[Review Sách] "Cứ Làm Đi": Đập Tan Bế Tắc Trong Công Việc Và Duy Trì Ngọn Lửa Sáng Tạo - YBOX

Duy trì sức sáng tạo và loại bỏ mọi bế tắc ra khỏi tâm trí là hai quá trình song hành với nhau để tạo nên hiệu quả trong công việc cũng như trong đời sống cá nhân. Nhưng câu hỏi ở đây là: “Làm thế nào?” Trong cuốn sách Cứ làm đi của diễn giả Hoa Kỳ Austin Kleon, độc giả sẽ được cung cấp những “bí kíp” nhằm duy trì sự tỉnh táo của tâm trí. Cuốn sách sẽ khiến các độc giả ngỡ ngàng vì những “tuyệt chiêu” mình đã bỏ sót, hoặc chưa áp dụng đúng cách. Trong bài viết này, tôi xin được chỉ ra những điều tôi tâm đắc nhất sau khi đọc tác phẩm.

1. Vài nét về tác giả Austin Kleon:

Austin Kleon chào đời tại bang Ohio, Hoa Kỳ vào năm 1983. Sau khi tốt nghiệp Đại học Miami, ông làm việc tại thư viện Cleverland, Ohio. Trong thời gian làm việc tại đây, ông đăng những bài thơ tự sáng tác trên blog cá nhân của mình. Ông tự học thêm về HTML vad CSS, đồng thời trở thành người thiết kế trang web cho Đại học Luật Texas. Ông đã từng diễn thuyết tại sự kiện của những tổ chức như Pixar, Google và TEDx. Kleon còn là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như Ai cũng là nghệ sĩ, Nghệ thuật PR bản thân Cứ làm đi.

2. “Xây trạm dừng chân hạnh phúc của bạn”:

Austin Kleon khẳng định rằng, việc xây dựng một không gian riêng tư là cần thiết với tất cả mọi người - dù họ làm bất cứ công việc gì. Không gian riêng tư ở đây là nơi mà một người hoàn toàn cô độc - không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác nhân nào bên ngoài. Nhờ có một nơi tĩnh mịch tuyệt đối như thế, các ý tưởng mới dần được nảy sinh - bởi lẽ bộ não không còn bị xao lãng bởi bất cứ điều gì. Bạn phải ẩn mình đủ lâu để suy nghĩ , sáng tạo nghệ thuật và tìm ra một điều gì đó để công bố với quần chúng. Theo như tác giả, im lặng và cô độc là hai thành phần không thể thiếu trong quá trình sáng tạo. Nhà văn Joseph Campbell đã nhắn nhủ rằng mỗi người - dù làm công việc gì, ở lứa tuổi nào - cũng nên xây dựng một “trạm dừng chân hạnh phúc” cho riêng bản thân mình. Campbell nhấn mạnh rằng cả không gian và thời gian đều là cần thiết để xây dựng một chốn riêng tư - một nơi không ai tìm đến bạn, một thời điểm mà không ai hỏi đến bạn:

Bạn phải có một không gian, hoặc khoảng thời gian nhất định trong ngày, nơi bạn không cập nhật tin tức, không quan tâm bạn bè là ai, không biết bạn mắc nợ ai hay ai mắc nợ bạn. Đó là nơi bạn có thể chiêm nghiệm, tìm ra bạn là ai và có thể trở thành ai. Đó là nơi ươm mầm sáng tạo. Ban đầu có thể bạn nhận thấy chẳng có điều gì khác biệt. Nhưng khi đã có “thánh địa bất khả xâm phạm” và biết cách sử dụng nó, điều khác biệt ấy cuối cùng sẽ tìm đến bạn.

Ở trong một không gian riêng tư, tâm trí con người trở nên thư thái hơn bao giờ hết. Không có những mối lo toan về tiền bạc, công việc, con cái, vợ chồng,... Khối óc được nghỉ ngơi và có thời gian để cài đặt, sắp xếp lại dữ liệu. Chúng ta có thời gian để ngẫm nghĩ xem những điều gì là có và không cần thiết, việc gì cần ưu tiên trước, việc gì cần đến sự trợ giúp,... Trong lúc suy nghĩ, chúng ta có thể phát hiện ra những tài nguyên bản thân chưa sử dụng đến. Chắp nối những tài nguyên sẵn có và những nhu cầu thiết yếu, chúng ta dần hình thành những ý tưởng mới! Chính Thomas Merton đã từng nói:

Nhu cầu lớn nhất trong thời đại này là dọn sạch đống rác tinh thần và cảm xúc khổng lồ, thứ làm cho tâm trí chúng ta rối loạn, đồng thời khiến đời sống chính trị và xã hội trở nên tồi tệ. Nếu không dọn dẹp, chúng ta không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì. Và khi không nhìn thấy, chúng ta cũng không thể nghĩ được gì.

Với những người quá bận rộn hoặc lịch trình luôn thay đổi bất ngờ, Kleon gợi ý rằng họ vẫn có thể tìm được những không gian và thời gian riêng, dù chúng rất nhỏ bé. Và họ có thể sử dụng những cách riêng - những các mà không ai ngờ tới:

Dù không có chỗ cho bạn xây dựng trạm dừng chân hạnh phúc, nhưng bạn vẫn có thời gian. Khi những đứa trẻ đang ngủ hay đến trường, thậm chí chiếc bàn bếp cũng có thể trở thành trạm dừng chân hạnh phúc của bạn. Nếu lịch trình làm việc thay đổi liên tục và không thể dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày - đó chính là lúc không gian dành riêng cho bản thân phát huy tác dụng.

[Review Sách] "Cứ Làm Đi": Đập Tan Bế Tắc Trong Công Việc Và Duy Trì Ngọn Lửa Sáng Tạo - YBOX

Để tạo ra một không gian riêng tư cho bản thân, có nhiều cách khác nhau. Đầu tiên theo Kleon, mọi người có thể bắt đầu bằng việc “ngừng cập nhật” - ngừng đọc báo, xem tin tức, theo dõi mạng xã hội,... Phần lớn mọi người - nhất là người đi làm - sẽ mở vô tuyến, máy tính bảng hoặc điện thoại trước cả khi ngồi xuống bàn ăn sáng. Họ không muốn bỏ lỡ bất cứ thông tin gì - dù chúng có liên quan đến cuộc sống của họ hay không. Tác giả không hề phủ nhận vai trò của việc cập nhật tin tức - báo chí cung cấp cho công dân vốn hiểu biết nhất định. Nhưng tiếp nhận quá nhiều tin tức xung quanh có thể khiến chúng ta xao nhãng công việc và dần quên mất những điều quan trọng trong cuộc sống của bản thân:

Hiển nhiên tin tức có nhiều cách để phân tán sự tập trung của bạn, bất cứ khi nào bạn tìm kiếm nó. Năm 1852, Henry David Thoreau phàn nàn trong nhật ký rằng từ khi bắt đầu đọc tuần báo, ông cảm thấy mình không còn đủ tập trung trong công việc như trước. “Chúng ta mất hơn một ngày để học hỏi và làm chủ lượng kiến thức đồ sộ đã tiếp thu mỗi ngày”, ông viết. “Nhưng chúng ta lại thường đọc những thông tin chẳng liên quan gì đến mình, để rồi xem nhẹ những điều nhỏ bé và gần gũi xung quanh.” Tự thấy sự tập trung của mình quá quý giá, ông quyết định bỏ đọc tuần báo Tribune.

Kleon đã gợi ý cho độc giả về chế độ máy bay của các thiết bị điện tử: ngắt toàn bộ kết nối mạng điện thoại, Internet, Bluetooth,... Nhờ có chế độ máy bay, người dùng có thể biến khoảng thời gian di chuyển trên phương tiện công cộng thành cơ hội để kết nối bản thân và công việc. Như Lynda Barry đã nhận xét:

Điện thoại mang đến cho chúng ta rất nhiều điều nhưng chúng lại lấy đi ba nhân tố chính tạo nên sáng kiến: cô đơn, hoài nghi và buồn chán. Những điều đó luôn là khởi nguồn cho ý tưởng sáng tạo.

Một nhân tố quan trọng khác góp phần tạo nên không gian riêng tư chính là những lời từ chối. Nói “không” với những lời đề nghị là cả một nghệ thuật. Đây là quyền lợi chính đáng của mỗi người - có những khi bạn cần dành thời gian để tập trung vào công việc của mình, thay vì lo lắng đến những vấn đề khác. Đầu tư thời gian vào công việc thì tiến độ sẽ nhanh hơn và kết quả đáp ứng mong đợi của bạn. Kleon đã gợi ý về mẫu thư từ chối mà mỗi người đều phải có khi trả lời thư từ và email.

Họa sĩ Jasper Johns thường trả lời các thư bằng con dấu “Rất tiếc” được thiết kế riêng. Nhà văn Robert Heinlein, nhà phê bình Edmund Wilson và các biên tập viên của tạp chí Raw đều sử dụng chung một mẫu thư phản hồi. Ngày nay, hầu hết chúng ta đều nhận được thư mời qua email, vì vậy sẽ rất hữu ích nếu bạn có sẵn một mẫu thư “Không, cảm ơn” để trả lời. Trong bài viết “How to Graciously Say No to Anyone”, Alexandra Frazen đã gợi ý các mẫu sau: cảm ơn người gửi vì đã nghĩ về bạn, từ chối và, nếu có thể, hãy đưa ra một hình thức hỗ trợ khác.

3. “Tạo nên những món quà”:

Từ khi được sinh ra, tất cả mọi người đều được khuyến khích phát triển sở thích của mình nhằm phục vụ cho nghề nghiệp tương lai. Đương nhiên, sở thích cũng là một yếu tố quan trọng trong việc hướng nghiệp. Ví dụ như khi bạn thích một ngoại ngữ nào đó, gia đình sẽ hướng cho bạn học ngoại giao hoặc dịch thuật; mê hội họa thì được khuyến khích theo ngành đồ họa hoặc thiết kế; yêu thích thủ công mỹ nghệ thì được khuyến khích làm việc ở các làng nghề hoặc xưởng thủ công;... Thế nhưng, có một điều không thể không phát sinh: sở thích có thể gây bất lợi khi trở thành một nghề nghiệp - nếu bạn coi nó đơn thuần chỉ là để giải khuây. Bạn sẽ cảm thấy áp lực khi ngày nào cũng phải nộp một bài dịch thuật, một bức tranh hay một chiếc bình gốm. Rồi một ngày kia, bạn quá mệt mỏi và quyết định chấm dứt sở thích một thời của mình. Trong Cứ làm đi, Kleon đã viết:

Theo một khía cạnh nào đó, tôi đang sống một cuộc sống trong mơ, bởi vì tôi được trả tiền để làm những điều mình thích, dù tôi vẫn có thể làm điều này kể cả khi không được trả công. Nhưng mọi thứ sẽ trở nên rất, rất khó khăn cho chính bạn và gia đình một khi bạn biến hoạt động yêu thích thành một nghề. Những người biến đam mê của mình thành “cần câu cơm” đều hiểu việc này đã chạm đến một lằn ranh nguy hiểm. Một trong những cách dễ dàng nhất để ghét những điều bạn yêu thích là biến nó thành công việc: biến hoạt động giúp bạn “sống” về mặt tinh thần thành điều giúp bạn “sống” theo đúng nghĩa đen.

Nghệ sĩ và người làm nghề tự do luôn gặp khó khăn về tài chính. Do đó, để có thể làm việc hiệu quả, bạn phải xác định được những gì bạn sẽ làm và không làm, đồng thời xác định cách duy trì cuộc sống mà bạn thực sự mong muốn. Như David Rees đã từng nói:

Có sở thích và không kiếm tiền từ nó là một điều tốt… Vì thế, hãy theo đuổi giấc mơ của bạn, nhưng khi đam mê trở thành nghề nghiệp, bạn nên tìm cách chuyển hướng ngay tức khắc.

[Review Sách] "Cứ Làm Đi": Đập Tan Bế Tắc Trong Công Việc Và Duy Trì Ngọn Lửa Sáng Tạo - YBOXTất nhiên, khi có một năng khiếu nào đó, mọi người sẽ muốn chia sẻ sản phẩm của mình. Ngày nay điều đó thật dễ dàng: chỉ cần một bức hình trên mạng xã hội cũng có thể khiến cho một con người nổi danh chỉ sau vài giây đăng tải. Điều đó rất thuận lợi cho công việc của bạn, nhưng cũng có thể khiến bạn trở nên mù quáng. Bạn dần chỉ nghĩ làm cách nào để tăng lượt xem, thích và chia sẻ. Tác giả Austin Kleon đã cảnh báo:

Nếu bạn chia sẻ tác phẩm trên mạng, hãy cố gắng phớt lờ những con số. Kéo giãn khoảng thời gian từ lúc bạn chia sẻ đến khi nhận được phản hồi. Hãy đăng một bài viết và không xem phản hồi trong một tuần. Tắt thông báo và viết bất cứ điều gì bạn muốn. Tải xuống một trình duyệt giúp bạn xóa bỏ những số liệu trên mạng xã hội.

4. “Điều bình thường + Chú tâm = Điều phi thường”:

Tác giả Kleon mở đầu chương này bằng một câu chuyện rất thú vị và đầy bất ngờ về nữ tu Mary Corita Kent - giáo viên mỹ thuật của Cao đẳng Immaculate Heart tại Los Angeles. Khi sống ở Los Angeles, người ta thường chỉ thấy một thành phố xô bồ, tấp nập và ồn ào. Nói cách khác, đây không phải là nơi người ta sẽ có cảm hứng nghệ thuật về tôn giáo - một chủ đề gắn với sự thanh tịnh và trang nghiêm. Thế nhưng, sơ Kent lại có một ý nghĩ khác. Bà đã biến tấu những biển hiệu quảng cáo và biển hiệu - những thứ chướng mắt mà ai cũng có thể thấy nhan nhản trên đường phố Los Angeles - thành những tác phẩm nghệ thuật chủ đề Thiên Chúa giáo. Bà cho rằng hình ảnh Thiên Chúa có thể đang trú ngụ ở bất cứ đâu, và các tín đồ có thể tìm ra được Người nếu họ mong muốn.

Bà chụp những tấm biển quảng cáo và biển hiệu trong thành phố - những thứ chúng ta coi là rác rưởi, thứ bỏ đi và khiến ai cũng ngứa mắt - rồi biến tấu bằng cách thêm vào lời của các bài hát nổi tiếng và đoạn trích trong Kinh Thánh và sau đó in chúng và coi đó như những thông điệp tôn giáo. Bà biến chiếc túi bọc của hãng Wonder Bread thành thông điệp về hiệp thông. Bà cũng mượn thông điệp của General Mills, “Chữ G viết tắt cho điều tinh túy (Goodness)” và biến chữ G trên logo thành biểu tượng cho Chúa (God). Bà còn cắt logo Safeway thành hai từ riêng biệt để biến nó trở thành biển báo cho con đường cứu rỗi. Tìm kiếm hình ảnh Thiên Chúa trong tất cả mọi thứ là một trong những nhiệm vụ của tín đồ và Kent tìm thấy Chúa trong tấm biển quảng cáo, chứ không phải bất kì sự vật nào khác. Kent lựa chọn phong cảnh nhân tạo của Los Angeles - nơi thường không phải là địa điểm đầu tiên bạn nghĩ tới khi muốn tìm kiếm cái đẹp - và bà đã tìm thấy vẻ đẹp ẩn giấu tại nơi đây.

Sơ Kent đã tận dụng tất cả những gì đang có ở nơi bà sống - kể cả khi đó là thứ không ai ngờ tới và nghĩ rằng nên sử dụng - để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang đậm màu sắc uy nghiêm của tôn giáo. Bà đã biến những điều “thông thường” trở nên “khác thường”. Bà cũng đã truyền cảm hứng cho những học sinh của mình, khuyến khích họ sáng tạo theo cách riêng:

Bà có một góc nhìn riêng về thế giới bình thường và đã truyền lại cho môn đồ của mình về nó. Trong một bài tập, bà yêu cầu họ xây dựng thứ mà bà gọi là “tầm ngắm” - một mảnh giấy có hình chữ nhật giống như khung ngắm máy ảnh. Bà thường dẫn môn đồ đi thực địa, dạy họ trồng trọt chỉ để ngắm nhìn thế giới và khám phá những điều mà họ chưa bao giờ bận tâm.

Đây chính là thông điệp mà Kleon muốn gửi tới độc giả: Bạn có thể làm được những điều phi thường chỉ từ những “nguyên liệu” rất thông dụng trong đời sống thường nhật.

Bạn không cần có một cuộc sống phi thường để làm được những điều phi thường. Tất cả những gì bạn cần để làm nên tác phẩm xuất chúng hoàn toàn có thể tìm thấy trong cuộc sống hằng ngày.

5. “Bạn được phép thay đổi suy nghĩ”:

Mở đầu chương này, Austin Kleon đã đưa ra một lời phát biểu trong một bài báo về biến đổi khí hậu:

Nếu bạn chưa từng thay đổi suy nghĩ, hãy tự véo mình xem bản thân còn sống hay không.

Và ông cũng đã hỏi độc giả một câu hỏi cực kỳ đơn giản - nhưng lại có thể khiến người nghe bối rối:

Lần cuối bạn thay đổi ý định là khi nào?

Thế giới này đang thay đổi, từng giây, từng phút, từng giờ chứ không còn là từng ngày nữa. Vạn vật phải thay đổi thì cuộc sống mới mang nhiều màu sắc. Kleon khẳng định rằng đa số mọi người thường rất lo ngại về việc thay đổi, bởi họ sợ hãi về những hậu quả không thể lường trước. Hơn nữa, có nhiều người thường không dám đề xuất những thay đổi họ mong muốn bởi họ không tin tưởng vào khả năng của chính mình. Nếu một người biết rõ khả năng của mình, người đó có thể dễ dàng thuyết phục người khác và xây dựng thương hiệu (hay uy tín) cho bản thân. Thế nhưng, đôi khi chìm trong vô định mới là ý tưởng hay… bởi lẽ một người có quá nhiều tiềm năng nội tại cần được khám phá. Người nghệ sĩ thường không xây dựng quá nhiều nguyên tắc cho mình, bởi họ tin rằng ý tưởng có thể đến khi họ ít mong đợi nhất:

Nhưng để có thể tạo dựng thương hiệu, bạn phải biết chắc mình là ai và đang làm gì, và sự chắc chắn, cả trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, dường như không chỉ được đánh giá quá cao mà còn là rào cản đối với công việc khám phá.

Sự bất định, thiếu chắc chắn mới là nhân tố giúp cho nghệ thuật thăng hoa. Nhà văn Donald Barthelme từng nói rằng trạng thái tự nhiên của người nghệ sĩ là một tờ giấy trắng. John Cage nói khi không làm việc, ông nghĩ mình biết điều gì đó, nhưng khi làm việc, ông rõ ràng không biết gì cả.

[Review Sách] "Cứ Làm Đi": Đập Tan Bế Tắc Trong Công Việc Và Duy Trì Ngọn Lửa Sáng Tạo - YBOXMột rào cản khác của sự thay đổi đến từ việc nói chuyện với những người cùng quan điểm. Thoạt đầu, khi một nhóm người cùng nói về thể loại phim và nhạc yêu thích, họ đều sẽ cảm thấy rất vui sướng. Tuy nhiên, sau một thời gian - họ sẽ cảm thấy nhàm chán vì chẳng có chủ đề nào khác phát sinh trong những cuộc đối thoại.

Ngược lại, khi nói chuyện với người có quan điểm khác, thậm chí là trái chiều, chúng ta sẽ có cơ hội phát triển tư duy hơn. Đối phương sẽ suy nghĩ kĩ về lời bạn nói, đồng thời tìm kiếm những kẽ hở trong phát biểu của bạn. Họ sẽ phản bác ý tưởng của chúng ta, và kích thích ta nghĩ ra những ý tưởng khác để thay thế. Từ đó, những ý tưởng hay ho hơn sẽ dần hình thành, và bản thân mỗi người sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu hơn.

Jacobs khuyến khích rằng nếu thực sự muốn khám phá những ý tưởng mới, bạn nên giao du với những người không cùng suy nghĩ nhưng đồng điệu về tâm hồn. Đó là những người “cởi mở và có thói quen lắng nghe”. Những người hào phóng, tốt bụng, chu đáo và sâu sắc. Những người mà khi bạn nói điều gì đó, họ sẽ “suy nghĩ thấu đáo về nó, thay vì ngay lập tức bày tỏ thái độ”. Họ là những người khiến bạn cảm thấy dễ chịu khi ở bên.

6. “Khi hoài nghi, hãy dọn dẹp”:

Tại sao lại phải dọn dẹp? Tác giả đã kể về trải nghiệm của chính mình. Theo Kleon, dọn dẹp là thời điểm tâm trạng được thư thái, và đó là lúc những ý tưởng bất ngờ xuất hiện. Bản thân tác giả thừa nhận đã tìm thấy những thứ thú vị trong lúc dọn dẹp phòng làm việc và nhà của mình: một bài thơ viết dở trong đống giấy tờ, một bức vẽ chưa hoàn thành trong gara, một tờ ghi chú kẹp trong cuốn sách,... Tác giả cũng khẳng định rằng không vật liệu nào là lãng phí, bởi ông luôn có cơ hội để sử dụng chúng.

Cách dọn dẹp phòng làm việc hợp lý nhất là khám phá. Tôi phát hiện ra những công việc còn dang dở khi đầm mình trong mớ bòng bong. Lý do tôi dọn dẹp không phải để dọn sạch, mà là để được tiếp xúc với những gì từng bị lãng quên nhưng có thể sử dụng tại thời điểm này.

Đây là một hình thức dọn dẹp từ tốn, mơ mộng và đầy tư lự. Chẳng hạn, khi tình cờ tìm thấy một cuốn sách đã lâu không ngó ngàng tới, tôi thường ngẫu nhiên lật vài trang để xem có tìm thấy điều gì hay ho không. Đôi khi, một mẩu giấy rơi ra từ cuốn sách, giống như một tin nhắn bí mật xuất hiện từ hư không.

[Review Sách] "Cứ Làm Đi": Đập Tan Bế Tắc Trong Công Việc Và Duy Trì Ngọn Lửa Sáng Tạo - YBOXCâu chuyện thứ hai đáng chú ý là chuyện về David Sedaris. Nhà văn Hoa Kỳ này có thói quen thu dọn rác thải ở khu dân cư của ông từ 3 đến 8 giờ mỗi ngày - đến mức hàng xóm còn đặt tên ông cho một xe tải đổ rác: “Pig Pen Sedaris”. Điều đáng nói ở đây là thói quen của Sedaris có nhiều nét tương đồng với lối viết lách của ông (và nhiều nhà văn khác): thu nhặt những mẩu đối thoại nghe lỏm được, những kinh nghiệm bị bỏ quên trong mớ bòng bong của cuộc đời và “chế biến” chúng thành những kiệt tác. Những bài viết trong nhật ký mà Sedaris đã đưa vào sách của ông cũng chính là những mảnh “rác” mà ông đã lượm nhặt trên đường đời.

Nghệ thuật không chỉ được tạo ra từ những niềm vui “lấp lánh”. Nghệ thuật cũng có thể bắt nguồn từ những điều xấu xí hoặc phản cảm với chúng ta. Công việc của người nghệ sĩ là lựa chọn địa điểm, tạo nên trật tự từ hỗn loạn, biến rác rưởi thành kho báu và tìm ra vẻ đẹp ở những nơi chúng ta không thể thấy.

7. Lời kết:

Cứ làm đi là một cuốn sách truyền cảm hứng cho những người đang gặp khó khăn trong việc duy trì đam mê và sức sáng tạo của mình. Austin Kleon đã chỉ ra một “lối thoát” cho những độc giả đang gặp phải trong cuộc sống thường nhật đầy lo toan và bế tắc.

Review chi tiết bởi: Thanh An Nguyễn - Bookademy

Hình ảnh: Phương Chu

[Review Sách] "Cứ Làm Đi": Đập Tan Bế Tắc Trong Công Việc Và Duy Trì Ngọn Lửa Sáng Tạo - YBOX

-

Link nội dung: https://uws.edu.vn/cu-lam-di-a49184.html