Tết Nguyên đán là tết lớn nhất và thiêng liêng liêng nhất trong năm của người Việt, còn được gọi là “tết cả”, “tết ta” hay “tết âm lịch” để phân biệt với tết dương lịch của phương Tây. Tết Nguyên đán là tết đầu tiên mở đầu của một năm, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là lúc khép lại những việc đã trải qua trong năm cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới với rất nhiều nghi lễ long trọng diễn ra ở chốn cung đình cũng như trong dân gian. Mọi công việc đều tạm ngưng dành cho việc tế tự tổ tiên, nghỉ ngơi, sum họp, thăm hỏi người thân và dành những lời chúc mừng tốt đẹp…
Trong dân gian truyền thống, phong tục ngày tết Nguyên đán rất phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh tết, câu đối tết, đốt pháo tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc tết, mừng tuổi, thú chơi hoa tết…
Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, khoảng mươi ngày trước Tết, các gia đình thường sửa sang, trang hoàng nhà cửa, ban thờ… Cả người lớn, trẻ em đều tất bật hoàn thành những công việc cuối cùng trước khi bước sang năm mới với hy vọng đón một cái Tết đủ đầy, sung túc.
Phong tục gói bánh chưng, làm giò, làm mứt... Ẩm thực ngày tết của người Việt là sự hội tụ của tinh hoa đất trời với các món ăn vô cùng phong phú và đặc trưng. Mâm cỗ tết truyền thống không thể thiếu bánh chưng, bánh dày, xôi gấc, thịt gà, nem, giò lụa, giò xào, thịt đông, dưa hành, canh măng bóng bì… Ba ngày tết, mọi thành viên của gia đình cùng thưởng thức những loại mứt được làm từ gừng, dừa, quất, hạt sen, cùng hạt bí, hạt dưa, kẹo lạc, kẹo dồi. Đặc biệt, xưa lễ tết cũng là dịp người dân cả nước gửi những đặc sản của quê hương lên tiến vua, trong đó có bánh phục linh, rượu sen, rượu cúc.
Phong tục thờ cúng tổ tiên và các vị thần: là nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.
Vào ngày 23 tháng Chạp, sau lễ bao sái bàn thờ, mọi nhà làm lễ cúng Táo quân chầu trời. Các gia đình sắm sửa mâm ngũ quả, các loại mứt tết, bánh kẹo để dâng lên bàn thờ gia tiên. Chiều 30 tết có lễ cúng tất niên - cúng trình với tổ tiên năm cũ đã hết. Đêm 30 là lễ trừ tịch để tiễn vị thần Hành khiển năm cũ, đón vị thần Hành khiển năm mới. Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 và ngày mồng 2, mọi nhà chuẩn bị cho lễ chiêu điện (cúng sáng) và tịch điện (cúng chiều). Ngày mồng 3, các gia đình thường làm lễ cúng tạ hóa vàng. Phong tục thờ cúng vào ngày Tết Nguyên đán thể hiện truyền thống biết ơn tổ tiên của người Việt.
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có năm loại quả khác nhau tượng trưng cho Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ theo quan niệm của Khổng giáo với nghĩa chung sâu sắc, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu và ước mong cuộc sống luôn đầy đủ, sung túc, bình an. Mâm ngũ quả Tết miền Bắc thường gồm các loại trái cây: chuối, dưa hấu (màu xanh); bưởi, phật thủ, cam, quýt hoặc quất (màu vàng); hồng, ớt hoặc táo tây (màu đỏ); đào hoặc lê (màu trắng); mận hoặc nho (màu đen)…, trong đó nải chuối được đặt ở dưới cùng, trên nải chuối để quả bưởi ở giữa và xung quanh xếp xen kẽ các loại trái cây khác.
Cúng tất niên: Chiều 30 Tết, các gia đình chuẩn bị mâm cơm đầy đặn, thơm ngon, bày biện trang nghiêm cùng hương hoa, vàng mã, bánh chưng… để làm lễ cúng tất niên. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà, tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên; người thân đã khuất với mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng, mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.
Lễ trừ tịch: Nửa đêm 30 Tết tiến hành lễ cúng giao thừa hay lễ trừ tịch được coi là lễ quan trọng nhất, có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” để tiễn đưa vị đương niên đại vương Hành khiển của năm cũ và đón rước vị tân đại vương Hành khiển của năm mới. Bắt đầu từ lúc 11h đêm 30 tết (bước sang giờ tý của năm mới) một mâm lễ vật bao gồm gà luộc, xôi, bánh trưng, trầu rượu, vàng hương… được bày ra ngoài trời để cúng các quan hành khiển cai quản cùng các vị thiên binh, thiên tướng. Sau khi cúng giao thừa xong người ta cúng tới thần thổ công là vị thần cai quản đất đai, điền thổ của gia đình. Hoàn thành tất cả các nghi lễ này thì lúc đó tết mới thực sự đã đến với gia đình.
Lễ cúng cơm đầu năm: Buổi sáng mùng 1 nhiều gia đình thường ngủ muộn vì hôm trước thức đêm để đón giao thừa. Khi thức dậy người ta thường làm cơm cúng thần linh, tổ tiên ngày đầu năm. Vì quan niệm ba ngày tết linh hồn của ông bà, tổ tiên cư ngụ trên bàn thờ cùng con cháu ăn tết nên người ta thường làm cơm cúng vào mỗi buổi sáng từ mùng 1 tết cho tới ngày hóa vàng. Có nhiều gia đình cẩn thận hơn làm cơm cúng mỗi ngày 2 bữa sớm chiều với hy vọng linh hồn các cụ được cấp dưỡng đầy đủ, không bị thiếu thốn.
Lễ hóa vàng: diễn ra vào ngày mùng 3 tết, hóa vàng tức là đốt những đồ vàng mã thờ trên bàn thờ tổ tiên mấy ngày tết để tiễn linh hồn tổ tiên về trời.
Phong tục treo câu đối Tết:
Trong văn hóa truyền thống của người Việt xưa, tục treo câu đối ngày xuân còn là một thú vui tao nhã thể hiện trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của người sử dụng câu đối. Đây được đánh giá như tinh hoa của nguồn cội, là món ăn tinh thần ngày Tết.
Treo tranh ngày Tết:
Ban đầu, người xưa treo tranh nhằm xua đuổi ma quỷ, sau dùng chủ yếu vào mục đích trang hoàng nhà cửa để “tống cựu, nghênh tân” với hi vọng đón chờ những điều tốt lành trong năm mới. Thông thường sau ngày cúng ông Táo, các gia đình thường gỡ các bức tranh cũ xuống, treo tranh mới lên. Ở gian thờ cúng tổ tiên treo tranh mâm ngũ quả, cuốn thư để trên cao, câu đối để hai bên, tạo sự tôn nghiêm. Ngoài cổng dán hai bức tranh ông “Tiến tài - Tiến lộc” để mời gọi thần tài đến nhà. Trong phòng khách treo tranh “Gà đàn”, “Lợn đàn” tượng trưng cho khát vọng sung túc cả năm. Hai bức Vinh hoa - Phú quý vẽ bé trai ôm gà trống và bé gái ôm con vịt với mong muốn năm mới gia đình được bình yên, làm ăn khấm khá, con cái “đủ nếp đủ tẻ”… Đặc biệt, tết thường treo tranh trâu, tranh gà với ý nghĩa tâm linh đuổi khí âm lạnh lẽo của mùa đông, đón khí dương ấm áp của mùa xuân về… Vùng ven Thăng Long nổi tiếng 3 dòng tranh là Đông Hồ, Kim Hoàng và Hàng Trống.
Phong tục đốt pháo:
Teo tục lệ thường cổ truyền xưa, sau lễ cúng giao thừa là đốt pháo giấy. Dân gian tin rằng ma quỷ rất sợ tiếng động nên tiếng pháo nổ của năm mới sẽ xua đuổi ma quỷ và những điều xấu của năm cũ đi và cũng là tín hiệu báo chào đón thời khắc của năm mới. Pháo nổ càng to và lâu, xác pháo cháy hết thì được cho là điềm lành của năm mới.
Thú chơi hoa và cây cảnh tết:
Không biết từ khi nào thú chơi hoa và cây cảnh đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi khi tết đến, xuân về. Thú vui thanh tao ấy không chỉ đơn thuần là thưởng thức cái hương sắc của thiên nhiên mà còn dùng vẻ đẹp ấy để bộc lộ nhân sinh quan, gửi gắm những ước muốn tốt đẹp vào một năm mới sắp đến.
Hoa và cây được đặt ở nhiều không gian trong nhà. Trên bàn thờ thường là hoa cúc, vạn thọ, lay ơn, hoa huệ và cây phất lộc… Trong phòng khách không thể thiếu hoa đào, hoa mai, hoa lan, thủy tiên, thược dược, violet, đồng tiền, cây quất… Mỗi loài hoa mang một đặc trưng riêng, song đều có chung một ý nghĩa biểu trưng cho sự may mắn, sung túc, bình an, hạnh phúc.
Phong tục chúc Tết và mừng tuổi đầu năm:
Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, thầy giáo dịp Tết. “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy” là câu thành ngữ khái quát cho tục chúc Xuân.
Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên.
Khi chúc Tết người lớn thường mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới đựng trong bao lì xì đỏ. Tục lì xì này có từ rất lâu, người xưa tin rằng ánh sáng và tiếng leng keng của đồng tiền mới sẽ xua đuổi tà ma, bảo vệ con trẻ lớn lên khỏe mạnh. Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất và lấy may từ những ngày đầu năm mới.
Phong tục xin chữ đầu năm:
Đối với người Việt Nam, từ xa xưa, con chữ đã rất được trân trọng. Với quan niệm “biết chữ” là chạm vào cánh cửa của tương lai… nên vào mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt thường có phong tục xin chữ và cho chữ.
Có hai kiểu xin chữ, một là xin chữ, hai là xin nghĩa. Người ta sẽ đến gặp những người có sự tu dưỡng về văn từ, nhất là những nhà khoa bảng để xin nghĩa sau đó mới đem cái nghĩa đó đến nhờ người hay chữ viết hộ. Khi muốn xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc đến nhà thầy đồ) học vị Tú tài được vua ban, hoặc nho sĩ hay chữ trong vùng được kính trọng.
Những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.
Bên cạnh chữ đại tự, các thầy đồ còn viết chữ mừng xuân mới và thường là: Xuân, Thọ, Khang, Ninh, Phúc, Đức hay Phú, Quý, Lộc… Người trung niên thường xin các chữ Tâm, Đức, Nhẫn; nam thanh nữ tú hay xin các chữ Danh, Duyên, Hiếu, Trung.Học sinh, sinh viên thường xin chữ Minh, Đăng Khoa, Trí tuệ.Mừng cho các cụ cao tuổi thì không thể thiếu chữ Phúc, Lộc, Thọ. Các doanh nhân thì thường mong chữ Lộc, chữ Tín, chữ Phát. Trên nền giấy hồng, giấy đỏ, là biểu tượng màu may mắn, tốt lành, tùy theo nội dung của chữ mà người viết bằng mực nho hay nhũ vàng để có ý nghĩa nhất cho người đến xin chữ. Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, công việc, thể hiện mong ước cho một năm mới.
Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Phòng Nghiên cứu sưu tầm Di sản