Chị Phạm Phương Liên (Lê Đại Hành, Hà Nội) cho biết: “Con tôi 4 tuổi, bé hay lý sự và cãi mẹ như “chảo chớp”. Có hôm, khi tôi bảo con đi đánh răng, bé đáp lại: “Sao mẹ ghê gớm thế. Sao ngày nào cũng phải đánh răng, con đánh nhiều rồi, thi thoảng cũng để cho răng nghỉ ngơi một hôm chứ”. Nói bé nhiều, bé kêu: “Mẹ nói ít thôi, con nhức đầu lắm” . Nếu to tiếng mắng bé, bé phản ứng: “Mẹ nói nhỏ thôi, không phải nói to thế đâu”.
Nhiều lúc, bé còn ca cẩm: “Mẹ buồn cười thật đấy, lúc thì hiền ơi là hiền, lúc thì ghê gớm như mụ phù thủy”… Chị Phương Liên lo lắng, không biết việc hay lý sự có phải là bé tự do ngôn luận, hay cãi, nếu không nghiêm khắc với bé thì khi lớn lên bé có sinh hư không?
Nhiều cha mẹ cho rằng con hay “cãi” là không tốt. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Ngô Thanh Mai (ĐH Sư phạm Hà Nội), trẻ hay lý sự là biểu hiện của sự phát triển tư duy theo chiều hướng tích cực. Các cuộc tranh cãi có thể cung cấp cho trẻ một bài học đặc biệt và cơ hội phát triển các bộ phận cấu âm, tích lũy các yếu tố ngôn ngữ phong phú, hình thức ngôn ngữ được cải thiện...
Trẻ hay lý sự thể hiện sự phát triển tư duy theo hướng tích cực. Ảnh minh họa internet.Các bố mẹ nên mừng khi thấy con hay lý sự, hãy cãi lý với mình, vì thích “lý sự” thường IQ cao. Trừ trường hợp con cãi láo với bố mẹ thì cần uốn nắn ngay. Trẻ “lý sự” không chấp nhận bị áp đặt nên bố mẹ phải kiên nhẫn giải thích cho con, chứ không nên ngăn cản con trình bày suy nghĩ của mình. Trước đây, các cha mẹ cấm con được phát biểu ý kiến, cấm không được nói chỗ người lớn, không được cãi, thế nên trẻ rất nhút nhát, rụt rè, không bao giờ dám phát biểu ý kiến trước đám đông.
Cũng có con hay lý sự, chị Hoàng Hải Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Với tôi, đó không phải là hỗn. Những điều con nói, tôi thấy có phần đúng theo hiểu biết của con. Tôi chỉ cố uốn nắn để con trình bày lời lẽ hợp lý, nhẹ nhàng, chứ tôi không cấm con không được đưa ra ý kiến của mình. Dù sao cũng cần phải tôn trọng ý kiến của con. Mỗi lần con lý sự, mẹ lại giải thích cho con hiểu thế nào đúng thế nào sai, cần phải làm thế nào”.
Sự ngang bướng ở trẻ 3-5 tuổi gần như một bản năng. Ở độ tuổi này, bé đang có khuynh hướng tìm tòi, hòa nhập với thế giới của người lớn, muốn chứng tỏ bản thân, thể hiện tình cảm rõ ràng: Yêu, ghét, thích, không thích. Các bậc cha mẹ không nên sốt ruột, lo lắng, cứ bình tĩnh để “sống chung với lý sự cùn” của trẻ.