12 Cây Ngải trong sách đông y biệt dược có thể bạn quan tâm!

Nhiều quí vị chỉ biết tới 1 loại ngải, đó là ngải cứu. Hôm nay tinhdaungai.net sẽ giới thiệu đến quý vị hẳn 12 loại ngải trong sách những cây thuốc biệt dươc. Dưới đây là tổng hớp tất cả những loại ngải trên thế giới hiện đang có. Rất nhiều loại ngải có công dụng tốt không chỉ mình ngải cứu.

1/ Ngải chân vịt

Ngải chân vịt, Tan quy - Artemisia lactiflora Wall. ex Bess, thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả:

Cây thảo thơm, cao 0,8-1,5m. Thân thẳng, có rãnh dọc, màu tím tía. Lá có phiến một lần kép gồm 3-5 lá chét xoan, to đến 5x 3,5cm, lúc khô đen, không lông, gân phụ 2-3 cặp, mép có răng to, thưa. Nhánh không dài, mang các hoa đầu nhóm thành chuỳ, không cuống, màu trăng trắng, cao 4-6mm; hoa toàn hình ống, hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế không có lông mào. Hoa quả vào mùa hè, thu.

Bộ phận dùng:

Toàn cây - Herba Artemisiae Lactiflorae, thường gọi là Bạch bao hao.

Nơi sống và thu hái:

Cây được trồng ở các vùng miền núi. Thu hái cây quanh năm, tốt nhất là lúc cây chưa ra hoa, dùng tươi hay phơi trong râm mát cho khô.

Tính vị, tác dụng:

Vị ngọt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng hoạt huyết, lợi tiểu, tiêu viêm, tiêu sưng phù.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng cây ngải cứu
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng cây ngải cứu vừa rẻ vừa hay!

Công dụng:

Thường dùng chữa:

1. Kinh nguyệt không đều, bế kinh;

2. Viêm gan mạn tính, viêm gan vàng da;

3. Viêm thận, phù thũng, bạch đới;

4. Khó tiêu, đầy bụng, thoát vị. Dùng 10-20g, dạng thuốc sắc, không dùng cho phụ nữ có thai.

Dùng ngoài chữa đòn ngã, vết thương chảy máu, bỏng loét, eczema. Giã cây tươi đắp ngoài, hoặc nghiền thành bột băng bó vết thương.

Đơn thuốc:

1. Vô kinh hoặc đau bụng trước kỳ kinh: Ngải chân vịt tươi 30-60g đun với rượu và nước vàuống với ít đường.

2. Bạch đới: Ngải chân vịt tươi 30-60g, sắc uống.

3. Bầm dập: Ngải chân vịt tươi 60g, củ Hẹ tươi 30g, giã chung và tẩm rượu dùng đắp.

2/ Ngải cứu

Ngải cứu, Thuốc cứu - Artemisia vulgaris L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả:

Cây thảo sống dai, cao khoảng 1m, thân có rãnh dọc. Lá mọc so le, xẻ nhiều kiểu, từ xẻ lông chim đến xẻ thuỳ theo đường gân, mặt trên xanh đậm, mặt dưới trắng xanh, có lông. Hoa đầu màu lục nhạt, xếp thành chùm xim. Mùa hoa quả tháng 10-12.

Bộ phận dùng:

Phần cây trên mặt đất và lá hay Ngải diệp - Herba et Folium Artemisiae Vulgaris.

Nơi sống và thu hái:

Cây của miền Âu Á ôn đới, mọc hoang và thường được trồng. Thu hái các ngọn cây có hoa và lá, dùng tươi hay phơi trong râm cho đến khô dùng dần. Nếu tán nhỏ rồi rây lấy phần lông trắng và bột, gọi là Ngải nhung dùng làm mồi cứu.

lưu ý khi sử dụng Cây ngải cứu
Cây ngải cứu tuy tốt nhưng cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ!

