Phân tích nhân vật chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ
Đề bài: Phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Tắt đèn của Ngô Tất Tố)
Bài làm
Theo dõi câu chyện Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, người đọc xót xa và căm phẫn nhưng cũng có khi lại hả hê, sảng khoái. Ấy là những lần nhà văn cho chị Dậu – một người đàn bà nông dân cùng khổ – dám đứng lên chống trả lại bọn quan lại, cường hào. Có ba lần chị Dậu vùng lên nhưng nhất quyết liệt nhất, mạnh mẽ nhất vẫn là cảnh “tức nước vỡ bờ”.
Mỗi lần, chị Dậu bị bắt giải lên huyện vì tội dám hành hung người nhà nước thi hành công vụ! Tối thứ bảy, sau khi tiễn vợ lên ô tô đi tiếp quan trên để được thăng quan tiến chức, quan phủ Tư Ân cho đòi chị Dậu lên hầu, vì những ngày “sưu thế giới kì” quan bận, phải làm việc cả ban đêm! Y dở trò dê chó, chị đã kháng cự quyết liệt để bảo vệ phẩm giá – Chị không chút suy nghĩ, đắn đo đã vứt tọt nắm bạc của quan xuống đất làm cho mắt hắn phải tròn xoe kinh ngạc. Lại lần nữa, phải đi ở vú, ấy thế mà “quan cố” ngoài tám mươi tuổi, kề miệng lỗ, móm mén, phều phào… vẫn không tha, mặc dù chị van lạy: con là phận tội đồ, xin cụ tha cho con… Chị lại phải chống trả và chạy thoát ra ngoài trời.
Nhưng lần này một mình chị phải đánh trả lại cả một bọn đầu trâu mặc ngựa, tay thước tay đao. Sức mạnh của lòng căm thù, tình yêu chồng thiết tha, cả cuộc đời chịu đựng, hi sinh vì chồng, con. Gia đình gặp cảnh nguy khốn, không có tiền nộp sưu, chồng bị bắt giam, tra đánh, hành hạ chết đi sống lại. Chị không thể khoanh tay, vì thương chồng chị đã tìm mọi cách để cứu chồng. Chị đã phải đứt ruột bán đứa con đầu lòng cùng đàn chó để nộp sưu cho chồng. Nào ngờ vợ chồng chị còn phải đóng thêm một suất sưu của em chồng đã chết từ năm ngoái. Anh Dậu vẫn bị trói, chết đi sống lại nhiều lần, bọn chúng đã ném trả anh cho chị Dậu trong trình trạng “thập tử nhất sinh”. Sáng hôm sau, anh vừa tỉnh lại một lát, chị Dậu rón rén bưng bát cháo đến chỗ chồng nằm dỗ dành: Thầy em hãy cố ngồi dậy hút ít cháo cho đỡ xót ruột. Anh Dậu vừa run rẩy kê bát cháo vào miệng thì bọn cai lệ, người nhà Lí Trưởng đã hùng hổ xông vào định trói anh Dậu đem ra đình: Anh Dậu hốt hoảng, sợ quá, vội để bát cháo xuống phản và lăn đùng ra đó không nói được câu gì.
Tình thế thật hiểm nguy, tính mạng chồng bị đe dọa, chị hết lời van xin: … Hai ông làm phúc nói với ông Lí cho cháu khất. Chị tự kìm chế, nín nhịn, dằn lòng xuống để cầu khẩn thiết tha. Chị hạ mình xuống làm thân kẻ hèn mọn để xin xỏ: Xin ông trông lại, … cháu van ông … ông tha cho.
Nhưng bọn người hết cả nhân tính không hề một chút động lòng, một mực không buông tha, chạy sầm sập đến trói anh Dậu và đánh luôn vào ngực chị Dậu.
Giọt nước dã tràn, chị Dậu chống cự lại: Chồng tôi đau ốm các người không được hành hạ. Tình thế bắt buộc người đàn bà nhà quê hiền lành ấy phải hành động để bảo vệ tính mạng cho chồng, bảo vệ hạnh phúc cho chính mình. Chị dùng lí lẽ đanh thép để cử lại. Cách xưng hô đã bắt đầu thay đổi, tỏ thái độ ngang hàng, lời lẽ dứt khoát kiên quyết như một mệnh lệnh. Sự chuyển hóa trong thái độ của chị Dậu là tất yếu, “con giun xéo lắm cũng quằn”, chị đã nhịn nhục đến cùng, bị dồn vào thế chân tường, chỉ còn một con đường duy nhất là chống trả. Cái tát vào mặt chị như lửa đổ thêm dầu là bùng lên ngọn lửa căm thù. Chị nghiến hai hàm răng: mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem. Đến đây, chị vụt đứng dậy trong tư thế của kẻ đầy tự tin, thách thức và coi thường bọn chúng. Cách xưng hô từ “ông – tôi” chuyển thành “mày – bà”.
Lòng uất giận bị dồn nén như nước tứt ắt phải vỡ, biến thành sức mạnh sôi sục trào dâng vượt qua mọi sợ hãi. Chỉ với hai bàn tay không, người đàn bà con mọn đứng thẳng dậy tuyên chiến với kẻ thù, một trận đấu không cân sức, nhưng chị đã chiến thắng bằng chính sức mạnh của tình yêu và lòng căm hận.
Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được. Đó là suy ghĩ và ý thức tranh đấu của người nông dân bị áp bức đè nén, phải đứng lên để tự bảo vệ mình. Hành động của chị Dậu tuy là tự phát nhưng nó phản ánh một quy luật xã hội: có áp bức có đấu tranh. Mặc dù nhà văn chưa phản ánh đầu đủ sức mạnh đấu tranh của người nông dân nhưng nói như Nguyễn Tuân: Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn, là một cách phát động quần chúng nông dân chống quan Tây, chống vua ta…
Đọc đoạn Tức nước vỡ bờ ta càng thêm khâm phục chị Dậu. Nhà văn Ngô Tất Tố đồng cảm, bênh vực chị, ngợi ca hành động chị. Vì thế đây cũng là lúc hồn văn chương của cụ “Đầu Xứ Tố” hả hê, sảng khoái nhất.
Có thể bạn quan tâm:
Phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù
Phân tích tâm trạng nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt
Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài