Đặc điểm tên các hòn đảo trên vịnh Hạ Long
Tên các đảo trên Vịnh Hạ Long hầu hết có từ lâu đời, có đảo do dân chài đặt gọi lâu mà thành, có đảo do danh nhân đặt. Nhiều tên đảo là cả một câu chuyện lịch sử gắn liền với nó. Vì vậy, không quá khi nói rằng tìm hiểu về tên gọi các đảo cũng chính là tìm hiểu thêm các giá trị lịch sử, văn hoá của Vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long có gần 2.000 đảo lớn nhỏ. Chỉ tính riêng khu vực do Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1962 với diện tích 1.553km2 đã có 1.969 hòn đảo; trong đó có 980 đảo có tên gọi. Còn trong khu vực Vịnh Hạ Long mà UNESCO công nhận Di sản thế giới, rộng 434km2, có 775 đảo thì có 411 đảo có tên gọi.Tên các đảo trên Vịnh Hạ Long hầu hết có từ lâu đời, có đảo do dân chài đặt gọi lâu mà thành, có đảo do danh nhân đặt. Nhiều tên đảo là cả một câu chuyện lịch sử gắn liền với nó. Vì vậy, không quá khi nói rằng tìm hiểu về tên gọi các đảo cũng chính là tìm hiểu thêm các giá trị lịch sử, văn hoá của Vịnh Hạ Long.Theo nhà nghiên cứu văn hoá Tống Khắc Hài, tìm hiểu về tên các hòn đảo và đi liền với nó là tên các núi, cửa, bến, vũng, luồng lạch, ghềnh, bãi… là công việc ý nghĩa và nhiều thú vị. Vịnh Hạ Long là nơi con người cư trú từ hàng ngàn năm trước và đương nhiên, các địa danh cũng bắt đầu xuất hiện từ xa xưa... Theo ông Hài, tên gọi các đảo ở Vịnh Hạ Long có ba đặc điểm; đó là bắt nguồn những danh từ thuần Việt, tên gọi bắt nguồn từ các điều kiện tự nhiên và đời sống thường nhật và tên gọi có ý nghĩa lịch sử và văn hoá.Về tên gọi các đảo mang thuần Việt, các địa danh này thể hiện rõ đặc trưng vùng miền của Vịnh Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Nếu như ở Nam Bộ có các vàm, cù lao, rạch, bưng… thì Hạ Long có cồn, cái, áng, cặp… như Cồn Bè, Cồn Chìm, Cặp La, Cặp Bè, Áng Dù, Áng Cây Vông. Đáng chú ý có những tên gọi là những từ cổ như “cái” trong Cái Cổng Ông, Cái Cổng Bà, Cái Lim, Cái Tráp… Phổ biến nhất trong số các tên đảo trên Vịnh Hạ Long là tên gọi được đặt theo tượng hình, được các chủ nhân gốc của Vịnh Hạ Long đặt từ lâu đời. Chẳng hạn hòn Con Cóc, hòn Đầu Bê, hòn Yên Ngựa, hòn Gà Chọi, hòn Bọ Hung, hòn Đỉnh Hương, hòn Đũa, Lưỡi Liềm, hòn Nón, hòn Cái Tai, Đầu Người, Ông Bụt, Lã Vọng, Mắt Quỷ v.v. Lại có những đảo được đặt tên theo các loài thực vật có thể là nét đặc trưng về sinh thái của đảo, như hòn Cây Vông, Cây Táo, Hạt Đậu, Hòn Quéo, Cây Khế…Những đảo có tên mang ý nghĩa lịch sử văn hoá tuy chiếm số lượng ít hơn, nhưng đều là các đảo gắn với các sự kiện lịch sử nổi tiếng. Đảo Đầu Gỗ gắn liền với tích Trần Hưng Đạo giấu gỗ trước khi cắm xuống sông Bạch Đằng năm 1288. Núi Bài Thơ gắn với bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Cương và một số thi sĩ khắc trên núi. Gần đây nhất là đảo Ti Tốp gắn với câu chuyện Bác Hồ lấy tên Anh hùng vũ trụ Liên Xô G.Titop đặt tên cho đảo năm 1962.Đáng chú ý là trong thời gian chiếm đóng vùng than Quảng Ninh, người Pháp đã dùng không ít tên tiếng Pháp để đặt cho các đảo của Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Nhiều tên gọi đến nay vẫn chưa rõ nguồn gốc, lý do như đảo Ngọc Vừng người Pháp gọi là Danh Do La, đảo Tuần Châu thì gọi là Ile aux cerfơ (đảo hươu ở)…Tên gọi các đảo muôn hình muôn vẻ kỳ thú chính là nét đặc sắc của Vịnh Hạ Long. Đây có thể coi là một loại hình văn hoá phi vật thể trong tổng thể các giá trị văn hoá của Vịnh Hạ Long và có giá trị về nhiều mặt. Đến nay, trên Vịnh Hạ Long còn rất nhiều đảo chưa có tên, hoặc có tên nhưng chưa rõ nghĩa, nguồn gốc như Hòn Nét, Vông Viêng, Bề Hen… Tiếc là đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào thực sự toàn diện, đầy đủ về hệ thống tên gọi các đảo trên Vịnh Hạ Long...
Link nội dung: https://uws.edu.vn/vinh-ha-long-co-bao-nhieu-hon-dao-a71244.html