Phân tích truyện ngắn Hai Đứa Trẻ của Thạc Lam
Đề bài: Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Hướng dẫn lập dàn ý
1. Mở bài : Giới thiệu nhà văn Thạch Lam và truyện ngắn Hai đứa trẻ.
2. Thân bài.
a. Câu chuyện mở đầu bằng những câu văn êm dịu, với những âm thanh và hình ảnh báo hiệu một ngày tàn :
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào’’.
Cái rực rỡ huy hoàn của một nay đã qua rồi ; buổi chiều tà đang xuống.
Giờ này, chợ cũng đã tàn, cái đông vui đã mất chí còn lại sự trống vắng, hiu quạnh : “Chợ hợp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng như mất’’, chỉ còn lại mấy đứa trẻ con nhà nghèo cúi lom khom khặt nhạnh bất cứ cái gì có thể dùng được của những người bán hàng để lại.
Cảnh ngày tàn, chợ tàn gợi cho người đọc “cái buồn của buổi chiều quê’’.
b. Bên cạnh cảnh ngày tàn, chợ tàn là những kiếp người tàn.
– Chị Tí ban ngày mò cua, bắt tép, tối đến dọn hàng nước chè tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét. Hàng vắng khách, tuy chiều nào chị cùng dọn từ chập tối cho đến đêm, nhưng “chả kiếm được bao nhiêu’’.
– Bác Xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau để trước mặt, “góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường’’.
– Bác phở Siêu đêm nào cũng gánh phơ từ trong làng đi ra rồi đến khuya lại kĩu kịt gánh về vì phở của bác là “một thứ quà xa xỉ’’ ở cái phố huyện nghèo này.
– Bà cụ Thi hơi điên lại nghiện rượu, có tiếng cười khang khách, ghê sợ, sau khi uống một hơi cạn cút rượi ti, “cụ đi lần vào bóng tối’’.
– Chị em Liên phải thức để trông “một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thấy Liên mất việc’’. Hàng “bán chẳng ăn thua gì’’, Liên thương mấy đứa trẻ nghèo, nhưng “không có tiền để cho chúng nó’’.
– Như vậy, từ gia đình chị Tí, gia đình bác Xẩm đến bà cụ Thi và chị em Liên, mỗi người một cảnh, nhưng họ đều chung sự buồn chán, mỏi mòn… Điều đáng nói hơn là tất cả những nhân vật bé nhỏ này đã hiện ra trong cái nhìn xót thương của Thạch Lam.
c. Bức tranh đầy bóng tối
Khi trời tối hẳn, cả phố huyện tối tăm dường như chỉ thu vào ngọn đèn của chị Tí. Ngoài ngọn đèn này ra, “thứ bóng tối nhẫn nãi uất ức đời thôn quê’’ (Thế Lữ) làm chủ tất cả. Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm, nhà văn nhắc đi, nhắc lại chi tiết ngọn đèn chị Tí tới bảy lần. Kết thúc tác phẩm, hình ảnh gây ấn tượng, day dứt cuối cùng, đi vào giấc ngủ của Liên cũng vẫn là “chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ’’. Phải chăng, hình ảnh này chính là biểu tượng của những kiếp người nghèo khổ, lam lũ, sống vật vờ, leo lét, trong màn đêm của xã hội cũ ?
d. Nhịp sống của phố huyện này cứ lặp đi lặp lại, lặp lại một cách đơn điệu, quẩn quanh và tẻ nhạt.
– Ngày qua ngày, “chiều nào chị Tí cũng dọn hàng, từ chập tối cho đến đêm’’. Tối nào bác phở Siêu cũng nhóm lửa, gia đình bác Xẩm cũng chờ khách, người nhà cụ thừa, cụ lục cũng gọi những người đi đánh tổ tôm. Chị em Liên tối nào cũng tính tiền hàng, “cũng phải ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc bàng’’ và “ngày nào, cứ chập tối, mẹ Liên lại tạt ra thăm hàng một lần’’…
Như vậy, “chừng ấy người trong bóng tối’’ ngày này qua ngày khác sống quẩn quanh, tù túng trong cái “Ao Đời bằng phẳng’’ (Theo cách nói của Xuân Diệu).