Thành phần hoá học:

Trong cây có tinh dầu (0,2-0,34%) mà thành phần chủ yếu là cineol, - thuyon, dehydro matricaria este, tetradecatrilin, tricosanol, arachol alcol, adenin, cholin. Trong cụm hoa có tinh dầu với hàm lượng cineol cao nhất, ở các chồi tươi và khô, hàm lượng cineol có khi tới 30%.

Tính vị, tác dụng:

Ngải cứu đã phơi hay sấy khô có vị đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng điều hoà khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, cầm máu. Ở Ấn Độ, người ta cho biết cây có tác dụng điều kinh, trị giun, kháng sinh và lợi tiêu hoá; rễ bổ và kháng sinh.

Công dụng:

Thường dùng chữa:

1. Chảy máu chức năng tử cung (băng huyết, lậu huyết, bạch đới ở phụ nữ do tử cung lạnh), đe doạ sẩy thai;

2. Đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt khó khăn do thiếu máu và các nguyên nhân khác. Dùng ngoài trị bụng lạnh đau, đau dạ dày, đau khớp, eczema, ngứa.

Cách dùng:

Dùng tươi hay phơi khô tán thành bột, hãm hoặc sắc uống. Ngày dùng 6-10g. Thường phối hợp với Ích mẫu, Cỏ gấu để điều hoà kinh nguyệt. Phối hợp với Gừng sống trị hàn lỵ ra huyết. Phối hợp với Hà thủ ô (liều bằng nhau), Phèn phi (2/10), kẹo Mạch nha làm hoàn làm thuốc bổ máu, trị sốt rét kinh niên. Có thể trộn bột Ngải cứu với Mạch nha, mật ong làm thuốc bổ máu. Ngải cứu khô ngâm với rượu trắng hay nước cơm rượu nếp dùng uống hoạt huyết, bổ huyết. Lá Ngải cứu hơ nóng chườm bụng trị đau bụng, dùng gối đầu trị đau đầu. Nước Ngải tươi giải nóng, giải nhiệt. Có thể nấu thành cao, dùng riêng hoặc phối hợp với các loại thuốc khác.

3/ Ngải đắng

Ngải đắng, Ngải áp xanh - Artemisia absinthium L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả:

Cây thảo cao 0,4-1m, sống dai, màu trăng trắng, phân nhiều nhánh, rất thơm. Lá dạng trứng, các lá phía dưới hai hay ba lần chia lông chim, có cuống và có lông mềm, màu lục ở trên, màu trắng trắng ở dưới. Hoa màu vàng xếp thành đầu nhỏ hình cầu, các hoa đầu này lại xếp thành chùm bên trái ra, tạo thành dạng chuỳ có lá, đế hoa có lông, lá bắc của bao chung màu lục và dạng vẩy nhiều hay ít; tất cả hoa đều hình ống. Quả bế, rất nhỏ, nhẵn, không có mào lông. Ra hoa tháng 1.

Tinh dầu ngải có thể làm tại nhà!
Tinh dầu ngải có thể làm tại nhà!

Bộ phận dùng:

Lá và phần cây trên mặt đất - Folium et Herba Artemisiae Absinthii.

Nơi sống và thu hái:

Phổ biến ở châu Âu, một phần châu Á và Bắc Phi trên đất khô và ở núi. Nước ta nhập trồng ở Sapa, tỉnh Lào Cai.

Thành phần hóa học:

Lá và ngọn cây mang hoa chứa tinh dầu, absinthole, những chất đắng trong đó có glucosid absinthin, artemisitin và các vết C và B6. Tính vị và tác dụng: Vị đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng bổ, lợi tiêu hóa, hạ nhiệt, làm dịu đau, chống ho, trừ giun và điều kinh. Hoa có tác dụng trị giun và bổ.

