Thiên anh hùng ca ‘Vòng Hoa Cho Trần Thế Vinh’ của Tô Thanh Tùng

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) - Có thể nói rằng, suốt trong chiều dài của cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), cuộc tấn công quy mô của các lực lượng chính quy Cộng Sản Bắc Việt vào hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên thuộc Vùng I Chiến Thuật trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 là cuộc thư hùng quyết liệt nhất giữa hai miền Nam và Bắc để giành ưu thế chính trị trong cuộc Hòa Đàm Paris với mục đích chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam và luôn cả cho Lào và Cambodia.

Thiên anh hùng ca ‘Vòng Hoa Cho Trần Thế Vinh’ của Tô Thanh Tùng
Chân dung anh hùng Trần Thế Vinh trước Tòa Đô Chính Sài Gòn. (Hình: Tài liệu)

Đây là lần đầu tiên từ sau năm 1965, khi các lực lượng Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam để yểm trợ chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa mà các lực lượng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hầu như hoàn toàn đảm nhiệm công cuộc chiến đấu chống đánh Cộng quân trên mọi mặt trận, chỉ thỉnh thoảng mới được Không Quân và Hải Quân Mỹ yểm trợ phi pháo mà thôi.

‘Và Mùa Hè Đỏ Lửa cũng là thời điểm mà quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt được Liên Xô và Trung Quốc yểm trợ dồi dào võ khí và đạn dược nhất, trong đó có hỏa tiễn phòng không SAM (Surface-to-Air Missiles), hỏa tiễn tầm xa 122 ly, chiến xa T-54, và chiến xa PT-76 cùng vô số đạn dược và lương thực với ý đồ chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công vào miền Nam Việt Nam để giành lấy chiến thắng sau cùng sau khi Hiệp Định Paris được ký kết.

Vào ngày 29 Tháng Ba, 1972, để mở đầu chiến dịch Nguyễn Huệ hòng đánh chiếm toàn bộ miền Nam Việt Nam, Cộng Sản Bắc Việt đã xua đợt quân đầu tiên vào mặt trận Quảng Trị tại Vùng I Chiến Thuật. Cộng quân pháo kích dữ dội vào vùng Đông Hà-Quảng Trị và, lần đầu tiên, địch cho xung trận hai trung đoàn chiến xa gồm những chiếc T-54 và PT-76 do Liên Xô và Trung Quốc cung cấp để dễ dàng thanh toán các mục tiêu do các lực lượng Địa Phương Quân-Nghĩa Quân và Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ.

Nhưng, ngay trong những ngày đầu, địch quân đã gặp sự chống trả mãnh liệt vì họ không ngờ đến khả năng di động nhanh chóng và sức yểm trợ không địa đắc lực của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Vùng I Chiến Thuật. Tuy nhiên, trước tình hình chiến sự khẩn cấp ấy, ngày 1 Tháng Tư, 1972, Phi Đoàn 518 thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân, từ căn cứ Biên Hòa, đã nhận được lệnh tăng phái cho Sư Đoàn 1 Không Quân tại Đà Nẵng. Trong số 20 phi công lái khu trục cơ Skyraider của phi đoàn 518/SĐ 3 KQ, có một chàng trai trẻ tên là Trần Thế Vinh.

Trong phi vụ đầu tiên vào ngày 2 Tháng Tư, 1972, Đại Úy Trần Thế Vinh, với tám trái bom dưới cánh bay của chiếc phi cơ AD 6, anh đã tung hoành, nhào lộn giữa vùng trời khói lửa, bất chấp vùng núi non hiểm trở và trần mây thấp ngoài tuyến đầu, cộng thêm với mối đe dọa của trung đoàn phòng không địch được trang bị hỏa tiễn SAM liên tục bắn lên.

Chàng phi công tài hoa và anh dũng đã trổ tài thiện xạ thần sầu, để rồi qua bốn đợt thả bom, triệt hạ được sáu chiến xa giặc. Thế là, trong vòng sáu ngày khởi đầu chiến cuộc và qua năm phi vụ hiểm nghèo, Đại Úy Trần Thế Vinh đã hạ được 20 chiến xa giặc. Chiến công lừng lẫy, phá mọi kỷ lục diệt chiến xa của anh, đã được các phóng viên chiến trường không tiếc lời ca ngợi trên báo chí, truyền hình và truyền thanh.

Ngày 8 Tháng Tư, đài Truyền Hình Việt Nam, trong chương trình “Tường Thuật Chiến Trường,” đã phỏng vấn Thiếu Tá Lê Quốc Hùng, phi đoàn trưởng Phi Đoàn Khu Trục 518/SĐ 3 KQ. Vị thiếu tá phi đoàn trưởng đã tỏ ra rất hãnh diện khi nói đến tài năng và tinh thần chiến đấu của các đồng đội, và đặc biệt, ông hết lời ca ngợi người phi công dũng cảm Trần Thế Vinh, giờ đây đang được báo chí và các cơ quan thông tin trong nước gọi là “Anh Hùng Diệt Tăng Địch.”

Qua ngày hôm sau, 9 Tháng Tư, trong phi vụ cuối cùng của quãng đời ngắn ngủi, mới 26 Xuân xanh, của con người tài hoa và dũng cảm Trần Thế Vinh, anh đã gãy cánh, và theo con tàu xuống lòng đất Mẹ, sau khi đã triệt hạ thêm được một chiến xa địch, để lại biết bao thương tiếc cho toàn dân miền Nam tự do.

Sáng ngày 9 Tháng Tư, 1972, là ngày Đại Úy Phi Công Trần Thế Vinh bay đi vĩnh viễn về cõi vô cùng, đài Truyền Hình Việt Nam có chương trình tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh, và giọng ngâm bài thơ “Tưởng Niệm Đại Úy Không Quân Trần Thế Vinh” của ca-nghệ-sĩ Hồng Vân đã làm nhiều người cảm thương đến rơi lệ.

Những ngày sau đó, bức chân dung của Trần Thế Vinh, người anh hùng Không Quân gãy cánh trên bầu trời Trị Thiên đã được phóng lớn và treo trong công viên trước mặt Tòa Đô Chính Sài Gòn, để dân chúng đô thành có nơi tưởng niệm người chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc và Không Gian: Ngàn đời của nhớ thương, hỡi bức chân dung trên công viên buồn!…

***

Nhạc phẩm “Vòng Hoa Cho Trần Thế Vinh” của Tô Thanh Tùng viết về cuộc chiến đấu hào hùng cùng sự hy sinh cao cả của người phi công dũng cảm trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, Đại Úy Trần Thế Vinh.

Cũng như bao người dân miền Nam Việt Nam khác cùng đắm chìm trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, tôi biết tên anh, Đại Úy Không Quân Trần Thế Vinh, đang xông pha lửa đạn ngoài mặt trận Vùng I Chiến Thuật. Tôi hết lòng cảm phục và mến thương anh đang vẫy vùng trên vùng trời Đông Hà ngùn ngụt khói lửa chiến chinh để làm tròn bổn phận người trai thời ly loạn: “Từ ngày tôi biết tên anh là ngày tôi mến thương anh/ Thương là thương chí trai vẫy vùng/ Thương là thương chiến công lẫy lừng, đời dọc ngang anh hùng liệt oanh.”

Rồi một chiều anh lên đường trên chiếc khu trục cơ bay ra trận tuyến phía Bắc Quảng Trị để lùng và diệt chiến xa địch đang ồ ạt tấn công các đồn bót và thôn làng của quân và dân ta. Như cánh chim đại bàng tung mây, lướt gió, đường bay của anh là để bảo vệ cõi bờ nơi miền biên cương xa xôi với ước vọng đánh tan giặc thù và đem lại hòa bình trên quê hương đã lắm thương đau qua bao tháng năm chinh chiến điêu linh, hỡi anh, người phi công nơi chiến tuyến mang tên Trần Thế Vinh: “Một chiều anh bước ra đi đại bàng vỗ cánh tung bay/ Đi là đi giữ an cõi bờ đi là xây đắp cho hòa bình/ Trần Thế Vinh, anh Trần Thế Vinh!”

Chiến trường của anh là vùng núi non chập chùng của vùng địa đầu giới tuyến, nơi được chọn làm mặt trận chính trong cuộc đọ sức Bắc-Nam. Không thiếu gì tên bay, đạn lạc, không thiếu gì khói lửa ngút trời khi đạn pháo binh và đạn từ chiến xa của ta và địch như đan vào nhau. Và đây chính là lúc máy bay của anh trúng đạn thù, đại bàng đành gãy cánh trong phi vụ cuối cùng đưa anh về với Trời bao la, với Đất hoang vu khép lại hẹn hò: “Anh xông pha vào nơi trận tuyến núi non chập chùng/ Bao nhiêu đạn bay, bao nhiêu lửa khói phủ giăng mịt mùng/ Đất Đông Hà rạng danh anh/ Khi anh còn nghe tầm đạn mà hồn phách vút lên cao.”

Thôi nhé, xin giã từ một cánh chim bay trên cao xanh mà nay đã giã từ vũ khí của Không Quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió. Xin tiễn biệt anh về miền miên viễn bằng vòng hoa này kết muôn vạn tình và chứa chan lòng thành. Trần Thế Vinh, anh Trần Thế Vinh: “Giờ này anh đã ra đi làm tròn chí khí nam nhi/ Đây vòng hoa chứa chan lòng thành đem tặng anh kết muôn vạn tình/ Trần Thế Vinh, anh Trần Thế Vinh!”

