đàm Quang Vinh 10%.
Phần B: Quản trị kinh doanh quốc tế
Chương 8: PGS. TS. Bùi Huy Nhượng.
Chương 9: PGS.TS. Tạ Văn Lợi.
Chương 10: PGS.TS. Nguyễn Thị Hường.
Chương 11: PGS.TS. Tạ Văn Lợi 80% và PGS.TS. Đàm Quang Vinh 20%.
Chương 12: TS. Mai Thế Cường 80% và PGS.TS. Tạ Văn Lợi 20%.
Chương 13: PGS.TS. Nguyễn Thị Hường.
Chương 14: PGS.TS. Tạ Văn Lợi.
Nội dung cơ bản của Giáo trình Kinh doanh quốc tế được trình bày theo cách tiếp cận tổng thể từ những vấn đề tổng quan nhất của kinh doanh quốc tế đến môi trường kinh doanh quốc gia và môi trường kinh doanh quốc tế, từ đó chỉ ra các đặc thù của quản trị trong kinh doanh quốc tế. Kinh doanh quốc tế liên quan đến nhiều vấn đề và kiến thức rộng như về văn hóa, địa lý, chính trị, kinh tế, luật pháp, tôn giáo... tạo nên môi trường kinh doanh quốc tế. Đối diện với những vấn đề đó, các nhà quản trị cần có những hiểu biết về môi trường kinh doanh, văn hóa chính trị, luật pháp và các kỹ năng quản trị về cú sốc văn hóa, cú sốc văn hóa nghịch đảo, biệt phái, hồi hương, tập trung và phân tán sản xuất, quản trị mạng sản xuất toàn cầu, quản trị chuỗi cung ứng quốc tế, phân tích chuỗi giá trị toàn cầu cũng như các kỹ năng quản trị tài chính quốc tế về vay nối tiếp, giảm nghĩa vụ thuế quốc tế,... Vì thế, kinh doanh quốc tế là vấn đề rất phong phú, đa dạng và năng động nhưng hết sức thú vị.
Thay mặt cho đồng chủ biên và tập thể tác giả, cho phép tôi được gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Hội đồng Khoa học nhà trường, Phòng Quản lý đào tạo, Phòng quản lý Khoa học và các đơn vị liên quan trong nhà trường đã tạo điều kiện giúp đỡ và quan tâm sát sao để chúng tôi hoàn thành giáo trình này theo đúng kế hoạch đề ra.
Bộ môn Kinh doanh quốc tế cũng xin chân thành cảm ơn các đồng nghiệp, các giảng viên và tập thể tác giả tham gia tích cực trong quá trình làm việc và đóng góp cho Giáo trình Kinh doanh quốc tế được hoàn thành đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu của nhà trường và người học.
Việc hoàn thành được giáo trình này còn có sự giúp đỡ của nhiều cơ quan ban ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UB Giám sát Tài chính quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... Thay mặt Bộ môn và tập thể tác giả, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các cơ quan nói trên. Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới GS. Hamdi Bilici, nguyên Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học California State University, Long beach (Hoa Kỳ); GS. Burhan Yavas, Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế, Đại học California State University of Dominguez Hills (Hoa Kỳ); TS. Holger, giảng viên môn Kinh doanh quốc tế tại University of Northampton (Anh)... về sự giúp đỡ trong quá trình chúng tôi biên soạn Giáo trình Kinh doanh quốc tế lần này. Các tình huống và tư liệu được sử dụng trong giáo trình đã được các tác giả biên dịch, chắt lọc và cải biên cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của chuyên ngành trong giai đoạn mới nên sẽ không giống như các giáo trình biên dịch và tư liệu gốc mong quý độc giả cảm thông.
Mặc dù tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng nhưng trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp và hạn chế về tư liệu cũng như trình độ nên giáo trình này không tránh khỏi các thiếu sót. Tập thể tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và nhận xét của các nhà nghiên cứu và người học để tập thể tác giả hoàn thiện trong lần tái bản tiếp theo.
BỘ MÔN KINH DOANH QUỐC TẾ
Sách đã xuất bản E-book, mời độc giả đón đọc trên drm.neu.edu.vn