Viêm gan B là bệnh do virus HBV gây ra làm tổn thương tế bào gan, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh. Đây là bệnh gây tổn thương gan thầm lặng, người mắc viêm gan B mạn tính có nguy cơ chuyển biến thành suy gan, xơ gan, ung thư gan nguy hiểm đến tính mạng. Việc điều trị hiệu quả viêm gan B luôn là thách thức đối với ngành y tế và chủ đề viêm gan B có tự khỏi không luôn nhận được nhiều sự quan tâm đối với căn bệnh này.
Viêm gan B có nguy hiểm không? Câu trả lời là CÓ! Viêm gan B là một vấn đề sức khỏe toàn cầu bởi đây là một bệnh “nhiễm trùng thầm lặng”. Khoảng 250 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh viêm gan B mãn tính mà nhiều người không hề hay biết. Bệnh gây ra bởi virus HBV, thuộc họ Hepadnaviridae, có cấu trúc DNA, chỉ gây bệnh ở người và loài khỉ đột châu Phi (1).
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus ủ bệnh vài tháng (thường từ 3 đến 6 tháng) trước khi khởi phát bệnh thành viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự đào thải được với virus, bệnh sẽ chuyển sang viêm gan B mạn tính và người mắc bệnh sẽ nhiễm virus HBV suốt đời. Lúc này, người bệnh cần có phác đồ điều trị phù hợp để kiểm soát sự nhân lên và lây lan của virus, giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành xơ gan, suy gan, rối loạn chức năng gan và ung thư gan.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có trên 2 tỷ người mắc viêm gan B, khoảng hơn 200 triệu người chuyển biến thành viêm gan B mạn tính và con số này không ngừng tăng lên mỗi năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.
Trước báo động đỏ về tốc độ lây lan nhanh chóng của virus HBV, WHO đã đưa ra kế hoạch toàn cầu nhằm loại trừ virus HBV vào năm 2030 bao gồm các mục tiêu tăng cường miễn dịch cho trẻ em, người trưởng thành, phụ nữ mang thai cũng như cải thiện việc tầm soát định kỳ và điều trị. Nếu thực hiện nghiêm túc, đến năm 2030, tỷ lệ phòng ngừa bằng vắc xin trên thế giới sẽ đạt 90% và giảm 90% tỷ lệ nhiễm HBV (2).
Quay trở với câu hỏi được rất nhiều người quan tâm viêm gan B có tự khỏi không? Các chuyên gia cho biết virus HBV sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ mất từ 3 đến 6 tháng để ủ bệnh thành viêm gan B cấp tính. Có đến 95% người khỏe mạnh có thể tự đào thải virus HBV ra khỏi cơ thể (3), sạch HBsAg và tự khỏi bệnh mà không cần dùng đến thuốc trong thời gian này.
Tuy nhiên, 5% trường hợp còn lại cơ thể không thể tự đào thải virus HBV sẽ chuyển sang viêm gan B mạn tính. Đây là giai đoạn bệnh khá nguy hiểm, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và người bệnh có nguy cơ cao phải chung sống với virus viêm gan B suốt đời. Các phương pháp điều trị viêm gan B mạn tính hiện nay được thực hiện với mục đích kiểm soát sự nhân lên của virus HBV trong cơ thể người bệnh chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lý này.
TÙY TRƯỜNG HỢP! Viêm gan B có tự khỏi không hay viêm gan B có chữa được không không chỉ là thắc mắc của nhiều người mà còn là thách thức đối với ngành Y tế. Lý giải về việc này chuyên gia cho biết thực tế còn tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện, tiền sử bệnh, tình trạng sức khỏe và hệ thống miễn dịch của người bệnh có đủ để đáp ứng quá trình điều trị hay không.
Viêm gan B ở giai đoạn cấp tính thường tự khỏi mà hiếm khi cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khám sức khỏe định kỳ để theo dõi các triệu chứng và xét nghiệm máu nhằm xác định liệu virus có còn trong cơ thể hay không. Nếu để bệnh chuyển biến sang giai đoạn viêm gan B mạn tính thì quá trình điều trị phức tạp và kéo dài hơn.
Nhờ sự tiến bộ vượt bậc của ngành y học, các phương pháp điều trị viêm gan B đã được nghiên cứu và phát triển. Dựa vào từng giai đoạn của bệnh và thể trạng người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Cụ thể:
Để ngăn ngừa sự lây nhiễm viêm gan B sau phơi nhiễm, trong vòng 12 giờ đầu người bệnh sẽ được chỉ định tiêm huyết thanh miễn dịch viêm gan B để hạn chế sự xâm nhập của virus HBV.
Trường hợp viêm gan B cấp tính, phần lớn thường tự khỏi mà hiếm khi cần thuốc kháng virus để điều trị. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý kết hợp khám sức khỏe định kỳ để thực hiện các xét nghiệm nhằm xác định virus HBV còn tồn tại trong cơ thể hay không.
Giai đoạn viêm gan B mạn tính sẽ được chia làm 2 nhóm bệnh nhân là: nhóm mắc virus thể hoạt động và nhóm mắc virus thể không hoạt động. Người mang virus thể không hoạt động cần điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, theo dõi các triệu chứng kết hợp khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh mang virus viêm gan B thể hoạt động, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng, dấu hiệu bệnh cụ thể để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị viêm gan B hiện này đều có chung mục đích là ngăn chặn sự nhân lên của virus HBV, giảm các triệu chứng và bảo vệ tế bào gan, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó phương pháp chính để điều trị viêm gan B là dùng thuốc kháng virus. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm sự nhân lên của virus, bảo vệ tế bào gan bị hư hại nhiều hơn.
Thông thường với những trường hợp uống thuốc kháng virus thời gian sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí cả đời với những người đã bị xơ gan. Việc tự ý ngưng thuốc có thể gây viêm gan B bùng phát, suy gan và có thể tử vong. Tuy nhiên, thời gian điều trị viêm gan B mạn tính thể hoạt động còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân, hiệu quả và sự phù hợp của thuốc.
Một số người bị viêm gan B mạn tính nặng cuối cùng có thể cần ghép gan để duy trì sự sống.
Các phương pháp điều trị viêm gan B không nhằm mục đích chữa khỏi mà chỉ kiểm soát, ngăn chặn sự nhân lên, lây lan của virus bệnh viêm gan B, từ đó hạn chế tế bào gan bị tổn thương thêm. Tuy nhiên, mọi người có thể chủ động phòng tránh lây nhiễm viêm gan B bằng các biện pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả, bao gồm:
Như vậy, thắc mắc chung của nhiều người về vấn đề bệnh viêm gan B có tự khỏi không hay điều trị có nhanh hết hẳn không đã có câu trả lời. Viêm gan B là vấn đề sức khỏe toàn cầu, bệnh có chữa được không còn tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh và mức độ tổn thương gan. Bất cứ ai cũng có khả năng lây nhiễm virus viêm gan B khi cơ thể khỏe mạnh, chủ động tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này.
Link nội dung: https://uws.edu.vn/sap-co-thuoc-chua-khoi-viem-gan-b-a29434.html