Nghiên Cứu Lịch Sử

Untitled

Jesse Bryant Wilder

Trần Quang Nghĩa dịch

PHẦN III: NGHỆ THUẬT SAU KHI LA MÃ SUY VONG: A.D. 500- A.D.1760

Trong phần này. . .

Bạn sẽ thấy sự sụp đỗ của La Mã và sự hưng thịnh của Cơ đốc giáo và Hồi giáo đã làm thay đổi mọi thứ ở Âu châu, Bắc Phi, và Trung, Cận Đông như thế nào. Tôi xem xét những hình thức nghệ thuật mới mà các nghệ sĩ Cơ đốc Tây và Đông phương và các nghệ sĩ Hồi giáo sáng tạo để ca tụng niềm tin mới của mình, và những hình thức nghệ thuật này tiến hóa hay ngưng đọng ra sao trong suốt cả chục thế kỷ tiếp theo. Bạn cũng sẽ thấy rằng, mặc dù các phong cách nghệ thuật bị sẩy chân ngay sau khi La Mã sụp đổ, nhưng sau đó chúng vẫn đứng vững trở lại trên đôi chân và còn tồn tại bên chúng ta đến tận hôm nay.

Chương 9

Hình khắc: Nghệ Thuật Cơ đốc giáo Sơ Khai, Byzantine và Hồi giáo

Trong Chương Này

Trong chương này, tôi bàn về nghệ thuật và kiến trúc của ba nền văn hóa và hai tôn giáo. Mỗi nền văn hóa phát triển một hình thức nghệ thuật và kiến trúc độc đáo riêng nhằm nâng cao lòng tin, và mỗi nền văn hóa đáp ứng mạnh mẽ và phần nào khác nhau với Điều Răn Thứ Hai (điều răn về các hình khắc).

Sự Đi Lên của Constantinople

Vào năm A.D. 324, Đại đế Constantine (trị vì từ 306 đến 337) quyết định dời thủ đô của Đế quốc La Mã về Byzantium (Istanbul ngày nay), và chẳng bao lâu đổi theo tên ông, Constantinople.

Dời thủ đô La Mã đi là một quyết định của thiên tài. Byzantium là trung tâm của thế giới lúc bấy giờ, là điểm tựa trên đó Constantine sẽ lập thế quân bình giữa nhu cầu của Đông và Tây. Thành phố canh giữ Eo Bosporous nơi giao thông thủy lộ nhộn nhịp của Biển Đen và Biển Marmara hòa lẫn nhau. Âu châu và Á châu đối diện nhau ngang qua eo biển, mà ở chổ hẹp nhất rộng chưa tới nửa dặm. Trong những ngày đó, của cải của thế giới xuôi ngược qua Bosborous và vào trong túi của các nhà kinh bang Constantinople. Từ thủ đô mới này, hoàng đế có thể kiểm soát mọi hoạt động thương mại và có thể xua quân bảo vệ cả hai nửa phần đế quốc hiệu quả hơn nhiều là từ La Mã.

Cơ đốc giáo hóa La Mã Constantine, hoàng đế theo Cơ đốc giáo đầu tiên, đã nâng Cơ đốc giáo thành một trong những tôn giáo chính thức của La Mã vào năm 313 (theo Sắc lệnh Milan), kết thúc sự cấm đạo của người tiền nhiệm Diocletian (Constantine đã cải sang đạo Cơ đốc vào năm 313, nhưng không thực sự được rửa tội cho đến khi hấp hối 24 năm sau.) Mặc dù Cơ đốc giáo chỉ trở thành quốc giáo của La Mã vào thời trị vì của Theodosius vào năm A.D. 380, Constantine thực sự đã thống nhất nhà thờ và nhà nước, có thể để củng cố quyền lực của mình (sau khi đánh bại mọi đối thủ để đoạt được vương miện hòang đế). Cuối cùng thì Cơ đốc giáo cũng hưng thịnh. Bây giờ thì ông ta là người đứng đầu chính thức của nhà nước và đứng đầu không chính thức của nhà thờ Cơ đốc. Chính Constantine là người đã triệu tập Hội Đồng Đầu Tiên ở Nicae (công đồng các giám mục) vào năm 325 để khẳng định mối liên hệ chính xác giữa Jesus Christ và Thượng đế. Constantine là người thao túng 318 giám mục của hội đồng, buộc hầu như tất cả phải phục tùng quan điểm của ông __ cho rằng Cha và Con đều là một. Hai giám mục không đồng ý đều bị rút phép thông công và bị tù đày.

Sau sự sụp đỗ: Phân chia và phân ly

Cuộc sống mới mà Constantine đã thổi vào Đế quốc La Mã đã giúp nó sống sót qua thế kỷ thứ 4 và gần suốt thế kỷ thứ 5. Khi La Mã cuối cùng sụp đỗ năm A.D. 476, các truyền thống nghệ thuật tan ra từng mảnh. Ở Đế quốc phía Đông, nghệ thuật La Mã cổ điển trộn lẫn với các phong cách đông phương thành nghệ thuật Byzantine, vừa tập trung vào đế quốc vừa vào Cơ đốc giáo Chính thống. Ở phía tây, các phong cách cổ điển làm bệ phóng cho một phong cách mới, nghệ thuật Cơ đốc Sơ khai. Nhưng một khi nghệ thuật Cơ đốc tây phương đã lên khỏi mặt đất, những phong cách cổ điển sớm đi vào lãng quên trong nhiều thế kỷ.

Ngoài sự rạn nứt về văn hóa và tôn giáo giữa đông và tây, còn có sự rạn nứt tôn giáo. Các nhà thở Cơ đốc giáo Đông và Tây dần dần rời xa nhau sau khi La Mã sụp đỗ. Những tín điều và tục lệ tôn giáo khác nhau, lỗ hỗng về giao tiếp (Nhà thờ phía Tây nói tiếng La tinh; phía Đông tiếng Hy Lạp), và sự tranh giành quyền lực giữa các giáo hoàng và giáo trưởng đã cuối cùng đi đến sự đoạn tuyệt được biết dưới tên Sự Đại Phân Ly vào năm 1054. Các cuộc thập tự chinh, một phần, là nỗ lực của các giáo hoàng nhằm thống nhất các nhà thờ Đông và Tây. Vào thế kỷ thứ 13 và 15, các giáo hoàng và giáo trưởng suýt hàn gắn thành công sự rạn nứt, nhưng họ cuối cùng thất bại. Sự phân ly vẫn tiếp tục đến ngày nay.

Sau khi La Mã sụp đỗ, Đế quốc phía Đông vẫn còn đứng được thêm 1,100 năm nữa, chỉ trừ khi nó phải nín thở một thời gian ngắn vào thế kỷ 13 (các hiệp sĩ của Thập tự chinh Thứ tư đã cướp phá Constantinople vào năm 1204). Nhưng đế quốc đã ngoi lên được 57 năm sau, sống sót trên đôi chân phần nào run rẩy thêm hai thế kỷ nữa cho đến khi bị Ottoman người Thổ cuối cùng đè bẹp vào năm 1453.

Nghệ Thuật Cơ đốc Sơ Khai ở Phương Tây

Trước khi Constantine và ngay cả sau đó, người ngoại giáo và Cơ đốc giáo đã tranh giành trái tim và khối óc của dân chúng sống trong đế quốc. Tôn giáo Mithraism của Ba Tư (chia sẻ cùng với Cơ đốc giáo một số đặc điểm chủ yếu, bao gồm một đấng cứu thế, nghi lễ rửa tội, bộ luật đạo đức, và ngày phán xét) là tôn giáo cạnh tranh chính. Mithraism được truyền bá rộng rãi đến độ Hoàng đế Diocletian (trị vì từ 284 đến 305) đã tuyên bố chúa Mithra là “người bảo hộ của đế quốc” trong đầu thế kỷ thứ 4 trong khi sự bức hại đạo Cơ đốc vẫn đang là cao trào.

Sự cạnh tranh tôn giáo thúc đẩy nhiều giáo dân Cơ đốc chối bỏ bất kỳ điều gì có mùi ngoại đạo, bao gồm phong cách nghệ thuật. Chẳng hạn, các nghệ sĩ Cơ đốc giáo sơ khai không bao giờ điêu khắc tượng khỏa thân lớn bằng người thật, đứng không cần giá đỡ như các bức tượng Doryphoros hay Người Mang Giáo của Polykleitos (xem Chương 7) không chỉ bởi vì các tượng khỏa thân, nhưng cũng bởi vì chúng quá hiện thực. Người ta nghĩ rằng chúng có thể bị hiểu lầm do những gì chúng biểu lộ. Sống trong thời đầu của sự tôn thờ biểu tượng thánh, những người Cơ đốc giáo sơ khai không muốn thay những biểu tượng thánh cũ bằng biểu tượng thánh mới. Cơ đốc giáo dẹp bỏ thực sự tượng điêu khắc đứng độc lập và có kích cỡ như thật trong một ngàn năm.

Nhưng người Cơ đốc giáo còn cần đến những hình ảnh thiêng liêng để nhắc họ nhớ đến tín ngưỡng của mình. Vì thế những nghệ sĩ Cơ đốc giáo sơ khai tận lực sáng tạo ra một ngôn ngữ thị giác chấp nhận được để truyền bá những lý tưởng tôn giáo của họ. Lúc đầu họ vay mượn từ những bức họa và tranh chạm nổi cổ điển, sử dụng từ vựng thị giác của nghệ thuật ngoại giáo (như đánh bóng và phối cảnh) để biểu diễn những niềm tin Cơ đốc giáo. Hầu như không còn gì sống sót từ ba thế kỷ đầu, khi Cơ đốc giáo vẫn còn là một tôn giáo dưới lòng đất.

Những công trình nghệ thuật Cơ đốc giáo sơ khai nhất là những bức tranh hầm mộ thế kỷ thứ 4 như những bích họa trên trần trong Hầm mộ của Thánh Pietro và Marcellino ở La Mã __ hình ảnh là Cơ đốc, nhưng hình dáng là La Mã. Qua nhiều thế kỷ bị hư hỏng, bích họa khó mà nhận ra được. Nhờ công cuộc phục hồi kéo dài, tranh mosaic đầu thế kỷ thứ 5, bức Christ Lên Ngôi và các Tông Đồ ở Jesusalem Thần Thánh ở nhà thờ thế kỷ thứ 4 Santa Pudenziana La Mã, ở trong điều kiện hoàn hảo và càng minh chứng cho ảnh hưởng của La Mã rõ hơn nữa. (xem Hình 9-1).

1

Hình 9-1

Cách dùng phối cảnh và đánh bóng, và những cử chỉ tự nhiên và những nếp gấp của y phục cổ điển một cách điển hình. Tính ảo giác La Mã (tính 3D) đặc biệt nổi bật cho dù mosaic được thực hiện trên một bức tường cong ở giáo đường! Ảnh hưởng La Mã không chỉ là hiển nhiên trong kỹ thuật của nghệ sĩ. Thành phố Jesusalem phía sau lưng Christ là một thành phố phong cách La Mã. Chú ý các cổng vòm La Mã ở một số tòa nhà. Cũng thế, Christ ngồi trên một ngai vàng như một vị hoàng đế La Mã, và các tông đồ đứng hai bên ông ăn mặc áo choàng như các nghị sĩ La Mã. Chú ý mỗi Tông đồ có một đặc điểm riêng. Điều này không chỉ là biểu tượng, chúng là những mô tả hiện thực các nhân vật. Peter, người ngồi bên phải Jesus, được một phụ nữ tượng trưng cho nhóm người Do thái đội vương miện vì được ông cải đạo. Paul, ở bên trái, được một phụ nữ tượng trưng cho nhóm người không phải Do thái đội vương miện vì được ông cải đạo. Ý nghĩa: Jerusalem Mới gồm cả người Do thái và không Do thái.

Tranh mosaic này là một trong những hình ảnh sớm nhất trong đó Christ xuất hiện với thánh giá. Nhưng thay vì bị đóng đinh trên đó, ở đây thánh giá được tô điểm bằng châu báu phía trên đầu Jesus để tượng trưng cho vinh quang thần thánh của ông.

Cũng vậy, đây có thể là lần đầu tiên mà các tác giả sách Phúc âm được mô tả trong nghệ thuật: Thánh Matthew, một con người có cánh; Thánh Mark, một sư tử; Thánh Luke, một con bò; Thánh John, một con ó. Những sinh vật có cánh có hai vai trò ở đây. Họ là những người đầu tiên được mô tả vào thế kỷ thứ 6 B. C. bởi nhà tiên tri Cựu Ước Ezekiel: “Về dung nhan của họ, họ bốn người có gương mặt của người nam, và gương mặt của sư tử, ở bên phải; và gương mặt của bò rừng và con ó bên trái” (Ezekiel 1:10). Ở đây Ezekiel tiết lộ cảnh thấu thị của mình về việc những người tùy tùng có cánh trước khi mô tả Jerusalem Mới ở phần sau sách. Vị trí của các sinh vật có cánh cho thấy nghệ sĩ dự định minh họa sự thấu thị của Ezekiel về vùng đất Jerusalem Mới. (Vì bề mặt cong nên bạn không thể nhìn thấy người có cánh và con ó trong hình.)

Nghệ Thuật Byzantine Gặp Gỡ Vàng Son của Đế Chế

Khi nghĩ về Byzantine, hầu hết đều nghĩ về những hình vẽ về biểu tượng thánh, những tranh mosaic lấp lánh, và nhà thờ nhiều mái vòm. Phong cách bắt đầu vào thế kỷ thứ 5 A.D. tại Constantinople và không bao giờ lỗi thời. Các biểu tượng thánh và bức ngăn trong nhà thờ hiện đại vẫn còn làm đẹp các nhà thờ Chính thống trên khắp thế giới. Về nguồn gốc, nghệ thuật Byzantine vinh danh cả nhà thờ và nhà nước; ngày nay, nó là nghệ thuật thuần túy tôn giáo cho nhà thờ Chính thống phương Đông, nhiều nhà thờ hiện giờ còn tồn tại ở phương Tây.

Ảnh hưởng phương đông của nghệ thuật Byzantine phát xuất từ Hy Lạp và, với một mức độ nhỏ hơn, Ai cập và sĩria, vẫn còn là một phần của Byzanium lớn hơn cho đến khi Đế Quốc Ả rập tiếp thu chúng vào thế kỷ thứ 7.

Trong 11 thế kỷ tồn tại, Byzanium truyền bá những truyền thống nghệ thuật lộng lẫy của nó qua Bắc Phi, vịnh Balkan, Nga,Ý, Sicily, Ai cập, và sĩria. Văn hóa Byzantine cũng ảnh hưởng nghệ thuật trung cổ và Phục hưng qua giao thương và tiếp xúc với các thập tự quân của thế kỷ 11 qua thế kỷ 13. Ở phương Tây, những công trình Byzantine lớn nhất là ở Venice và Ravena, Ý cũng như Sicily.

Nghệ thuật Byzantine thường được chia thành ba thời kỳ: Byzantine đầu (thế kỷ thứ 5 - 726), Byzantine giữa (843 - 1204), và Byzantine cuối (1261 - 1453). Cuộc tranh luận về việc đã phá biểu tượng thánh, là điểm mốc chia các thời kỳ cuối và giữa, đã khép lại hầu hết việc sản xuất nghệ thuật qua hơn 100 năm, sau khi Hoàng đế Leo III tuyên chiến với nghệ thuật tôn giáo vào A. D. 726.

Kiến trúc Justinian và Byzantine thời kỳ đầu

Justinian lên ngôi vua Byzantine vào năm 527, 51 năm sau khi La Mã thất thủ. Ông ta nghĩ rằng công việc đầu tiên của mình là khôi phục lại toàn bộ Đế Quốc La Mã __ và ông hầu như hoàn thành. Justinian chiếm lại Bắc Phi từ bọn Vandal, Ý từ bọn Ostrogoth, và vùng đông nam Tây Ban nha từ dân Visigoth, cũng như Sicily, Sardinia, và Corsica. Nhưng ông không bao giờ chiếm lại được xứ Gaul (Pháp) hay Anh đảo. Cùng lúc đó, các quân đòan của ông cầm chân Đế quốc Ba Tư ở phương Đông. Nhưng các cuộc chinh phạt của ông ta lại ngắn ngủi. Cuộc trị vì của Justinian chỉ để lại cho hậu thế bộ luật dân sự và nghệ thuật cùng kiến trúc mà ông và hoàng hậu Theodora ủy thác.

Luật dân sự của ông là tập hợp các bộ luật La Mã từ thời Hoàng đế Hadrian (trị vì từ A.D. 117 đến A.D. 138) qua triều đại Justinian. Bộ luật của ông trở thành luật cơ bản của Tâu Âu trong thời Trung cổ. Nó cũng ảnh hưởng các bộ luật của Nga và Đông Âu.

Thành tựu kiến trúc vinh quang, vĩ đại nhất của triều đại Justinia (từ 527 đến 565) là nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinople. Lửa đã tàn phá hai phiên bản trước đây của Hagia Sophia. Justinia bắt đầu xây lại nhà thờ ngay sau hai trận hỏa hoạn, vào năm 523, và hoàn tất sau năm năm. Hagia Sophia mới là một ấn tượng, là ngôi nhà thờ lớn nhất lúc đó. Nó thường được gọi là Kỳ Quan Thứ tám của Thế Giới.

Justinian chọn Isidore ở Miletus (một thầy dạy vật lý và chuyên gia về xây vòm) và Anthemius ở Tralles (một kỹ sư và thiên tài hình học) thiết kế Hagia Sophia. Kết quả như là một phép màu kiến trúc đối với người đương thời. Bên trong nhà thờ gợi lên một cảm xúc siêu việt (xem Hình 9-2). Các cửa sổ, vách tường, và cổng vòm đều nâng cao tầm mắt và tinh thần của bạn hướng về mái vòm trung tâm, như bay lượn trên một vương miện hào quang __ một hình tròn gồm 40 cửa sổ vòng cung cách đều nhau. Trần nhà Hagia Sophia trông không khác mái vòm của tầng trời. Hai tầng cửa sổ vòng cung bên dưới vương miệng đóng góp vào cảm xúc như mình được nâng lên khi bạn bước vào nhà thờ này, bước lên bậc thang ánh sáng về phía Thượng đế.

2

Hình 9-2

Mái vòm vươn cao 184 bộ (61m) tính từ nền và có nền 335 bộ. Để đặt được mái vòm lên hàng cột mảnh mai của khung đỡ cửa sổ, kiến trúc sư phải giảm bớt trọng lượng của nó. Họ làm được điều này bằng cách xây dựng mái vòm từ lớp mỏng bằng gạch. Thêm vào đó, hai nửa mái vòm trên mỗi phía của mái vòm chính và trụ tường ngoài chống lại lực đè của mái vòm __ nghĩa là, chúng làm hầu hết công việc nâng đỡ. Vậy mà những chống đỡ này tích hợp hoàn hảo trong cấu trúc tổng thể đến nổi chúng hình như không chống đỡ gì cả. Chúng trông như có tính trang trí nhiều hơn là thuộc chức năng. Toàn bộ cấu trúc có vẻ như thắng được trọng lực, khiến nó thực sự như một nơi ở cõi trên.

