Người sợ quỷ hay quỷ sợ người? Điều gì khiến quỷ không dám xâm phạm?

Con người sợ ma quỷ? Hay ma quỷ sợ con người? Có câu nói rằng: “Quân tử hành chính khí, tiểu nhân hành tà khí.” Người có khí khái chính trực thì gặp chuyện gì cũng không kinh sợ. Ngược lại, ma quỷ gặp họ đều hết sức sợ hãi.

Thời nhà Thanh, vào mùa hè một năm nọ, ông Tào, anh họ của Thượng thư bộ Hộ Tào Trúc Hư, đi từ huyện Hấp (tỉnh An Huy) đến Dương Châu (tỉnh Giang Tô). Quãng đường đi có ngang qua nhà một người bạn, nên tiện đường ông Tào ghé vào nhà bạn thăm hỏi.

Người bạn thấy ông Tào đến thì vô cùng vui mừng, bèn dẫn ông đến thư phòng nghỉ ngơi. Hai người xa cách đã lâu, nay mới gặp lại nhau, nên trò chuyện rất vui vẻ. Hơn nữa, gian thư phòng này rất rộng rãi và mát mẻ, ông Tào lập tức cảm thấy khí trời nóng nực đều tiêu tán hết.

Đến tối, khi chuẩn bị đi nghỉ, ông Tào nói với bạn: “Tôi nghĩ tối nay tôi sẽ nghỉ trong thư phòng này.” Người bạn của ông vừa nghe vội lắc đầu nói: “Tuyệt đối không được!” Sao lại không được nhỉ? Ông Tào cảm thấy có chút ngạc nhiên.

Bạn của ông nói: “Trong căn phòng này có ma! Vào ban đêm, người nào cũng không thể ở đó được!”

“Sao?! Có ma!” Thì ra là như vậy! Không ngờ ông Tào lại cười nói: “Không sao đâu.” Bạn của ông nghe nói vậy thì lo lắng, vội vàng khuyên can. Nhưng cho dù người bạn khuyên thế nào, thì ông Tào vẫn kiên quyết ngủ trong thư phòng. Người bạn vốn biết ông Tào là người chính trực, quang minh lỗi lạc, xưa nay can đảm hơn người. Không thuyết phục được bạn mình, ông đành phải đồng ý.

Đến nửa đêm, quả nhiên xảy ra chuyện kỳ lạ.

Từ khe hở của cánh cửa thư phòng có một thứ gì đó từ từ chui vào. Thứ đó mỏng như tờ giấy, sau khi chui vào thư phòng, nó dần dần biến thành hình người. Thì ra là một cô gái! Lúc này, ông Tào trông thấy hết thảy sự việc xảy ra, nhưng thần sắc vẫn tự nhiên, dáng vẻ không hề có chút sợ hãi nào. Thế nhưng, biểu hiện này của ông Tào khiến cho thứ đã biến thành cô gái kia sốt ruột.

Đột nhiên, thứ có hình dáng cô gái kia liền biến thành quỷ thắt cổ, tóc tai bù xù, lưỡi lè dài ra. Lúc này, ông Tào không những không sợ, mà ông còn cười nói với nữ quỷ rằng: “Tóc của cô vẫn là tóc thôi, chẳng qua là hơi rối loạn một chút. Lưỡi của cô vẫn là lưỡi ấy mà, chẳng qua là có hơi dài một chút. Cái này có gì đáng sợ đâu chứ?”

Tiếp đó, nữ quỷ kia đột nhiên tự lấy cái đầu của mình xuống đặt lên bàn.

Ông Tào nhìn xem, rồi lại cười, nói: “Khi cô có đầu còn không làm cho người ta sợ hãi, huống chi bây giờ còn không có đầu!”

Nữ quỷ nghe vậy thì ngây người ra một lúc, tiếp đó bỗng nhiên trong nháy mắt biến mất không thấy đâu nữa.

Trên đường quay trở về, ông Tào lại đến tá túc ở nhà người bạn. Ông cũng nghỉ đêm trong thư phòng đó như lần trước.

Đến nửa đêm, nữ quỷ đó lại muốn chui qua khe cửa vào thư phòng. Khi nữ quỷ vừa mới thò đầu vào thì ông Tào lập tức mắng: “Sao lại là nhà ngươi nữa, cái thứ nhàm chán kia!” Nữ quỷ nghe thấy thế lập tức lui ra ngoài, không dám đi vào thư phòng nữa.

Câu chuyện này chính do Thượng thư bộ Hộ Tào Trúc Hư, anh em họ của ông Tào, kể lại cho Kỷ Hiểu Lam, tác giả cuốn sách “Duyệt vi thảo đường bút ký.”

Kỷ Hiểu Lam cho rằng, nếu gặp chuyện mà không sợ hãi thì tâm thần sẽ an định. Khi tâm thần đã an định, thần trí liền sẽ vững vàng, như vậy yêu ma, quỷ quái cũng không dám xâm phạm. Kỷ Hiểu Lam nói, điều này cũng giống với tâm cảnh của Kê Khang, người thời Tấn khi gặp ma quỷ.

Chuyện Kê Khang gặp quỷ trở thành giai thoại

Kê Khang là một trong “Trúc lâm thất hiền” thời Tấn. Ông không thích làm quan, không mưu cầu phú quý, chỉ yêu thích âm nhạc, nhất là yêu thích đánh đàn cổ cầm. Ông nổi danh với khúc “Quảng Lăng tán.” Trong hình là một phần bức tranh “Dương Quý Tĩnh tiểu tượng quyển” do Văn Bá Nhân, thời Minh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)
Kê Khang là một trong “Trúc lâm thất hiền” thời Tấn. Ông không thích làm quan, không mưu cầu phú quý, chỉ yêu thích âm nhạc, nhất là yêu thích đánh đàn cổ cầm. Ông nổi danh với khúc “Quảng Lăng tán.” Trong hình là một phần bức tranh “Dương Quý Tĩnh tiểu tượng quyển” do Văn Bá Nhân, thời Minh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Kê Khang là một trong “Trúc lâm thất hiền” (7 vị hiền sĩ sống trong rừng trúc) thời Tấn. Ông không thích làm quan, không mưu cầu phú quý, chỉ yêu thích âm nhạc, đặc biệt yêu thích đánh đàn cổ cầm.

Một đêm nọ, Kê Khang đang gảy đàn cầm dưới ánh đèn, đột nhiên xuất hiện một người có hình dáng nhỏ bé. Chỉ chốc lát sau, người có hình dáng nhỏ bé đó liền trở nên cao lớn, biến thành một người đàn ông trưởng thành có chiều cao hơn một trượng. Người này có làn da ngăm đen, mặc áo đơn, đeo thắt lưng rơm, nhưng trông không giống con người chút nào.

Kê Khang nhìn thẳng vào nó, trong lòng không hề sợ hãi. Một lát sau, Kê Khang liền thổi tắt ngọn nến rồi nói: Ta không tranh ánh sáng với ma quỷ. Ý của ông là bản thân không cùng với ma quỷ ở chung dưới một ánh nến. Ta là quân tử đường đường chính chính, ta lấy làm hổ thẹn khi tranh ánh sáng ngọn nến với ma quỷ. Tất nhiên, con ma kia trong nháy mắt cũng liền biến mất, không dám lại quấy nhiễu Kê Khang nữa.

Sau này, Kê Khang lại gặp ma quỷ nữa, nhưng lần gặp này đã lưu lại một giai thoại được mọi người ca tụng.

Một lần nọ, Kê Khang đi ra ngoài và qua đêm tại một nơi được gọi là “Nguyệt Hoa đình.” Tương truyền, nơi này thường có ma quỷ quấy phá, vì vậy lữ khách qua lại vùng này không dám nghỉ đêm ở đây. Tính cách Kê Khang khoáng đạt, tiêu sái tự tại, nên ông không hề để ý những chuyện ma quỷ kia.

Đến canh một đêm hôm đó, khi Kê Khang đang đánh đàn, đột nhiên mơ hồ nghe thấy có tiếng người khen hay ở trong không trung. Kê Khang dừng tay, hỏi: “Xin hỏi ông là người phương nào?”

“Tôi là người xưa đã mất rồi, trước đây mất ở chỗ này. Bởi vì lúc còn sống tôi rất yêu thích âm nhạc, nghe được ngài gảy đàn nên đến đây nghe.” Hồn ma kia nói tiếp: “Tôi vì tai nạn mà qua đời, hình dáng không nguyên vẹn, cho nên không muốn hiện hình khiến ngài sợ hãi. Ngài hãy tiếp tục gảy thêm vài khúc nhạc nữa đi!”

Kê Khang nghe xong liền tiếp tục gảy đàn. Âm thanh du dương, nghe thật là êm tai. Hồn ma kia còn không nhịn được mà gõ nhịp hợp theo tiếng đàn.

Chơi đàn được một lúc lâu, Kê Khang buông đàn nói: “Đêm đã khuya, sao ông còn không hiện hình để gặp tôi? Hình dáng của ông có đáng sợ đi nữa, tôi đây cũng sẽ không để ý.”

Hồn ma nghe nói vậy liền hiện hình. Có lẽ lo lắng bộ dáng của mình quá đáng sợ, nó dùng tay che lại đầu của mình. Kê Khang nhìn nó, quả thật ông không hề bị bộ dáng của hồn ma này dọa cho sợ hãi.

Hồn ma kia bèn nói: “Nghe ngài gảy đàn, tôi cảm thấy tâm tình nhẹ nhàng thoải mái, dường như được sống lại vậy.”

Tiếp đó, một người với một ma cùng nhau trò chuyện về âm nhạc. Nói chuyện đến lúc hào hứng, hồn ma còn mượn đàn của Kê Khang gảy lên một khúc nhạc nổi tiếng có tên là “Quảng Lăng tán.” Kê Khang nghe xong, vô cùng tán thưởng, yêu cầu đối phương dạy cho ông bài nhạc này.

Người và ma, hai kẻ yêu thích âm nhạc, ở hai cõi khác biệt, nhưng tâm ý vô cùng hòa hợp. Họ một mạch đàm luận cho đến khi sắc trời dần sáng, hồn ma bắt buộc phải rời đi, nó luyến tiếc nói với Kê Khang: “Tuy rằng chúng ta gặp gỡ trò chuyện với nhau chỉ một đêm, nhưng tình bằng hữu giữa chúng ta có thể hơn cả ngàn năm! Bây giờ chúng ta mãi mãi ly biệt rồi.”

Trong lịch sử, Kê Khang nổi danh chính là nhờ gảy khúc nhạc “Quảng Lăng tán.”

Link nội dung: https://uws.edu.vn/quy-so-gi-a45564.html