Phân tích bi kịch của nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa
Đề bài: Phân tích bi kịch của nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao.
Hướng dẫn lập dàn ý
1. Giới thiệu luận đề
– Cuộc sống cay cực của người tri thức nghèo là một đề tài phổ biến tron văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.
Nhà văn hiện thực Nam Cao đã viết rất nhiều và viết rất hay về đề tài này, mà Đời thừa (1943) là một truyện ngắn tiêu biểu. Qua nhân vật văn sĩ Hộ – nhân vật chính của truyện, Nam Cao đã phản ánh hết sức chân thực tình cảnh nghèo khổ, tủi nhục, bế tắc của người trí thức nghèo đương thời. Nhưng giá trị thực sự của truyện là đã tập trung đi sâu vào tấn bi kịch tinh thần của người tri thức.
2. Thân bài : Phân tích bi kịch của nhân vật Hộ.
Truyện được kết cấu theo dòng tâm lí của nhân vật Hộ với những tâm trạng giằng xé phức tạp, mà bao trùm lên tất cả là trạng thái ăn năn, sám hối. Nhân vật Hộ cứ gây lỗi lầm rồi lại ăn năn, rồi lại tiếp tục lỗi lầm, trạng thái ăn năn tưởng như không bao giờ chấm dứt. Bằng những tâm trạng lặp đi lặp lại trong cái vòng sám hối lẩn quẩn như thế, Nam Cao đã thể hiện sâu sắc tấn bi kịch của người trí thức, đồng thời cho thấy bản chất tốt đẹp của họ.
Tấn bi kịch của Hộ là một “bi kịch kép’’, tức là có hai bi kịch song song tồn tại : bi kịch văn chương và bi kịch đời sống.
a. Bi kịch văn chương (bi kịch của một nhà văn) :
Tấn bi kịch của Hộ trước hết là bi kịch của người trí thức có ý thức sâu sắc về sự sống, muốn “nâng cao giá trị đời sống của mình’’ bằng một sự nghiệp có ích cho xã hội và được xã hội công nhận, nhưng chỉ vì gánh nặng cơm áo hàng ngày mà “kết cục chẳng làm được cái gì’’, trở thành một kẻ “vô ích’’, một “người thừa’’, sống một “đời thừa’’.
– Hộ từng ôm ấp một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương và vì nó Hộ có thể hi sinh tất cả : “Đói rét không có nghĩa lí gì đối với một gã trẻ tuổi say mê lí tưởng… Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả ; ngoài nghệ thuật ra không còn gì đáng quan tâm nữa’’.
+ Hộ khao khát vinh quang : “Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời’’. Đó không phải là sự thèm khát hư danh của một kẻ phàm tục, mà đó là niềm khao khát tự khẳng định trước cuộc đời của cá nhân có ý thức về mình, về giá trị của cuộc sống, không muốn sống một cách mờ nhạt, vô danh, vô nghĩa.
+ Cũng không nên coi ý nghĩ “nghệ thuật là tất cả’’ của Hộ là quan điểm “nghệ thuật vi nghệ thuật’’, là thái độ thoát li vô trách nhiệm. Đó chính là niềm say mê quên mình vì một hoài bão lớn của một con người sống có lí tưởng. Lí tưởng mà Hộ theo đuổi và cố đạt tới là một sự nghiệp nghệ thuật chân chính có ích, thấm đẫm tinh thân nhân đạo. Trong một phút cao hứng giữa bạn bè, anh đã nói lên mơ ước của mình về một tác phẩm văn chương thật giá trị : “Một tác phẩm có giá trị phải vượt lên mọi bờ cõi và giới hạn. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó làm người gần người hơn’’. Đó là những ý kiến rất sâu sắc cho thấy lí tưởng nghệ thuật cao đẹp và quan niệm văn chương đúng đắn của Hộ – cũng là của Nam Cao.
+ Hộ chẳng những rất mê văn mà còn coi văn chương là một niềm vui lớn không có lạc thú vật chất nào sánh được. Anh coi văn chương là lẽ sống, là lí tưởng của đời anh.
– Nhưng Hộ đã không đạt được lí tưởng của mình, thậm chí còn đi ngược lại với lí tưởng. Chỉ vì những lo lắng triền miên về vật chất, “những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lí’’ của đời sống cơm áo hằng ngày của cái gia đình nhỏ mà Hộ có trách nhiệm phải gánh vác.
+ Từ khi “có cả một gia đình phải chăm lo’’, Hộ không thể khinh thường đồng tiền như trước kia, mà trái lại phải ra sức kiếm tiền. Với Hộ, cách kiếm tiền duy nhất là viết văn. Nhưng vì để kiếm tiền, Hộ không thể viết một cách thận trọng theo yêu cầu khắt khe của nghệ thuật chân chính, mà phải viết nhanh, viết nhiều, có nghĩa là phải viết ẩu, viết một cách dễ dải, cẩu thả : “Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng… phải viết những bài báo để người đọc rồi quên ngay sau lúc đọc’’.
