Ở thành phố Hải Phòng đi đến đâu khắp các con đường ngõ xóm, đều tăm tắp những cây Phượng tốt tươi nhẹ nhàng toả bóng làm đẹp cho cảnh quan của Thành phố. Đến mùa Phượng nở hoa sự rực rỡ, sa hoa, lộng lẫy của nó luôn làm người ta choáng ngợp và say mê.
Khi nói về trang phục của người phụ nữ Việt Nam người ta nghĩ đến áo dài, mặc nhiên khi nói đến áo dài thì thấp thoáng trong suy nghĩ mỗi người là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.
Khi nhắc tới Hà Nội người ta sẽ nghĩ ngay đến mùi hoa sữa nồng nàn con phố nhỏ; cái rét của mùa đông Miền Bắc; những món ăn trứ danh như: Cốm làng Vòng; bún chả, bún thang, xôi xéo… mà chỉ có ăn ở đó mới cảm được cái hương vị vẹn nguyên nhất.
Khi nhắc tới Hải Phòng. Dám chắc ý nghĩ đầu tiên xuất hiện sẽ là “Thành phố Hoa Phượng đỏ”; sau đó mới đến những nào là: Thành phố của những cây cầu, thành phố Cảng, bánh đa cua, dừa dầm, cá thu một nắng…
Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà Hải Phòng được yêu chiều bằng cái tên đầy chất thơ: “Thành phố Hoa Phượng đỏ”. Không dưng mà một loại cây từ biểu trưng diễn tả nỗi nhớ chia xa của tuổi học trò lại trở thành biểu tượng của một thành phố có nhiều đặc sắc và đa dạng về văn hoá như Hải Phòng. Phượng đã trở thành một nét biểu trưng văn hoá của người dân Hải Phòng để rồi họ yêu chiều loài hoa này đến mức những năm gần đây còn có một lễ hội mang tên: “Lễ hội Hoa Phượng đỏ”…
Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2023 chủ đề: Hải Phòng - Toả sáng Miền Cửa Biển
Ngược dòng thời gian về xa một chút; thành phố Hải Phòng thành lập năm 1888; đến năm 1889, đề án xây dựng thành phố được triển khai với mô hình của nước Pháp - một thành phố sinh thái. Không có bút tích nào ghi lại nhưng nguồn gốc của Hoa phượng được truyền miệng nhau là nó được người Pháp mang từ Ma-đa-ga-xca đến trồng tại Hải Phòng hơn 100 năm trước. Đầu tiên là trồng thử nghiệm, do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên sau đó, cây phượng được trồng đại trà.
Cây Phượng có tán vươn rộng theo tầng tầng, lớp lớp; lá Phượng nhỏ nhưng mau đủ tạo bóng làm dịu đi cái nóng nắng oi ả đặc trưng của mùa hè chính vụ. Một điều đặc biệt của hoa Phượng Hải Phòng mà chắc chắn những vùng miền khác ít có; nếu chịu khó quan sát sẽ thấy, cánh phượng trồng trên đất Hải Phòng thường sẽ là cánh kép, dầy, đặc biệt thắm đỏ tươi. Thật rất ít thấy ở Hải Phòng những cây Phượng nở cánh đơn, mỏng, màu đỏ phai. So với các địa phương khác, Phượng ở Hải Phòng nở sớm hơn (thường vào cuối tháng tư) và kết thúc thời gian nở muộn hơn (vào khoảng cuối tháng chín).
Thật lạ, thiên nhiên khéo xếp đặt cái sự ngẫu nhiên khi Phượng nở cũng là lúc hè về. Phượng đã như một phần kí ức của bất kể cô cậu học trò nào. Sự ngẫu nhiên đó càng làm cái sứ mệnh đặc trưng gắn lên cánh Phượng càng trở nên lãng mạn, thi vị hơn. Một điều lạ kì, giữa cái nắng hè oi ả, nhìn đâu cũng thấy chói chang và nóng như thiêu như đốt của mùa hè vùng biển Miền Bắc thì những chùm hoa Phượng đỏ rực chen dày trên cành không làm bầu không khí trở nên nồng - nóng hơn theo quy luật về màu sắc mà người ta chỉ thấy rực rỡ một màu đỏ của nhiệt huyết, say mê…
Thành phố Hải Phòng được gọi là “Thành phố Hoa Phượng đỏ” có lẽ bởi đi đến đâu khắp các con đường ngõ xóm, đều tăm tắp những cây Phượng tốt tươi nhẹ nhàng toả bóng, làm đẹp cho cảnh quan của thành phố. Đến mùa Phượng nở hoa, sự rực rỡ và lộng lẫy đến sa hoa của nó đủ khiến con người ta choáng ngợp và say mê. Hoa Phượng đỏ đã tạc vào tâm hồn người Hải Phòng và tạo ấn tượng đậm sâu trong suy tưởng của lữ khách dù chỉ lưu đến Hải Phòng một lần vào mùa Phượng nở hoa. Hoa Phượng không những đi vào thơ, ca, nhạc, họa... mà còn đã, đang và luôn tạo ấn tượng đẹp đẽ làm nên chất thơ ở một thành phố hiện đại, năng động, nhộn nhịp, tấp nập... như Hải Phòng./.
Vũ Bình Phương
Link nội dung: https://uws.edu.vn/thanh-pho-hoa-phuong-do-hai-phong-a71237.html