Đợt vừa rồi, mình có được lên Mương 14 trả lời một số thắc mắc, tư vấn cho các bạn sắp tốt nghiệp muốn theo ngành CNTT.
Vì phạm vi bài báo có hạn, không thể đăng dài quá nên một số nội dung đã được chỉnh sửa, lượt bớt. Vì vậy, mình đăng bài full lại lên blog để chia sẻ cho anh nhen!
Trong bài này, mình sẽ chia sẻ về:
- Thời điểm nên theo đuổi ngành IT
- Kĩ năng quan trọng để theo ngành
- Các hướng phát triển trong ngành
- Bằng cấp liệu có thực sự quan trọng
1. Anh có thể chia sẻ một chút về khoảng thời gian đầu tiên mình biết đến lĩnh vực IT và bén duyên đam mê từ đó? Theo anh, như vậy là một thời điểm sớm hay muộn, có lý tưởng để bắt đầu theo đuổi chuyên môn về IT?
May mắn là nhà anh có điều kiện nên anh được tiếp xúc với máy tính từ khá sớm, tầm lớp 3 lớp 4 gì đó. Hồi đó anh chỉ biết dùng Word, Excel là chính chứ chưa biết IT là cái gì luôn.
Lên lớp 9, lớp 10 thì do hâm mộ Bill Gates (vì nghe nói ổng giàu), công thêm mê games, nên anh mới bắt đầu có hào hứng với ngành IT. Hồi đó thì anh chỉ biết IT là làm phần mềm, làm games, làm bảo mật hacker gì đó chứ cũng không tìm hiểu thêm. Đến khi vào Đại Học anh mới học 1 cách “bài bản” về ngành.
Về chuyện thời điểm thì anh thấy thật sự không quan trọng, cho dù em lớp 7, 17 tuổi hay 27 tuổi mới bắt đầu theo đuổi IT đều được cả. Kiến thức trong ngành cũng có sẵn trên mạng nên việc tự học cũng không quá vất vả.
Tuy nhiên, nếu đã hơi lớn tuổi (tầm trên 30) mới bắt đầu học thì sẽ khó xin việc hơn, do phải cạnh tranh với các bạn SV trẻ mới ra trường. Các bạn trẻ này thường … năng động, trẻ trâu hơn và quan trọng là … chịu nhận lương thấp hơn
2. Để có thể bước chân suôn sẻ vào ngành IT, những người mới theo đuổi nói chung và các tân sinh viên nói riêng cần trau dồi cho mình những kỹ năng gì là quan trọng nhất?
So sánh giữa thời điểm mình mới xuất phát và hiện tại, anh đã gặp những khó khăn gì để phát triển được những kỹ năng đó?
Kĩ năng quan trọng nhất vẫn là … kĩ năng tự học, cụ thể hơn là kĩ năng đọc tiếng Anh.
Lý do đơn giản là vì kiến thức trong ngành này thay đổi rất nhiều và rất nhanh. Các công nghệ/trào lưu mới xuất hiện liên tục. Một công nghệ/ngôn ngữ lập trình sẽ được nâng cấp hoặc cải tiến sau 5,6 năm.
Do vậy, tài liệu tiếng Việt rất ít, hầu như không cập nhật kịp. Để theo kịp công nghệ mới, bắt buộc bạn phải biết cách tự học, tự đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Nếu không, người làm trong ngành sẽ bị đào thải, hoặc khó kiếm việc làm phù hợp
(Chắc mọi người còn nhớ cách đây tầm 10 năm công nghệ Flash đi đâu cũng thấy, nhà nhà ai cũng dùng đấy chứ? Công nghệ đó nay đã … tử ẹo, nên những người làm công nghệ đó cũng … thất nghiệp luôn)
Lý do thứ hai là vì Đại Học chỉ dạy những kiến thức nền tảng, còn những kiến thức thực tế thì chỉ có tự học, đi làm các bạn mới có được (Vì những kiến thức này thay đổi qua nhanh, giáo trình học không cập nhật kịp). Do vậy, hầu như SV ra trường đều cần đào tạo lại cả. Nếu không biết cách tự học, sẽ rất khó để em tìm được việc
Ngoài ra còn khá nhiều kĩ năng cần thiết như kĩ năng tư duy, phân tích vấn đề, kĩ năng làm việc nhóm… Anh thấy để phát triển thì cách tốt nhất vẫn là cắm đầu vào làm, quan sát và học hỏi từ những người giỏi hơn quanh mình thôi.
3. IT bao hàm rất rộng, gồm nhiều phạm trù về các chuyên ngành chi tiết. Theo anh, hướng đi nào đang có tiềm năng phát triển sâu rộng tại Việt Nam trong tương lai gần?
Để anh nói theo hướng học xong ra trường làm gì cho các bạn dễ hình dung ha.
Ở Việt Nam, các bạn học IT ra trường có thể làm các ngành sau:
-
Lập Trình Viên: Là những người xây dựng, lập trình ra phần mềm (như anh đây). Phần mềm là những thứ các em sử dụng hằng ngày như app và web Facebook, app và web Uber, ngay cả kênh14 cũng do … lập trình viên xây dựng ra luôn. Thường các bạn học ngành Khoa Học Máy Tính hoặc Công Nghệ Phần Mềm có thể làm ngành này. Ngoài ra còn có lập trình nhúng, tức lập trình các chip, vi mạch điện tử trong TV, máy lạnh, xe hơi v..v
-
Bảo Mật: Họ là người nghiên cứu, thiết kế hệ thống để bảo vệ thông tin của người dùng, của công ty, tránh bị rò rỉ thông tin, bảo vệ hệ thống trước hacker tấn công. Đa phần các trường có dạy ngành Bảo Mật Thông Tin/An Toàn Thông Tin, ra trường làm ngành này
-
Business Analyst: Họ là những người rành về hệ thống và qui trình. Họ sẽ làm việc với khách hàng, thiết kế hệ thống, viết yêu cầu để cho lập trình viên xây dựng hệ thống. Thường các bạn học ngành Hệ Thống Thông Tin/Công Nghệ Thông tin nói chung cũng làm được ngành này.
