Vào những năm 2000, đời sống người dân Việt Nam đã có sự cải thiện sau một thời gian dài sống trong bao cấp. Nhiều ngành nghề phát triển đòi hỏi việc đi lại phải nhanh chóng hơn. Xe gắn máy nổi lên như một loại phương tiện không cần bằng cấp phức tạp mà lại phù hợp với đường xá manh mún, nhỏ hẹp tại Việt Nam thời điểm đó.
Nắm được nhu cầu này, Honda đã nhanh chóng nhảy vào thị trường Việt Nam với những mẫu xe như Wave, Dream. Tuy nhiên, nhanh chóng là một việc, nhanh nhạy lại là một việc khác. Lãnh đạo Honda khi đó có quan niệm rằng: xe máy là một tài sản quan trọng với người Việt Nam, không khác gì con trâu thời xưa nên giá bán không thể rẻ được. Chính vì vậy mà xe Honda thời đó có giá vô cùng đắt, lên đến 20-30 triệu đồng. Chính vì nhận định sai lầm này mà Honda đã phải trả một cái giá không nhỏ. Thị phần của Honda sụt giảm từ 35% xuống chỉ còn 17% dù thị trường xe máy tại Việt Nam tăng trưởng kỷ lục lên tới 300% vào năm 2000. Người tạo ra cũng như hưởng lợi không nhỏ từ sự bùng nổ này chính là các hãng xe máy Trung Quốc, hay còn gọi quen là xe Tàu.
Vào thời điểm đó, xe máy Tàu bắt đầu du nhập vào Việt Nam với các sản phẩm hao hao hay nói trắng ra là bắt chước y nguyên những chiếc Wave hay Dream của Honda. Hai thương hiệu tích cực trong phong trào này nhất chính là Lifan và Loncin. Đánh đúng tâm lý người Việt, xe Wave Tàu có giá bán rẻ hơn hẳn so với hàng chính hãng, chỉ khoảng 12 đến 14 triệu đồng, có khi chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Khi mà giá bán của xe Honda, Suzuki hay Yamaha chính hiệu đều từ 20 đến 30 triệu trở lên thì những chiếc xe Tàu giá rẻ có ngoại hình y hệt, công năng mới dùng qua thì không tệ quả thực là một món hời trên thị trường lúc đó.
Trên thực tế, dù mang tiếng là xe nhái nhưng Wave Tàu dường như không thua kém nhiều về chất lượng so với Honda chính hãng. Nhiều người dùng thời đó từng nhận xét xe Wave Tàu khá bền bỉ, ít hỏng hóc, xe chỉ cần bảo dưỡng một lần một năm, đổ xăng thay dầu là chạy khỏe re. Người Việt Nam thời đó thu nhập còn thấp, thấy một dòng xe tốt mà rẻ như vậy thì mua liền để phục vụ nhu cầu di chuyển cơ bản, đâu còn mấy người để ý đến sự sang hèn của đồ nhái hay đồ xịn.
Cũng từ Wave Tàu mà hàng loạt các thương hiệu xe giá rẻ khác đã ra đời như Lisohaka, Sufat hay T&T,… Các doanh nghiệp trong nước cũng nhảy vào cuộc chơi xe máy giá rẻ bằng cách lắp ráp từ các nguồn linh kiện, phụ tùng khác nhau. Xe máy khi đó được sản xuất ngay bởi các doanh nhân, hộ gia đình ở Việt Nam. Chỉ với các máy móc thô sơ, tuốc-nơ-vít, từng chiếc xe máy giá rẻ đã ra lò từ các làng nghề cơ khi ở Nam Định hay Hà Tây cũ. Có thể nói, thời điểm những năm 2000 là giai đoạn hoàng kim của xe máy Tàu khi chúng xuất hiện nhan nhản ở các cửa hàng. Người dùng thì rộng khắp, từ công nhân viên chức cho tới chú xe ôm hay mấy chị bán hàng ngoài chợ. Đứng trước sự chèn ép của xe máy Tàu vốn chỉ bắt chước nhưng lại kiếm bộn tiền, các hãng xe máy chính thống ở Việt Nam không thể nào làm ngơ.
Trước sự thống trị của xe Tàu và trào lưu xe máy giá rẻ tại Việt Nam, các hãng xe máy lớn đến từ Nhật nhận thấy rằng họ cần phải có hướng đi mới vào thời điểm đó. Có một điều dễ thấy rằng ở một thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận các dòng xe Tàu giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu, thì sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt nhưng giá cao là cầm chắc thất bại. Khi đó, Honda với lợi thế về công nghệ và tiềm lực đã tung ra con át chủ bài Wave Alpha sau một năm nghiên cứu tìm tòi. Cái đích mà Wave Alpha nhắm đến chính là phân khúc xe máy giá rẻ. Thật vậy, Wave Alpha có giá niêm yết chỉ 11 triệu đồng nhưng chất lượng lại vượt trội hơn so với xe Tàu. Khi lợi thế về giá không còn thị xe máy Tàu cũng bị ‘thất sủng’. Chỉ trong tháng đầu tiên sau khi trình làng, Wave Alpha đã bán được 15.200 chiếc, con số này tăng lên gấp đôi chỉ sau một tháng. Thị phần của Honda nhờ vậy mà tăng trở lại và gần như thống trị thị trường xe máy Việt Nam từ đó tới nay.
Có được cái giá 11 triệu đồng chính là nhờ việc Honda đã cải tiến dây chuyền cũng như ‘nội địa hóa’ việc sản xuất của hãng. Tay nghề và công nghệ sản xuất của Honda dĩ nhiên vượt trội hơn hẳn so với việc sao chép của các hãng xe Tàu, các doanh nhân tự phát ở Việt Nam. Sau này, dù xuất hiện nhiều dòng xe giá rẻ khác như Yamaha Sirius, Yamaha Jupiter thì xe Wave Alpha vẫn là cái tên độc chiếm phân khúc xe máy giá rẻ tại Việt Nam.
Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao khiến thị hiếu của người dân cũng dần thay đổi. Những chiếc xe máy Tàu giá rẻ thời trước vốn là hình ảnh quen thuộc ngoài đường nay đã trở thành hàng hiếm của cánh độ xe. Giờ đây, khi xe máy có giá gần trăm triệu như Honda SH, Vespa GTS300 vẫn có nhiều người mua thì xe máy Tàu chỉ còn là hoài niệm về một thời xa xôi. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng nếu không có xe máy Tàu, nếu Honda, SYM, Suzuki, Yamaha không vì miếng bánh thị phần mà lao vào cạnh tranh thì người Việt Nam chưa chắc đã được dùng xe máy giá rẻ. Để có mức giá rẻ đó thì các hãng xe máy phải có tỉ lệ nội địa hóa cao, nhờ đó mà rất nhiều người dân trong nước đã có công ăn việc làm. Bằng cách này hay cách khác, xe máy Tàu đã đóng góp nhiều cho đời sống của người dân Việt Nam, giúp sức biến nước ta trở thành một trong các trung tâm công nghệ xe máy hàng đầu thế giới như ngày nay.
Link nội dung: https://uws.edu.vn/wave-trung-quoc-110-a30224.html