PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - nguyên Trưởng khoa Vi chất (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, lòng lợn là món ăn nghèo dinh dưỡng, khó tiêu hoá, dễ nhiễm khuẩn, nếu không được làm sạch có thể đưa các vi khuẩn, ký sinh trùng có hại của vật chủ (lợn) vào cơ thể.
Hàng năm cơ quan chức năng bắt giữ hàng nghìn tấn nội tạng động vật không có nguồn gốc, xuất xứ được đưa về Việt Nam tiêu thụ, trong đó có lòng lợn.
Lòng lợn không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lao, than..., các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Một số ruột động vật có chứa lượng lớn vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.
Ông Ninh nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ chỉ nên ăn lòng 1-2 lần/ tháng. Lưu ý ăn lòng cần phải đảm bảo đã làm sạch và nấu chín để tránh mầm bệnh và ký sinh trùng nguy hiểm. Bạn tuyệt đối không nên ăn các loại lòng không rõ xuất xứ, bởi chúng dễ có những chất bảo quản, hoặc tẩy rửa bằng hoá chất hoá học không tốt cho sức khoẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cảnh báo không nên ăn quá nhiều vì thực phẩm này có thể gây ra những hệ luỵ cho sức khoẻ.
Giá trị dinh dưỡng trong lòng không nhiều, chủ yếu là chất béo bão hoà và cholesterol cao. Trong 100g lòng lợn chứa gần 400mg cholesterol. Cholesterol là thành phần cần cho cấu trúc tế bào, nhưng nạp quá nhiều làm tăng nguy cơ xơ vỡ động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì vậy, người cao tuổi, người bị bệnh gút, cần tránh ăn.
Ngoài ra, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... cần hạn chế ăn lòng và tạng động vật, vì chúng có thể khiến tình trạng bệnh xấu hơn.
PGS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, để ăn lòng an toàn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Với những người khoẻ mạnh, chỉ ăn 1 lần/tuần, 70-80gram trong một lần, không gây thừa cholesterol mà vẫn lấy được dưỡng chất. Khẩu phần ăn lành mạnh một ngày chỉ nên ăn dưới 300mg/cholesterol từ tất cả các thực phẩm. Cholesterol không chỉ có trong các tạng của động vật mà còn ở trong da động vật, mỡ động vật… Do vậy, để khỏe mạnh chúng ta nên ăn đa dạng và cân đối các loại thực phẩm.
- Người dân nên hạn chế ăn nội tạng không rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm. Không ăn nội tạng chế biến chưa kỹ, nội tạng để qua đêm nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, bị ôi thiu, hay có mùi hôi khó chịu.
- Khi ăn lòng nên ăn nhiều rau để các chất xơ cuốn mỡ trong hệ tiêu hoá. Dinh dưỡng khoa học là sự cân đối về lượng và chất. Nên ăn đa dạng hoá thực phẩm để có đủ dinh dưỡng thay vì chỉ chú ý vào một món ăn.
Link nội dung: https://uws.edu.vn/long-lon-a31334.html