TMO - Vườn quốc gia là không gian bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc biệt là nguồn gen đa dạng sinh học quý hiếm. Vì thế, việc đánh giá đúng thực trạng và tìm ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng, đa giá trị của các Vườn quốc gia cần được chú trọng và ưu tiên triển khai.
Thông tin từ Hội nghị thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các Vườn quốc gia, Bộ NN&PTNT, hiện cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NN&PTNT phân cấp giao trực tiếp quản lý 6 Vườn quốc gia: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên (là những vườn có diện tích rừng nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên).
Những Vườn quốc gia này chiếm 26,7% tổng diện tích các Vườn quốc gia trên toàn quốc, có nhiều hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái tự nhiên; là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam.
Vườn quốc gia là không gian bảo vệ và phát triển của các hệ sinh thái
Đồng thời, đóng góp quan trọng trong bảo vệ tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học; đồng thời, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đã được các vườn xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả. Các Vườn quốc gia đã bảo vệ, duy trì, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng đặc trưng, đa dạng sinh học thông qua tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; kết hợp với các đợt điều tra, giám sát đa dạng sinh học.
Hoạt động cứu hộ, chăm sóc, tái thả động vật rừng được các Vườn quốc gia quan tâm, triển khai thực hiện với tổng số cá thể được chăm sóc, nuôi dưỡng là 3.011 cá thể, trong đó số cá thể được tái thả là: 678 cá thể vào tự nhiên, ở những nơi phù hợp với sinh cảnh sống của chúng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tái thả động vật hoang dã về tự nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: BTN
Để bảo vệ và khai thác bền vững giá trị của Vườn quốc gia, nhiệm vụ cấp bách phải được ưu tiên hàng đầu là bảo vệ diện tích rừng tại khu vực. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, rừng là ngôi nhà thiên nhiên của mọi người, mọi loài sinh vật, chứ không của riêng ai. Giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành tư duy quản trị rừng.
Bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hoà, đồng bộ, tương tự như nhiều quốc gia đã làm. Cách thức giữ rừng, quản trị rừng, bảo vệ rừng hiệu quả nhất, phải chăng là để rừng luôn rộng mở với người dân, với cộng đồng, chào đón tất cả chúng ta cùng trở về, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, mở cửa rừng phải gắn với những quy định cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho rừng.
Trong đó, việc phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các khu rừng đặc dụng trong Vườn quốc gia là xu thế và bài học kinh nghiệm của thế giới. Qua thống kê từ 6 vườn quốc gia trên, dịch vụ du lịch sinh thái rừng đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, trong năm 2016, doanh thu từ dịch vụ du lịch sinh thái rừng của 6 vườn đạt 31,6 tỷ đồng. Doanh thu tăng đều qua các năm và năm 2019 đạt 42,7 tỷ đồng.
Trong năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến nguồn thu này sụt giảm mạnh. Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ du lịch của các vườn quốc gia đã đạt 19,5 tỷ đồng. Trong đó, nhiều Vườn quốc gia đã có những mô hình du lịch sáng tạo như Vườn quốc gia Cúc Phương với tour Trở về nhà, cho du khách trải nghiệm hoạt động tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ, trải nghiệm văn hóa người Mường. Vườn quốc gia Yor Đôn có tour xem và tìm hiểu về chim, trải nghiệm 1 ngày làm kiểm lâm. Vườn quốc gia Cát Tiên có tour ngắm động vật rừng...
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng đặc trưng, tổ chức thực hiện tốt hoạt động bảo tồn, cứu hộ nuôi dưỡng, tái thả động vật hoang dã thì các Vườn quốc gia cần tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sinh thái.
Tập trung hoàn thành Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030 các vườn quốc gia. Trên cơ sở đó tổ chức các dự án du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo các phương thức phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của từng vườn, khai thác đặc trưng về vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên... Mặt khác, tăng cường xã hội hoá nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Phát triển bền vững du lịch sinh thái ở các Vườn quốc gia cần gắn với nhiệm vụ bảo vệ an toàn, đa dạng sinh học
Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ với các hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Tiếp tục triển khai tốt hoạt động hỗ trợ phát triển đời sống người dân, cộng đồng vùng đệm thông qua khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển canh tác, sản xuất bền vững, đảm bảo hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân...
Bộ NN&PTNT cũng giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm triển khai, xây dựng Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó sẽ đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng theo hướng đa dụng, đa chức năng để tạo nguồn thu cho các Ban quản lý rừng, cộng đồng địa phương.
Trong đó, cơ chế tài chính phải tạo được động lực huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa, kích thích tính năng động, sáng tạo của các Ban quản lý khu rừng đặc dụng. Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về lâm nghiệp, trong đó chú ý đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Mai Hương
Link nội dung: https://uws.edu.vn/bien-phap-bao-ve-vuon-quoc-gia-o-nuoc-ta-la-a71227.html