– Tuy thế, họ vẫn hi vọng – cho dù hi vọng đó rất mơ hồi : “một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ’’. Chính sự mong mỏi mơ hồ này dường như càng tô đậm thêm tình cảnh tội nghiệp của những nhân vật trong truyện. Họ sống đấy, nhưng đâu biết ngày mai số phận mình sẽ ra sao ! Một niềm xót thương da diết của Thạch Lam được thể hiện một cách kín đáo ở ngay trong cách dựng người, dựng cảnh và ngay ở cái giọng văn đều đều, chậm buồn của ông.
e. Tâm trạng đợi tàu và hình ảnh chuyến tàu khuya.
– Chị em Liên, cũng như nhiều người dân phố huyện, đêm này cũng cố thức để chờ đợi chuyến tàu đi qua.
Phải chăng hai chị em chờ tàu để bán được hàng ? Không, “Liên không trông mong con ái đến mua nữa. Với lại đêm, họ chỉ mua bao diêm hay gói thuốc là cùng’’. Hơn nữa, “Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt’’, nhưng cô vẫn chưa chịu ngủ. Còn An đã nằm xuống […] mi mắt đã sắp sửa rơi xuống’’, vẫn không quên dặn chị nhớ đánh thức mình dậy khi tàu đi đến. Hai chị em cố thức chỉ “vì muốn được nhìn chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng của đêm khuya’’ ; vì với hai đứa trẻ, con tàu đâu chỉ là con tàu. Nó là cả một thế giới khác, “một thế giwois khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu’’. Đó là thế giới của mơ ước – một mơ ước thật mơ hồ. Những người dân nơi phố huyện gửi gắm niềm mơ ước của họ vào hình ảnh đoàn tàu. Riêng với chị em Liên, đoàn tàu còn có thêm một ý nghĩa khác : nó là hình ảnh của quá khứ, của “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vu vẻ và huyên náo’’.
– Có lẽ chính vì vậy, chuyến tàu được Thạch Lam tập trung bút lực miêu tả một cách tỉ mỉ, kĩ lượng theo trình tự thời gian, qua tâm trạng chờ mong của nhân vật Liên. Dấu hiệu đầu tiên của đoàn tàu là sự xuất hiện của người gác chi. Tiếp theo à Liên trông thấy “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi’’, rồi cô ghe thấy tiếng còi xe rít mạnh vào ghi’’, kèm theo “một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào’’. Thế rồi, “tàu rần rộ đi tới’’, “các toa đèn sáng và các cửa kính sáng’’. Cuối cùng là “tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt’’, “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre’’.
– Đối với chị em Liên và có thể cả những người dân phố huyện, chuyến tàu đêm là biểu tượng của sự sống mạnh mẽ, sự giàu sang, rực rỡ ánh sáng. Nó đối lập với cuộc sống mỏi mòn, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của người dân phố huyện. Đối với chị em Liên, chuyến tàu đêm còn gợi nhớ về những kỉ niệm của ngày xưa sung sướng, tại đất Hà Nội, khi thầy chưa mất việc.
– Phố huyện rầm rộ lên trong chốc lát rồi chìm sâu vào bóng đêm yên tĩnh. Và đáng nói hơn, những người dân phố huyện chỉ chính thức chấm dứt hoạt động khi chuyến tàu đêm đã đi qua.
Phố huyện lại trở về phố huyện. Hình ảnh ngọn đèn leo lét của chị Tí lại chập chờn trong tâm trạng thức ngủ của Liên trước khi cô ngập hẳn vào “giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối’’.
3. Kết bài
Qua việc miêu tả tâm trạng của Liên, Thạch Lam thể hiện niềm trân trọng thương xót đối với những kiếp người nhỏ bé, sống trong hoàn cảnh nghèo nàn, tăm tối, buồn chán nơi phố huyện. Qua tâm trạng của Liên, phải chăng Thạch Lam dường như còn muốn lay tỉnh những tâm hồn đang buồn chán, đang sống quẩn quanh, lam lũ hay cố vươn tới ánh sáng ? Điều này có lẽ chỉ có được ở những cây bút xuất hiện từ những năm 30 của thế kỉ trước, khi mà họ ý thức đầy đủ về “cái tôi’’ cá nhân, cá thể.
Thể hiện một cách nhẹ nhàng khát vọng hướng tới cuộc sống sáng tươi của những con người nhỏ bé, bình thường, “Hai đứa trẻ’’ có một giá trị nhân bản đáng quý.
Có thể bạn quan tâm:
Phân tích bức tranh đời sống của phố huyện nghèo lúc chiều tối trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Nhận xét về đặc điểm của lời văn Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ
Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Cảm nhận về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt