Biên lợi nhuận là chỉ số cho biết mỗi đồng doanh thu của doanh nghiệp có bao nhiêu phần trăm lợi nhuận. Chỉ số này nói lên tỉ suất sinh lời trong hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, cho biết doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả không.
Biên lợi nhuận (Profit Margin) là một trong những tỷ suất sinh lời thông dụng trong hoạt động kinh doanh. Đây là con số tỉ lệ phần trăm biểu hiện cho tỉ lệ giữa lợi nhuận trên doanh thu. Dựa vào chỉ số này, nhà đầu tư có thể đánh giá được mức lợi nhuận thu được dưới dạng phần trăm.
Khi nghiên cứu và đánh giá hoạt động kinh doanh có hiệu quả hay không, doanh nghiệp sử dụng 2 chỉ số là lợi nhuận biên gộp (Gross Margin Profit) và lợi nhuận biên ròng (Net Margin Profit).
Biên lợi nhuận cho thấy hiệu quả của hoạt động kinh doanh
Chỉ số biên lợi nhuận đại biểu cho khả năng sinh lời của sản phẩm. Chỉ số này càng cao thì có nghĩa là sản phẩm đó sẽ mang lại lợi nhuận cao tương ứng. Ngược lại, chỉ số profit margin thấp đồng nghĩa với mức độ rủi ro cao, khả năng sinh lời thấp.
Doanh nghiệp, nhà sản xuất chính nắm rất rõ doanh thu của một sản phẩm bán ra, chi phí để tạo ra và tiêu thụ sản phẩm đó, từ đó tính toán ra được các chỉ số lợi nhuận, dùng để so sánh trong nội bộ như: Dự án kinh doanh, sản phẩm nào có tỉ suất sinh lời tốt hơn.
Chỉ số biên lợi nhuận giúp người ta có thể đánh giá được một doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả không, có lợi nhuận không, lợi nhuận có đủ để đáp ứng yêu cầu kinh doanh hay không…
Bên cạnh đó, chỉ số profit margin cũng được dùng để so sánh các doanh nghiệp với nhau trong cùng một ngành, từ đó giúp doanh nghiệp có thể xác định được chỗ đứng cho mình đang ở đâu so với các đối thủ.
Biên lợi nhuận giúp doanh nghiệp xác định được vị trí của mình trong ngành
Để thay đổi tỉ suất này, doanh nghiệp có thể tìm cách tăng doanh thu hoặc cắt giảm chi phí, hay tăng giá sản phẩm.
Khi doanh nghiệp cần vay vốn kinh doanh thì ngân hàng hoặc các nhà đầu tư sẽ dựa vào tỉ suất lợi nhuận để đánh giá khả năng quản lí, sức khỏe tài chính, tiềm năng tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp. Thông thường, các ngành khác nhau sẽ có tỉ suất lợi nhuận khác nhau.
Biên lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin) là tỉ suất lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về trừ đi giá vốn hàng hóa hoặc chi phí kinh doanh.
Biên lợi nhuận gộp thể hiện được cứ mỗi 100 đồng doanh thu thuần sẽ mang lại cho doanh nghiệp bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp. Chỉ số này càng cao, thể hiện kinh doanh của doanh nghiệp càng tốt nhưng chưa thể hiện được hết việc quản lý chi phí.
Cách tính chỉ số biên lợi nhuận gộp như sau:
Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần x 100%
Trong đó:
Doanh thu thuần = Doanh thu bán hàng và dịch vụ - các khoản giảm trừ
Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần - Giá vốn sản phẩm bán ra
Doanh nghiệp thường nghiên cứu 4 chỉ số biên lợi nhuận cơ bản
Biên lợi nhuận ròng (Net Profit Margin) thể hiện mỗi 100 đồng doanh thu sẽ mang lại bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế, từ đó chủ doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư sẽ thấy được với 1% gia tăng của doanh thu thì cổ tức hoặc thu nhập ròng sẽ tăng tương ứng là bao nhiêu %.
