Các di chứng ở người bệnh hậu Covid-19

Ngành Quân y - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và chỉ đạo, hướng dẫn toàn Học viện tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cho bộ đội, không để dịch COVID-19 lây nhiễm vào các cơ quan, đơn vị và hạn chế tác dụng không mong muốn ở người bệnh hậu COVID-19; duy trì nghiêm các chế độ nền nếp, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ban Quân y/Phòng Hậu cần yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt qua đó nâng cao nhận thức về di chứng hậu COVID-19 đê đảm bảo sức khỏe cho bộ đội.

DI CHỨNG HẬU COVID KÉO DÀI BAO LÂU?

I. Hậu COVID-19

Hậu COVID-19 là tình trạng bệnh lý xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi khởi phát bệnh COVID-19, kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng các bệnh lý khác.

II. Dịch tễ hậu COVID-19

Mặc dù đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn, nhưng:

- 10-35% bệnh nhân COVID-19 điều trị ngoại trú (bệnh nhẹ) bị hậu COVID bất kể tình trạng bệnh nền.

- Đối với bệnh nhân COVID-19 phải điều trị nội trú thì tỷ lệ này lên đến 85% bị hậu COVID.

- Tỷ lệ này tăng lên theo độ tuổi, nữ giới, theo tình trạng bệnh nền (hô hấp mãn tính, béo phì, đái tháo đường, tim mạch mạn tính, ghép tạng, bệnh thận mạn, ung thư..), theo mức độ nghiêm trọng ban đầu của COVID-19 (nhất là các bệnh COVID-19 mức độ nặng, phải thở máy).

- Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu tiêm đủ số mũi vắcxin cơ bản (từ 2 mũi trở lên) thì tỷ lệ bị hậu COVID-19 giảm đi một nửa.

III. Các di chứng hậu COVID-19 thường gặp

Theo thống kê hiện nay có trên 200 biến chứng hậu COVID-19 được phát hiện, trong đó những triệu chứng sau khi mắc virus Corona thường gặp nhất:

- Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, hay bị hụt hơi khi nói chuyện.

- Ho nhiều.

- Thường xuyên bị mất ngủ.

- Hay căng thẳng, lo lắng, rất dễ bị xúc động.

- Hay bị choáng.

- Khó tập trung.

- Hay quên.

- Hay hồi hộp, xuất hiện triệu chứng đánh trống ngực.

- Khó thở.

- Nghẹn họng.

- Bị trào ngược dạ dày.

A. Các hội chứng sau khi khỏi COVID-19 thường gặp:

1. Mệt mỏi

Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19 bất kể ở nhóm người bệnh phải nhập viện hay nhóm bệnh nhẹ tự điều trị tại nhà. Tỷ lệ người bệnh có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện mệt mỏi kéo dài sau khỏi bệnh chiếm từ 50%-90%, thông tin này được nhiều quốc gia báo cáo theo dõi người bệnh hậu COVID-19.

Phương pháp điều trị cho người bệnh mệt mỏi kéo dài hậu COVID-19 chủ yếu tăng cường thể thao vận động, bổ sung dinh dưỡng, làm việc nhẹ nhàng, tăng cường thời gian thư giãn để cơ thể phục hồi. Theo thống kê, tình trạng mệt mỏi kéo dài tùy theo mức độ thời gian khác nhau, người bị nhiễm COVID-19 nặng, nhập viện, thở máy thì tình trạng này có thể kéo dài từ 2-6 tháng.

2. Di chứng tâm thần kinh đa dạng

COVID-19 và nhiều virus khác có khả năng ảnh hưởng và làm tổn thương hệ thống thần kinh, hệ thống tai trong và tiền đình, gây đau đầu, chóng mặt. Ở trường hợp nặng hơn, người từng nhiễm COVID-19 có khả năng mất tập trung, giảm trí nhớ, rối loạn về tiếp nhận ngôn ngữ. Đây là hội chứng “sương mù não” (brain fog) - có biểu hiện lú lẫn, hay quên - tư duy trở nên mơ hồ, chậm chạp, kém nhạy bén…. “Sương mù não” kéo dài là một trong những triệu chứng thần kinh điển hình đã được ghi nhận ở những người từng là F0 sau khi khỏi bệnh. Nguyên nhân dẫn đến sương mù não có thể virus phá hủy rào cản ngăn dị vật xâm nhập vào não, từ đó gây ra tình trạng viêm não.

