Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Đề bài: Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Hướng dẫn lập dàn ý 

a. Mở bài : Giới thiệu nhà văn Nguyễn Trung Thành và truyện ngắn Rừng xà nu.

b. Thân bài : Phân tích hình tượng cây xà nu.

– Xà nu là một loại cây họ thông mọc rất nhiều ở Tây Nguyên. Đây là một thứ cây khỏe, giàu sức sống, có thể sinh sôi rất nhanh cả ở những nơi có khí hậu khắc nghiệt, đồi núi khô cằn. Người Tây Nguyên gắn bó mật thiết với cây xà nu.

– Thiên truyện mở đầu bằng hình ảnh rừng xà nu và kết thúc cũng bằng chính hình ảnh ấy : “Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những cây xà nu nối tiếp chạy đến chân trời’’. Cây xà nu là hình ảnh nổi bật, xuyên suốt toàn bộ câu chuyện.

– Mở đầu truyện là hình ảnh rừng xà nu trong đau thương, tàn phá : “ … Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây này không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, ngựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn’’.

– Nhưng xà nu vẫn sống một cách kiên cường và mãnh liệt. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây non mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời’’. Bất chấp sự hủy diệt tàn bạo của kẻ thù, những lớp xà nu vẫn nối tiếp nhau mọc lên và vươn tới ánh sáng mặt trời. Đại bác của kẻ thù đã làm bị thương cả rừng xà nu, đã gây ra những cái chết cho cây xà nu, nhưng không giết nổi cả rừng xà nu : “Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã’’.

– Cây xà nu xuất hiện trong suốt câu chuyện, gắn bó với cuộc sống của người dân làng Xô Man. Lửa xà nu cháy trong bếp mỗi nhà ; trẻ con mặt mày lem luốc khói xà nu ; khói xà nu xông làm bảng đen để anh Quyết dạy cho Tnú và Mai học chữ.

– Xà nu không chỉ gắn với sinh hoạt hằng ngày mà còn gắn với những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man, từ những sự kiện đau thương đến những sự kiện hào hùng : lửa xà nu cháy trên mười đầu ngón tay Tnú ; đống lửa xà nu lớn do thằng Dục đốt lên để dân làng trông rõ cảnh Tnú bị tra tấn dã man sau đó lại soi rõ xác mười tên lính giặc ; cả làng đốt đuốc xà nu theo cụ Mết vào làng lấy vũ khí ; rừng xà nu ào ào rung động trong đêm làng Xô Man đồng khởi… Cây xà nu không chỉ gắn với cuộc sống mà còn thấm sâu và nếp nghĩ và cảm xúc của con người (Tnú thấy ngực cụ Mết “căng như một cây xà nu lớn’’. Cụ Mết tự hào “không  có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta…).

– Cây xà nu được mô tả trong sự hòa nhập, tương ứng với những phẩm chất cao đẹp của dân làng Xô Man. Ở đây, tác giả đã sử dụng rộng rãi thủ pháp nhân hóa, tức là ông đã mô tả cây xà nu với biểu hiện giống như con người.

Trong thiên truyện, hình ảnh rừng xà nu được miêu tả như một nhân vật có tính cách, vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa tượng trưng. Cây xà nu biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất con người làng Xô Man. Rừng xà nu bị đại bác tàn phá cũng như dân làng Xô Man bị kẻ thù khủng bố tàn bạo. Sức sống mãnh liệt của cây xà nu cũng là sức sống bất diệt của con người. Trong đau thương tàn phá, cây xà nu vẫn vương lên ánh sáng mặt trời, cũng như con người vẫn hướng tới tự do, vẫn hướng về Đảng, về cách mạng. Những lớp cây xà nu nối tiếp nhau mọc lên thay thế những cây đã ngã. Con người cũng thế : anh Quyết hi sinh thì có Tnú thay anh lãnh đạo dân làng, Mai ngã xuống thì có Dít lớn lên thay chị và những thế hệ tiếp theo như bé Heng sẵn sàng kế tiếp.

Hình ảnh cây xà nu mở đầu và kết thúc tác phẩm có một ý nghĩa đặc biệt. khép ại đoạn văn đầu tác phẩm là hình ảnh đồi xà nu : “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời’’. Kết thúc truyện vẫn là điệp khúc ấy, chỉ thay chữ đồi bằng chữ rừng : “Đến hút tầm mắt cũng không thấy khác gì ngoài những rừng xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời’’. Hình ảnh ấy tượng trưng cho sức sống bất diệt và đội ngũ hùng hậu của các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược. Đó là những sáng tạo nghệ thuật bắt nguồn từ ấn tượng của Nguyễn Trung Thành về cây xà nu : “Ấy là một loài cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ ứ nhựa, tán lá vừa thành nhã vừa thanh nhã vừa rắn rỏi…’’.

c. Kết bài

Nguyễn Trung Thành đã xây dựng hình tượng cây xà nu một cách hoàn hảo, không những tạo được không khí Tây Nguyên hùng vĩ, hoang dã, đậm chất sử thi mà còn gửi gắm những suy tư sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào sức sống bất diệt của con người và mảnh đất này.