Việt Nam có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, trong đó 8.000 ca mắc mới mỗi năm và khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo.Tuy nhiên, nhiều người không nhận ra mình bị bệnh cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng. Vậy bệnh thận là gì? Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo và các bệnh về thận thường gặp.
Thận được ví như nhà máy lọc và xử lý chất độc cho cơ thể. Nhiệm vụ chính của thận là sản xuất và bài tiết nước tiểu, giúp loại bỏ các chất độc tồn đọng trong máu và giúp các chất trong hệ tuần hoàn ổn định về nồng độ. Chưa kể, thận còn tham gia vào một số hoạt động nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, xương và ổn định huyết áp.
Bệnh thận là thuật ngữ chung dùng để chỉ những trường hợp thận bị tổn thương, hư hỏng và không thể lọc máu theo cách bình thường. Những bệnh nhân mắc đái tháo đường hoặc huyết áp cao là những người có nguy cơ mắc bệnh thận. Nếu bạn bị suy thận giai đoạn cuối, các phương pháp điều trị bao gồm ghép thận hoặc lọc máu hoặc lọc màng bụng.
Trong đó, bệnh thận mạn (hay bệnh thận mãn tính - CKD) chỉ sự suy giảm chức năng của thận kéo dài. Bệnh thận mạn thường tiến triển chậm, dấu hiệu dễ nhầm lẫn so với các bệnh khác.
Thông thường, bệnh thận giai đoạn sớm (giai đoạn 1 -3) thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu và nước tiểu. các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn 4 trở lên thường có những biểu hiện như: chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật.
Để có kết luận chính xác, bạn cần đến các cơ sở y tế để thực hiện các chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm lâm sàng. Các bác sĩ, chuyên gia y tế sẽ đánh giá chức năng của thận, chẩn đoán bệnh và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.
Khi chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến sự tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Điều này khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, cơ thể yếu ớt và khó tập trung. Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, gây suy nhược cơ thể và mệt mỏi.
Khi quá trình lọc máu ở thận gặp vấn đề, chất độc sẽ ở lại trong máu thay vì thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng khó ngủ. Với những người mắc bệnh mạn tính như béo phì, suy thận, chứng ngưng thở khi ngủ cũng dễ bị mắc bệnh thận hơn so với người bình thường.
Da khô và ngứa cũng là dấu hiệu của bệnh về khoáng chất và xương. Vì thận đảm nhận vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp xương chắc khỏe và hoạt động để duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu. Khi mắc bệnh thận, thận không còn khả năng giữ cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu.
Nếu bạn cảm thấy thường xuyên mắc tiểu, đặc biệt vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi các bộ lọc của thận bị hư hỏng, làm tăng cảm giác muốn đi tiểu. Đôi khi đây cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
Khi thận gặp vấn đề, trong quá trình lọc máu chúng sẽ không thể giữ được hết những tế bào máu trong cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc các tế bào máu có thể bị “rò rỉ” ra ngoài theo đường nước tiểu. Ngoài việc báo hiệu bệnh thận, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
Khi đi tiểu, bạn sẽ thấy nhiều bọt nước tiểu nổi lên như khi đánh trứng và bạn cần phải xả nước nhiều lần mới khiến chúng biến mất hoàn toàn. Đây là dấu hiệu bệnh thận bạn dễ nhận biết và cần lưu ý.
Suy giảm chức năng thận trong quá trình lọc máu có thể dẫn đến tình trạng tích tụ lượng lớn natri trong cơ thể. Điều này gây sưng ở bàn chân và mắt cá chân của bệnh nhân. Ngoài ra, hiện tượng sưng ở chi dưới cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh gan và các vấn đề mãn tính về tĩnh mạch chân.
Một dấu hiệu bệnh thận rất chung chung và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác là tình trạng mất vị giác, chán ăn. Khi gặp phải tình trạng này có thể do thận đã bị suy giảm chức năng, gây ra tình trạng tích tụ độc tố trong cơ thể.
Khi chức năng thận bị suy giảm, quá trình lọc máu diễn ra không bình thường sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng điện giải. Khi gặp phải tình trạng này, cơ thể sẽ dễ bị hạ canxi, không kiểm soát được phốt pho,… gây ra tình trạng chuột rút cơ.
Suy thận là bệnh thận thường gặp, chỉ tình trạng suy giảm nghiêm trọng chức năng hệ bài tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bệnh nhân. Suy thận được chia thành hai cấp độ khác nhau, bao gồm: suy thận cấp tính và suy thận mạn tính. (1)
Với bệnh nhân suy thận cấp tính, nếu có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì thận sẽ có khả năng hồi phục chức năng cao. Còn với bệnh nhân suy thận mạn tính sẽ phải chấp nhận việc sống chung với bệnh này, mọi phương pháp can thiệp, điều trị cũng chỉ nhằm duy trì tình trạng hoạt động hiện tại của thận và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng trong tương lai.
Sỏi thận cũng là một bệnh về thận phổ biến khác. Chúng xảy ra khi khoáng chất và các chất khác trong máu kết tinh trong thận, tạo thành khối rắn (sỏi). Sỏi thận thường ra khỏi cơ thể khi đi tiểu. Sỏi thận đi ra ngoài sẽ gây cảm giác cực kỳ đau đớn, nhưng chúng hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng.
Viêm thận bể thận hay nhiễm trùng thận là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Nhiễm trùng thận bắt đầu trong ống dẫn nước tiểu từ cơ thể (niệu đạo) hoặc trong bàng quang. Nhiễm trùng có thể di chuyển đến một hoặc cả hai quả thận. Khi bị nhiễm trùng thận cần được điều trị y tế kịp thời.
Nếu không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng gây tổn thương lâu dài cho thận.Vi khuẩn có thể lây lan vào máu và gây nhiễm trùng nguy hiểm. Điều trị nhiễm trùng thận thường bao gồm thuốc kháng sinh được dùng trong bệnh viện.
Viêm cầu thận là tình trạng viêm nhiễm của các tiểu cầu thận. Cầu thận gồm những cấu trúc cực kỳ nhỏ bên trong thận, có chức năng lọc máu. Viêm cầu thận có thể do nhiễm trùng, thuốc hoặc rối loạn xảy ra trong hoặc ngay sau khi sinh (bất thường bẩm sinh).
Hội chứng thận hư chỉ một nhóm các triệu chứng cho thấy thận của bạn không hoạt động bình thường. Những triệu chứng này bao gồm tình trạng “rò rỉ” nhiều protein trong nước tiểu (protein niệu) hoặc ở mức độ thấp hơn là chứng giảm albumin máu, sưng tấy ở các bộ phận của cơ thể hay phù nề. Thận của bạn được tạo thành từ khoảng một triệu đơn vị lọc - nephron.
Mỗi nephron bao gồm một bộ lọc, được gọi là cầu thận và một ống nhỏ. Cầu thận lọc máu của bạn và ống nhỏ đưa các chất cần thiết trở lại máu của bạn và loại bỏ chất thải và nước thừa, những chất này trở thành nước tiểu. Hội chứng thận hư thường xảy ra khi các tiểu cầu thận bị viêm, cho phép quá nhiều protein rò rỉ từ máu vào nước tiểu.
Ung thư thận là sự phát triển bất thường của các tế bào trong mô thận của bạn. Theo thời gian, những tế bào này tạo thành một khối gọi là khối u. Ung thư bắt đầu khi một thứ gì đó kích hoạt sự thay đổi trong các tế bào và chúng phân chia ngoài tầm kiểm soát. Một khối u ung thư hoặc ác tính có thể lây lan sang các mô và cơ quan quan trọng khác.
U thư thận có nhiều dạng, tuy nhiên phổ biến nhất chính là ung thư biểu mô tế bào thận. Khi bị ung thư thận, người bệnh cần chủ động tầm soát cũng như điều trị, can thiệp càng sớm càng tốt.
Bệnh thận nhiễm mỡ là sự tích tụ mô mỡ xảy ra ở một số vùng của thận, bao gồm khoang sau phúc mạc, khoang quanh thận bên ngoài bao thận, rốn thận và vùng xoang. Các mô mỡ này góp phần trực tiếp chèn ép vật lý lên thận, cản trở chức năng thận. Sự chèn ép có thể được kết hợp bởi áp lực trong ổ bụng tăng cao.
Bệnh thận đa nang chỉ một rối loạn di truyền gây ra nhiều u nang (túi nhỏ chứa chất lỏng) phát triển trong thận. Những u nang này có thể cản trở chức năng thận và gây suy thận. Điều quan trọng cần lưu ý các nang thận riêng lẻ khá phổ biến và hầu như luôn vô hại. Tuy nhiên, bạn không nên nhầm lẫn chúng với bệnh thận đa nang, vì đây là một tình trạng riêng biệt, nghiêm trọng hơn.
Bệnh thận có thể do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh thận chính là:
Bệnh thận do biến chứng đái tháo đường gây ra, đây là tình trạng quá nhiều glucose (hoặc đường trong máu) làm hỏng bộ lọc của thận. Theo thời gian, thận của bạn bị tổn thương đến mức chúng không còn thực hiện tốt công việc lọc chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu của bạn.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh thận do đái tháo đường có protein trong nước tiểu. Khi các bộ lọc bị hỏng, một loại protein gọi là albumin mà bạn cần để duy trì sức khỏe sẽ đi ra khỏi máu và vào nước tiểu. Một quả thận khỏe mạnh không để albumin đi từ máu vào nước tiểu.
Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu trong thận khiến chúng không hoạt động tốt. Nếu các mạch máu trong thận của bạn bị tổn thương, thận sẽ không hoạt động tốt để loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Chất lỏng dư thừa trong mạch máu sau đó có thể làm tăng huyết áp nhiều hơn, tạo ra một chu kỳ nguy hiểm.
Bệnh thận là một bệnh nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Trong đó, bệnh thận mãn tính có thể tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối, gây tử vong nếu không được điều trị thay thế thận. (2)
Thiếu máu ở bệnh thận là một yếu tố nguy cơ độc lập gây tử vong. Nó đã được chứng minh thúc đẩy sự tiến triển nhanh hơn của chứng phì đại tâm thất trái, nhu cầu oxy ngoại biên và trầm trọng thêm các vấn đề về tim mạch. Nguy hiểm hơn, thiếu máu do suy thận dẫn đến trầm cảm, mệt mỏi, đột quỵ, giảm khả năng gắng sức và tăng tỷ lệ tái nhập viện. Khi điều trị lâu dài bằng erythropoietin có thể gây tăng huyết áp, co mạch và co giật. Thiếu máu xảy ra khi thận của bạn không tạo đủ erythropoietin (EPO).
Điều này ảnh hưởng đến khả năng tạo hồng cầu của chúng. Bạn cũng bị thiếu máu do thiếu: sắt, vitamin B12, axit folic. Thiếu máu có thể làm mất oxy của các cơ quan và mô quan trọng. Nếu để tình trạng thiếu máu, nó có thể làm hỏng các cơ quan như tim và não, làm tệ hơn tình trạng của hoạt động của thận.
Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính (CKD) có nguy cơ tim mạch cao biểu hiện như bệnh động mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim và đột tử do tim. Các biến chứng về tim mạch cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm người mắc bệnh thận. CKD gây ra tình trạng tiền viêm mạn tính toàn thân góp phần vào quá trình tái tạo mạch máu và cơ tim dẫn đến tổn thương xơ vữa động mạch, vôi hóa mạch máu và lão hóa mạch máu cũng như xơ hóa cơ tim và vôi hóa van tim, thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh của hệ thống tim mạch.
Một biến chứng được phát hiện thường xuyên ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính (CKD). Sự gia tăng nồng độ kali huyết thanh này có liên quan đến việc giảm bài tiết ion qua thận. Tăng kali máu có liên quan đến việc sử dụng thuốc để giảm sự tiến triển của CKD hoặc để kiểm soát các bệnh liên quan như đái tháo đường và suy tim.
Giữ nước xảy ra khi cơ thể bạn tích tụ nhiều chất lỏng. Điều này dẫn đến sưng chân tay (phù nề), huyết áp cao, có dịch trong phổi,… và nhiều hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe khác. Tình trạng giữ nước trong cơ thể cần phải được can thiệp và điều trị kịp thời.
Cơ thể bạn cần phốt phát để giúp hình thành, củng cố xương và răng. Nó cũng giúp các tế bào của bạn sản xuất năng lượng và xây dựng màng tế bào. Nhưng nếu mức phốt phát của bạn quá cao, nó loại bỏ canxi khỏi xương, khiến xương trở nên giòn. Nó cũng có thể gây lắng đọng canxi trong mắt, phổi, tim và mạch máu của bạn, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong theo thời gian.
Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có nguy cơ gia tăng rối loạn mạch máu não như đột quỵ. Những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối hoặc đang chạy thận nhân tạo có nhiều khả năng suy giảm nhận thức sa sút trí tuệ, đột quỵ.
Xét nghiệm máu được xem là phương pháp chẩn đoán bệnh thận được sử dụng nhiều nhất. Xét nghiệm máu cho phép đo mức độ của một chất thải được gọi là creatinine trong máu bệnh nhân. Thận khỏe mạnh có thể lọc hơn 90ml/phút. Bạn có nguy cơ bị CKD nếu tỷ lệ của bạn thấp hơn mức này.
Xét nghiệm nước tiểu cũng được thực hiện đánh giá tình trạng hoạt động của thận. Xét nghiệm này cho phép kiểm tra mức độ của các chất được gọi là albumin và creatinin trong nước tiểu, được tính với tỷ lệ albumin:creatinin. Hoặc kiểm tra ACR để tìm máu hoặc protein trong nước tiểu. Cùng với eGFR, xét nghiệm nước tiểu có thể giúp cung cấp thêm những thông tin chính xác về tình trạng hoạt động hiện tại của thận.
Đôi khi các xét nghiệm khác cũng được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương thận. Chúng bao gồm: siêu âm, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính,… Để xem thận trông như thế nào và kiểm tra xem có bất kỳ tắc nghẽn nào bên trong hệ thống lọc máu không.
Bác sĩ sẽ có các phương pháp giúp làm chậm hoặc kiểm soát nguyên nhân gây ra bệnh thận. Tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân gây bệnh mà các chuyên gia y tế sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Riêng đối với bệnh nhân đái tháo đường, huyết áp cao tình trạng bệnh thận có thể tiếp tục trầm trọng hơn với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Các biến chứng của bệnh thận có thể được kiểm soát để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Phương pháp điều trị bao gồm:
Nếu thận của bạn không thể tự đào thải chất thải và chất lỏng và bạn bị suy thận hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn, thì bạn đã mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Khi đó, bạn cần lọc máu, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Bệnh nhân bệnh thận mạn tính cần hạn chế một số loại thực phẩm để bảo vệ thận của mình và bổ sung các loại thực phẩm khác để cung cấp năng lượng và giữ cho cơ thể luôn đầy đủ dưỡng chất. Chế độ ăn uống cụ thể của bạn sẽ phụ thuộc vào việc bạn đang ở giai đoạn đầu hay giai đoạn cuối của CKD hoặc nếu bạn đang chạy thận nhân tạo.
Bệnh nhân bệnh thận cần lưu ý ăn ít muối. Theo thời gian, thận của bạn mất khả năng kiểm soát cân bằng natri-nước. Chế độ ăn ít muối sẽ giúp giảm huyết áp và giảm sự tích tụ chất lỏng trong cơ thể, điều thường gặp ở bệnh thận. Tập trung vào thực phẩm tươi, tự làm và hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đóng gói, vì những loại này thường có nhiều natri. Tìm loại natri thấp (5% hoặc ít hơn) trên nhãn thực phẩm.
Giảm lượng muối trong thức ăn và tăng hương vị bằng các loại gia vị để bữa ăn thêm ngon miệng. Không sử dụng chất thay thế muối trừ khi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng của bạn cho phép.
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận, bạn cũng có thể cần cắt giảm lượng kali, phốt pho và protein trong chế độ ăn uống của mình. Phốt pho là một khoáng chất giúp xương chắc khỏe và các bộ phận khác trên cơ thể khỏe mạnh.
Thận của bạn không thể loại bỏ phốt pho dư thừa ra khỏi máu một cách hiệu quả, nếu bạn cung cấp cho cơ thể quá nhiều phốt pho sẽ làm yếu xương và làm hỏng mạch máu, mắt và tim. Thịt, sữa, đậu, quả hạch, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt và nước ngọt có ga sẫm màu đều chứa nhiều phốt pho. Phốt pho cũng có rất nhiều trong thực phẩm đóng gói.
Mức kali phù hợp giúp dây thần kinh và cơ bắp của bạn hoạt động tốt. Với CKD, quá nhiều kali có nguy cơ tích tụ trong máu của bạn và gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim. Cam, khoai tây, cà chua, bánh mì nguyên hạt và nhiều loại thực phẩm khác có nhiều kali. Táo, cà rốt và bánh mì trắng có hàm lượng kali thấp hơn, bạn có thể lựa chọn các loại thực phẩm này. Bác sĩ của bạn sẽ kê toa một chất kết dính kali, một loại thuốc giúp cơ thể bạn loại bỏ lượng kali dư thừa.
Bổ sung một lượng protein vừa phải vì nhiều protein hơn mức cần thiết khiến thận của bạn phải làm việc nhiều hơn và làm cho bệnh thận trở nên tồi tệ hơn nhưng quá ít cũng không tốt cho sức khỏe. Cả thực phẩm động vật và thực vật đều có protein.
Để phòng ngừa bệnh thận, bên cạnh chế độ dinh dưỡng bạn còn cần phải có chế độ sinh hoạt khoa học, phù hợp như:
Nếu bạn đang gặp các dấu hiệu về bệnh thận hoặc muốn kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ bài tiết thì có thể đến ngay Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ bác sĩ giỏi, chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm kết hợp cùng trang thiết bị hiện đại, sẽ giúp bạn xét nghiệm và chẩn đoán chính xác tình trạng của thận - tiết niệu - nam học.
Biết được các dấu hiệu cảnh báo về bệnh thận thường gặp sẽ giúp bạn có thể chủ động theo dõi sức khỏe của mình, thăm khám và điều trị kịp thời các bệnh về thận sẽ giúp bạn bảo chăm sóc bản thân và người thân một cách tốt nhất, ngăn chặn những nguy cơ, biến chứng nguy hiểm mà căn bệnh này mang lại.
Link nội dung: https://uws.edu.vn/benh-gi-khong-a29054.html