Ngoài ra còn một số mảng nho nhỏ khác nữa như Testing - Kiểm thử Phần Mềm, Network Engineering - Thiết lập hạ tầng mạng ….
Về tiềm năng thì ngành lập trình vẫn là ngành có nhu cầu lớn nhất, dễ tìm việc nhất. Thật ra ngành này nhu cầu nhiều từ cách đây 3-5 năm rồi, chẳng qua gần đây báo đài mới bơm thổi lên thôi.
Mà chia sẻ thêm, các em đừng nghe báo đài bơm thổi 4.0, AI, Big Data lên ngôi này nọ. Những công việc liên quan đến AI, Big Data, Blockchain khá là ít, hầu như tập trung ở các công ty lớn hoặc viện nghiên cứu.
Chỗ này thì họ ưu tiên các bạn học Khoa Học Máy Tính, từng học Cao Học, có kĩ năng nghiên cứu. Còn lại, nếu muốn ăn chắc mặc bền, dễ tìm việc thì cứ học lập trình, theo những mảng phổ biến như Web/Mobile hoặc nhúng nhé.
4. “Làm IT đồng nghĩa với việc code xuyên đêm, mất ăn mất ngủ, đau lưng, già trước tuổi…” Anh nghĩ sao về lời “sấm truyền” được lan rộng này?
À, ở Việt Nam, các công ty outsourcing bóc lột nhân viên cũng khá nhiều. Do đặc thù của dự án nên đôi khi sẽ phải … vắt giò lên cổ mà code cho kịp deadline cũng có.
Tuy nhiên, thông thường thì OT tới tầm 9-10h đêm là hết. Đơn giản là vì đây là ngành lao động trí óc; nếu không chịu nghỉ ngơi mà thức khuya cày cuốc thì năng suất và chất lượng công việc sẽ giảm, nên cũng rất hiếm khi tụi anh phải OT qua đêm.
Về mặt sức khỏe thì ngành này cũng tương tự các ngành văn phòng khác, tức phải ngồi nhiều, nhìn màn hình nhiều, dễ mắc các bệnh như trĩ, cận, đau lưng, nhức đầu, đau đít (trĩ = đau đít nên anh nhắc lại 2 lần cho anh em nhớ).
Tuy nhiên bạn bè anh và anh vẫn đi đá pò, lộn, đá banh, đạp xe, tập thể dục nhiều để hạn chế chuyện này thôi.
Nói chung chuyện làm việc nhiều, code xuyên đêm còn tùy vào bản thân và … cơ duyên mỗi người. Cá nhân anh thường tránh xa mấy công ty OT nên a làm việc khá thoải mái, ngày làm 8-9 tiếng rồi về thôi hà.
5. Đối với anh, bằng cấp hiện nay có thực sự quan trọng đối với nhà tuyển dụng dành cho những bạn trẻ đam mê IT so với kinh nghiệm? Bản thân anh coi trọng, phấn đấu và sẵn sàng đánh đổi cho điều gì hơn trong 2 thứ trên?
Trong ngành này, kinh nghiệm là cực kì quan trọng. Nếu em đã có 3,4 năm kinh nghiệm, khi đi xin việc không ai hỏi em có bằng gì, học trường nào. Các công ty họ tìm những người có khả năng, làm được việc.
Có kinh nghiệm làm việc nhĩa là em từng trải qua các dự án, biết cách giải quyết vấn đề. Bản thân anh có bằng Thạc Sĩ loại Giỏi nhưng trước giờ đi phỏng vấn cũng chả có ai hỏi anh học trường nào, có bằng gì cả.
Tuy nhiên, anh cũng từng có 1 câu nói vui thế này:
- Bằng cấp chỉ là tấm vé vào vòng gửi xe thôi.
- Nhưng không có vé thì không được vào gửi xe đâu
Nếu chưa có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng chỉ có thể nhìn vào bằng cấp của em để đánh giá. Không cần biết em giỏi thế nào, nếu em chưa từng đi làm, trong CV không có sản phẩm gì, lại … không có bằng ĐH, cơ hội em được vào vòng phỏng vấn để chứng tỏ bản thân mình là rất thấp.
Do vậy, anh thường khuyên các bạn sinh viên là nếu có điều kiện thì ráng đi thực tập từ năm 2, năm 3 đi. Lúc ra trường là đã được 1,2 năm kinh nghiệm hơn bạn bè trang lứa rồi, xin việc cũng dễ hơn. Có khi chẳng cần xin mà nhiều công ty mời gọi luôn ấy chứ!
Tuy vậy, anh vẫn khuyên các bạn ráng học cho xong để lấy bằng. Tấm bằng ĐH mở ra khá nhiều cánh cửa cho bạn. Nếu không có bằng, sau này muốn lên manager, muốn ra nước ngoài làm việc, con đường của bạn sẽ khó khăn gian nan lắm!