Cộm mắt là cảm giác vướng víu như đang có vật gì đó dính trong mắt. Khi gặp cảm giác này, mọi người có thói quen dụi mắt và xoa dịu bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý hoặc nhắm mắt nghỉ ngơi. Trường hợp cộm mắt không phải do dính bụi, bạn nên thận trọng với một số bệnh lý thường gặp ở mắt. Dưới đây là thông tin giải đáp về tình trạng cộm mắt khi không có bụi.
Mắt bị cộm nhưng không có bụi là do đâu?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bị cộm mắt mà không phải do dính bụi. Hiểu rõ được nguyên nhân sẽ giúp bạn tìm ra cách khắc phục phù hợp.
Cộm mắt do bị khô mắt
Khô mắt là tình trạng nước mắt bay hơi nhanh, không đủ để bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Khi bị khô mắt, người bệnh có cảm giác nhức, ngứa, cộm hoặc đau rát ở mắt. Hai góc mắt dính nhử mắt hoặc bọt trắng. Mắt dễ bị nhòe nên người bệnh phải chớp liên tục. Vào buổi sáng, cảm giác đau nhức khiến người bệnh khó mở mắt. Chứng khô mắt thường gặp ở một số trường hợp như sau:
- Thức quá khuya, ngủ không đủ giấc;
- Tiếp xúc với môi trường nhiều nắng gió;
- Tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như là điện thoại, máy tính, tivi;
- Bị tác dụng phụ do sử dụng thuốc nhỏ mắt;
- Căng thẳng kéo dài làm mất cân bằng nước mắt;
- Rối loạn nội tiết tố gây suy giảm thị lực, khô và cộm mắt.
Cộm mắt do tác động của dị vật
Nếu không phải do bụi làm cộm mắt, bạn xem lại có bị dị vật dính vào trong mắt hay không. Dị vật có thể là côn trùng, lông mi, lông mày, mỹ phẩm… Khi rơi vào mắt, dị vật thường nằm ở giác mạc, kết mạc và gây cảm giác nóng rát, nhức nhối. Mắt dễ bị đỏ, chảy nước mắt, cảm giác vướng víu khi chớp mặt. Nếu không xử lý kịp thời, dị vật có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến mắt.
Các bệnh lý gây ra cộm mắt
Khi mắt bị cộm nhưng không có bụi, bạn nên đề phòng một số bệnh lý dưới đây.
Bệnh đau mắt đỏ: Đau mắt đỏ là tình trạng viêm nhiễm ở lớp lót bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt. Cảm giác vướng víu như có cát, bụi dính vào trong mắt là một trong những biểu hiện thường gặp của bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn bị đau, chảy nước mắt. Gỉ mắt tiết ra nhiều dễ làm dính chặt mi mắt lại sau khi ngủ dậy.
Sạn vôi gây cộm mắt: Bệnh sạn vôi là tình trạng lắng đọng canxi ở dưới lớp kết mạc sụn mi. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, xuất hiện một hoặc nhiều sạn vôi ở một bên mắt hoặc cả hai mắt. Chúng là những hạt màu trắng nằm dưới mí mắt, nhỏ hoặc to tùy từng cơ địa và tình trạng bệnh. Hạt sạn vôi gây cộm như có cát, bụi rơi vào mắt.
Mắt bị chắp hoặc lẹo: Chắp mắt, lẹo mắt đều là những bệnh thường gặp. Trong đó, lẹo là tình trạng nhiễm khuẩn sưng mủ, nổi ổ sưng tấy bên ngoài hoặc bên trong mắt. Chắp mắt là tình trạng mí mắt bị tắc nghẽn tuyến nhày, làm nổi khối tròn nhỏ ở mặt trong mí. Cả chắp và lẹo mắt đều có cảm giác vướng víu vì nổi khối cứng ở mí mắt.
Cộm mắt do viêm giác mạc: Viêm giác mạc là bệnh lý có nguy cơ gây biến chứng mù giác mạc. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do bị vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng hoặc do chấn thương ở trong mắt. Viêm giác mạc gây ngứa, cộm xốn, chảy nước mắt, đau nhức nhối, giảm thị lực. Cảm giác đau sẽ tăng lên khi tiếp xúc với ánh sáng.
Tình trạng dị ứng ở mắt: Bệnh dị ứng mắt xảy ra khi mắt tiếp xúc với các chất kích thích như là phấn hoa, mỹ phẩm, không khí ô nhiễm… Biểu hiện ban đầu của dị ứng mắt là cảm giác vướng víu như có bụi, nhạy cảm ánh sáng, ngứa và nóng rát ở mắt. Phản ứng trầm trọng hơn là mí mắt sưng hụp, kết mạc phù mọng kèm theo đau nhức.
Bệnh lý ở mắt cần được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Nếu để tình trạng bệnh kéo dài có thể làm suy giảm thị lực, biến chứng mù lòa.
Mắt bị cộm nhưng không có bụi phải làm sao?
Bạn tham khảo thông tin dưới đây để biết cách xử trí khi bị cộm mắt mà không phải do dính bụi.
Những việc cần làm khi thấy mắt bị cộm
Đầu tiên là bạn cần xác định xem nguyên nhân gây cộm mắt là gì. Nếu công việc của bạn thường xuyên phải tiếp xúc với thiết bị điện tử gây khô mắt, bạn nên cho mắt nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách. Các bác sĩ khuyến nghị nên dùng nước mắt nhân tạo cho các trường hợp tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại. Mỗi ngày, bạn nhỏ mắt 3 - 4 lần và duy trì trong 1 - 3 tháng.
Trường hợp bị mỹ phẩm hoặc vị vật dính vào trong mắt, bạn xử trí như sau:
- Chớp mắt nhanh có thể làm cho nước mắt chảy ra và rửa trôi dị vật;
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt không kê đơn hoặc nước mắt nhân tạo để làm dịu mắt, rửa trôi dị vật;
- Cho nước sạch vào bát, mở mắt và nhúng mắt vào, lia mắt sang hai bên để nước cuốn dị vật đi;
- Áp dụng mẹo lấy dị vật trong mắt bằng cách đưa đầu tăm bông vào mí mắt, đảo tròng để tuyến lệ tiết nước và dẫn dị vật vào đầu tăm bông.
Nếu khô mắt và cộm mắt do căng thẳng, thức khuya thì bạn nên thay đổi lối sống khoa học hơn. Bạn nên đi ngủ sớm trước 22 giờ, ngủ ít nhất 30 phút vào buổi trưa. Để giải tỏa stress, bạn có thể làm những việc yêu thích để tinh thần thoải mái và vui vẻ hơn. Trường hợp rối loạn nội tiết ở phụ nữ mang thai, tiền mãn kinh gây khô mắt thì bạn nên bổ sung thực phẩm giúp cân bằng nội tiết tố.
Khi đã thử khắc phục như trên mà mắt vẫn bị cộm và có thêm biểu hiện bất thường, bạn nên đi khám mắt. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lý ở mắt và đưa ra phương pháp điều trị theo từng trường hợp.
Tránh làm gì khi mắt bị cộm nhưng không có bụi?
Để tránh làm tổn thương hoặc gây nguy hiểm đến mắt, bạn nên lưu ý một số điều dưới đây khi thấy mắt bị cộm.
- Hạn chế tối đa việc dụi mắt: Dụi mắt có thể gây trầy xước giác mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.
- Tránh tùy ý dùng thuốc chữa đau mắt: Sử dụng thuốc không đúng bệnh có thể khiến tình trạng cộm mắt nặng hơn hoặc bị tác dụng phụ.
- Dùng quá nhiều nước muối sinh lý nhỏ mắt: Chỉ nên nhỏ dung dịch Natri Clorid 0.9% 3 - 4 lần mỗi ngày để tránh bị khô mắt, kích ứng.
- Không xả trực tiếp nước từ vòi hoa sen vào mắt: Rửa mắt bằng vòi hoa sen có thể gây lực tác động mạnh làm tổn thương giác mạc.
Chăm sóc như thế nào để có đôi mắt khỏe mạnh?
Các hiện tượng khô mắt, mỏi mắt hoặc cộm xốn ở mắt sẽ được cải thiện đáng kể nếu bạn chăm sóc cẩn thận cho đôi mắt. Cùng tham khảo những cách dưới đây để có đôi mắt khỏe mạnh hơn nhé!
- Bạn nên học tập và làm việc ở nơi có ánh sáng phù hợp, không quá sáng nhưng cũng không bị tối. Ánh sáng cân đối sẽ giúp mắt điều tiết tốt.
- Duy trì thói quen ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp mắt của bạn được nghỉ ngơi và thư giãn. Bạn không nên thức khuya sau 23 giờ.
- Trong bữa ăn hàng ngày, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A tốt cho mắt như là cà rốt, bí đỏ, bông cải xanh, nước ép cà chua,…
- Sử dụng thêm thực phẩm chức năng bảo vệ mắt sẽ giúp bổ sung dưỡng chất, tăng cường thị lực và giảm thiểu bệnh lý ở mắt.
Bài viết đã giúp bạn biết cách xử trí khi thấy mắt bị cộm nhưng không dính bụi. Cộm mắt có thể là hiện tượng bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Bạn chớ chủ quan khi cộm mắt kèm theo các biểu hiện đau rát, sưng tấy, đỏ mắt, chảy nhiều nhử nhèm nhé!