Một công trình đồ sộ và ý nghĩa
Được khánh thành năm 2010, CVTĐ Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" đã trở nên quen thuộc, là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hình ảnh cụm tượng đài cũng đi vào phim ảnh, MV, video như một điểm nhấn không thể thiếu khi nhắc đến Long An.
Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" gồm nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ cùng quần thể tượng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc"
Công trình CVTĐ có 2 phần chính là tượng đài và công viên, bao gồm các hạng mục: Điêu khắc, 6 trụ rồng và 2 tranh hoành tráng, hồ phun nước nghệ thuật và nhà trưng bày sự kiện lịch sử. Theo thuyết minh viên khu CVTĐ Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" - Lê Thị Như Ngọc, phần điêu khắc của tượng đài có nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ cùng quần thể tượng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" được thể hiện hết sức kỳ công và sâu sắc.
Chị Ngọc nói: “Quần thể tượng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được bố cục theo dáng rồng thiêng đang vươn mình bay lên sau chiến thắng, là biểu tượng của tinh thần hướng tới tương lai tươi đẹp trên nền tảng quá khứ oai hùng mà nhiều thế hệ nhân dân và chiến sĩ Long An đã tạo ra. Trên thân rồng và đầu rồng khắc ghi hình ảnh của người chiến sĩ giải phóng và người mẹ Việt Nam cùng bay bổng trong chiến thắng khải hoàn. Bờm rồng là những khóm lá dừa vươn cao, che chở, ôm ấp cho con người của vùng đất Long An anh hùng. Bệ rồng là con thuyền cách mạng với những lượn sóng thăng trầm mà Đảng là người cầm lái vượt qua bão táp, phong ba, đưa nhân dân và chiến sĩ Long An đến bến bờ chiến thắng. Những hình tượng dân và quân được chạm sâu vào đá, ẩn hiện trong những dãy mây trùng điệp, nâng các nhân vật cùng con thuyền cách mạng bay lên trong không gian, hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại”.
Điểm nhấn từ không gian trưng bày
Ngoài quần thể tượng đầy ý nghĩa và có giá trị nghệ thuật cao, CVTĐ còn có các khu vực nhà trưng bày, một mảnh ghép quan trọng giúp CVTĐ trở thành điểm đến quen thuộc, không thể bỏ qua với du khách gần xa. Khu trưng bày gồm 2 phòng: Phòng trưng bày hiện vật chiến tranh và không gian trưng bày 8 chuyên đề "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".
Phòng trưng bày hiện vật chiến tranh là nơi trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học phụ,... để nêu bật sự sáng tạo, tinh thần kiên cường, dũng cảm của quân và dân Long An theo từng chuyên đề: Tình hình Long An sau hiệp định Geneve (1954-1959), Quân và dân Long An trong phong trào Đồng Khởi (1960 - 1961), Quân và dân Long An trong cao trào phá ấp chiến lược (1961 - 1964), Quân và dân Long An trong phong trào toàn dân đánh Mỹ, diệt ngụy (1965 - 1967), Quân và dân Long An tham gia tổng công kích tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968, Quân và dân Long An trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Từng chuyên đề có nhiều hiện vật liên quan, minh họa sống động cho mỗi thời kỳ, giai đoạn. Đó có thể là những dụng cụ nuôi giấu cán bộ của người dân, chiến lợi phẩm, vũ khí tự tạo từ công binh xưởng,... Tất cả làm toát lên ý nghĩa chung là tinh thần toàn dân đánh giặc.
Hộp hình tái hiện công binh xưởng
Không gian trưng bày 8 chuyên đề "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" được thể hiện bằng các hộp hình với đèn màu và âm thanh sinh động nhằm tái hiện một phần hoàn cảnh sống và chiến đấu của cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 8 chuyên đề ứng với 8 chữ vàng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" của Long An. Mỗi hộp hình là một mảnh ghép giúp Long An trở thành 1 trong 3 nơi được tuyên dương tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ hai, tháng 9/1967 bên cạnh Củ Chi - Đất thép thành đồng và Quảng Nam Đà Nẵng - Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ.
Có thể nói, không gian trưng bày 8 chuyên đề "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" là điểm nhấn quan trọng làm nên sự đặc biệt và sức hút cho CVTĐ Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Một lát cắt của lịch sử được tái hiện sinh động, chi tiết trong các hộp hình. Tham quan không gian trưng bày 8 chuyên đề, du khách được tận mắt nhìn thấy hình ảnh “cầu người” khi các chiến sĩ cách mạng lấy thân mình làm cầu vận chuyển thương binh. “Đó là một hình tượng độc đáo, một minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” - chị Ngọc chia sẻ.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, CVTĐ Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" là điểm đến quen thuộc của mọi tầng lớp người dân trong và ngoài tỉnh, là địa điểm giáo dục truyền thống quan trọng, khẳng định tinh thần đánh giặc ngoan cường của Đảng bộ và nhân dân Long An trong kháng chiến chống Mỹ, xứng đáng với 8 chữ vàng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Theo chị Ngọc, trung bình mỗi ngày, khu CVTĐ đón 1 đoàn khách đến tham quan, và mỗi tháng có khoảng 300 khách lẻ đến khu CVTĐ tham quan, tìm hiểu.
Vì được xây dựng nhằm phục vụ người dân nên CVTĐ mở cửa phục vụ miễn phí cho người dân, khách đoàn và khách lẻ, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Chị Ngọc cho biết: “Tại đây luôn có thuyết minh viên trực để phục vụ khách tham quan. Tại khu trưng bày hiện vật, khách có thể đến tham quan tự do hoặc liên hệ thuyết minh viên hỗ trợ, kể cả khách đoàn hoặc khách lẻ. Riêng đối với không gian trưng bày 8 chuyên đề, do đặc thù khi hoạt động cần phải vận hành một hệ thống lớn bao gồm đèn điện, máy lạnh,... nên chỉ mở cửa phục vụ khi đoàn khách đủ từ 8 người trở lên./.
Quế Lâm
-
(*) Bài viết tham khảo từ tài liệu thuyết minh khu Công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".
Link nội dung: https://uws.edu.vn/cong-vien-tuong-dai-tan-an-a63636.html