Công thức tính biên lợi nhuận ròng - Net Profit Margin như sau:
Biên lợi nhuận ròng = (Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu thuần) x 100%
Biên lợi nhuận ròng càng cao thì tỉ lệ sinh lời càng cao, rủi ro càng thấp. Ngược lại, chỉ số Net Profit Margin cho thấy chi phí cho sản xuất và kinh doanh đang quá cao, doanh nghiệp cần xem xét lại và đưa ra giải pháp.
Biên lợi nhuận trước thuế (Pre-tax Profit Margin) cho biết doanh nghiệp đã tạo ra bao nhiêu xu cho mỗi đồng bán ra trước khi khấu trừ thuế. Lợi nhuận trước thuế là lợi nhuận của doanh nghiệp mà chưa tính đến các phần thuế phải nộp và những khoản lãi doanh nghiệp cần phải trả.
Công thức tính như sau:
Biên lợi nhuận trước thuế = (Tổng doanh thu - Tổng chi phí) x 100%
Các nhà đầu tư sẽ dựa vào số liệu này để so sánh và lựa chọn đầu tư sao cho hợp lý.
Mỗi chỉ số biên lợi nhuận cho thấy một khía cạnh của hiệu quả kinh doanh
Biên lợi nhuận hoạt động (Operating Profit Margin) thể hiện cứ mỗi 100 đồng doanh thu thuần sẽ mang lại cho doanh nghiệp bao nhiêu đồng lợi nhuận trước thuế, từ đây đánh giá rõ hơn hiệu quả của các khoản chi phí khi tham gia vào quá trình kinh doanh.
Công thức tính biên lợi nhuận hoạt động - Operating Profit Margin:
Biên lợi nhuận hoạt động = Lợi nhuận trước thuế / Doanh thu thuần x 100%
Các doanh nghiệp thường dựa vào việc so sánh doanh thu bán hàng với tổng các thu nhập trước thuế + lãi vay hiện có, để có thể tính toán ra được mức độ hiệu quả của việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong thực tế, mỗi ngành nghề kinh doanh sẽ có khoảng biên lợi nhuận khác nhau nên để tìm ra con số chung cho các ngành là không thể.
Ngành nghề khác nhau có chỉ số biên lợi nhuận khác nhau
Giả định trong đầu tư chứng khoán, các công ty niêm yết đại diện cho bình quân nền kinh tế nói chung với tỉ suất lợi nhuận khoảng 11-12%/năm.
Lợi nhuận ở đâu cao thì nguồn vốn sẽ đổ vào mạnh mẽ, và lại làm lợi nhuận giảm lại thì các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ có mức lợi nhuận bình quân vào khoảng 12%/năm là hợp lý. Nếu cao hơn mức này là tốt và nếu đạt mức trên 20%/năm là gần như gấp đôi mức chung của nền kinh tế.
Ngoài tỉ suất lợi nhuận thì số lợi nhuận tuyệt đối còn quan trọng hơn. Có những ngành có tỉ suất lợi nhuận cao như bán trà đá, bán rau quả, nhưng quy mô lại quá nhỏ, khó tăng quy mô. Tương tự như vậy trong đầu tư, kiếm 20%/năm cho 100 triệu khác hẳn kiếm 20% cho 10 tỷ hoặc 100 tỷ. Còn nếu kiếm được 20%/năm cho 1k tỷ trở lên thì đẳng cấp khác hoàn toàn rồi.
Như vậy, để xem xét biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình đã hợp lý hay chưa, bạn có thể xem xét các yếu tố như: Lãi suất huy động vốn của ngân hàng ở thời điểm hiện tại là bao nhiêu, nếu biên lợi nhuận của bạn cao hơn mức này là hợp lý.
Việc kiếm tiền được bao nhiêu còn tùy vào trình độ và kinh nghiệm, muốn nâng cao biên lợi nhuận, bạn phải tích lũy kinh nghiệm để nâng cao sự hiểu biết và trình độ trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Hãy theo dõi TOPI hàng ngày để biết thêm những kiến thức hữu ích về đầu tư và kinh doanh nhé!
Link nội dung: https://uws.edu.vn/cach-tinh-loi-nhuan-phan-tram-a71441.html