Mosaic đáng kinh ngạc: Nghệ thuật câu đố

Các nghệ sĩ Byzantine cố mô tả tầng trời trong nghệ thuật của họ. (Họ cũng tâng bốc các hoàng đế của họ theo một hình thức được lý tưởng hóa.) Để hoàn thành mục tiêu của mình, các nghệ sĩ Byzantine cần một phương tiện mới để biểu thị nét tráng lệ của đế quốc và thần thánh. Họ chọn tranh mosaic trên tường, mà sau này nghệ sĩ thời Phục hưng Domenico Ghirlandaio (thầy của Michelangelo) gọi tên là “tranh cho vĩnh cữu,”

“Tranh”mosaic không mới. Cách đây nhiều thế kỷ, người La Mã đã tạo ra những nền nhà mosaic tỉ mỉ thường trông như tranh vẽ (xem Chương 8). Vì dân chúng đi lại trên những “tranh” này, nên chúng phải làm bằng những chất liệu bền. Các nghệ sĩ La Mã chọn đá có màu sắc tự nhiên cho phép họ “vẽ” những sắc độ tinh tế của màu sắc nhờ đó có thể thực hiện thành công những hiệu ứng ảo giác như phối cảnh và đánh bóng, như trong Cảnh trong Hài Kịch Mới của tranh tường Pompeii.

Các nền lát mosaic La Mã tuyệt đẹp, nhưng màu sắc hơi mờ đục so với tranh mosaic Byzantine lấp lánh như kim tuyến trang trí. Để tạo ra được hiệu quả lấp lánh này, các nghệ sĩ Byzantine sử dụng kính màu (không phải là thứ mà bạn có thể bước lên) thay vì đá. Bảng màu bao gồm màu xanh ngọc lục bảo, màu xanh lam Địa trung hải, màu tím và đỏ hoàng gia, màu vàng lấp lánh, và kính trong suốt giát lên một nền vàng hay bạc. Hơn nữa kính được cắt theo những góc khác nhau, làm ánh sáng phản chiếu theo đủ mọi hướng. Các mosaic Byzantine hình như tỏa sáng hơn là phản chiếu.

Khuyết điểm của việc sử dụng kính màu là nó không đa dạng như đá tự nhiên. Bạn không có thể tạo ra các sắc độ màu tinh tế cần thiết cho việc đánh bóng và hiệu quả ảo giác. Nhưng các nghệ sĩ Byzantine không theo chủ nghĩa hiện thực. Họ muốn tranh mosaic của mình gợi ra tầm nhìn về thiên đàng.

Ít có tranh mosaic nào còn sống sót ở Constantinople từ thời kỳ Justinian. Tranh mosaic tuyệt vời nhất và sớm nhất là ở Ravenna, Ý, và Salonika,Hy Lạp. Trong bài này, tôi tập trung vào Ravena.

San Vitale: Tranh mosaic thời Justinian và Theodora

Tranh tường mosaic tuyệt vời nhất ở Ravenna là trong Nhà thờ San Vitale và Sant’ Appolinaire Nuovo ở Classe, cảng của Ravenna trên bờ biển Adriatic. Trong bài này tôi bàn về mosaic của San Vitale.

Vào năm 527, Ecclesius, Giám mục của Ravenna, bắt đầu xây dựng San Vitale. Phải mất 20 năm mới hoàn thành, và Ecclesius không sống để nhìn thấy công trình minh. Giám mục Maximianus hoàn thành công trình vào năm 548. Cả hai giám mục đều được mô tả trên tranh tường mosaic trong nhà thờ.

Bước vào San Vitale như bước vào một hòm châu báu. Những tranh mosaic lộng lẫy vẽ các thánh, thiên thần, Christ và các tông đồ, và những hình ảnh của Cựu Ước bao vây lấy bạn như thể bạn đã lạc vào thiên đường. Những vườn cây lấp lánh, bay lượn những loài chim lạ, hoa rừng, trái cây, và vì sao, đan xen với những hình ảnh thiêng liêng.

Jesus xuất hiện ở đỉnh mái vòm, mặc màu tím uy nghi và ngồi lên một quả cầu xanh. Ngài trao vương miện cho người bên phải mình, người tử đạo San Vitale. Ở phía bên kia là Giám mục Ecclesius đưa cho Jesus một mô hình nhà thờ, ám chỉ Nhà thờ San Vitale là để dâng hiến cho cả Christ và St. Vitale (xem hình dưới).

3

Mặc dù Justinian và Theodora có thể chưa bao giờ đặt chân tới Ravenna, họ được mô tả trên các tranh mosaic như là họ đã dự lễ ban thánh thể của nhà thờ vào năm 547 (một năm trước khi Theodora qua đời). Các bức tường phía bắc và nam cho thấy Justinian và đoàn tùy tùng của mình (bức tường phía bắc) và Theodora và các cung tần (bức tường phía nam) tham dự với giám mục Maximianus trong lễ ban thánh thể. Mỗi nhóm đứng thành hàng đối diện bạn như những diễn viên trên sân khấu (xem Hình 9-3).

4

Hình 9-3

Mosaic Theodora: Bức tường phía nam của nhà nguyện

Mặc dù hình không đánh nổi, gương mặt của họ biểu hiện cá tính, nhất là gương mặt của Theodora và hai người phụ nữ ở bên trái bà, có thể là bạn thân nhất của bà Antonina (vợ của tướng Belisarius) và đứa con gái yêu quý Joannina.

Trong tranh này Theodora được mô tả một cách bình đẳng với chồng mình Justinian __ mà đúng là như vậy. Nhà viết tiểu sử của đế quốc Procopius nói, ”Họ luôn sát cánh bên nhau trên mọi vấn đề trong suốt cuộc đời.” Trong một sắc lệnh, ông gọi bà là “Người cộng sự đáng kính nhất của chúng ta do thượng đế ban tặng.” Bà giúp ông viết một số, nếu không muốn nói là hầu hết, các đạo luật. Theodora có ảnh hưởng lớn đến chính sách nhiều hơn bất kỳ hoàng hậu nào khác khi hoàng đế còn sống. Bà khuyến khích ông viết luật để mang quyền lợi cho giai cấp không có đặc quyền và phụ nữ, nhất là gái mãi dâm (một số họ bà còn mời đến lâu đài để chuyện trò và phục vụ trà nước__ hay bất kỳ thứ rượu nào mà họ muốn uống). Bà và chồng cùng nhau xây dựng nhà trú ngụ cho hầu hết gái mãi dâm bị chà đạp. Nhà trú ngụ sau này trở thành một tu viện nơi đó họ được yêu cầu sống như những bà sơ.

