Soạn bài ánh trăng

Soạn bài ánh trăng

(Nguyễn Duy, trong Ánh trăng, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984)

I. Đôi nét về tác giả, tác phẩm

Nhà thơ Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ sinh ngày 7 tháng 12 năm 1948, quê ở làng Quảng Xá, xã Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Ông nhập ngũ năm 1966 vào bộ đội thông tin tham gia chiến đấu ở chiến trường. Sau năm 1975, Nguyễn Duy làm báo Văn nghệ Giải phóng. Từ 1977, ông là đại diện thường trú báo Văn nghệ tại các tỉnh phía Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong cuộc thi thơ của báo văn nghệ 1972-1973, Nguyễn Duy được giải nhất với các bài Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Giọt nước mắt và nụ cười. Tập thơ Ánh trăng của ông được Hội nhà văn Việt Nam tặng giải A năm 1984.

Bài thơ Ánh trăng trên đây được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978 (ba năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước) và sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài thơ không những là lời của tác giả nhắc nhở mình mà còn nhắn gửi đến mọi người về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên đất nước bình dị và hồn hậu.

II. Đọc – hiểu văn bản

Câu 1. Nhận xét về bố cục bài thơ và về sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình trong bài thơ.

Ánh trăng là một bài thơ gồm sáu khổ thơ năm chữ kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Bài thơ mang dáng dấp tự sự. Mở đầu là những hồi ức mộc mạc, giản dị được kể lại theo trình tự thời gian. Là lời kể của tác giả tự nhiên và chân thành như chính những gì đã xảy ra, những gì mà mình đã trải nghiệm :

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện, cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường.

Hồi nhỏ rồi hồi chiến tranh, cả một khoảng thời gian dài sống gắn bó khăng khít với thiên nhiên tưởng là sẽ chẳng bao giờ quên được cái vầng trăng tình nghĩa. Vậy là từ hồi về thành phố có những tiện nghi hiện đại đã quên hết nên vầng trăng nghĩa xưa đã như người dưng qua đường.

Đó là nội dung ba khổ thơ đầu. Khổ thứ tư tiếp đó là một sự việc không bình thường : thình lình, đột ngột :

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn.

Đây là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, bài thơ bộc lộ chủ đề. Vầng trăng bất ngờ xuất hiện mà tự nhiên gợi lại biết bao kỉ niệm nghĩa tình.

Câu 2. Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng lớp ý nghĩa. Suốt thời kì hồi nhỏ rồi hồi chiến tranh vầng trăng, một hình ảnh biểu trưng của thiên nhiên tươi mát hồn nhiên vốn là tri kỉ của nhà thơ. Nhưng từ hồi về thành phố những tiện nghi hiện đại ánh điện, cửa gương đúng là người ta ai cũng dễ quên, không chú ý đến ánh trăng. Đến lúc thình lình đèn điện tắt, vầng trăng xưa đột ngột hiện lên. Chỉ trong khoảng khắc ấy, bao nhiêu là kỉ niệm của cả những năm tháng ở rừng gian lao vất vả, bao nhiêu là hình ảnh của thiên nhiên đất nước bình dị đậm đà mà dậy choán ngợp cả tâm trí của nhà thơ như là đồng là bể, như là sông là rừng. Ôi cái khoảnh khắc ấy sao mà xúc động đến thiêng liêng ! Ngửa mặt lên nhìn mặt. Có cái gì rưng rưng. Cái tư thế lặng im ấy làm xao xuyến lòng người biết bao nhiêu !

Ở khổ cuối bài thơ, vầng trăng là biểu tượng của cả một quá khứ nghĩa tình nặng trĩu. Hơn thế nữa, vầng trăng còn là vẻ đẹp đơn sơ, bình dị mà vĩnh hằng của đời sống ! Đến đây, ý nghĩa biểu tượng của vầng trăng được thể hiện tập trung nhất cho thấy trọn vẹn chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của bài thơ Trăng cứ tròn vành vạnh chính là hình ảnh biểu trưng cho quá khứ đẹp đẽ vẫn chẳng thể mờ phai. Đặc biệt là ánh trăng ở câu áp cuối im phăng phắc khắc ghi một người bạn cận kề, một nhân chứng đầy tình nghĩa mà nghiêm khắc đang im lặng mà nhắc nhở cả mỗi người chúng ta. Điều mà ánh trăng gửi gắm chính là : con người có thể lãng quên có thể vô tính nhưng vầng trăng, nhưng thiên nhiên và nghĩa tình quá khứ thì lúc nào cũng vành vạnh tròn đầy và bất diệt.

Câu 3. Về kết cấu, về giọng điệu của bài thơ

Kết cấu của bài thơ là từ một câu chuyện riêng của tác giả, bằng sự kết hợp rất hài hòa giữa tự sự và trữ tình mà bộc lộ thông điệp của thi sĩ. Không chỉ nhắc nhở mình mà còn gửi đến mọi người cảm xúc ân tình với quá khứ gian lao, tình nghĩa.

Về giọng điệu của bài thơ này chủ yếu là giọng điệu tâm tình thông qua thể thơ năm chữ. Bài thơ có nhịp khi thì trôi chảy tự nhiên, nhịp nhàng như lời kể chuyện, khi thì thiết tha xúc động, khổ 5 và khổ cuối cùng lại trầm lắng sâu nặng suy tư.

Câu 4. Chủ đề và khái quát ý nghĩa của bài thơ

Chủ đề : Từ một câu chuyện nhỏ riêng của tác giả, Ánh trăng trở thành một sự từ nhắc nhở sâu xa thấm thía về cảm xúc, ân tình với quá khứ gian lao đầy tình nghĩa đối với thiên nhiên đất nước một cách bình dị, hiền hậu.

Khái quát ý nghĩa của bài thơ.

Như đã nói ở phần đầu, bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978 (khoảng 3 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng cần nhắc lại là Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành cùng cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đây chính là thế hệ đã chịu đựng vượt qua bao thử thách gian lao, từng trải qua và chứng kiến biết bao hi sinh to lớn của đồng bào và cũng từng trải qua những tháng này gắn bó với núi rừng, thiên nhiên đầy tình nghĩa.

Một nét đạo lí có tình truyền thống của dân tộc ra là sự thủy chung son sắt, có mới không nới cũ hoàn cảnh sống dù thay đổi vẫn không quên gốc rễ của mình.

Còn nhớ tháng 10 năm 1957, lúc Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc kêu gọi nhắc nhở mọi người đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ hãy giữ nét đạo lí đáng nâng niu ấy.

Sau Tố Hữu gần 30 năm, Nguyễn Duy đã viết Ánh trăng, một bài thơ đặc sắc cũng nói về sự thủy chung của con người đối với gốc rễ của mình, suy rộng ra là sự thủy chung của cách mạng đối với gốc rễ nhân dân.