Những chiếc bán tải đa dụng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn nhờ khả năng thích ứng và phục vụ linh hoạt cho các mục đích khác nhau của chủ xe, từ đi lại đơn thuần trong đô thị, lăn bánh trên đường trường, đi off-road cho đến chuyên chở hàng hóa cồng kềnh. Rõ ràng pick-up hoàn toàn phù hợp với một đất nước có địa hình đa dạng như Việt Nam.
Tuy có phần chậm chân khi gia nhập cuộc đua ở phân khúc này nhưng Toyota cũng đã có cho mình một quân cờ rất đáng dè chừng, đó chính là thế hệ Hilux 2016. Mẫu bán tải Nhật Bản trình làng thị trường vào tháng 10/2015 ba phiên bản với giá bán:
Chưa xét đến những nâng cấp và cải tiến về thiết kế ngoại thất, trang bị tiện nghi hay khả năng vận hành thì mức giá của Toyota Hilux 2016 là cao nhất trong phân khúc, xếp trên cả đối thủ trực tiếp Ford Ranger Wildtrak 3.2L vốn dừng lại ở mốc 859 triệu đồng, chưa kể vẫn còn đó các đối thủ đồng hương khác như Nissan Navara NP300, Mitsubishi Triton hay Mazda BT-50 có giá bán tốt hơn. Vậy đâu là cơ sở để Toyota tự tin định vị mẫu xe của mình và yếu tố nào đủ giúp Hilux cạnh tranh cũng như xây dựng tên tuổi của mình tại thị trường Việt Nam?
Phiên bản mà danhgiaXe có cơ hội trải nghiệm và đánh giá là chiếc Toyota Hilux 3.0G 4x4 AT với đầy đủ những tính năng tốt nhất của dòng xe. Trong bài viết chúng tôi sẽ lồng ghép thông tin các phiên bản khác để người đọc hình dung một cách tổng quan nhất về mẫu xe này.
Điều dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc với Toyota Hilux 2016 là phong cách của chiếc xe thay đổi toàn diện so với thế hệ tiền nhiệm, nhờ sự mạnh dạn của đội ngũ thiết kế mà chiếc bán tải khoác lên mình dáng vẻ cân xứng hơn, cơ bắp hơn nhưng vẫn không kém phần hiện đại và tinh tế để tự tin hòa mình vào phố xá đông người hay dấn thân trên những cung đường trắc trở.
Đi cùng những đường nét mạnh mẽ và nam tính là thông số kích thước được tinh chỉnh nhằm cải thiện khả năng vận hành và chuyên chở, Hilux 2016 có kích thước Dài x Rộng x Cao tương ứng là 5.330 x 1.855 x 1.815 (mm) và chiều dài cơ sở đạt 3.085 (mm). Các con số này không quá nổi bật nếu đặt cạnh sáu đối thủ khác nhưng mẫu pick-up của Toyota lại có cho mình hai cái nhất trong phân khúc: khoảng sáng gầm xe cao nhất - 286 (mm) và thùng hàng lớn nhất - 1.550 x 1.620 x 490 (mm). Ngoài ra theo như nhà sản xuất công bố, Hilux 2016 có góc thoát trước/sau là 31/26 độ, bán bính quay vòng nhỏ nhất 6.4 m và tải trọng cho phép ở ba phiên bản vào khoảng hơn 800 kg.
Toyota Hilux 2016 có thiết kế hoàn toàn mới, tất cả các chi tiết từ nắp ca-pô, đèn pha, lưới tản nhiệt cho đến cản trước phối hợp cùng nhau tạo nên một gương mặt gai góc, đủ sức gây ấn tượng với bất kì ai trên đường phố. Có thể nói, mọi cá tính của chiếc bán tải hội tụ và bộc lộ qua phần đầu xe phía trước.
Logo Toyota bóng bẩy nổi bật khi đặt giữa lưới tản nhiệt dạng thang, các thanh ngang ngoài mạ chrome còn được đánh nhám tinh tế và tạo hình gồ lên để tạo sự liền lạc với đường gân chạy xiêng từ nắp ca-pô xuống cản xe. Không chỉ vậy, phiên bản 3.0G 4x4 AT có dải đèn LED chạy ban ngày DRLs sắc nét nhập vào lưới tản nhiệt hết sức khéo léo làm nên một tổng thể hài hòa và đẹp mắt.