Tranh mosaic Justinian: Bức tường phía bắc của nhà nguyện

Bức mosaic Justinian, ở bức tường đối diện với tranh mosaic Theodora, thì ít màu sắc hơn, mặc dù vẫn còn gây ấn tượng. Ông ta cầm một dĩa vàng đựng bánh thánh, trong khi Theodora trên kia cầm cốc đựng bánh thánh. Điều này gợi ý cho thấy họ đồng trị vì ngay cả trong những sự vụ tâm linh. Vây quanh hoàng đế là những người đại diện cho hai quyền lực của ông __ quyền lực thế tục (các lính cận vệ ở xa bên trái) và quyền lực tâm linh (giám mục và thầy tu ở hai bên ông), Giám mục Maximianus, người hoàn thành và ban thánh thể cho nhà thờ, đứng bên trái Justinian. Tên của Maximianus xuất hiện ở phía trên ông ta, không chỉ để nhận diện ông, mà còn xem như ông đã ký tên cho công trình của mình (xem hình). Chú ý là cả Justinian lẫn Theodora đều có hào quang, gợi ý họ được xếp ngang với các thánh, người tử đạo, và các tông đồ.

5

Tranh mosaic trong nhà thờ Thánh Mark, Venice, Ý (Byzantine thời kỳ giữa)

Constantinople cũng để lại một dấu ấn lên Venice, mà nó thống trị trong thế kỷ thứ 8 và 9. Nhà thờ theo phong cách Byzantine đến tận xương. Nhà thờ Thánh Mark được xây vào năm 829 để giữ gìn nắm xương cướp được của Thánh Mark Tông đồ. Còn kiến trúc hiện thời bắt đầu xây từ giữa thế kỷ 11.

Sau khi La Mã sụp đỗ, người dân Venice chọn Thánh Theodore là thánh bảo hộ của mình, một vị thánh nhỏ cho một thành phố nhỏ. Nhưng đến thế kỷ thứ 9, Venice vươn lên và quyết định củng cố cho uy tín của mình bằng cách nhận một vị thánh bảo hộ nổi tiếng hơn. Vì thế vào năm 828 Venice phái hai thủy thủ đến Alexandria để lấy trộm hài cốt của Thánh Mark Tác giả Phúc âm. Điều này đã nâng cao nền tảng tâm linh cần thiết để trở thành một thành phố lớn. Người Venice bắt đầu xây dựng một nhà thờ bề thế vào năm 829 để cất giữ hài cốt của St. Mark. Biểu tượng của St. Mark, sư tử có cánh, trở thành biểu tượng của Venice.

Nhà thờ St. Mark nguyên gốc bằng gỗ bị lửa thiêu rụi trong cuộc nổi loạn vào năm 976. Công trình bắt đầu theo thiết kế hiện thời vào khoảng 1063. Kiến trúc có năm mái vòm một phần theo mẫu của Hagia Sophia (xem Hình 9-2) và Nhà thờ Thánh Tông đồ ở Constantinople, xây dựng ban đầu bởi Constantine vào thế kỷ thứ 4 và sau đó được xây dựng lại vào thế kỷ thứ 6, có lẽ do Theodora.

St.Mark dựa vào Thánh giá Hy Lạp (thánh giá với hai cánh tay tạo thành tam giác đều). Ba trong năm mái vòm dựa vào một cánh tay của thánh giá; hai mái vòm còn lại dâng cao phía trên cánh tay kia. Cổng vòm hình thùng nối dãy mái vòm. Các tranh mosaic trên một nền bằng vàng rực rỡ được dát trên khắp bề mặt của cổng vòm, mái vòm. . .

Bước vào nhà thờ, bạn được các mosaic Sáng Thế chào mừng (1215 - 1289), 26 đoạn từ Sáng thế, bao gồm

Tranh mosaic điểm tô nhiều câu chuyện nổi tiếng của Kinh thánh. Sau loạt tranh Sáng thế ở cổng vào, bạn bước vào nhà thờ tại đó toàn bộ Tân ước được miêu tả phong phú trải rộng ra trước mắt bạn. Cần hơn 700 năm để hoàn thành những tranh mosaic này, bao phủ hơn 26,000 bộ vuông (gần 2,600 m2!). Nhà thờ được xem là nhà nguyện của tổng trấn Cộng hòa Venice cho đến năm 1807, nó mở cửa cho tất cả mọi người (Bên dưới là một số bức mosaic của nhà thờ).

7

Biểu tượng thánh và cuộc tranh luận về việc đả phá biểu tượng thánh

Ngươi không được dâng cho ta bất kỳ hình chạm khắc nào, hoặc bất cứ thứ gì giống vật ở trên tầng trời, hoặc ở dưới mặt đất, hoặc ở dưới nước. _Exodus 20: 4

Vào năm 726, Hoàng đế Leo III, người tuân thủ Điều răn thứ hai một cách nghiêm nhặt, công bố: Phá hủy mọi hình ảnh tôn giáo. Chỉ có những hình trừu tượng được cho phép. Bọn hủy hoại tranh (icomoclast) xông vào nhà thờ và phá hủy các biểu tượng thánh và tranh mosaic của Christ, Mary, và các thánh. Hầu hết các tu viện, tuy vậy, không tuân thủ sắc lệnh __ các thánh tích thu hút khách hành hương và tiền cúng tế! vì thế họ đem dấu các thánh tích nhiều như có thể. Những người yêu thánh tích nếu bị bắt gặp dấu chúng, theo sắc lệnh của Leo, sẽ bị đánh roi và, trong những trường hợp nặng (khi bị bắt với số lượng lớn thánh tích) có thể bị đâm mù mắt hoặc chặt chân tay. Khi các con cháu của Leo lên ngôi hoàng đế, họ vẫn tiếp tục chính sách ấy. Một trăm mười bảy năm sau, hoàng đế đả phá tranh tượng cuối cùng là Theophilus băng hà, và vợ ông, Hoàng hậu Theodora, một người yêu thánh tích kết thúc việc đả phá biểu tượng thánh hoàn toàn.

Sự đả phá biểu tượng thánh không bắt rễ ở nước Ý. Các giáo hoàng chống đối việc đó __ có thể đó là lý do tại sao những tác phẩm mosaic ở San Vitale vẫn còn sống sót đến ngày nay, trong khi rất ít nghệ thuật thế kỷ thứ 5, 6, và 7 tồn tại ở Constantinople.

Một thánh tích được cho là một cửa sổ dẫn đến thiên đường , không phải là cửa sổ đến thế giới. Vì lý do này một biểu tượng thánh biểu thị những đặc điểm siêu phàm của Jesus và Mary, không phải là dáng vẻ trần thế. Cũng vì lý do này, các biểu tượng thánh không có chỗ tối và chỗ sáng. Ánh sáng trên mặt biểu tượng thánh xuất phát từ bên trong, như tâm linh của ông ta. Đó là một lý do tại sao các mosaic là cơ sở chính của nghệ thuật Byzantine: Chúng trông như phát ra ánh sáng, và chúng không cho phép tính hiện thực trần thế.

Khi bạn nhìn vào biểu tượng thánh, bạn có thể nhận thấy là chúng rất giống nhau. Các người Cơ đốc Chính thống tin rằng St. Luke Người Viết Phúc âm đã vẽ những ảnh đầu tiên về Jesus và Mary, và ông biết rõ gương mặt họ thế nào. Vì thế các nghệ sĩ về sau đơn giản chỉ việc sao chép các tranh này, giữ lại các điểm “thật”.

Cũng thế, các nghệ sĩ Byzantine sử dụng tính tượng trưng thay vì biểu diễn gương mặt để truyền đạt tâm linh. Họ cho rằng đặc điểm gương mặt quá trần tục và những người thánh thiện có nhiều cách tinh tế hơn để nói với chúng ta. Các cử chỉ, vật thể trong bàn tay, ngay cả màu sắc của y phục các thánh tất cả đều mang ý nghĩa tượng trưng.

Để các biểu tượng truyền đạt được ý nghĩa, mọi người phải nhất trí về ý nghĩa của chúng. Do đó, các biểu tượng không được thay đổi. Các họa sĩ vẽ biểu tượng thánh phải bám sát nghiêm nhặt các quy tắc chi phối một chi tiết từ hình dáng mũi (dài và cao) đến màu sắc của y phục. Miệng, mũi, và mắt của các biểu tượng thánh không còn có chức năng thế tục (ăn, ngửi, hay nhìn). Chúng có chức năng tâm linh và những hình dáng hợp phong cách phản ánh các chức năng mới này. Miệng thường được khép kín, nhỏ, và chúm chím vì các người cõi trên không ăn nhiều, và không “tám” nhiều. Jesus và Mary thường mặc màu đỏ và xanh. Đỏ biểu thị tính thánh và xanh biểu thị tính người, vì thế Jesus điển hình mặc đỏ sát vào da thịt và xanh cho áo khoác ngoài, chỉ bản chất nội tâm thiêng liêng của ông (đỏ) được bọc trong hình hài con người (xanh). Màu sắc của Mary thì ngược lại (với màu xanh ôm lấy da thịt) vì bà là người phàm đã trở thành thánh nhân (đỏ bên ngoài). Tuy nhiên một số nghệ sĩ không tuân theo quy luật màu sắc này.

Người phương Tây tìm kiếm sự độc đáo trong tác phẩm nghệ thuật; còn người Byzantine thì tìm sự nhất quán. Vì lý do này, một bức tranh biểu tượng thánh vào thế kỷ 12, 15 như Ba Ngôi trong Cựu ước của Andrei Rublev (hình dưới trước) và một bức vào thế kỷ 21 (hình dưới sau) đều nhìn giống nhau khá nhiều (xem Hình 9-4).

10

Hình 9-4

Người Byzantine cũng tin rằng những hình người ba kích thước (nhất là các tượng) quá giống nghệ thuật ngoại giáo đầy dục tính, quá đề cao xác thịt. Vì thế họ sáng tạo một phong cách phẳng dẹt, thêu dệt bằng chủ nghĩa biểu tượng.

Đức Mẹ của Vladimir vào thế kỷ 12 chắc chắn được thực hiện ở Constantinople. Tư thế má kề má của Mary và Hài đồng và mối liên hệ hài hòa của thân thể họ là điển hình, một trong vài tư thế công thức của Mary và Hài đồng cho thấy lòng trắc ẩn của bà. Bức họa sau đó được mang đến Nga, nước đã cải sang đạo Chính thống giáo vào thế kỷ thứ 9 và 10.

Cơ đốc giáo trở thành tôn giáo chính thức của Nga vào năm 988. Các nghệ sĩ Nga đã học được cách vẽ tranh tôn giáo bằng cách sao chép từ Constantinople như bức Đức Mẹ của Vladimir. Sau đó, tranh tôn giáo thực sự là hình thức nghệ thuật duy nhất ở Nga cho đến thế kỷ 17. Họa sĩ vẽ tranh tôn giáo vĩ đại nhất là Andrei Rublev (1370 - 1430), vốn là tu sĩ cũng như nghệ sĩ.

Rublev dẫu bám theo các công thức vẽ tranh tôn giáo nhưng vẫn thể hiện bản sắc riêng. Ông mang đến các biểu tượng của mình tính nhạy cảm độc đáo và phi thường. Trong tuyệt tác Ba Ngôi trong Cựu ước, được vẽ cho một tu viện gần Moskow, các thiên thần vẫn còn dáng vẻ biểu tượng tôn giáo truyền thống: mũi dài thanh tú; miệng nhỏ nhắn trông như không thể nuốt được một hột đậu phọng; cặp mắt hình quả hạnh; kiểu tóc giống hệt nhau ôm lấy khuôn mặt; và y phục phủ đúng cùng một cách.

Vậy mà mỗi thiên thần vẫn lặng lẽ toả ra cá tính riêng của mình. Các tranh của Rublev toát ra sự dịu dàng và tính thi ca nền nã mà những biểu tượng tôn giáo khác thiếu. Thân hình của mỗi thiên thần cong hơi khác nhau; tư thế của họ biểu lộ những cảm xúc thi vị và tâm linh độc đáo. Sự phối hợp của những tư thế và hình thể hài hòa cùng màu sắc phát quang tạo cho bức tranh một chất lượng giai điệu.

Vải liệm Dormition (xem Hình 9-4) là một tranh tôn giáo Chính thống hiện đại do Christine Uveges vẽ vào năm 2004. Cách mô tả, tư thế, cử chỉ, và tính phẳng dẹt của bố cục cho thấy tranh tôn giáo không mấy thay đổi trong một ngàn năm.

Mỉa mai thay, Vải Liệm Dormition, một bức tranh trình bày một quan điểm Chính thống độc đáo liên quan đến ngày cuối cùng của Mary Đồng Trinh trên mặt đất, do Điện Thờ Quốc gia của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã sở hữu (và trưng bày) mà Giáo hội này lại duy trì một quan điểm rất khác về những giờ phút cuối cùng của Mary. Bảo tàng Metropolitan của Giáo hội Thiên chúa Urkrainia cho thực hiện bức tranh này làm món quà tặng Điện thờ Quốc gia Thiên chúa giáo La Mã ở Washington D.C. Mục đích của món quà và mục đích trưng bày tính truyền thống Chính thống giáo tại Điện thờ Quốc gia Thiên chúa giáo là để giúp hàn gắn sự rạn nứt giữa các nhà thờ Đông và Tây, phát sinh từ năm 1054 (xem “Sau khi thất thủ: Phân chia và phân ly,” phía trước trong chương này).

Nghệ thuật Hồi giáo: Những Lộ Trình Kiến Trúc đến Thượng Đế

Vào năm A.D. 610, một thương gia tên Muhammad trú ẩn trong một hang động gần Mecca. Theo Muhammad, giữa đêm khuya, Tổng thiên sứ Gabriel xuất hiện và khải thị cho ông ta những chân lý sẽ trở thành căn bản cho một tôn giáo mới, Hồi giáo. Trong suốt cuộc đời của Muhammad, Gabriel khai sáng ông bằng những mặc khải mà những đệ tử của ông đã ghi chép lại trong quyển sách thiêng liêng của đạo Hồi, kinh Koran. Muhammad không tẩy chai hai tôn giáo độc thần lớn khác, Do thái giáo và Cơ đốc giáo, nhưng ông tuyên bố Thượng đế ra lệnh cho mình phải hoàn thành và làm chúng hoàn thiện. Kinh Koran ca ngợi các nhà tiên tri Do thái, cũng như Jesus.

Muhammad, vừa là lãnh tụ chính trị lẫn tôn giáo, đã cải đạo và thống nhất các bộ lạc Ả rập trước khi qua đời vào năm 632. Trong vòng 100 năm sau khi ông mất, những người kế tục Muhammad, những vua chúa Hồi (kha-lip) truyền bá đạo Hồi bằng cách chinh phục Palestine, Syria, Ai Cập, và phần còn lại của Bắc phi và chiếm đoạt chúng từ tay Đế quốc Byzantine. Họ cũng chinh phạt Tây Ban Nha và tiến sâu vào đất Pháp. Nhưng Charles Martel (ông nội của Charlemagne) đẩy lùi người Hồi tại Trận Poitiers vào năm 732.

Tôn giáo mới thu hút hàng triệu người. Hầu hết những xứ bị chinh phạt đã bị Cơ đốc hóa trong nhiều thế kỷ. Nhưng giờ đây đa số dân chúng đã cải sang đạo Hồi. Người nào không chịu cải đạo vẫn được cho phép giữ đạo mình mà không bị ngược đãi.

Như Moses, Muhammad bãi bỏ các tranh tượng thờ và bất cứ thứ gì liên quan đến thần thánh hóa. Do đó, những xứ Hồi giáo sản xuất rất ít nghệ thuật mô tả người và điêu khắc. Nhưng họ tuyệt vời trong kiến trúc và nghệ thuật trang trí.

Lúc đầu các vua Hồi làm những nhà nguyện tạm thời __một khoảng trống có rào quanh, một nhà thờ Cơ đốc cũ, một sảnh Ba Tư __ cho những người mới cải đạo. Nhưng sau khi người Hồi đã định cư tại những vùng đất mới, họ bắt đầu xây dựng những thánh đường cố định, bề thế, tinh tế. Không có truyền thống nghệ thuật của riêng mình, họ vay mượn những dân tộc mà họ chinh phục __ và vì họ chinh phục quá nhiều vùng đất khác nhau, nên sự giao thoa giữa các ảnh hưởng rất là phong phú. Nhiều nhà thờ Hồi giáo lúc đầu chứa các đặc điểm Byzantine và Ba Tư, tùy thuộc vị trí của chúng. Thánh đường Mutawakkil đồ sộ ở Samarra, Iraq, được xây dựng giữa 848 và 852, chiếm một diện tích gần 10 mẫu, giống một ziggurat Tháp Babel (một điện thờ Mesopotamia cổ __ xem Chương 5). Hiển nhiện, kiến trúc sư đã lấy cảm hứng từ những kiến trúc Mesopotamia cổ.

Nhưng người Hồi chẳng bao lâu phát triển phong cách Hồi giáo độc đáo. Trong những đoạn sau, tôi bàn đến một số ví dụ đẹp nhất của kiến trúc Hồi giáo.

Nhà thờ Cordoba

Nhà thờ Cordoba được xây dựng vào A.D. 786. Cordoba, thủ đô của Tây Ban Nha Hồi giáo, và Baghdad là hai trung tâm văn hóa Hồi giáo lớn nhất trong thế kỷ thứ 8 qua thế kỷ thứ 11. Các vua Hồi mở rộng Thánh đường Cardoba vào cuối thế kỷ thứ 10.

Bên trong, gần một ngàn cột trụ có vòng cung đôi nâng đỡ mái vòm đồ sộ của nhà thờ. Tầng vòng cung trên giạng chân lên vòng cung dưới. Mặc dù những cột trụ được xếp thành hàng, chúng trông như một rừng đá to rộng tỏa ra theo mọi hướng. Cảnh quan phức tạp xuất hiện như đan xen nhau khi bạn bước qua cấu trúc, khiến nhà thờ có vẻ như bất tận.

Kiến trúc cho bạn cảm giác mình đang hành hương về Thượng đế (xem Hình 9-5). Các mê cung của các gian ở cánh đều dẫn ta đến phòng cầu kinh, quay hướng về Mecca. Sự kiện có quá nhiều gian cánh dẫn đến cùng một nơi ám chỉ có nhiều lộ trình đi đến nơi cầu nguyện, nhiều con đường dẫn đến chốn thiêng liêng. Mỗi con chiên phải tìm thấy lộ trình riêng của mình. Điều này khác với các nhà thờ Cơ đốc giáo, nơi đó chỉ có cánh trung tâm, đơn lẻ là có thể dẫn đến bệ thờ, ám chỉ là chỉ có duy nhất một con đường đến với Thượng đế.

12

Hình 9-5

Mỗi nhà thờ đều có một gian khẩn cầu (mihrab) hướng về Mecca. Lối vào mihrab thường được trang hoàng tỉ mỉ vì nó tượng trưng cổng vào thành phố thiêng. Mihrab của Thánh đường Cordoba, một phòng có mái vòm, là đỉnh cao kiến trúc của công trình (xem Hình 9-6). Những hình chạm khắc công phu trên vòng cung lối vào trông như pha trộn giữa ký tự và hình trang trí. Đặc điểm này là điển hình, phản ánh sự kiện người Ả rập là bậc thầy của thư pháp. Trung tâm của mái vòm mihrab là một khung có khảm những hoa lá xanh lục, xanh lá, và đỏ nhạt trên một nền dát vàng. Khung được khớp vào một ngôi sao tám cạnh, cắt ngang bởi những vòng cung rộng mang sức nặng của vòm đến giá đỡ.