Công dụng:

Được dùng chữa chứng đầy hơi và đau dạ dày, đau gan, huyết áp cao, ho, sốt, sốt rét gián cách; thường dùng làm thuốc trị giun sán. Dùng dưới dạng thuốc hãm, cồn chiết, rượu thuốc, còn dùng chiết làm nước uống, làm thơm rượu vang và những thức uống khác. Không dùng cho phụ nữ có thai.

Ở Tuynidi, người ta còn dùng quả và lá phơi khô rồi quấn làm thuốc hút, hoặc sắc uống làm thuốc trị sốt và trị cúm.

4/ Ngải giun

Ngải giun, Thanh cao biển - Artemisia maritima L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả:

Cỏ thơm, cao 30-80cm, lá hoa đầy lông nhung trắng.Lá có phiến tròn dài, 2 lần xẻ thành đoạn hẹp đều, cuống dài. Hoa đầu cao 4mm; lá bắc nhiều hàng, tròn dài, có mép mỏng mỏng; toàn hoa ống, hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế nhỏ, không có mào lông. Hoa tháng 7.

Bộ phận dùng:

Ngọn cây có hoa và hạt - Inflorescentia et Semen Artemisiae Maritimae. Nơi sống và thu hái: Cây nhập trồng ở Hà Nội và các nơi khác (Tam đảo) làm thuốc trị giun.

Thành phần hóa học:

Trong cây chứa tinh dầu (có cineol, canphen, thuyon), santonin (1-2%) với -santonin và pseudosantonin, chất đắng arteminsin, nhựa, muối.

Cây ngải cứu dùng làm thuốc chữa bệnh rất hiệu quả!
Cây ngải cứu dùng làm thuốc chữa bệnh rất hiệu quả!

Tính vị và tác dụng:

Vị đắng, mùi thơm; có tác dụng trị giun, làm lành sẹo.

Công dụng:

Được dùng làm thuốc trị giun (giun kim, giun đũa) và vết thương mất trương lực. Để trị giun, dùng nước hãm 2-10g dược liệu cho vào 1 lít nước. Đun sôi ít phút rồi hãm trong 10 phút. Uống 2-4 tách trong ngày, hoặc mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng; liên tiếp 2-3 ngày. Có thể làm thành thuốc bột để uống: 1-8g tùy tuổi, trộn với mật, sữa; điều trị trong 2-3 ngày, sau đó dùng một liều thuốc xổ sau khi uống thuốc lần cuối 2 giờ. Để trị vết thương, dùng một nắm dược liệu cho vào 1 lít nước đun sôi lấy nước rửa.

5/ Ngải hoa vàng

Ngải hoa vàng, Hoàng hoa hao, Thanh hao - Artemisia annua L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả:

Cây thảo mọc hằng năm, thơm, cao đến 1m; thân có rãnh, gần như không lông. Lá có phiến xoan, 2-3 lần kép thành đoạn hẹp nhọn, không lông. Chùy cao ở ngọn mang chùm dài, hẹp; hoa đầu cao 1,8-2mm; lá bắc ngoài hẹp, có lông xanh, lá bắc giữa và lá bắc trong xoan rộng; hoa hoàn toàn hình ống, cỡ 15 cái; hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế nhẵn, cao 0,5mm, không có mào lông. Hoa tháng 6-11, có quả tháng 10-3. Thường lụi vào tháng 5.

Bộ phận dùng:

Toàn cây - Herba Artemisiae Annuae, thường gọi là Thanh hao.

Nơi sống và thu hái:

Loài phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang dại ở ruộng, bờ ruộng, dọc theo các làng mạc miền núi Lạng Sơn, Quảng Ninh. Hiện nay, chúng ta đã gây trồng và tạo được giống tốt cho năng suất cao Thành phần hóa học: Cây chứa Artemisinin và tinh dầu (0,3%) gồm chủ yếu là Artemisia kenon, pinene, cineol, l-camphor.

Tính vị và tác dụng:

Vị đắng, cay, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải thử, trừ chưng, triệt ngược; còn có tác dụng lợi tiêu hóa, lợi tiểu.

ngon non của cây Ngải cứu
Ngọn cây Ngải cứu!