***

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sinh năm 1944 tại quận Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc. Năm 1963, ông cho ra mắt sáng tác đầu tiên, là bài “Hồng Ngự Mang Tên Em.” Sang năm sau, ông lên Sài Gòn học Trường Luật. Ở quán cà phê gần trường, ông quen một cô gái thu ngân tên Diễm nhờ viết bài “Mắt Diễm Buồn” cho ca sĩ Elvis Phương hát tại quán. Bốn năm sau, cuộc tình giữa ông và cô gái này kết thúc, Tô Thanh Tùng viết ca khúc “Giã Từ” để được nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm. Nhạc sĩ Lê Dinh, lúc đó đang là trưởng Phòng Văn Nghệ Đài Phát Thanh Sài Gòn, đã cho bài hát này được phát vào “giờ vàng” Chủ Nhật, và bài hát đã gây được nhiều chú ý trong khán, thính giả Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhà xuất bản Minh Phát liền ký khế ước độc quyền phát hành bài “Giã Từ.”

Sau đó, Tô Thanh Tùng viết tiếp một loạt nhạc phẩm nữa, như “Xót Xa,” “Mừng Chúa Ra Đời,” “Sao Em Nỡ Đành Quên,” “Nhớ Người Tình Phụ”… trong đó bài “Sao Em Nỡ Đành Quên” là nói về một mối tình của ông.

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, Tô Thanh Tùng làm trưởng ban văn công thị trấn Hồng Ngự trong ba năm. Sau đó, ông quay lại Sài Gòn sinh sống và làm đủ thứ nghề, từ bán xà bông, dầu gió, nước mắm, phụ tùng xe đạp,… cho tới mở nhà may. Nhưng rồi vì tình hình kinh tế cũng chẳng đến đâu cho nên ông lại phải bỏ nghề để sống rày đây, mai đó, lúc ở nhà bạn bè, lúc ở nhà thuê, từ miền Tây đến miền Đông. Nơi định cư cuối cùng của người nhạc sĩ tài hoa nhưng lận đận là Bình Dương.

Thiên anh hùng ca ‘Vòng Hoa Cho Trần Thế Vinh’ của Tô Thanh Tùng
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. (Hình: Tài liệu)

Năm 1979, ông phát hành album cassette “Tình Ca Hương Lúa,” với một số ca khúc như “Người Hàng Xóm,” “Hồng Ngự Mang Tên Em”… do Nhật Trường và Bảo Yến hát.

Tháng Tám, 2015, ông bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt hiểm nghèo, để rồi qua đời vào lúc 8 giờ 15 phút sáng 19 Tháng Bảy, 2017, tại bệnh viện Thành Phố Sa Đéc, hưởng thọ 73 tuổi. Tô Thanh Tùng sáng tác khoảng 120 ca khúc, trong đó các nhạc phẩm được coi là có giá trị cao và được nhiều người mến chuộng: “Còn Lại Mình Tôi,” “Giã Từ” (1973), “ Hồng Ngự Mang Tên Em,” “Mắt Diễm Buồn” (1972), “Mừng Chúa Ra Đời,” “Sao Em Nỡ Đành Quên” (1971), “Trăng Đồng Nội,” “Vòng Hoa Cho Trần Thế Vinh” (1972), “Xót Xa” (1971)… (Vann Phan) [qd]

Nhạc phẩm “Vòng Hoa Cho Trần Thế Vinh” của Tô Thanh Tùng

Từ ngày tôi biết tên anh là ngày tôi mến thương anh! Thương là thương chí trai vẫy vùng Thương là thương chiến công lẫy lừng, đời dọc ngang anh hùng liệt oanh.

Một chiều anh bước ra đi, đại bàng vỗ cánh tung bay! Đi là đi giữ an cõi bờ, đi là xây đắp cho hòa bình Trần Thế Vinh, anh Trần Thế Vinh!

Đ.K.: Anh xông pha vào nơi trận tuyến núi non chập chùng Bao nhiêu đạn bay, bao nhiêu lửa khói phủ giăng mịt mùng Đất Đông Hà rạng danh anh Khi anh còn nghe tầm đạn mà hồn phách vút lên cao.

Giờ này anh đã ra đi, làm tròn chí khí nam nhi Đây vòng hoa chứa chan lòng thành đem tặng anh kết muôn vạn tình Trần Thế Vinh, anh Trần Thế Vinh!

Link nội dung: https://uws.edu.vn/tran-the-vinh-a42887.html