Cụm chiếu sáng có đôi chút khác biệt, khi mà hai phiên bản số sàn sử dụng đèn chiếu xa và chiếu gần đều là Halogen phản xạ đa chiều thì Hilux 3.0G 4x4 AT sử dụng đèn chiếu gần kiểu LED Projector cùng tính năng điều chỉnh góc chiếu lên-xuống. Và Hilux 2.5E không trang bị đèn pha tự động cũng như chế độ đèn chờ dẫn đường như hai người anh em 3.0G.
Tăng thêm chất hầm hố cho chiếc bán tải ngoài “cơ bắp” bao quanh hốc đèn sương mù là hốc hút gió “độc nhất” trong phân khúc, tuy nhiên chi tiết này vốn đã khá quen thuộc khi đã xuất hiện ở dòng Toyota Fortuner. Bên cạnh đó mũi xe thiết kế trông như đang chồm về trước cho dáng vẻ hung hăng hơn so với sự lành tính của thế hệ cũ, và mẫu Hilux trong bài đánh giá còn “độ” kèm cản xe màu tối đậm phong cách thể thao.
Dáng dấp bán tải thể hiện rõ khi nhìn vuông góc từ bên, phần mui xe cũng như thùng hàng trườn dài về trước và sau, hốc bánh xe cao cùng bộ la-zăng hợp kim đúc 17 inch sáu chấu giúp Hilux trông khỏe khoắn hơn. Bù lại phần “bụi bậm” là tạo hình bên ngoài cabin khá gọn ghẽ và trang nhã với mép dưới cửa kính viền chrome lịch lãm.
Toyota mang đến sự tinh tế ở ngoại thất cùng sự tiện lợi cho người sử dụng. Cả ba phiên bản đều trang bị tay nắm cửa mạ chrome và gương chiếu hậu cỡ lớn thiết kế trẻ trung thích hợp với sự bề thế của chiếc xe, đi kèm đó là tính năng chỉnh/gập điện và tích hợp đèn báo rẽ. Bậc lên xuống ở Hilux bố trí tương đối cao và khá khuất tầm nhìn nên gây chút khó khăn cho hành khách khi mới tiếp xúc, nhưng khi đã quen thuộc thì trang bị này sẽ phát huy tác dụng tối ưu trong việc lên xuống mẫu xe gầm cao này.
Và nếu muốn con xe của mình ngầu như trong hình thì bạn có thể lựa chọn gói trang trí “Tough Concept” gồm một loạt các phụ kiện như ốp nhựa viền hốc bánh xe, thanh nẹp cửa, ốp trang trí tai xe mạ chrome, vè che mưa và ốp trang trí ba-ga trên nóc xe.
Phía sau của Hilux 2016 vẫn là thiết kế đơn giản như thế hệ trước, cụm đèn hậu đặt dọc sát hai bên thân xe, cửa sau nổi bật với tay nắm mạ chrome sang trọng và đèn báo phanh phụ. Điểm nhấn đáng chú ý nhất là cản sau khá lớn mạ chrome bóng bẩy được trang bị tiêu chuẩn, và tuy có bệ gác chân để hỗ trợ cho việc tiếp cận thùng xe nhưng tính năng đó không còn tác dụng nếu bạn hạ nắp chắn, nên việc lên xuống không hề dễ dàng với những ai có chiều cao khiêm tốn.
Cabin của Hilux tiếp tục thể hiện phong thái lịch lãm đặc trưng thường thấy ở các người anh em trong gia đình Toyota. Khoang lái sử dụng các màu sắc dễ chịu, các trang bị bên trong tập trung vào sự tiện ích cho người sử dụng, không gian bố trí hợp lý và mang đến cảm giác thoải mái cho hành khách. Tuy nhiên vẫn có những nhược điểm nhất định như chất liệu nội thất chưa mấy tương xứng với giá trị của chiếc xe và danh sách những tính năng còn khá hạn chế khi đặt cạnh các đối thủ bán tải khác.
Để vừa thích hợp cho những chuyến đi xa đầy gió bụi, vừa thể hiện được sự lịch lãm khi cần thiết thì Toyota đã sử dụng màu cà phê nhè nhẹ cho ghế ngồi. Thực tế ở điều kiện mà nhóm danhgiaxe trải nghiệm “đậm màu” đất đỏ thì bên trong cabin không bị bám bẩn quá nhiều và khá dễ dàng cho việc làm sạch sau đó.
Chỉ duy nhất Hiux 3.0G 4x4 AT có ghế ngồi bọc da và ghế lái điều chỉnh điện 8 hướng tiện ích, trong khi đó hai người anh em còn lại trang bị chất ghế nỉ cùng ghế lái chỉnh tay 6 hướng, và ghế phụ ở cả ba phiên bản chỉnh cơ 4 hướng. Hàng ghế trước có thiết kế khá vừa vặn với vóc dáng chung của người Việt Nam, gối đầu cao, tựa lưng lớn và ôm sát cho tư thế ngồi thoải mái.
Phía sau, Hilux trang bị ba tựa đầu nhưng vị trí ngồi giữa như mọi khi vẫn đôi chút bất tiện với phần đệm lưng khá cộm và sàn xe không phẳng do hệ truyền động bên dưới, có lẽ không gian sẽ dễ chịu hơn nếu chỉ có hai hành khách cùng tựa tay trung tâm kiêm nơi để ly. Khoảng để chân và không gian trần xe hoàn toàn dư dả dù cho người ngồi sau cao đếm 1m8, tuy vậy lưng ghế nghiêng không nhiều rõ ràng là điểm trừ nếu bạn muốn đi xa.
Hilux 2016 có thiết kế bảng điều khiển trẻ trung và phá cách hơn chính người tiền nhiệm, những đường nét được điều phối hướng về phía vô-lăng tạo nên cảm giác thích thú cho người lái, Toyota còn sử dụng các chi tiết trang trí nhũ bạc và mạ chorme tinh tế, cụm nút điều khiển có mật độ vừa phải nên các thao tác sử dụng thuận tiện.
Riêng ở Hilux 3.0G 4x4 AT, nút bấm khởi động được bố trí cạnh tay lái khá vừa tầm giúp cho việc tắt/mở động cơ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó nút tắt/mở tính năng chống trượt và khóa vi sai cầu sau đặt giữa hai nguồn sạc 12V dành cho các thiết bị điện tử. Mặt hạn chế chính là chất liệu tablo làm từ nhựa, khi tạm tay vào cho cảm giác kém sang và thô cứng.
Việc điều khiển Hilux sẽ thông qua vô-lăng ba chấu có tạo hình cứng cáp, riêng 2.5E 4x2 MT chỉ có nút điều chỉnh âm thanh chứ không được bọc da cũng như khả năng kết nối đàm thoại rảnh tay, kiểm soát màn hình đa thông tin vận hành xe như hai phiên bản 3.0G.
Toyota trang bị cho Hilux 2.5E sử dụng dạng Analog truyền thống trong khi cụm đồng hồ hiển thị ở Hilux 3.0G AT và MT kiểu Optriton gây ấn tượng tốt bởi sự hiện đại đi cùng sắc xanh dịu mắt, màn hình TFT 4.2 inch cho phép theo dõi các thông số dễ dàng và nhanh chóng cạnh chỉ số vận tốc và tốc độ vòng tua.
Nhìn chung Hilux không quá chú trọng vào thiết kế cửa xe, cả trước và sau bốn vị trí cửa khá đơn giản và tương đồng với phần bệ tì tay ốp gỗ, bọc da mềm sang trọng, thanh nẹp cửa nhũ bạc phối hợp liền lạc cùng lẫy mở/khóa cửa mạ chrome. Đặt cạnh các loa âm thanh là hốc để chai và chứa đồ nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của hành khách.
Trang bị giải trí cho Hilux là đầu DVD, Radio cùng kết nối USB/AUX...
Những tính năng giải trí ở Hilux 2016 dừng lại ở mức phục vụ vừa đủ cho khách hàng, so với các đối thủ khác thì chiếc bán tải của Toyota thua thiệt hẳn về “phần nhìn” khi không có màn hình trung tâm đa chức năng như Ranger, Navara hay Colorado. Nếu phiên bản 2.5E trang bị dàn loa 4 chiếc cùng đầu CD 1 đĩa, hỗ trợ kết nối radio AM/FM, USB/AUX và nghe nhạc MP3/WMA. Hai người anh em 3.0G nâng cấp thêm 2 loa và tính năng kết nối Bluetooth dành cho điện thoại.
hệ thống điều hòa tự động của Hilux 3.0G 4x4 AT
Nếu lựa chọn Hilux 2.5E 4x2 MT thì bạn sẽ khá thiệt thòi với trang bị hệ thống điều hòa chỉnh tay và không có hốc gió phía sau, trong khi đó 3.0G 4x4 AT và MT có điều hòa tự động một vùng đi cùng cửa gió phụ cho hàng ghế thứ hai. Khả năng làm lạnh của hệ thống điều hòa tự động hiệu quả, đủ sức đẩy lùi cái nóng bên trong khoang lái nhanh chóng.
Đèn nội thất có tính năng tự động bật/tắt khi ra vào xe.
Cả ba phiên bản Hilux 2016 đều không được trang bị cửa sổ trời, tuy vậy Toyota có thể gọi là khá hào phóng khi mang đến khá nhiều các tay nắm bên trong cabin nhằm giúp hành khách có nơi để “neo giữ” khi xe lăn bánh vào các đoạn đường dằn xóc, bên cạnh đó để việc lên xuống xe dễ dàng thì đèn nội thất trên xe tự động bật/tắt khi cửa mở, và tính năng này phát huy hiệu quả rõ ràng nhất vào ban đêm hay khi trời chập choạng tối.
Thùng xe được lót nhựa cứng để việc sử dụng và chuyên chở thuận tiện hơn.
Không gian của thùng hàng hiển nhiên là hết sức dư dả với kích thước lớn nhất phân khúc. Nhưng đáng ngạc nhiên là tải trọng theo như nhà sản xuất công bố ở ba phiên bản chỉ vào khoảng hơn 800kg, con số này thua kém khá nhiều các đối thủ khác, ví dụ như Ranger có thể gánh vác từ hơn 900 đến gần 1.300 kg tùy phiên bản, hay bốn mẫu Triton đều chở được trên 1 tấn.
Bên trong hai vòm bánh khá gọn gàng, sàn có rãnh và được lót chất nhựa cứng, bốn móc khóa dùng để cột dây cố định hàng hóa đặt ở bốn góc hỗ trợ tối đa cho việc chuyên chở của chiếc bán tải. Một điểm cộng khác là nắp chắn thùng được đỡ bằng các thanh thép thay vì dây cáp như một vài đối thủ khác, trang bị này vừa tăng sự chắc chắn và cả tính thẩm mỹ cho Toyota Hilux 2016.
Ngoài ra khi cần chứa thêm hành lý quan trọng bên trong thì bạn có thể tận dụng không gian phía sau bằng cách xếp gọn hàng ghế thứ hai. Đặc biệt, ngoài các ngăn chứa đồ và để ly thì trước bảng tablo Toyota còn bố trí thêm một hộc làm mát dành riêng cho thức ăn và đồ uống, tuy vậy qua thử nghiệm thì tính năng này không thực sự phát huy công năng khi mà cửa gió bên trong khá nhỏ.
Khoang động cơ của Hilux 3.0G AT với "cơ bắp" D-4D dung tích 2.982 cc.
Tùy vào phiên bản mà Hilux 2016 được trang bị động cơ và hộp số khác nhau, điều này cũng mang đến công suất cũng như mô-men xoắn khác nhau cho từng mẫu xe. Điểm chung là cả hai kiểu động cơ đều là dạng 4 xylanh thẳng hàng 16 van trục cam đôi DOHC, có công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp và tăng áp biến thiên.
Đầu tiên, Hilux 2.5E 4x2 MT với động cơ diesel 2KD-FTV dung tích 2.494 cc, kết hợp cùng hộp số sàn 6 cấp sản sinh công suất tối đa 142 mã lực ở 3.400 vòng/phút và momen xoắn tối đa 343 Nm tại dải vòng tua 1.600 - 2.800 vòng/phút.
Tiếp theo, hai phiên bản 3.0G cùng sử dụng mẫu 1KD-FTV cùng cho công suất 161 mã lực với dung tích 2.982 cc. Momen xoắn sinh ra khác nhau, nếu là hộp số tự động 5 cấp thì sức kéo tối đa đạt 360 Nm tại 1600 - 3.000 vòng/phút, còn với hộp số sàn 6 cấp con số là 343 Nm ở 1.400 - 3.200 vòng/phút. Ngoài ra thì Hilux 3.0G 4x4 cả AT và MT có được hệ dẫn động bốn bánh bán thời gian cùng nút gài cầu điện tử và khóa vi sai cầu sau trong khi người an hem 2.5E dùng cầu sau dẫn động.
Nút gài cầu điện tử, cho phép chuyển từ một cầu sang hai cầu kể cả khi đang di chuyển.
Thật chất, đây vẫn là hai mẫu động cơ cũ từng gánh vác nhiệm vụ cung cấp sức mạnh cho thế hệ Hilux trước, vậy nên không quá ngạc nhiên khi các thông số trên đã bị các đối thủ khác bỏ xa, chẳng hạn động cơ 2.5L ở Navara NP300 cho 188 mã lực và 450 Nm, hay Ranger Wildtrak 3.2L có 200 mã lực và 470 Nm.
Để trải nghiệm Toyota Hilux, nhóm danhgiaXe đã chọn cung đường từ Tp. Hồ Chí Minh đi Trảng Cỏ, Bình Phước, một khu vực có địa hình có thể thách thức trọn vẹn tất cả khả năng vận hành của xe.
Cảm giác đầu tiên khi ngồi sau vô-lăng của Hilux là một sự cứng cáp đặc trưng của những chiếc bán tải. Di chuyển những kilomet đầu tiên trong thành phố, Hilux gây bất ngờ khi thể hiện độ cách âm tốt đến bất ngờ so với thế hệ trước. Ở chế độ không tải và xe dừng tại chỗ, hầu như người ngồi trong xe không cảm nhận bất kỳ một âm thanh nào từ động cơ, âm thanh ngoại cảnh lọt vào trong khoang cabin cũng được triệt tiêu đáng kể. Khi chúng ta đệm ga, di chuyển tốc độ cao, hay tăng tốc, bắt đầu có tiếng động cơ, tuy nhiên người ngồi trong xe cũng không khó chịu lắm với những âm thanh này.
Ở những dải tốc độ thấp, vô-lăng trợ lực thủy lực của Hilux thể hiện lợi thế khi cho cảm giác vần vô-lăng nhẹ nhàng, chính xác. Khi tốc độ cao, chiếc vô-lăng sẽ đầm hơn đôi chút, tuy nhiên không cho người lái yên tâm như những đối thủ. Khi đi vào địa hình xấu, off-road nhẹ, điều khiển Hilux sẽ khó khăn hơn, chiếc vô-lăng nhẹ khi nãy lại gặp bất lợi. Người lái phải kìm chặt vô-lăng để giúp chiếc xe di chuyển đúng ý, vô-lăng khi đó sẽ bị vặn và rung lắc theo mặt đường khá nặng, một điểm nữa là vô-lăng sẽ có độ rơ lớn khi vào những tình huống trên.
Phiên bản Hilux 3.0G AT được thử nghiệm trang bị động cơ thế hệ cũ, tuy nhiên sức mạnh vẫn đáp ứng được yêu cầu. Động cơ dầu cùng hộp số tự động 5 cấp vẫn khiến cho Hilux bị ì một chút ở những cấp số đầu tiên. Mặc dù công suất của động cơ thấp, nhưng những tình huống cần gia tốc để vượt mặt, toàn bộ hệ thống dẫn động của Hilux cho cảm giác mượt mà như một chiếc sedan. Khi chở đủ tải trên thùng xe, động cơ này vẫn không hề yếu, người lái vẫn cảm thấy chiếc xe mượt mà, thậm chí có phần ổn định hơn so với khi dư tải. Hộp số sang số mượt, mặc dù vẫn còn một chút khựng nhỏ không đáng kể, cấu trúc rãnh số hình zic zắc giúp không bị nhầm lẫn khi cài số, âm thanh khi cài số cũng êm ái như những dòng xe du lịch.
Hệ thống treo của Hilux trong điều kiện đủ tải hay khi vào cua, chiếc xe thể hiện sự đầm chắc vốn có của một chiếc bán tải. Tuy nhiên, chiếc xe thực sự không ổn khi vận hành thiếu tải, chiếc xe khá gằn xóc khi đi trên những đoạn đường mấp mô, kể cả vị trí lái cũng vẫn cảm nhận được. Nhìn chung, hệ thống treo của Hilux không được đánh giá cao. Chân ga và phanh thiết kế nhẹ, do đó những hành trình dài không gây cho người lái nhức mỏi nơi bàn chân. Còn khi di chuyển trong nội thị, cặp pê-đan này cũng hoạt động nhạy bén giúp chiếc xe không bị hụt ở những dải tốc độ thấp, khiến người lái và hành khách cảm giác đang ngồi trên những chiếc xe động cơ xăng.
Sau khi cầm lái chiếc xe này, người lái hầu như không có cảm thấy Hilux là một chiếc xe bán tải cứng cáp, thô kệch, mọi thứ đều nhẹ nhàng, khác lạ. Tầm quan sát từ vị trí lái cũng khá tốt, cột A thiết kế gọn gàng, kính chiếu hậu 2 bên và trung tâm lớn. Ngoài ra khi di chuyển ban đêm, bộ đèn chiếu sáng cos-fa vừa tầm và xa, chức năng tự động cao thấp hoạt động tốt giúp người lái rất dễ quan sát.
Góc chữ A và gương chiếu hậu cho tầm quan sát khá tốt.
Những hệ thống an toàn hoạt động khá hay, trên mặt đường nhiều đất mịn và đá sỏi trơn trượt, người lái có thể cảm nhận những tiếng sột xoạt khi hệ thống chống trượt hoạt động và cả những cái giật giật ở bàn đạp phanh từ hệ thống ABS. Hệ thống gài cầu bằng điện khi xe đang di chuyển rất tiện dụng, nhanh, gần như chuyển cầu ngay lập tức. Nếu để ý kĩ, người lái sẽ cảm giác chiếc xe khực nhẹ khi chuyển cầu từ 2H sang 4H.
Trải qua chặng đường trải nghiệm kéo dài khoảng hơn 300 km với nhiều cung đường khác nhau, từ nội thị, đường cao tốc cho đến địa hình đồi núi đất đỏ thì hiệu suất nhiên liệu của Hilux 3.0G 4x4 AT khá ấn tượng, bảng đồng hồ hiển thị tính toán cho thấy mức tiêu hao đạt 7.8 lít/100 km. Con số này vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào “tác phong” điều khiển của người lái.
Trang bị an toàn ở Hilux phần nào đủ sức hỗ trợ cho người lái cũng như bảo vệ cho hành khách dù đi lại hằng ngày, tuy vậy nếu đặt cạnh một vài đối thủ có giá thành thấp hơn thì danh sách này vẫn khá khiêm tốn. Hạn chế rõ ràng nhất là Toyota không trang bị cho chiếc bán tải to lớn camera lùi hay cảm biến lùi, điều này rõ ràng gây bất tiện khi muốn xoay trở xe ở những nơi chật hẹp.
Giữ nguyên động cơ nhưng khoác trên mình dáng vẻ trẻ trung hơn, đi cùng những thông số thiết kế hướng đến việc vận hành đa dạng hơn là những tiện nghi hiện đại bên trong, có thể thấy Toyota định hướng Hilux 2016 dành cho những ai tìm kiếm một phương tiện tập trung vào khả năng đi lại linh hoạt từ đường bằng, phố xá cho đến off-road nhẹ với những tính năng hỗ trợ ở mức "đủ dùng" ở cả ba phiên bản, tuy vậy mức tải trọng của mẫu bán tải vẫn chưa thật sự tốt khi đặt cạnh các đối thủ khác để có thể đáp ứng nhu cầu chuyên chở của người sử dụng. Bên cạnh đó yếu tố thương hiệu đến từ Toyota vẫn là một yếu tố được người tiêu dùng tại Việt Nam quan tâm khi lựa chọn xe.
Có được ngoại thất bắt mắt hơn cùng một vài cải tiến đáng ghi nhận như khả năng cách âm, tiết kiệm nhiên liệu hay vận hành ổn định thì Toyota Hilux 2016 vẫn cần bức phá nhiều hơn để có thể tìm lại vị thế vốn có trước kia của mình tại thị trường Việt Nam, nhất là với giá bán cao hơn các đối thủ nhưng chưa sánh kịp về mặt trang thiết bị.
Video trải nghiệm và đánh giá Toyota Hilux 2016 :
Sau những trải nghiệm với Toyota Hilux 2016, nhóm danhgiaXe thống nhất dành cho mẫu xe này điểm số 3.8/5.
Chúng tôi luôn cố gắng đưa ra những đánh giá khách quan nhất có thể. Tuy nhiên, tiếng nói của người tiêu dùng mới là đánh giá chính xác nhất, nếu bạn đã và đang sử dụng Toyota Hilux 2016, hãy chia sẻ nhận định của mình với mọi người :)
Link nội dung: https://uws.edu.vn/xe-hilux-2016-a29647.html