Nguyễn Đình Chiểu có viết: Trai thời trung hiếu làm đầu Gái thời tiết hạnh là câu sửa mình
Đề bài: Trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” cụ Nguyễn Đình Chiểu có viết:
“Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu sửa mình”
Em hãy bình luận ý kiến trên.
Nguyễn Thị Vân Trang – lớp 9 trường BDGD Biên Hòa
Trong văn học, một tác phẩm được đánh giá cao thường hội tụ hai yếu tố: giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung tư tưởng. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có giá trị nghệ thuật được coi là cao nhất, nhưng đứng đầu về giá trị tư tưởng phải kể đến “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu. Giá trị tư tưởng này được tác giả đúc kết qua hai câu thơ:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu sửa mình.
Trước hết, ta cần hiểu rõ trung hiếu và tiết hạnh là gì? Trong hệ thống từ Hán Việt, chữ “trung” chỉ lòng yêu nước, “hiếu” là sự thảo kính cha mẹ của con cái. Cũng dịch từ hệ thống này, “tiết” là sự trinh bạch, chung thủy và cử chỉ hiện thực, lễ độ, đoan trang của người con gái được bao hàm bởi từ “hạnh”. Đây là những phẩm hạnh lý tưởng của con người.
Lòng yếu thảo là tiêu chuẩn của nền tảng đạo đức. Người hiếu thảo kính cha mẹ thì mới trở thành người tốt được vì có hiếu mới vâng lời cha mẹ, nghe theo lời dạy của cha mẹ. Từ đó, họ sẽ trở thành người tốt. Lòng hiếu thảo cũng là thước đo của lòng yêu nước. Biết kính yêu cha mẹ thì sẽ yêu thương mọi người, yêu nhân dân, yêu Tổ Quốc. Như vậy, chữ “trung” gắn liền với chữ “hiếu”. Và bất cứ người con trai nào cũng phải có hai đức tính trên, có vậy mới “nên đứng trong trời đất”. Đúng như lời của Lục Vân Tiên trong tác phẩm:
“Làm trai ơn nước, nợ nhà
Thảo cha, ngay chúa mới là tài danh’’
Tuy nhiên, lòng trung hiếu không bị thay đổi theo thời vận rủi may mà luôn luôn bền vững mới đích thực là con người thảo, người tôi trung.
Gia bần tri hiếu tử
Quốc biến hữu tôi trung.
Dịch :
Nhà nghèo biết con thảo
Nước loại có tôi ngay.
Tóm lại, người con trai trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào cũng phải có lòng trung hiếu vững bền.
Từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn được ví như những bông hoa tỏa hương tiết hạnh. Cũng như những bông hoa dễ trở thành vô ích khi mất hương thơm, người phụ nữ không gòn gì đáng trân trọng khi không giữ được tiết hạnh của mình. Nhan sắc sẽ phai tàn theo ngày tháng như bông hoa héo úa sau vài ngày. Lúc đó, họ sẽ chỉ là những kẻ đem đến sự khó chịu, khinh ghét cho mọi người. Vậy thì, người con gái đừng quá chú trọng vào nhan sắc, quên trau dồi tiết hạnh mà phải nhớ câu :
Cái nết đánh chết cái đẹp
Cái nết sẽ giúp cô gái trở thành người vợ hiền, dâu thảo, con hiếu và mẹ quý. Biết bao tấm gương người mẹ tiết hạnh giáo dục con mình trở thành hữu dụng cho xã hội : Bà Từ Dũ, bà Mạnh Mẫu, bà Sonia Gandi… Do đó, tiết hạnh là phẩm chất hàng đầu mà người phụ nữ phải có.
Trung hiếu, tiết hạnh là nền tảng của đạo đức luân lí nhưng nền tảng này phải biến chuyển theo những thời đại khác nhau sao cho phù hợp. Nếu máy móc quá, lòng trung hiếu và sự tiết hạnh sẽ không có tác dụng mà có khi còn mang hại.
Trung là trung với nước chứ không thể theo quan niệm xưa, trung chỉ gói trọn trong quan hệ Vua tôi, Vua phạm sai lầm, người trung thần phải can gián chứ cứ mù quáng : “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung’’ thì vua cứ theo đà sai, gây hại cho muôn dân, cho đất nước, dẫn đến chỗ người tưởng là trung thần kia hóa ra kẻ bất trung.
Cũng như vậy, hiếu không phải là : “Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu’’. Trần Quốc Tuấn đã bỏ thù riêng chịu tiếng bất hiếu với An Sinh Vương trần Liễu để giải hòa với Vua Trần và Trần Quang Khải. Ông đặt lợi ích của đất nước lên trên. Xét ra, ông là người trung hiếu vẹn toàn và chưa có ai trách ông vì điều đó.
Chữ “tiết hạnh’’ cũng phải hiểu lại cho đúng. Ngày nay, nếu người con gái không chịu giao tiếp với ai mà suốt ngày chỉ : “Êm đềm trướng rũ màn che’’ thì không thể tiến bộ được. Chỉ nên đặt ra yêu cầu không nên đi quá giới hạn mà gia đình và xã hội cho phép đối với người là đủ. Không nên đưa ra quan niệm lỗi thời, cần thay đổi.
Nhìn chung, Nguyễn Đình Chiểu đã đưa ra một phương châm mà chúng ta cần noi theo. Nếu phương châm này được hiểu và áp dụng theo từng hoàn cảnh xã hội thì mãi sẽ là bài học cho mỗi con người.