Vì sao chúng ta thích người mà mình hay gặp?

Yêu thích những gì quen thuộc là một cơ chế tiến hóa

Theo nguyên tắc gần gũi (proximity principle) trong tâm lý học xã hội, phản ứng “tình” sẽ xảy ra khi đủ điều kiện khoảng cách và thời gian. Nghĩa là mối quan hệ dễ hình thành giữa những người ở gần và gặp nhau nhiều lần. Như nghiên cứu của Back, Schmukle, và Egloff, tình bạn phát triển một cách tự nhiên giữa những sinh viên ngồi cạnh nhau hoặc trong cùng một nhóm.

Cơ sở tiến hóa của hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere-exposure effect) cũng là một cách để lý giải. Ta thường có nỗi sợ ban đầu với những điều mới mẻ, bởi trước đây điều này giúp tổ tiên của chúng ta tránh ăn phải những loại quả lạ có chứa độc. Nhưng càng tiếp xúc, mọi thứ càng trở nên quen thuộc và an toàn. Dần dần, ta mở lòng đón nhận, như cách một bản nhạc “ngang phè” có thể gây nghiện sau nhiều lần nghe.

Moreland và Beach đã chứng tỏ điều này qua việc cho các sinh viên nữ tham gia một lớp học và chia họ thành các nhóm 5, 10, 15 lần đến lớp hoặc không đến buổi nào. Cuối cùng, như giả thuyết, những sinh viên có mặt nhiều hơn thì được yêu thích hơn.

Trong bộ phim How I met your mother hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên còn được biết đến với cái tên mỹ miều là “thuyết nàng tiên cá” (the mermaid theory). Thuyết nàng tiên cá cho rằng ta có xu hướng thích, tin tưởng và bị thu hút bởi những người mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc. Điều này cũng diễn ra tương tự với hấp dẫn tình dục. Tiền đề cho lý thuyết này đến từ việc các thủy thủ thời xưa thường dành nhiều thời gian trên biển đến mức nhầm lẫn lợn biển với những nàng tiên cá xinh đẹp.

alt
Tiền đề của "thuyết nàng tiên cá" đến từ việc các thủy thủ thời xưa dành nhiều thời gian trên biển đến mức nhầm lẫn lợn biển với những nàng tiên cá xinh đẹp.

Link nội dung: https://uws.edu.vn/tai-sao-minh-lai-thich-mot-nguoi-a46107.html