Công dụng:

Ngải hoa vàng được dùng chữa sốt nóng khát nước, phiền nhiệt ra mồ hôi, tối nóng sáng mát, thận chưng lao nhiệt, sốt rét cơn, bệnh vàng da và bệnh ngoài da. Ngải hoa vàng cùng các chiết xuất của nó đã được dùng chữa bệnh sốt rét từ lâu.

Ngày nay, chúng ta đã chọn được giống Ngải hoa vàng có hàm lượng artemisinin cao, có thể thu được từ 3,5-5kg artemisinin trên 1 tấn nguyên liệu lá. Chúng ta cũng đã sản xuất ra các mặt hàng artemisinat có hiệu quả cao trong điều trị sốt rét ác tính.

Đơn thuốc:

1. Chữa bệnh kết hạch, sốt cơn, mồ hôi trộm, ăn uống kém: Dùng Ngải hoa vàng 8-16g, sắc uống.

2. Chữa trẻ em cảm gió, phát sốt, kinh giật: Lá Ngải hoa vàng 10g, giã nhỏ chế nước sôi vào hòa đều, gạn lấy nước cốt cho uống.

3. Chữa lở ghẻ ngứa gãi: Dùng Ngải hoa vàng nấu nước tắm rửa, ngâm, xát.

6/ Ngải lục bình

Ngải lục bình, Ngải hùm - Eurycles amboinensis (L.) Loudon (E. sylvestris Salisb.) thuộc họ Thuỷ tiên -Amaryllidaceae.

Mô tả:

Cây thảo cao 0,7-1m. Lá rộng, có phiến hình tim, màu xanh dợt, gân cong, cuống hình máng. Tán hoa bao gồm 20-30 hoa xuất hiện vào tháng 6-7, trên một trục dài 30-60cm, mọc ở nách những lá đã rụng. Hoa trắng hay vàng nhạt, to, có cuống ngắn bao bởi 2 mo hình ngọn giáo, 6 phiến bao hoa như nhau đính ở gốc, 6 nhị đính trên ống, bầu dưới. Quả nang tròn, thường chứa một hạt hình cầu.

Bộ phận dùng:

Lá, củ - Folium et Tuberculum Euryclis. Nơi sống và thu hái: Cây mọc phổ biến ở Lào, Malaixia, Philippin, châu Đại Dương. Ở miền Nam nước ta, gặp ít hơn. Thường được trồng làm cảnh. Thu hái lá quanh năm.

Công dụng:

Thường dùng chữa nóng sốt, dịch hạch, kinh nguyệt không đều. Người ta dùng lá để đắp tiêu sưng. Ở Inđônêxia, người ta dùng củ của nó để nhai, nhằm làm dịu cơn đau và các cơn choáng do ngộ độc cá và giáp xác độc.

7/ Ngải mọi

Ngải mọi, Riềng rừng - Globba pendula Roxb. (G. calophylla Ridl., G. panicoides Miq.) thuộc họ Gừng -Zingiberaceae.

Mô tả:

Cây thảo cao 30-40cm; bẹ nhẵn, chỉ có lông mi ở mép. Lá tròn ở gốc, mà gốc phiến men theo cuống lá, hơi có gợn ở mặt dưới, nhẵn ở trên, dài tới 12cm, rộng 3cm. Chuỳ hoa dài 5-10cm; nhánh ngắn mang hoa và truyền thể trắng nhọn, ở nách lá bắc; hoa màu vàng nghệ; lá đài 3, cánh hoa 3 đính thành ống đài; nhị lép 2, to, vàng, môi lõm ở đầu; bao phấn có 2 cánh; bầu tròn, không lông. Quả mọng trắng, to 5-6mm; hạt có áo hạt. Có hoa tháng 7-8. Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Globbae Pendulae.

hình ảnh cây ngải cứu
Ngải cứu

Nơi sống và thu hái:

Loài của Việt Nam, Malaixia, Inđônêxia. Ở nước ta, cây mọc trong rừng thường xanh từ thấp tới độ cao 1000m.

