Rước họa vào thân vì tự chữa bệnh trĩ bằng các loại thuốc truyền miệng

"Lấy độc trị độc" và cái kết đắng

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI vừa qua đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân L.T.L (45 tuổi), nhập viện trong tình trạng búi trĩ sưng to, ống hậu môn viêm loét nặng. Bệnh nhân đau đớn và đi đại tiện khó khăn.

Sau khi được thăm khám, chị L. chia sẻ đã sử dụng loại thuốc do người nhà đem từ Thái Lan về để đắp lên hậu môn. Đọc bao bì của gói thuốc đắp, các bác sĩ ngỡ ngàng khi có dòng chữ dịch ra là điều chế từ nọc rắn hổ mang.

Theo lời bệnh nhân thì trước đó chị đã có những triệu chứng khá nặng, búi trĩ đã sa ra ngoài. Đang phân vân đi khám thì chị được người nhà mách nước, có loại thuốc Thái chữa được bệnh trĩ, chứa nọc rắn "độc trị độc", làm búi trĩ co nhỏ và biến mất.

Sẵn tâm lý ngại ngần đi khám, sợ đau, sợ mổ xẻ, chị L. nhờ người thân xách tay thuốc về đắp lên hậu môn mỗi ngày và tin rằng búi trĩ sẽ co lại. Búi trĩ chẳng những không co lại, hậu môn đau rát, chảy máu, mỗi lần đi đại tiện là một cực hình.

Khi quá đau không chịu được nữa, bệnh nhân đến khám thì bệnh đang ở cấp độ 4, sa búi trĩ kèm nhiễm trùng, viêm loét ống hậu môn. Bệnh nhân L. được các bác sĩ chỉ định mổ để cắt búi trĩ, đồng thời điều trị nhiễm trùng và chăm sóc hậu môn viêm loét.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Hải, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc - người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cho rằng, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra nọc độc rắn hổ mang có công dụng chữa trĩ. Đồng thời, bác sĩ khuyến cáo người bệnh muốn chữa trĩ thì phải đến bệnh viện uy tín, không được dùng các loại thuốc truyền miệng và chữa trị theo những cách phản khoa học.

Rước họa vào thân vì tự chữa bệnh trĩ bằng các loại thuốc truyền miệng - 1
Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh nọc độc rắn hổ mang có thể chữa trĩ (Ảnh: Freepik).

Hàng nghìn trường hợp bệnh nhân nhập viện khi bệnh trĩ đã trở nặng. Rất nhiều người trong số đó cũng như chị L. là những trường hợp chữa bệnh tại nhà theo các bài thuốc truyền miệng. Tâm lý chung của các bệnh nhân này là ngại đau vì mổ, ngại thuốc Tây, cộng thêm tin tưởng những phương pháp bí truyền được truyền tai nhau.

Chính sự thiếu hiểu biết cộng với chủ quan đã khiến nhiều người bệnh lao đao vì "tiền mất, tật mang", bệnh đang nhẹ lại hóa nặng thêm.

"Bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên đơn thuốc phải do các bác sĩ chỉ định sau quá trình chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh. Chính vì vậy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín ngay từ khi bản thân xuất hiện những triệu chứng nhẹ nhất để thăm khám và được định hướng điều trị", bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Đừng bỏ qua những "thời điểm vàng" chỉ vì sợ đau

Theo bác sĩ Hải, bệnh trĩ là một bệnh lành tính nếu được chữa trị đúng cách và đúng thời điểm. Cấp độ 1, 2 là giai đoạn bệnh nhẹ, có thể chữa bằng việc sử dụng thuốc theo chỉ định và kết hợp với điều chỉnh ăn uống, tập luyện.

Các ca bệnh đến khám chữa hầu hết đã bỏ qua "thời điểm vàng" này vì ngại ngùng, sợ sẽ phải mổ đau, hoặc chủ quan cho rằng một thời gian trĩ tự khỏi. Không chỉ bỏ lỡ giai đoạn chữa trị tốt nhất, nhiều người bệnh còn làm bệnh nặng hơn bằng các bài thuốc lạ. Khi búi trĩ đã to, sưng và sa ra ngoài, trĩ độ 3,4 thì phẫu thuật cắt trĩ là điều bắt buộc phải làm để tránh tình huống tệ hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Hải cho biết: "Có những ca bệnh đến độ 3, 4 rồi nhưng sợ đau, sợ mổ nên chọn đắp thuốc người nhà giới thiệu. Đến khi sa búi trĩ, đi đại tiện hậu môn chảy máu quá nhiều, vào viện được chỉ định mổ, nhưng phải truyền tới 3 đơn vị máu mới mổ được. Thực chất là duy trì tình trạng đó còn đau hơn mổ".

Hiện nay, các phương pháp mổ trĩ đã được cải tiến nhằm đảm bảo quá trình mổ không đau, nhanh chóng và an toàn cho người bệnh. Kỹ thuật mổ ít xâm lấn như mổ trĩ Longo được áp dụng, kết hợp với những liệu pháp giảm đau triệt để giúp cho người bệnh không còn ám ảnh với cơn đau mổ và hậu phẫu.

Nhiều bệnh nhân hậu phẫu khẳng định phương pháp mổ trĩ không đau như những chiếc phao cứu sinh khỏi cơn đau mổ trĩ. "Không thể tin mổ trĩ có ngày lại nhẹ nhàng như thế". Chị V.H.V (49 tuổi, Vĩnh Phúc) - một bệnh nhân vừa được cắt bỏ búi trĩ thâm niên tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tâm sự.

Có thể nói, phương pháp mổ trĩ không đau đã gỡ rào cản tâm lý lớn nhất - nỗi ám ảnh về cơn đau của người bệnh. Ngày càng nhiều bệnh nhân tìm đến phương pháp mổ không đau để kết thúc những phiền toái mà trĩ đem lại trong thời gian dài.

Rước họa vào thân vì tự chữa bệnh trĩ bằng các loại thuốc truyền miệng - 2
Các bác sĩ trong cuộc phẫu thuật trĩ không đau (Ảnh: Bệnh viện Thu Cúc).

"Bệnh trĩ là một bệnh lành tính, có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Người bệnh không nên tự chữa trĩ bằng những bài thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng tác dụng. Thay vào đó, hãy lựa chọn cho mình một địa chỉ uy tín, tin cậy đồng hành cùng bạn trên hành trình xóa sổ những búi trĩ cứng đầu", bác sĩ Hải chia sẻ thêm.

Link nội dung: https://uws.edu.vn/dien-dan-benh-tri-a31862.html