Nhà xuất bản Thế Giới nỗ lực vượt khó xuất bản sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại

Phong phú sách ngoại ngữ có giá trị cao

Là nhà xuất bản ngoại ngữ hàng đầu của Việt Nam, được thành lập từ năm 1957 nhằm giới thiệu đến độc giả trên thế giới về Việt Nam thông qua các ấn phẩm tiếng Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Nhật và Esperanto. Đồng thời cũng xuất bản sách song ngữ và sách bằng tiếng Việt. Nhưng trước sự chuyển đổi của thị trường trong thời đại mới, những năm qua Nhà xuất bản Thế Giới đã ra sức nỗ lực để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là công tác xuất bản sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại.

Nhà xuất bản Thế Giới nỗ lực vượt khó xuất bản sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại - Ảnh 1.

Ông Trần Đoàn Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thế Giới

Ông Trần Đoàn Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thế Giới cho biết: Những năm qua Nhà xuất bản đã xuất bản nhiều đầu sách có giá trị, được các cơ quan, bộ, ban, ngành như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục xuất bản (Bộ TTTT), Bộ Ngoại giao…nhiều lần mang sách của Nhà xuất bản làm quà biếu và trưng bày tại các hội sách lớn trên thế giới. Hiện nay, Nhà xuất bản đang dịch Bộ Văn kiện Đại hội Đảng sang tiếng Anh để xuất bản phục vụ Đại hội XIII của Đảng.

Ông Lâm cũng cho biết thêm: Năm nào Nhà xuất bản cũng có sách đạt giải thưởng Sách Việt Nam đặc biệt là giải thưởng lớn như: giải Vàng (Lãng du trong Văn hóa của tác giả Hữu Ngọc, Tìm hiểu về văn hóa Việt Nam của GS. Kiều Thu Hoạch), giải Bạc, giải Đồng, giải Nhất, giải Nhì, giải Khuyến khích…

Nhà xuất bản Thế Giới nỗ lực vượt khó xuất bản sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại - Ảnh 2.

Ông Trần Đoàn Lâm (thứ 6 từ phải sang) nhận giải thưởng sách về Thông tin đối ngoại năm 2020

Bên cạnh đó, trong bốn năm trở lại đây, khi tham dự giải thưởng về Thông tin đối ngoại, Nhà xuất bản luôn có sách tham dự và cũng đều được giải. Năm trước sách của Nhà xuất bản đoạt giải Nhì cho cuốn của tác giả người Venezuela (họ còn bay sang Việt Nam để nhận giải), mới đây nhất (năm 2020), sách của Nhà xuất bản đã vinh dự đạt giải Ba cho cuốn "Khám phá Sài Gòn-Chợ Lớn" của tác giả người Anh Tim Doling.

Hàng năm, Nhà xuất bản Thế Giới luôn hoàn thành kế hoạch Nhà nước đặt hàng, xuất bản các sách như: Các Văn kiện của Đảng, các Văn kiện pháp luật, một số sách giới thiệu về tiềm năng du lịch, những thay đổi trong kinh tế, chính trị, cập nhật những tác phẩm bình diện văn hóa, Việt Nam trên trường quốc tế những chính sách đối ngoại, đặc biệt là về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa…

Sách đối ngoại làm theo Nhà nước đặt hàng được gửi tới các địa chỉ ở khắp nơi trên thế giới: Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán ở các nước, thư viện, tổ chức quốc tế, các hội hữu nghị, các bạn đọc nước ngoài…

Về mảng sách Chính trị, Nhà xuất bản giới thiệu những tác phẩm của Bác Hồ, của Đảng, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của các vị lãnh tụ, các vị lãnh đạo. Đặc biệt là các công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và một số nước khác như: về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay Việt Nam trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các văn bản pháp luật…

Nhà xuất bản Thế Giới nỗ lực vượt khó xuất bản sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại - Ảnh 3.

Phong phú các đầu sách ngoại ngữ của NXB Thế Giới

Mở rộng hợp tác quốc tế

Về hợp tác quốc tế, Nhà xuất bản Thế Giới luôn mở rộng mối quan hệ với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các Đại sứ quán ở Việt Nam, giúp họ để giới thiệu văn hóa và đất nước con người của họ. Tiêu biểu là Hàn Quốc, gần chục năm nay, năm nào Đại sứ quán Hàn Quốc, hay Cục Du lịch Hàn Quốc đều hợp tác với Nhà xuất bản, xuất bản nhiều đầu sách hay của Hàn Quốc giới thiệu tiềm năng du lịch của Hàn Quốc và ngược lại.

Đồng thời còn có Đại sứ quán Pháp năm nào cũng hợp tác xuất bản một vài đầu sách. Đối với Nhà xuất bản Thế Giới thì trong tương lai đây là một đối tác có tiềm năng hợp tác lớn.

Nhà xuất bản còn hợp tác với một số nước như Bangladesh, Argentina để cùng xuất bản những cuốn sách giới thiệu Việt Nam ra nước ngoài đặc biệt là sách về Bác Hồ. Các nước thường xin bản quyền sách của Nhà xuất bản thông qua Đại sứ quán.

Ngoài các sách hiện nay, Nhà xuất bản còn có ấn phẩm tạp chí nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh và tiếng Pháp được xuất bản theo quý để giới thiệu các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội của Việt Nam. Ngoài ra còn hợp tác với Tạp chí Travellive đặc biệt là giới thiệu tiềm năng du lịch của Việt Nam cũng như thế giới.

Còn một mảng nữa rất quan trọng là chương trình hợp tác với các đối tác trong nước để xuất bản sách, mảng sách này chiếm phần trăm lớn trong kế hoạch hàng năm của Nhà xuất bản. Có nhiều đầu sách được bạn đọc ca ngợi và chính mảng sách này làm nên thương hiệu của Nhà xuất bản Thế Giới hiện nay.

Nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, Nhà xuất bản Thế Giới gặp rất nhiều khó khăn, khiến mức độ hợp tác xuất bản giảm sút nhiều. Trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư dẫn đến nhiều sự cạnh tranh như Internet, mạng xã hội, công nghệ thông tin, bạn đọc đã thay đổi thói quen đọc sách, thị hiếu đọc sách.

Rồi ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường sách cũng có nhiều biến động. Rồi đội ngũ dịch thuật, thị trường hợp tác với các đối tác nước ngoài cũng ngày càng giảm. Ví dụ như Đại sứ quán Ấn Độ, trước đây hàng tháng có ấn phẩm Tạp chí Ấn Độ đã hợp tác với Nhà xuất bản nhiều năm trong các khâu dịch, biên tập, hiệu đính và xuất bản. Giờ họ dừng lại và tự xuất bản online. Hay Trung Quốc, trước đây cũng là một khách hàng hợp tác rất tốt nhưng giờ đã giảm dần.

Còn mảng sách ngoại ngữ, mỗi năm Nhà xuất bản làm khoảng 30-40 đầu sách nhưng phải làm gối vụ. Vì công tác dịch, hiệu đính, biên tập rất kỳ công nên nếu tăng sản lượng sách đối ngoại bằng tiếng ngoại ngữ hiện nay rất là khó. Vì yêu cầu về mặt chất xám, yêu về mặt thời gian, nhân lực, nhân công…lớn hơn sách tiếng Việt. Vậy nhưng hiện nay, các biên dịch viên của Nhà xuất bản đang ngày một giảm đi, đội ngũ cộng tác viên dịch thuật cũng ít dần.

Để xuất bản sách đối ngoại phải qua nhiều công đoạn: đầu tiên làm việc với tác giả, sau phải biên tập lại công tác đối ngoại cho phù hợp với bạn đọc: chú thích, cắt, sửa…sau đó đưa dịch, sau khi dịch xong thì người nước ngoài phải hiệu đính… Các mảng sách này, sách bằng tiếng Anh chiếm phần lớn, sau đó có tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức…

Anh Nguyễn Thế Khoa - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới cũng tâm sự: Mặc dù nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành kế hoạch chương trình thông tin đối ngoại. Các mảng sách được xuất bản vẫn đảm bảo tiêu chí chức năng nhiệm vụ của Nhà xuất bản, các Điều của Luật Xuất bản và các yêu cầu chính trị mà Nhà xuất bản được giao hàng năm.

Mỗi đầu sách được xuất bản cũng phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, trong khả năng kinh doanh của Nhà xuất bản. Mỗi bản thảo được thẩm định kỹ càng trước khi đưa vào kế hoạch xuất bản. Mỗi ấn phẩm xuất bản phải dự đoán được kết quả kinh doanh tốt, tái bản được nhiều lần, nội dung có giá trị, tác động tích cực đến xã hội và có tính giáo dục cao.

"Hy vọng trong tương lai, khi mà đội ngũ biên dịch dày kinh nghiệm và tài năng của Nhà xuất bản hiện nay đã già, thì Nhà xuất bản sẽ có được những biên dịch viên trẻ mới kế cận đáp ứng được những tiêu chí mà Nhà xuất bản đặt ra. Để thu hút được nhân tài thì cần có cơ chế, chính sách ưu đãi tốt. Muốn làm được điều đó thì Nhà xuất bản cần những hỗ trợ nhiều phía của Nhà nước"- Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới Trần Đoàn Lâm nói.

Link nội dung: https://uws.edu.vn/nha-xuat-ban-the-gioi-a34090.html