Những quan niệm khác nhau về rằm tháng 7
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tháng 7 âm lịch phổ biến có ba lễ theo quan niệm của Đạo giáo (xá tội vong nhân), Phật giáo (Vu Lan bồn) và thần sát (Tết Trung nguyên).
Gắn với mỗi quan niệm lại có những hoạt động, nghi thức cúng lễ khác nhau.
Lễ Vu Lan của Phật giáo bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát kiếp ngạ quỷ, vì vậy còn gọi là lễ "Vu Lan báo hiếu". Phật giáo Nhật Bản tổ chức Vu Lan với nghi thức "bông hồng cài áo".
Trong lễ Vu Lan của người Việt còn có nghi thức "thí thực". Dân gian gọi là lễ cúng cô hồn. Nhà chùa nấu cháo trắng, múc ra các lá đa, bày thêm gạo, muối và một số lễ vật khác, thắp đèn, nến, tụng kinh, niệm chú để các vong hồn, ngạ quỷ được ăn uống no đủ, siêu thoát.
Ngoài ra, theo quan niệm của lịch pháp và thần sát, tháng Giêng là khởi đầu của mùa xuân và mùa hạ (nửa đầu năm). Tháng 7 là khởi đầu của mùa thu và mùa đông (nửa cuối năm).
Chính vì vậy, rằm tháng Giêng (tết Thượng nguyên), rằm tháng 7 (tết Trung nguyên), các gia đình đều tổ chức cúng lễ, tạ ơn trời đất, thần Phật, tổ tiên... Mỗi dân tộc, tùy theo tập quán của mình mà sắm sửa lễ vật, tiến hành các nghi thức cúng tế, không có chế định chung.
Nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải cho biết, không chỉ người Việt, một số dân tộc cũng tổ chức "Tết" trong tháng 7 âm lịch với nghi thức, ý nghĩa theo quan niệm, tập quán riêng của họ.
Chẳng hạn, người Tày ở Hà Giang gọi rằm tháng 7 là "tết Chỉn Chất". Con gái đã đi lấy chồng sẽ đem thịt vịt, chuối khô và một số lễ vật về nhà để bày tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ đẻ, tổ tiên.
Người Dao đỏ ở Yên Bái lấy ngày 14 âm lịch là ngày chính rằm, nhưng thực tế họ tổ chức như ăn Tết Nguyên Đán trong cả tháng 7. Người Cao Lan tổ chức rằm tháng 7 với ý nghĩa báo hiếu tổ tiên, cha mẹ bằng đặc sản không thể thiếu là bánh gai.
Rằm tháng 7 cúng ngày nào, giờ nào đẹp nhất?
Không riêng người Việt coi trọng rằm tháng 7, nhân dân nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal.. đều rất coi trọng ngày này vì hiếu nghĩa là đạo đức lớn nhất trong vũ trụ.
Khi cúng rằm tháng 7, nhiều gia đình thường tổ chức cúng bái linh đình, đốt nhiều vàng mã… Không ít người thậm chí thuê cả xe tải chở hàng trăm bộ vàng mã để "hóa" cho tổ tiên nội, ngoại. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, việc làm này chỉ đem lại sự lãng phí.
"Cúng bái linh đình, đốt nhiều vàng mã chỉ lãng phí. Nếu cúng lễ lớn mà được lộc lớn thì đã không ai cần làm việc, cố gắng. Ý nghĩa và "hiệu quả" của việc lễ bái nằm ở chỗ thành tâm và sám hối.
Khi làm lễ, mỗi người phải thực sự có tình cảm tưởng nhớ, tiếc thương, cầu mong cho các vong hồn được bình an, siêu thoát, đồng thời tự kiểm điểm, sám hối những sai lầm của bản thân", ông Hải nói.
Liên quan đến câu hỏi "năm Nhâm Dần 2022, người dân cúng rằm tháng 7 vào giờ nào, ngày nào là đẹp nhất?", ông Hải cho rằng, theo truyền thống thì nên cúng đúng vào ngày rằm, ngày này thì giờ nào cũng tốt.
Ngoài ra, nếu muốn chọn ngày chọn giờ thì có thể tham khảo cúng vào các ngày giờ sau: Ngày 13/7 âm lịch (từ 9-11h); ngày 15/7 âm lịch (từ 7-9h, 11-15h hoặc 17-19h); ngày 16/7 âm lịch (từ 9-11h); ngày 17/7 âm lịch (từ 7-9h, 11-15h); ngày 25/7 âm lịch (từ 9-11h, 15-17h); ngày 26/7 âm lịch (từ 7-11h, 13-15h); ngày 28/7 âm lịch (từ 9-11h).
Mỗi người có thể tự cúng giống như các lễ cúng trong dịp Tết Nguyên Đán, không cần mời thầy.
Khi chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7, người dân nên chuẩn bị theo cách truyền thống, gồm cơm, canh, rượu, nước, hương, đèn (nến), hoa quả, vàng mã, gạo muối… và một vài bộ quần áo mã để cúng tổ tiên.
Bên cạnh việc chú trọng đến mâm cúng, nếu có điều kiện, các gia đình nên phóng sinh, ăn chay, bố thí cho chúng sinh thông qua nhà chùa.
"Khi cúng rằm tháng 7 không bắt buộc phải sắm một mâm cỗ chay, một mâm cỗ mặn. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà sửa soạn mâm cúng cho phù hợp.
Không lễ vật nào lớn hơn tình thương, sự bao dung và lòng sám hối của người cúng lễ. Mâm lễ không quyết định kết quả của việc lễ cúng", ông Hải nêu quan điểm.
Về cách hành lễ, theo chuyên gia này, các gia đình cần phải dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sạch sẽ, gọn gàng, chuẩn bị các đồ thờ tự đầy đủ, bày lễ sẵn sàng.
Khi hành lễ, gia chủ cần mặc quần áo chỉnh tề, không uống rượu bia, không nóng giận, không nói tục, tập trung tinh thần vào lễ cho thật trang nghiêm. Con cháu, người thân tham gia lễ cúng phải ngồi đúng thứ tự, ngay ngắn.
Link nội dung: https://uws.edu.vn/thang-7-am-lich-2022-ngay-nao-tot-a62041.html