Điều trị nhịp tim nhanh ở trẻ nhỏ

Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước có thể can thiệp điều trị hầu hết các rối loạn nhịp tim cho trẻ ngay từ thời kỳ sơ sinh. Từ năm 2012 đến nay, gần 200 bệnh nhi bị nhịp tim nhanh đã được điều trị thành công và an toàn bằng kỹ thuật đốt điện.

(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)

Bệnh khó chẩn đoán

Để chẩn đoán trẻ bị cơn tim nhanh, ngoài việc phải ghi điện tim trong lúc đang bị cơn tim nhanh còn phải ghi điện tim cả khi tim đập bình thường. Điện tim ghi được trong lúc tim nhanh có thể chẩn đoán chính xác được hầu hết các loại rối loạn tim nhanh. Điện tim ghi được lúc tim đập bình thường có thể gợi ý hướng đến chẩn đoán loại loạn nhịp có thể có. Tuy nhiên phần lớn điện tim ngoài cơn tim nhanh là bình thường, nên việc chẩn đoán rất khó khăn. Để ghi được điện tim trong lúc xuất hiện triệu chứng nghi ngờ tim nhanh, bệnh nhân cần phải được gắn máy ghi điện tim liên tục trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, hoặc mang theo máy ghi điện tim cầm tay, hoặc được cấy máy tự ghi điện tim trong cơ thể. Ngày nay, với phương pháp thăm dò điện sinh lý trong tim cho phép chẩn đoán chính xác hầu hết các rối loạn nhịp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp nghi ngờ loạn nhịp tim có triệu chứng, hoặc khi có chỉ định điều trị triệt để bằng can thiệp và chỉ có thể thực hiện được tại bệnh viện có chuyên khoa sâu.

Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước có thể can thiệp điều trị hầu hết các rối loạn nhịp tim cho trẻ ngay từ thời kỳ sơ sinh. Từ năm 2012 đến nay, gần 200 bệnh nhi bị nhịp tim nhanh đã được điều trị thành công và an toàn bằng kỹ thuật đốt điện.

Hiện nay, phương pháp điều trị phổ biến là dùng các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn và dự phòng tái phát cơn cho các bệnh nhân có cơn tim nhanh kéo dài và cơn tim nhanh nguy kịch. Tuy nhiên, việc dùng các thuốc chống loạn nhịp có nhiều hạn chế: không điều trị được triệt để, uống thuốc hằng ngày, dùng thuốc kéo dài, tác dụng hạn chế (hiện tượng kháng thuốc), tác dụng phụ của thuốc, chi phí đi lại và thăm khám nhiều lần. Chính vì vậy, phương pháp can thiệp điều trị bằng đốt điện (dòng điện có sóng cao tần) được lựa chọn hàng đầu đối với trẻ lớn cho hầu hết các loại loạn nhịp tim nhanh và trẻ nhỏ khi có dấu hiệu nguy hiểm. Đây là biện pháp điều trị triệt để, chống tái phát cơn, tỉ lệ điều trị thành công trên 95%, rất ít tai biến và biến chứng do kỹ thuật. Đây cũng là phương pháp thay thế cho phương pháp phẫu thuật điều trị loạn nhịp trước đây./.

Nguồn: Lưu Hường (VOV)

Link nội dung: https://uws.edu.vn/roi-loan-nhip-tim-o-tre-em-a35145.html