Công dụng:

Dân gian dùng cây chữa sốt và thấp khớp và có nơi dùng lá giã ra lấy nước uống giải độc rượu. Ở Malaixia, người ta cũng dùng cây trị thấp khớp và nấu nước cho phụ nữ mới sinh đẻ uống.

8/ Ngải nạp hương đầu to

Ngải nạp hương đầu to, Kim đầu đầu to - Blumea megacephala (Randeria) Chang et Tseng (B. chinensisDC., B. riparia (BluMe) DC. var. megacephala Randeria), thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả:

Dây leo thành bụi cao 1-3m, có nhánh hình trụ, có sọc dọc mịn, nhiều. Lá xoan, xoan ngược, thuôn, thon hẹp dài ở gốc, nhọn ngắn ở đầu, dài 7-10cm, rộng 2,5-4cm, nhẵn và mép có răng cưa thưa. Hoa đầu ít, to 1,5-2cm, màu vàng rơm, ở các nhánh bên có lá; lá bắc 6-7, dày, các lá bắc ngoài hình trái xoan, cong, các lá bắc trong hình dải. Quả bế cao 1,5mm hay hơn, có lông mào mịn trắng, dài 5-7mm, có 10 cạnh.

Bộ phận dùng:

Lá và rễ - Folium et Radix Blumeae Megacephalae. Nơi sống và thu hái: Loài của Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia. Ở nước ta, cây thường gặp ở độ cao 600-700m, từ các tỉnh phía Bắc tới Quảng Trị.

Công dụng:

Lá và ngọn non có thể dùng nấu canh ăn. Ở Malaixia, lá và cuống lá được dùng như thuốc lợi tiêu hoá, sát trùng và làm ra mồ hôi. Rễ được dùng sắc uống trị ho. Rễ cũng có thể sắc uống bổ máu cho phụ nữ sau khi sinh (Viện Dược liệu).

9/ Ngải Nhật

Ngải Nhật, Mẫu hao - Artemisia japonica Thunb., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả:

Cây thơm, mọc nhiều năm, đứng cao 50-150cm. Lá không cuống, phiến thon ngược, nhỏ, dài 2-4cm, từ từ hẹp lên ngọn và nhánh, không lông. Chuỳ hoa mang chùm dài, hẹp, nhánh mang nhiều hoa đầu gắn một bên; hoa đầu có cuống, cao 2mm. Lá bắc có mép trong, không lông; hoa hình ống cả, hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế không có mào lông, cao 0,5mm. Hoa tháng 9-12.

Ngọn búp cây ngải cứu khi còn nhỏ!
Ngọn búp cây ngải cứu khi còn nhỏ!

Bộ phận dùng:

Toàn cây - Herba Artemisiae Japonicae, thường gọi là Mẫu hao. Nơi sống và thu hái: Cây mọc dọc đường đi, trên đất có cát nhiều nơi từ Lạng Sơn, Hà Bắc, Hoà Bình, Ninh Bình, Hà Nội đến Kontum, Lâm Đồng. Thu hái vào mùa xuân hạ, mùa thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hoá học:

Có tinh dầu. Tính vị, tác dụng: Vị đắng, hơi ngọt, tính bình, mùi thơm; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải thử, khư phong thấp, chỉ huyết.

Công dụng:

Trị:

1. Cảm sốt, đau đầu (cảm mạo do nắng, sốt không ra mồ hôi);

2. Sưng amygdal, lở miệng;

3. Sốt rét;

4. Lao phổi kèm theo sốt, lao xương;

5. Huyết áp cao. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, giã cây tươi với lượng vừa đủ làm thuốc đắp trị: vết thương chảy máu, viêm mủ da, eczema, mụn nhọt, rắn độc cắn. Cũng dùng chữa đau răng, chảy máu cam, đái ra máu, bỏng nước sôi, đau nhức do phong thấp.

Đơn thuốc:

1. Sưng amygdal: Cây tươi Ngải Nhật 30-60g, thái nhỏ đun sôi uống.

2. Lao phổi có sốt, kéo dài thành sốt nặng: Ngải Nhật 10g, Địa cốt bì 15g, sắc uống.

10/ Ngải rợm

Ngải rợm, Phá lúa, Hạ túc - Tacca integrifolia Ker-Gawl. (T. laevis Roxb.), thuộc họ Râu hùm - Taccaceae.

Mô tả:

Cây thảo có thân rễ hình trụ dài hơn 10cm, có nhiều rễ. Lá thuôn, chóp nhọn dài hình đuôi, gốc thắt nhọn, dài 35-40cm, rộng 6-15cm, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt; cuống ngắn. Cụm hoa là tán trên một cán hoa dài, nhẵn, màu lục sẫm tía; bao chung gồm có các lá bắc gần như nhau; lá bắc con hình sợi, dài. Hoa 6-30, màu lục tím, có cuống dài. Bao hoa hình ống có 6 thuỳ rủ; nhị 6; bầu dưới hình nón ngược; đầu nhuỵ có 6 thuỳ. Quả thuôn, dài 2cm, có cạnh dọc biến thành cánh. Ra hoa vào tháng 4-6.

Bộ phận dùng:

Toàn cây - Herba Taccae Integrifoliae.

Nơi sống và thu hái:

Cây mọc ở những nơi đất ẩm trong rừng khắp nước ta, từ Lào Cai qua Hà Nội tới Ninh Bình. Thu hái thân rễ quanh năm, tốt nhất là vào mùa thu, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.

Xông hơi bằng ngải cứu trị bệnh, làm đẹp!
Xông hơi bằng ngải cứu trị bệnh, làm đẹp!

Tính vị, tác dụng:

Vị đắng, tính mát; có tác dụng lý khí chỉ thống, khư ứ sinh tân, tiết ngược.

Công dụng:

Dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, tắc kinh. Ngày dùng 10-20g, sắc uống hay nấu cao lỏng hay cao mềm rồi trộn với tá dược làm viên uống. Ở Trung Quốc, cây được dùng chữa sốt rét, viêm dạ dày và hành tá tràng, viêm dạ dày mạn tính, sưng đau hầu họng; dùng ngoài trị mụn nhọt lở ngứa. Phụ nữ có thai không nên dùng.

11/ Ngải thơm

Ngải thơm, Thanh hao lá hẹp, Thanh cao rồng - Artemisia dracunculus L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả:

Cây thảo sống nhiều năm, cao 90cm; thân mọc thẳng đứng, mảnh, phân nhánh. Lá không cuống, nhẵn, nguyên hay hơi có răng, hình ngọn giáo dài 3-8cm, rộng 2-4mm. Cụm hoa đầu ở nách lá, cuống dài đến 1,5cm, mảnh; bao chung cao 2mm; lá bắc dày, hoa hình ống màu lục hay trắng, có lông. Quả bế nhẵn, dài 0,6mm.

Bộ phận dùng:

Toàn cây, lá - Herba et Folium Artemisiae Dracunculi.

Dùng tinh dầu ngải có hết đau nhức xương khớp không?
Tinh dầu ngải xoa dịu cơn đau nhức xương khớp nhanh chóng!

Nơi sống và thu hái:

Loài của Nam Âu châu, Ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ, Xihêri, được thuần hoá ở nhiều nước. Ta có nhập trồng làm cây gia vị. Có thể trồng bằng cách tách cây vào mùa xuân và mùa thu, có thể dùng cành giâm vào mùa xuân. Cây ưa đất tốt, không ẩm ướt và cũng chịu được sáng.