Hình 9-6

Alhambra choáng ngợp

Khó có thể tin có thứ gì ấn tượng hơn Thánh đường Cordoba, cho đến khi bạn bước vào lâu đài và nhà thờ phi thường Alhambra. Alhambra được xây dựng giữa những năm 1248 và 1354, khi hầu hết Tây Ban Nha đã được các lực lượng Thiên chúa giáo Reconquista chiếm lại. Granada, cứ điểm cuối cùng của người Hồi ở Tây ban nha, đầu hàng Ferdinand và Isabella vào năm 1492.

Phần tinh xảo nhất của Alhambra là vòm Muqarnas trong Sân Sư Tử, một sân có hồ bao quanh bởi 12 con sư tử đá (xem Hình 9-7). (Chuyện kể rằng vòng cung sư tử có thời sử dụng để coi giờ, mỗi sư tử sẽ phun tia nước vào mỗi giở trong ngày.)

Hình 9-7

Nắp vòm tinh xảo nằm trên nền hình sao rực rỡ tạo bởi 16 cửa sổ (xem hình dưới). Tám đỉnh sao như những cánh hoa đang nở, tỏa ra ánh sáng tràn vào nhà thờ. Nắp vòm và trần nhà hình vuông bọc lấy ngôi sao được làm đẹp bởi vật liệu trang trí như thạch nhủ nhểu xuống. Nhìn kỹ, ta phát hiện ra những điêu khắc tỉ mỉ những kiểu dạng hình học chi tiết. Phong cách này xuất phát từ đâu? Không có thứ gì như thế trong những xứ mà người Ả rập chinh phục. Có lẽ vì các nghệ sĩ Hồi giáo không được phép trình bày hình người, họ trút hết năng lực sáng tạo của mình vào những hình trang trí. NHiều học giả Ả rập chuyên tâm nghiên cứu hình học và các loại số học khác nhau. Thuật ngữ Algebra (Đại số) có nguồn gốc từ chữ Ả rập al-jabr và lượng giác học là môn toán do các nhà toán học Hồi giáo sáng chế. Có thể những thiên tư toán học này bắt rễ trong phong cách nghệ thuật này. Dù bất kỳ lý do gì, các nghệ sĩ Hồi giáo đã tạo ra những hình trang trí đẹp nhất và phức tạp nhất trong lịch sử nghệ thuật.

15

16

Một ngôi đền của tình yêu: Taj Mahal

Khi người vợ yêu quý của Shah Jahan, Mumtaz, chết trong khi sinh nở, số sợi râu bạc của ông tăng hơn ba lần. Ít nhất đó là những gì các sử gia triều đình kể lại. Những người vợ còn lại của Hoàng đế Hồi xứ Mughal thuộc vùng Nam Ấn không thể giúp ông khuây khỏa. Vì thế Shah Jahan cho xây dựng một lăng tẩm đẹp nhất thế giới cho bà, một minh chứng cho tình yêu ông. Kết quả: Đền Taj Mahal ở miền Agra, Ấn độ, ra đời, phải mất 23 năm mới hoàn thành (1631-1654). Ngày này, Taj Mahal, soi bóng mình trên hồ nước kéo dài đến tận cửa vào, được coi là một trong các Kỳ quan Thế Giới.

Công trình pha trộn các phong cách Hồi, Ấn, Ba Tư, và Mughal. Không có phong cách nào vượt trội; tất cả đều hài hòa với nhau. Thật ra, Taj Mahal là một kiến trúc có nhạc điệu, dùng chủ đề hình học và những kiểu dạng biến hóa. Mái vòm củ hành trung tâm cao 213 bộ (71 m) tọa lạc duyên dáng giữa hai mái vòm nhỏ hơn. Mô-típ của mái vòm hiển nhiên là chủ đề chính của kiến trúc. Những biến hóa nhỏ hơn của mái vòm đậy những tòa tháp đóng khung ngôi đền. Những nan hoa nhô ra từ vòm chính được lặp lại trên tất cả mái vòm khác, cũng như mũ vòm trang trí bằng hình cánh hoa sen. Những biến tấu trên chủ đề thị giác chính tương phản gay gắt với những hình chữ nhật và vòng cung biến hóa ở bậc giữa và dưới cùng. (Kiến trúc cần tương phản giống như âm nhạc __ khi vang to khi thì thầm, khi nhanh khi chậm, vân vân.)

Đường cung nhọn của cổng vào chính được vọng lại trên những khung cửa sổ nhỏ hơn có hình thể y hệt ở bên sườn ngôi đền. Vòng cung là mô-típ thị giác thứ hai. Những mái vòm ở bên và mái vòm tháp đậy trên các hành lang, lại tiếp tục chủ đề vòng cung, trong khi thêm thắt biến tấu. Thay vì hình vòng, những vòng cung hành lang có hình cánh hoa như trong phong cách Hồi tiêu biểu. Công trình chạm khắc tỉ mỉ được lặp lại trong các khung cửa sổ.

Để đánh giá hết vẻ tráng lệ của đền này (mà không đến nơi chiêm ngưỡng), hãy cố thực sự nghĩ nó như một bản nhạc thị giác. Tưởng tượng những mái vòm là một mô-típ âm nhạc trầm, là đường giai điệu ngân nga một chuổi những vang vọng __ những mái vòm tháp. Các khoảng mở hình chữ nhật và vòng cung bên dưới mái vòm là đường nhạc nền nâng đỡ giai điệu. Còn các hình chạm khắc kiểu Ả rập trong các hình chữ nhật đóng vai các âm rung, âm láy và những trang trí âm nhạc trong một bản cantat Ba-rốc; chúng làm vui mắt bằng những điều bất ngờ kỳ lạ giữa những hình thể căng phồng của mái vòm và những khung cửa lộng lẫy, mời gọi.

Thật khó tin một tòa nhà nguy nga thế này lại chỉ là một lăng tẩm. Trong bất kỳ trường hợp nào, nó là một đặc điểm được thăm viếng nhiều nhất ở đất nước Ấn độ.

171819

Link nội dung: https://uws.edu.vn/su-nghe-thuat-a66160.html