Sinh viên học ngành Logistics có mức lương lên tới 9 con số

Sinh viên học ngành Logistics có mức lương lên tới 9 con số
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành nghề được nhiều thí sinh, phụ huynh quan tâm. Ảnh: Cường Ngô

Cơ hội việc làm ngành Logistic

Ngành Logistics là một khái niệm tổng quát được sử dụng để chỉ các hoạt động liên quan đến quản lý, vận hành và điều phối các sản phẩm và dịch vụ từ điểm sản xuất đến điểm tiêu dùng. Nó bao gồm tất cả giai đoạn trong chuỗi cung ứng, từ quản lý kho, vận chuyển, xử lý đơn hàng, quản lý vận tải đến quản lý nguồn lực và các hoạt động liên quan khác.

Theo thống kê của Hội đồng Logistics Việt Nam, ngành Logistics tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, với tỉ lệ tăng trưởng 15 - 20% mỗi năm.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đã có thể làm việc trong các doanh nghiệp chuyên về Logistics như DHL, FPT, Vinafreight… hoặc trong các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng và vận tải như Grab, Shopee…

Công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể là:

Quản lý kho: Làm việc trong các kho hàng và quản lý các hoạt động liên quan đến đó.

Vận chuyển: Quản lý các hoạt động vận chuyển hàng hóa từ điểm sản xuất đến điểm tiêu dùng.

Xử lý đơn hàng: Quản lý các hoạt động xử lý đơn hàng của khách hàng.

Quản lý vận tải: Thiết kế và quản lý các hoạt động vận tải để đảm bảo hiệu quả vận chuyển.

Mức thu nhập "khủng"

Trên trang tuyển sinh của Đại học Hồng Bàng, cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics và con số này dự đoán sẽ càng tăng nhanh trong thời gian sắp tới.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cũng đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực tại TP HCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 - 330.000 chỗ làm việc, trong đó ngành Logistics chiếm 5%.

Đối với những vị trí mới tốt nghiệp và ít kinh nghiệm, mức lương ngành Logistics có thể dao động từ 5 - 9 triệu đồng/tháng.

Mức lương tăng dần qua các năm khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn. Khi bạn đã lên đến vị trí cấp cao và trưởng nhóm thì mức lương của bạn thường sẽ tăng lên khá nhiều, dao động từ 9 đến 13 triệu đồng/ tháng.

Có những doanh nghiệp Quản lý Logistics chỉ có mức lương khoảng 15 - 23 triệu đồng/tháng, nhưng cũng có những tổ chức đang chi trả cho vị trí này tới 80 - 100 triệu đồng/tháng.

Đánh giá về mức thu nhập "khủng" trên, chị Nguyễn Phương Chi - nhân viên sale ngành Logistics của một công ty tại Hà Nội - cho biết, mức thu nhập này hoàn toàn đúng với thực tế.

"Thông thường, mức lương ngành Logistic cho người mới dao động 5 - 8 triệu đồng/tháng. Ở các công ty lớn, mức lương sẽ cao hơn một chút khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, với vị trí nhân viên sale như tôi sẽ có mức thu nhập dao động từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương vị trí này sẽ không có giới hạn. Thời điểm năm 2019 đến giữa năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ Logistics càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Do đó, mức thu nhập trong ngành lúc này có thể lên tới con số 100 triệu đồng/tháng, nhất là với các vị trí có trình độ, chuyên môn cao" - chị Phương Chi cho hay.

Cũng theo chị Chi, hiện nay, tuỳ từng vị trí việc làm, mức lương ngành Logistics giữ vị trí ổn định khoảng 10 - 25 triệu đồng/tháng.

"Sinh viên theo học ngành Logistics sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Đồng thời, mức thu nhập của ngành sẽ không làm người học phải thất vọng" - chị Chi nói.

Link nội dung: https://uws.edu.vn/logistics-va-quan-ly-chuoi-cung-ung-luong-a33604.html