Thành phần hoá học:

Cây chứa chất đắng và tinh dầu. Hàm lượng tinh dầu trong cây là 0,3% gồm có: methyl chivacol (60-70%) và một ít aldehyl p-methoxycinnamic. Trong cây cũng có isocoumarin, artemedinol; cũng có rutin. Tính vị, tác dụng: Toàn cây có mùi thơm, có tác dụng trừ giun, khai vị, lợi trung tiện, lợi tiêu hoá, lợi tiểu, điều kinh, gây ngủ, hạ sốt.

Công dụng:

Lá dùng làm gia vị, người ta dùng cây tươi hay khô, để tăng mùi vị cho thức ăn hoặc thay thế một số chất thơm hay rượu mùi. Cây được dùng làm thuốc trị sưng viêm, đau răng và loét. Cũng dùng trị các vết cắn, vết đốt của động vật có độc. Rễ được dùng trị sâu răng.

12/ Ngải tiên

Ngải tiên - Hedychium coronarium Koenig, thuộc họ Gừng - Zingiberaceae.

Mô tả:

Cây thảo cao 1-2m, có thân giống cây Gừng. Lá không cuống, hình mũi mác hay hình dải mũi mác, nhọn cả hai đầu, nhẵn ở mặt trên, có lông dễ rụng ở mặt dưới, dài tới 60cm, rộng 12cm, thon. Cụm hoa hình trứng, dạng nón của cây thông; lá bắc hẹp. Hoa to màu trắng, rất thơm; đài dạng ống không có răng, tràng có ống dài và có 3 thuỳ hẹp; nhị có chỉ nhị trắng, nhị lép xoan ngược, có móng dài; cánh môi xoan ngược có móng dài, chẻ đến tận giữa thành 2 thuỳ tròn. Ra hoa từ tháng 6-10.

Bộ phận dùng:

Thân rễ, quả - Rhizoma et Fructus Hedychii Coronarii.

Nơi sống và thu hái:

Loài phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Malaixia, Úc và Việt Nam. Cây mọc ở những vùng có khí hậu mát lạnh và được trồng rộng rãi khắp nước ta. Thu hái thân rễ vào mùa thu, đông; dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hoá học:

Hoa chứa 0,05-0,07% một chất sánh với mùi thơm gia vị, cho ra 50-57,8% một chất dầu đặc. Nếu chưng cất bằng hơi nước, chất đông đặc và chất dầu này sẽ cho tinh dầu (hàm lượng 19%) có giá trị cao trong hương liệu. Rễ tươi chứa tinh dầu (1,7%) mà trong thành phần có eucalyptol.

xông hơi bằng ngải cứu trị bệnh, làm đẹp!
Xông hơi bằng ngải cứu trị bệnh, làm đẹp!

Tính vị, tác dụng:

Vị cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng khư phong trừ thấp, ôn trung tán hàn. Tinh dầu có tính gây trung tiện, trừ giun.

Công dụng:

Thường được dùng chữa đau bụng: Thân rễ khô 6-12g sắc uống hoặc tán bột uống. Cũng dùng chữa rắn cắn: Lấy thân rễ tươi giã lấy nước uống, bã đắp. Ở Hawaii cây được dùng làm thuốc trị thối mũi. Rễ cây tán bột được dùng làm thuốc hạ nhiệt ở Ấn Độ. Ở Môluyc, người ta dùng làm thuốc súc miệng; cũng dùng làm thuốc trị tê thấp ở Ấn Độ, tinh dầu cũng được sử dụng làm thuốc trị giun. Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân rễ trị đòn ngã tổn thương, phong thấp gân cốt nhức mỏi, cảm mạo đau mình mẩy, bạch đới nóng lạnh. Quả dùng trị dạ dày bụng đầy trướng, ăn uống không tiêu.

Xem thêm: Tinh dầu ngải cứu!

Link nội dung: https://uws.edu.vn/hinh-anh-cac-loai-cay-ngai-a50451.html