Đối với một số trường hợp chứng sương mù não sau COVID-19 có thể biến mất sau khoảng vài tháng. Nhưng một số trường hợp nó có thể tồn tại lâu hơn. Điều trị sương mù não phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, nếu bạn đang thiếu máu, bổ sung sắt có thể làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu và giảm đi tình trạng sương mù não…

3. Hệ hô hấp bất thường

Nhiều người bệnh phải kiểm tra sức khỏe vì ho, khó thở, đặc biệt khi gắng sức, vận động, leo cầu thang. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến bất thường hô hấp là do tổn thương phổi sau nhiễm COVID-19.

Đây là di chứng thường gặp đối với F0, phổ biến nhất là tình trạng viêm phổi, xơ phổi, ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng hô hấp. Đặc biệt, tình trạng ho, khó thở hậu Covid kéo dài có thể kéo dài trên nhóm người bệnh từng có tiền sử mắc viêm phổi nặng, từng thở máy, điều trị ECMO, lớn tuổi, những người từng thở oxy….

Khi họ thăm khám hậu COVID-19, bác sĩ chụp X-quang phổi, CT Scan đánh giá, phát hiện tình trạng phổi như đông đặc, kín mờ, sẹo, xơ, tổn thương ngoại biên… Dựa trên triệu chứng sẽ được điều trị phục hồi chức năng phổi, một số trường hợp phải nhập viện điều trị do viêm phổi, nhiễm trùng phổi.

4. Rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý có thể xảy ra đối với người đang nhiễm COVID-19 và nhóm người khỏi bệnh. Dù thoát khỏi bệnh COVID-19, nhiều người rơi vào rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu và trầm cảm. Có 3 nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý sau khi nhiễm COVID-19 là:

Thứ nhất: Bị virus tấn công, hệ miễn dịch cơ thể khởi động chống lại virus nhưng không kiểm soát đúng cách đã gây hại cho tế bào thần kinh dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đau đầu…

Thứ 2: Do tâm lý căng thẳng, sợ hãi khi nhiễm bệnh, khi chịu cảnh cách ly một mình người bệnh cảm thấy bất ổn, sợ lây bệnh cho người khác, sự mất việc làm, sợ chết…

Thứ 3: Khi mới bị bệnh, cơ thể tiết ra nhiều hormone chống lại tình trạng stress. Với những người xảy ra stress kéo dài sẽ khiến các cortisol tăng lên, tạo ra các gốc tự do, rối loạn chuyển hóa… làm cho người bệnh bất ổn, dễ cáu gắt.

Phương pháp điều trị rối loạn tâm lý chủ yếu liệu pháp vực dậy tinh thần, tăng cường nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý. Riêng đối với nhóm người bị trầm cảm sau khi hết COVID-19 có thể được điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm.

5. Di chứng tim mạch

Đã có nghiên cứu những người đã khỏi COVID-19 vẫn có di chứng tim mạch kéo dài, triệu chứng thường gặp: đau ngực, tăng men tim kéo dài - nguyên nhân có thể do viêm cơ tim tiếp diễn từ đợt cấp; hồi hộp. Ngoài ra, một số nhóm người bệnh có biểu hiện mạch nhanh khi nghỉ ngơi, hội chứng nhịp nhanh được cho là do rối loạn hệ thần kinh tự trị. Tình trạng tim đập nhanh xuất hiện trong khoảng 1-3 tháng đầu sau khi họ âm tính virus.

Di chứng để lại sau khi mắc Covid này gặp ở những người bình thường lẫn những người có bệnh nền tim mạch. Với người bệnh nền, nguy cơ nhập viện điều trị cao hơn. Còn ở nhóm người trẻ, vận động viên thể thao ít có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch hậu COVID-19 hơn nhóm bệnh nhân khác.

B. Các hội chứng sau khi khỏi COVID-19 ít gặp

Người khỏi bệnh COVID-19 có thể gặp các triệu chứng ít điển hình như thay đổi nội tiết, sốc nhiễm trùng, viêm phổi, tổn thương thận, đông máu… Tuy ít gặp, nhưng những di chứng này lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.

1. Di chứng nội tiết

Người khỏi COVID-19 có thay đổi chỉ số nội tiết, họ có biểu hiện rối loạn nội tiết gồm nhiễm toan ceton do tăng đường huyết trên người chưa từng chẩn đoán đái tháo đường trước đây, viêm giáp bán cấp Hashimoto và nhiễm độc giáp, bệnh Graves, loãng xương.

2. Di chứng trên da - lông - tóc

Rụng tóc là triệu chứng hậu nhiễm COVID-19 thường gặp nhất đối với người từng nhiễm COVID-19, chiếm khoảng 20%-30% người từng khỏi bệnh. Tuy nhiên, rụng tóc sau Covid không gây hậu quả nên được xếp vào hội chứng nhẹ. Nguyên nhân khiến tóc nhanh rụng là virus SARS-CoV-2 có xu hướng tấn công vào các tế bào có receptor AEC2 trên bề mặt - đây là một loại thụ thể (protein) giúp virus xâm nhập vào bên trong tế bào. Trong phổi, xương, thần kinh, tim, mô mỡ và cả tế bào mầm tóc (nằm sâu trong nang tóc) đều chứa receptor này. Nếu tế bào mầm tóc trở thành đích tấn công của virus, chúng nhanh chóng tổn thương, suy yếu khiến giai đoạn mọc tóc rút ngắn, tóc giảm tuổi thọ, rụng sớm hơn so với chu trình tự nhiên.

Ngoài rụng tóc, COVID-19 gây ra các sang thương ở da (15%-64% ở giai đoạn cấp, 3%-5% sau 6 tháng). Có 5 biểu hiện sang thương da là: mề đay, ban đỏ, mụn nước, sần phù, hoại tử.

3. Di chứng tiêu hóa gan mật

Người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn có tình trạng tiêu chảy kéo dài. Hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu tình trạng COVID-19 kéo dài đối với hệ tiêu hóa, như hội chứng ruột kích thích, khó tiêu, men gan tăng, chán ăn…

4. Suy hô hấp cấp tính

Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) trong COVID-19 là một hội chứng không đồng nhất, bệnh do tổn thương phế nang lan tỏa với các kiểu hình có thể thay đổi. Đặc điểm nhận dạng hội chứng suy hô hấp cấp bằng Xquang cơ bản giống ARDS kinh điển.

Tuy nhiên ARDS đối với người nhiễm COVID-19 có một số khác biệt như khởi phát muộn, cơ chế sinh lý bệnh đặc thù, tăng đông máu dẫn đến những khó khăn trong điều trị. Điều trị di chứng hậu COVID-19 này cần phải phối hợp các biện pháp và tư vấn của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực (hồi sức tích cực, truyền nhiễm, hô hấp, vật lý trị liệu…).

5. Viêm phổi

Sau nhiễm COVID-19 phổi bị tấn công, tổn thương, sẽ dẫn đến tình trạng tái viêm. Đây là lý do người bệnh đã khỏi COVID-19 nhưng xuất hiện tình trạng ho kéo dài, ho dai dẳng có thể từ 2-3 tháng. Ở mức độ nặng hơn, người bệnh viêm phổi phải nhập viện điều trị.

6. Tổn thương gan cấp tính

Sau khỏi COVID-19 người bệnh có nguy cơ tổn thương gan, biểu hiện sạm da, tăng sắc tố. Để chẩn đoán di chứng này cần xét nghiệm men gan, một số trường hợp sinh thiết gan cho trường hợp tổn thương không rõ nguyên nhân. Đã có nghiên cứu chứng minh, các hạt virus gây bệnh COVID-19 được quan sát thấy trong tế bào gan. Ngoài ra, các nguyên nhân gây tổn thương gan liên quan đến COVID-19 có thể bao gồm: cơn bão viêm, giảm oxy máu, viêm nội mạc và dùng thuốc.

7. Sốc nhiễm trùng

Sốc nhiễm trùng sau khi khỏi COVID-19 là di chứng hiếm gặp, nhưng để tại tỷ lệ tử vong cao. Ở thời điểm nhiễm bệnh có 5% bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh nền tử vong do sốc nhiễm trùng trên nền bệnh nặng. Sốc nhiễm trùng hậu COVID-19 đã được ghi nhận ở nhóm người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, từng mắc bệnh viêm phổi.

8. Đông máu

Người đang nhiễm COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh đều có nguy cơ cao xuất hiện huyết khối, nhất là tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE). Theo phân tích gộp 86 nghiên cứu nghiên cứu, tần suất thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân COVID-19 là 14,1%, với tỷ lệ mới mắc cao nhất là 22,7% ở bệnh nhân nhập khoa hồi sức (ICU).

Tình trạng tăng đông toàn thân là một đặc trưng của biến chứng sau khi khỏi COVID-19. Nhiều F0 đã vượt qua giai đoạn cấp tính, điều trị khỏi bệnh rồi vẫn bị đông máu hậu COVID-19 vì khi nhiễm bệnh, virus đã kích hoạt một loại kháng thể tự miễn trong máu tấn công tế bào gây tình trạng đông máu ở các mạch máu gồm mao mạch, động mạch, tĩnh mạch.

Ngoài ra, virus còn kích hoạt gia tăng các hóa chất trung gian gây viêm đó là Interleukin 6, TNF alpha, dẫn đến tình trạng tăng đông máu. Trong trường hợp này, các cục máu đông nhỏ xíu có thể di chuyển đến phổi, ngăn máu lưu thông và cản trở quá trình trao đổi oxy. Chúng có thể gây thiếu máu cục bộ các cơ quan hoặc nặng hơn là hoại tử các mô, bao gồm các tế bào cơ, não, thận, lách, phổi…

9. Suy thận cấp

Hiện nay đã có thông kê tỷ lệ người bệnh bị tổn thương thận cấp do COVID-19 chiếm khoảng 5% và 30% đối với nhóm bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU). Nhiều bệnh nhân suy thận mạn hậu COVID-19, một số tử vong. Nếu suy thận cấp phải tiến hành lọc máu, tốn kém về chi phí và suy giảm sức khỏe trầm trọng.

Nguyên nhân COVID-19 tác động lên thận là do SARS-CoV-2 có thể bám vào thành ống thận, màng cầu thận và tấn công trực tiếp các tế bào thận. Ngoài ra, chúng làm phổi bị tổn thương, gây thiếu oxy cho các cơ quan, bao gồm cả thận.

Khi tấn công cơ thể virus này có khả năng kích hoạt phản ứng viêm gây ra “cơn bão cytokine”, sẽ phá hủy thận và các cơ quan nội tạng. Nguy hiểm hơn, COVID-19 có thể gây đông máu thận, khiến cho thận bị viêm, từ đó người bệnh suy thận cấp, phải lọc máu mới có thể sống, có 40% nhóm người bệnh lọc máu nhưng không qua khỏi.

10. Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C)

Hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C - Multisystem Inflammatory Syndrome in Children) xảy ra chủ yếu ở trẻ em mắc COVID-19 sau 2-6 tuần khỏi bệnh. Mặc dù hội chứng này ít gặp nhưng thường diễn biến nặng có thể gây tử vong. Triệu chứng điển hình của bệnh là trẻ sốt cao liên tục, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc hoặc phù nề niêm mạc trong miệng, bàn tay, chân; rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy. Khi bệnh trở nặng sẽ có dấu hiệu nhận diện như: thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

IV. Cách khắc phục triệu chứng hậu Covid như thế nào

Tập thở: những bài tập thở sẽ giúp phục hồi chức năng phổi.

Đi bộ: Sau khi khỏi bệnh bạn nên đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần thời gian đi bộ, ngoài ra bạn cũng có thể tập thêm những bài thể dục khác tăng độ phục hồi cho phổi như: Hít đất, bơi lội, chèo thuyền…

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể phục hồi là một cách đơn giản giúp cơ thể chữa lành hội chứng hậu COVID-19. Chúng ta nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein như: cá béo, thịt nạc, trái cây tươi, các rau có màu xanh đậm, trứng, sữa….

Khám bệnh hậu COVID-19: Sau khi khỏi bệnh, dù triệu chứng nhẹ trong vòng 3 tháng đầu khỏi bệnh, người nhiễm nên đến cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi sức khỏe. Việc khám sớm có thể phát, điều trị sớm các di chứng khiến người bệnh trở nặng./.

Link nội dung: https://uws.edu.vn/nhung-bien-chung-hau-covid-a29836.html