Những nét chính trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao

 

Đề bài: Trình bày những nét chính trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao

Gợi ý 

1. Nam Cao là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam. Ông sinh 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam và mất ngày 30/11/1951 trên đường đi công tác vào vùng địa hậu.

2. Nam Cao bắt đầu sự nghiệp văn học của mình từ năm 1936 với những trang viết đầy cảm xúc lãng mạn. Nhưng rồi hiện thực đau xót của cuộc sống xã hội thời bấy giờ đã hướng ngòi bút của ông sang khuynh hướng hiện thực. Và sự nghiệp văn học của ông thực sự được khẳng định từ truyện ngắn Chí Phèo (1941) với những trang viết đầy nỗi đau về con người và cuộc đời.

Sự nghiệp văn học Nam Cao có thể chia làm hai thời ki: trước và sau cách mạng tháng Tám.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Nam Cao tập trung vào hai đề tài lớn: cuộc sống của người nông dân và cuộc sống của những người tri thức nghèo.

Ở đề tài nông dân đáng chú ý là các truyện ngắn Chí Phèo, Lão Hạc, Nửa đêm, Một bữa no… Ở những tác phẩm này Nam Cao đã nêu lên thực trạng đau xót của người nông dân sự bần cùng, sự nghèo đói… Đấy là những trang văn đầy nước mắt về những con ngươi bị khốn cùng, bị tha hóa đến tận cùng. Đồng thời ông cũng vạch trần bộ mặt xấu xa, tàn bạo của xã hội với những thế lực tàn ác đã đẩy con người đi đến chỗ tuyệt vọng.

Ở đề tài trí thức có những tác phẩm đáng chú ý là Đời thừa, Trăng sáng, Những chuyện không muốn viết, Sống mòn… Ở những tác phẩm này, Nam Cao đã miêu tả một cách chân thực tình cảnh nghèo khổ và bi kịch tinh thần của người trí thức. Họ là những con người có hoài bão, có khát vọng cao cả mà không thực hiện được, thấy mình thừa ra giữa cuộc đời.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nam Cao tiếp tục sáng tác, phục vụ Cách mạng, phục vụ kháng chiến. Các tác phẩm như truyện ngắn Đôi mắt (1948), nhật kí Ở rừng (1948) và tập bút kí Chuyện biên giới (1950) là những tác phẩm đặc sắc của văn học Cách mạng buổi đầu. Trong đó Đôi mắt thường được xem là tuyên ngôn nghệ thuật của lớp nhà văn tiền chiến đi theo cách mạng.

3. Sáng tác của Nam Cao đạt đến một trình độ nghệ thuật cao. Nhất là nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật phân tích tâm lí, nghệ thuật kết cấu… Ông đã đóng góp to lớn cho nền văn học dân tộc, góp phần hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam. Ngòi bút của ông thấm đẫm một tinh thần nhân đạo sâu sắc và thể hiện một phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông xứng đáng được đánh giá là nhà văn hiện thực xuất sắc, là nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỉ XX.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *