Xưa trẻ con quê là chúa la cà tụ tập ở chỗ này, có lẽ ở đây chúng thường kiếm được các thứ để nghịch. Ví như cái măng nhỏ để quay dẻo cho sướng tay, một ít mo tre về nhóm bếp, hay chặt được một cái cần câu chẳng hạn.
Ấy thế mà khi nghe ai đó kể về các loại ma thường xuất hiện ở bụi tre thì sợ run. Chúng thậm thụt kể đi kể lại với nhau ma trơi thường ở gốc tre, sáng xanh lập lòe những ngày mưa phùn. Còn ma cây treo đầy tiền xu trên cành tre cao nhất, ai nhìn cũng thấy, trèo lên lấy thì lại chẳng thấy đâu... Những tiếng kẽo kẹt phát ra từ bụi tre cũng làm nhiều đứa giật mình thon thót, rõ là bụi tre không hề đơn giản như vẫn thấy mà còn đầy bí hiểm, rợn người.
Thật là nhớ. Nhớ những đốt, những gióng, nhớ khi chặt, khi ngâm rồi vớt bè tre trong ao làng. Việc người lớn, việc nhà người ta cớ sao trẻ con lại nhớ thế, đến lạ.
Trong các loại cây trồng có lẽ trồng tre là dễ hơn cả, loài cây chẳng phải chăm bón gì mà lên xanh om, cao vút, ngang tầm với những cổ thụ trong làng. Tre thường được trồng ở những nơi đất hiểm, bờ ao hay cuối vườn. Bụi tre cũng chính là bãi rác nhỏ của dăm ba nhà. Thập cẩm vứt ra bụi tre cả, từ đồ vật cũ, gà, chuột chết cho đến vỏ chai, mảnh sành, rồi cành cây dọn vườn... Bụi tre không câu nệ mọi thứ, tre già măng mọc, tựa vào nhau bền chắc. Ngồi hóng mát, trông cây không chỉ gia chủ mà hàng xóm láng giềng cũng dự đến việc xây cất nhà cửa. Thường thì khi bụi tre đã đủ lượng cây già, cây bánh tẻ thì gia chủ sẽ tính đến ngày chặt tre. Tre thường được chặt vào tầm đầu mùa khô…
Chặt tỉa bụi tre không đơn giản, phải là những người đàn ông có kinh nghiệm, phải là những tay trai khỏe mạnh mới kham nổi. Cây tre khó giữa bụi phải cần vài người hò nhau kéo. Cây tre dài thượt kéo khói bụi xong ai nấy đều phải ngồi thở mãi. Phải bụi tre ở thế đất khó, 4-5 người làm từ sáng sớm đến đứng bóng nghỉ trưa có khi mới chỉ được mươi cây. Càng vào giữa búi tre càng khó chặt, vì cành đan chặt vào với nhau. Nhiều khi thấy khó nhằn, gia chủ lại neo người đành phải thuê cánh chặt tre chuyên nghiệp.
Tre chặt xuống, không dùng tươi bao giờ, ngay cả khi đã phơi khô. Tre là cứ phải ngâm nước, đóng bè ngâm dưới ao, chuôm, đầm, đủ cữ vớt lên mới dùng được. Thường thì người ta vẫn xác định ngâm tre khoảng 6 tháng trở ra. Ngâm non quá hay lâu quá cũng đều không tốt cả.
Ngay từ khi bụi tre được dọn gốc lấy chỗ chặt tre bọn trẻ con trong xóm đã kháo nhau, tất nhiên đến khi thợ xách thuốc nước ra bụi tre là bọn trẻ đã ra xem. Chúng cũng vòng vò xem từng chi tiết và hóng chuyện người lớn không bỏ qua câu chuyện nào. Nhiều đứa bế em trẹo sườn cũng tha lôi em theo. Người lớn bận là thế mà vẫn phải luôn mồm dặn bọn trẻ cẩn thận không dẫm phải gai tre là chết dở. Bố mẹ bọn trẻ mà biết được thì ra tận nơi gắt lên gọi về, ai lại chơi ở cái chỗ nguy hiểm thế này.
Với bọn trẻ con, việc chặt tre hấp dẫn vô cùng vì nhiều đứa ao ước có một cái tay tre làm cần câu. Cần câu tay tre khi ngả màu vàng, giật con nhái cụ êm ru, hơn hẳn cái cần vót, nối không chuẩn. Người lớn cố tình không hiểu, sợ con mình nghịch dại, hay chẳng may dẫm phải gai tre nên mượn dao chặt ngay cái roi đem về khiến bọn trẻ con sợ quắn, chạy thục mạng về trước.
Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng ra xin cái tay tre, hay gốc cây tre đực về cho những việc riêng, ví như làm cái gậy gẩy rơm, hay buộc thêm cái chạc làm “mỏ ngoèn” hoa quả cành cao. Người dừng tay hút thuốc lào, người tán chuyện, cho đến cánh rút tre, cánh buộc bè cũng đều vừa làm vừa chuyện như ngô rang.
Sau khi những cây tre đã được róc hết tay, mắt, cánh thanh niên sẽ chọn chừng 10 đến 20 cây buộc ghim thành từng bó nhỏ, 2 lớp. Phải buộc chặt, cẩn thận tránh tuột vì dây này sẽ chịu nắng mưa, lại ngâm nước suốt trong thời gian dài. Khi những bè nhỏ này đóng xong, mấy cây tre đực rắn chắc cũng đã được chọn để đóng thành cọc, ghim bè tre dưới nước, những bè tre này được xếp 2 lớp, yên vị trong 4 cọc buộc chặt.
Tre chặt xong quang cả một góc ngõ, góc ao. Người trong xóm được nhờ hay tiện việc cũng đều xắn tay áo giúp khênh tre ra ao đóng bè. Người trên bờ, người dưới ao, nói oang oang. Đàn bà con gái, trẻ con cũng đứng vây lấy để xem. Mấy thanh niên bì bõm dưới ao, hì hục đóng cọc đến mức sủi tăm nước, rồi thoăn thoắt đón bè tre xuống. Người làm dưới nước cứ làm, người đứng trên bờ chuyện cứ chuyện. Chẳng mấy chốc bè tre đã được cố định dưới ao.
Chưa hết việc, phải có người lặn xuống vớt bùn đổ lên trên bè tre mới ngâm, làm như thế ngộ nhỡ mùa hanh ao cạn nước thì mặt trên bè tre vẫn giữ được ẩm. Xong xuôi họ mới bơi một vòng, tắm táp sạch tinh rồi mới lên bờ. Đám trẻ con vẫn đứng vắt tay xem đến kì cùng.
Nhãng đi, bè tre đã ngả màu, mấy cái cọc tre còn lên lá lơ thơ. Cầu ao làng nhiều khi đông người dùng quá, lại đục chẳng dám giặt quần áo, thế nên nhà có bè tre lại sẵn người, sẵn mấy cây tre cong dự định chẻ làm hàng rào, gia chủ lại đóng 3 cây tre thành cái cầu nối từ bờ ao ra bè tre để giặt rũ cho sạch sẽ. Người trong xóm, trong ngõ thấy tiện và sạch cũng dùng ké luôn. Có người dùng xong cất cái nút rác tận đầu bè tre mà vẫn bị người khác tìm thấy, dùng mất, bực quá nói toáng lên. Người trong ngõ phải gióng, gớm cứ dùng nút rác chung, cọ chân tay có mà hạt cơm mọc đầy ý. Ai mà ẩu thế.
Thấm thoắt rồi cũng đến ngày vớt tre, người lớn bàn bạc, định ngày mà trẻ con cũng nhớ. Chúng háo hức vây lấy để xem. Bùn trên bè tre, cây dại trên bùn ấy nhổ hết vứt xuống ao. Dây chằng cọc bị chặt phăng, dây ghim từng bè nhỏ cũng được chặt đứt. Người cẩn thận vơ nút rác cọ sạch những cây tre bám bùn rồi mới vớt hò nhau khênh lên. Người lại bảo, cứ lên bờ, để đấy mưa nắng bong hết, cần gì.
Vớt tre, mùi rất kinh, lại bùn đất dính bê bết từ ao lên bờ mà trẻ con vẫn không sợ. Chúng dò xét từng việc như người lớn. Thế nên, nhiều người sau này đã học được cách chặt tre, đóng bè ngâm tre từ những buổi như thế này.
Cả bè tre đã được đưa lên bờ. Đóng cọc buộc chắc để tránh mất cắp. Đúng là nắng mưa khiến tre ngâm sạch rất nhanh, không còn nhiều mùi và bùn đất bám nữa. Trèo lên đống tre ngâm này chơi cũng là cái thú của bọn trẻ con.
Cho đến ngày tre ấy được đem về nhà gia chủ, để lại khoảng đất trống, cỏ cớm nắng trắng ngà, những con côn trùng chạy tán loạn. Những con giun, con rết mất ổ phơi ra dưới ánh nắng. Tre về đến sân những tay cưa, tay dao đã sẵn. Tre được cưa cắt tính cho những gian nhà ngoài, đôi gian buồng gói. Tre được pha làm dui, làm mè. Người cầm trịch tính từng cây, từng khúc, người làm giúp cứ theo chỉ đạo mà làm. Có những ống tre gốc già, nuột cắt ra được cất riêng, người lớn dặn trẻ con “cấm thó” để ông đem về pha ra vót đũa. Ống nhỏ hơn, tận dụng cái mấu thì có người nhận đem về vót đũa cả. Có những ống trung bình thì đã có ông cụ ngồi mượn đồ cắt gọt làm cái ống đựng đũa, đựng thìa.
Đám trẻ con cũng không vừa, chúng đứng đấy vẫn rình xin những thanh tre đã pha lỡ cỡ, không đủ tiêu chuẩn để về vót cần câu. Cần câu vót độ dài phần tay cầm khoảng 2 phần to, chắc, đầu vót bẹt, để kết hợp với khúc độ 1/3 khúc ấy, lấn bằng cước hoặc chỉ dù xong đem gác gác bếp. Sau một thời gian cần câu sẽ lên màu cánh gián, thật trứ danh. Cần câu này bền, mưa nắng vô tư. Thế nên không chỉ bọn trẻ con mà cánh thanh niên, trung niên cũng mê, còn cố tình xin gia chủ thanh tre ngâm dài đem về tỉa tót làm thành cái cần câu... chất lừ câu cước với lưỡi câu chùm.
Ngày ngôi nhà được cất nóc ngói ri hay ngói móc đã lợp, hồng tươi cả góc vườn, sáng rực khoảng ngõ xóm, ai đi qua cũng phải dừng lại xem, cánh thợ vừa bó bờ, vừa ngậm thuốc lá phì phèo nói chuyện với xuống. Mùi tre ngâm đặc trưng còn nồng gắt, mùi này có khi phải qua năm mới hết.
Ai đã từng dọn về nhà mới làm bằng tre ngâm, đêm nằm chưa mắc màn, ngắm từng đốt tre, từng nút lạt buộc, ngửi cái mùi tre ngâm thum thủm, gắt gắt hẳn sẽ không thể quên.
Đó là xưa, lâu rồi hồi người làng còn chặt tre để làm nhà lợp ngói. Giờ làng còn tre, nhưng thật hiếm người dùng tre làm nhà như xưa. Nên ít lắm, hoặc hết rồi những người chặt tre, ngâm tre như xưa. Ao trong ngõ thì cái còn cái đã bị lấp để làm nhà gạch hay xây biệt thự, chẳng thấy ao nào còn bè tre ngâm hay còn vài cây xoan ngâm dưới ấy nữa. Nếu có làm nhà gỗ người ta cũng kén các cánh thợ về làm mộc, gỗ được luộc, sấy tránh cong vênh, tre để trang trí cũng được sấy hay hun khói chứ chẳng ai còn ngâm tre dưới ao vài tháng hay cả năm như xưa...
Chuyện đã xưa, người ưa hoài niệm sợ rằng một mai cánh trẻ không còn biết chuyện bụi tre hay bè tre ngâm trong ao, chuôm của làng nên biên lại... cất giữ bằng văn bản hẳn sẽ yên lòng hơn.
Link nội dung: https://uws.edu.vn/bui-tre-a42252.html