+ Đây là điều đau khổ, nhục nhã đối với Hộ. Hộ xấu hổ khi phải đọc lại văn của mình, “toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, đem một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi’’. Với Hộ, một nhà văn có lí tưởng nghệ thuật cao đẹp, có lương tâm nghề nghiệp, lại hiểu rất rõ “văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có’’, thì viết dễ dãi cẩu thả là điều “bất lương’’, “đê tiện’’, không thể nào tha thứ được.
Tấn bi kịch tinh thần đau đớn của Hộ chính là ở chỗ đó : “Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì để nâng cao giá trị đời sống của mình mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt ?’’. Đó là bi kịch của con người muốn sống cuộc sống ý nghĩa, có ý thức “nâng cao giá trị đời sống của mình’’ bằng một sự nghiệp lao động nghệ thuật nghiêm túc, có ích cho cuộc đời và được cuộc đời công nhận, nhưng rút cuộc, lại phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa.
b. Bi kịch đời sống (bi kịch của một con người).
Trong tâm trạng đau khổ dai dẳng vì cứ phải sống cuộc đời thừa, Hộ còn rơi vào một bi kịch thứ hai cũng đau đớn không kém. Đó là bi kịch của con người coi tình thương là nguyên tắc sống cao nhất, hi sinh tất cả cho tình thương, nhưn lại cứ phải sống tàn nhẫn, thô bạo, gây khổ cho vợ con, chà đạp lên nguyên tắc tình thương đó của mình.
– Hộ vốn là một con người nhân hậu, tôn thờ lẽ sống của tình thương. Với Hộ, tình thương là tiêu chuẩn cao nhất để xác định tư cách làm người, không có tình thương thì con người chỉ là một thứ quái vật.
+ Vì tí tưởng cao đẹp ấy, Hộ đã cúi xuống cứu vớt nỗi khổ của Từ, cưu mang mẹ con Từ.
+ Và từ khi có một gia đình, anh đã dám hi sinh hoài bão văn chương của mình để làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha. Anh đã dẫm lên sự nghiệp của mình để giữ lấy tình thương.
+ Hộ rất yêu thương vợ con. Đi đâu xa vài hôm, anh đã nhớ bọn trẻ và vui sướng khi trở về gặp lại chúng. Những khi Từ ốm, Hộ thức đến xanh cả mắt để lo lắng cho Từ. Một người đã biết yêu thương và tôn thờ lẽ sống của tình thương như Hộ thì không thể bỏ mặc vợ con. Có lúc anh đã nghĩ đến thoát li gia đình để theo đuổi sự nghiệp, anh đã nghĩ đến câu nói của một triết gia phương Tây nọ : “Phải biếc ác, biết tàn nhẫn để sống cho mãnh mẽ’’. Nhưng rồi anh lại nghĩ : “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thõa mãn lòng ích kẻ, kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình’’. Và anh đã hành động theo tiếng nói của tình thương.
– Có điều, phải từ bỏ hoài bão nghệ thuật, Hộ không trốn tránh được nỗi đau khổ âm thầm khiến anh buồn u uất, bực dọc, nhất là những khi gặp bạn văn, giấc mộng văn chương lại được khơi dậy. Còn gia đình, thì anh dù đã cố gắng hết sức vẫn cứ túng quẫn. Những điều ấy khiến Hộ đau khổ và anh đã tìm đến rượu để giải sầu.
+ Nhưng rượu càng nung nấu thêm nỗi khổ sở tuyệt vọng của anh. Trong cơn say, anh đã trút nỗi uất ức vào vợ con mà anh tưởng là nguyên nhân trực tiếp của tình cảnh bế tắc của anh. Thế là con người nhân ái đó đã đối xử phủ phàng, gây khổ cho người vợ “rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm’’, người vợ yếu đuối cần được anh che chở và đang khổ sở không kém gì anh.
+ Khi tỉnh rượu, nhớ lại hành vi thô bạo tồi tệ của mình, Hộ hối hận vô cùng. Những lần phạm tội của anh, lần sau nặng hơn lần trước và những cơn hối hận của anh, lần sau cũng đau đớn hơn lần trước. Ở lần cuối cùng được kể trong tác phẩm, anh đã khóc, “khóc nức nở’’ và tự sỉ vả mình là “một thằng khốn nạn’’.
c. Hộ không thể giải quyết cả hai bi kịch ấy cho nên muốn sống có hoài bão thì lại phải sống vô nghĩa như một người thừa ; đành hi sinh sự nghiệp để giữ lấy tình thương, để dù sao cũng còn được là người thì lại chà đạp lên tình thương. Rốt cuộc, cả lí tưởng văn chương và lẽ sống tình thương, anh đều không giữ được.
3. Kết bài
Xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần của người trí thức, tác phẩm toát lên lời kết án cái xã hội nặng nề ngột ngạt đương thời đã tước đoạt giá trị, ý nghĩa sự sống và đầu độc tâm hồn, phá hoại nhân cách con người, không cho con người được sống cuộc sống tử tế xứng đáng là cuộc sống con người. Đối với người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống, về đạo lí làm người, thì đó là tấn bi kịch tinh thần đau đớn vô cùng.
Có thể bạn quan tâm:
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Phân tích nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân
Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ Nhặt
Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi