Những điều này rất cần ở bất kỳ một thời đại nào và càng cần thiết hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nơi mà quốc gia nào không có bản lĩnh, bản sắc sẽ bị quá trình hội nhập làm hòa tan, biến đất nước thành bản sao mờ của quốc gia khác, từ đó dẫn đến nguy cơ mất nước.
Trong xã hội hôm nay, sáng tạo chính là một phẩm chất quan trọng của mỗi con người và toàn xã hội. Sáng tạo tạo ra sự hấp dẫn đồng thời cũng là nguồn lực để cá nhân và xã hội phát triển. Vì thế, tạo ra những cá nhân sáng tạo là một trong những mục đích chính của quá trình đào tạo. Đó cũng chính là lý do giáo dục chuyển từ truyền đạt kiến thức là chính sang giáo dục truyền cảm hứng, kích thích khả năng tư duy sáng tạo của học sinh. Môn nào làm tốt được nhiệm vụ này, môn đó sẽ có tác dụng nhiều hơn trong giáo dục hiện đại.
Tái hiện truyền thống lịch sử đấu tranh giữ nước của tổ tiên ta trong Lễ hội Gióng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội (ảnh chụp trước năm 2020). Ảnh: HUỆ PHÒNGChúng ta hãy trở lại môn học Lịch sử. Chúng ta nên bắt đầu bằng câu chuyện tại sao mọi người đều ý thức về tầm quan trọng của môn Lịch sử nhưng học sinh vẫn ít hứng thú với môn học này và kết quả môn Lịch sử vẫn luôn thấp? Dẫn theo kết quả gần đây, Lịch sử là môn có kết quả thi thấp nhất trong tất cả các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, khi có 52,03% số thí sinh có điểm thi dưới trung bình. Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử của cả nước năm 2021 cho thấy: Có 637.005 thí sinh tham gia thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 4.97 điểm, điểm trung vị là 4.75 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.0 điểm.
Lịch sử rất quan trọng vì thông qua lịch sử chúng ta hiểu hơn về dân tộc, đất nước mình, trên cơ sở đó hình thành nên lòng yêu nước và bản lĩnh văn hóa. Những điều này rất cần ở bất kỳ một thời đại nào và càng cần thiết hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nơi mà quốc gia nào không có bản lĩnh, bản sắc sẽ bị quá trình hội nhập làm hòa tan, biến đất nước thành bản sao mờ của quốc gia khác, từ đó dẫn đến nguy cơ mất nước.
Tuy nhiên, để giảng dạy và truyền bá kiến thức lịch sử lại không đơn giản, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi việc học tập của học sinh đang quá tải, các phương tiện truyền thông cung cấp quá nhiều kiến thức khiến con người nhiều khi lạc lối, không xác định được phương hướng trong biển thông tin đó. Và lịch sử cũng là một trong số này.
Trên thế giới, ở đâu cũng vậy, đã là môn lịch sử thì bao giờ cũng liên quan đến sự kiện, thường rất khô khan. Con trai tôi học ở Pháp cũng nói rằng, môn học Lịch sử ở Pháp cũng được gắn thêm với môn Địa lý vì hai môn này có sự liên hệ mật thiết với nhau (như trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của ta). Sự kiện, con người thì gắn với vùng đất. Để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn và dễ học hơn, tạo ra tính sáng tạo cho người học, thầy giáo sẽ gắn kiến thức lịch sử chung với lịch sử địa phương (ví dụ, khi học về Chiến tranh thế giới lần thứ hai sẽ gắn với các sự kiện diễn ra tại địa phương), tổ chức thảo luận và tiến hành dã ngoại đến những địa điểm đó.
Sự kiện lịch sử là trung tâm nhưng học sinh được khuyến khích đưa ra những ý tưởng, bình luận khác nhau về nguyên nhân, cách thức dẫn đến kết quả đó cũng như ý nghĩa của sự kiện lịch sử này đối với xã hội hiện tại. Học sinh không cảm thấy học lịch sử là áp lực thuộc lòng, nhớ các sự kiện mà cảm nhận được sự hấp dẫn, gần gũi từ các sự kiện lịch sử.
Nhà triết học người Ý Benedetto Croce từng viết: “Mọi lịch sử là lịch sử của đương đại” (All history is contemporary history). Ý của ông là, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử phải nhằm phục vụ và giải quyết những vấn đề của xã hội hiện nay. Chỉ như thế, tìm hiểu lịch sử mới trở nên hấp dẫn và có ý nghĩa. Xem xét từ diễn ngôn ấy của Benedetto Croce, chúng ta sẽ tìm được một số câu trả lời để vực dậy cách viết, học và giải thích cho lịch sử trở nên gần gũi hơn với cuộc sống, dễ học và lôi cuốn học sinh hơn.
Theo đó, câu chuyện bắt đầu là làm thế nào môn Lịch sử trở nên hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm của học sinh, để học sinh chủ động lựa chọn môn Lịch sử. Như những ví dụ từ nước Pháp, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần biến những sự kiện lịch sử thành những câu chuyện gần gũi hơn, gắn với với học sinh nhiều hơn, tạo điều kiện cho các em cùng sáng tạo lịch sử. Sự kiện lịch sử có thể là duy nhất, nhưng chúng ta có thể chấp nhận những cách giải thích sáng tạo từ phía học sinh. Lịch sử cần cụ thể từ những câu chuyện, để những hiện vật kể câu chuyện của riêng nó và lắng nghe những thảo luận của học sinh, để những câu chuyện của cả nước được kể qua những địa danh, di tích, nhân chứng của địa phương.
Giáo dục lịch sử không chỉ trong nhà trường, mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Khi học sinh yêu, học sinh sẽ tìm hiểu nhiều hơn lịch sử; khi các em càng tìm hiểu lịch sử, các em sẽ càng thêm yêu lịch sử, từ đó tạo nên tình yêu và sức mạnh dân tộc từ lịch sử. Khi đó, dù lịch sử có là môn lựa chọn đi chăng nữa, học sinh cũng chọn lịch sử là môn học đầu tiên bằng chính tình yêu của mình.
PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội