Tiềm năng du lịch “xanh” từ di sản và thiên nhiên
Hằng năm, tỉnh Phú Thọ đón hàng triệu lượt du khách tham quan, hành hương lễ Tổ và tham dự lễ hội lớn nhất cả nước. Phú Thọ trở thành điểm đến hấp dẫn cho những hành trình du lịch văn hóa tâm linh, trải nghiệm di sản, nghỉ dưỡng và sinh thái cộng đồng đặc sắc.
Những chương trình du lịch hấp dẫn như: “Khám phá di sản văn hóa vùng đất Tổ”, “Hành trình về cội nguồn”, “Du lịch Phú Thọ: Về miền di sản văn hóa được UNESCO ghi danh”... mà mỗi du khách đều mong muốn được trải nghiệm và cảm nhận.
Phú Thọ không chỉ là nơi lưu giữ hồn thiêng dân tộc mà còn mang trong mình tiềm năng phát triển du lịch “xanh” và bền vững thông qua nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và hệ thống danh lam thắng cảnh vùng trung du độc đáo như: Danh thắng Vườn quốc gia Xuân Sơn, thiên đường nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, tuyệt tác thiên nhiên đồi chè Long Cốc, Ao Giời - Suối Tiên, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội…
Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong những điểm đến hàng đầu cho du lịch sinh thái với diện tích gần 15.000ha, hệ động, thực vật đa dạng và nhiều hang động tự nhiên kỳ bí. Du khách có thể trekking qua những cánh rừng nguyên sinh, tận hưởng không khí trong lành và khám phá cuộc sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số như người Mường, Dao tại khu vực này. Vườn quốc gia Xuân Sơn còn là nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch giáo dục môi trường và bảo tồn sinh học.
Đồi chè Long Cốc, một tuyệt tác thiên nhiên với những đồi chè xanh ngát được xếp thành từng bậc uốn lượn như sóng biển, là điểm đến không thể bỏ qua. Đây không chỉ là nơi lý tưởng để du khách thư giãn, chụp ảnh, mà còn mang đến trải nghiệm tham quan quy trình sản xuất chè truyền thống. Với vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình, Long Cốc đã trở thành biểu tượng cho du lịch “xanh” tại Phú Thọ.
Du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy là điểm nhấn đặc biệt cho du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Thọ. Với nguồn nước khoáng nóng tự nhiên giàu khoáng chất, nơi đây không chỉ mang lại trải nghiệm thư giãn mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho du khách. Các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực này đang được đầu tư và phát triển, góp phần đưa Thanh Thủy trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du lịch sức khỏe “Điểm hẹn về nguồn - nghỉ dưỡng lý tưởng”.
Du lịch golf tại Tam Nông cũng đang nổi lên như một sản phẩm du lịch cao cấp. Các sân golf hiện đại, được thiết kế đạt chuẩn quốc tế, như sân golf Văn Lang Empire đã mang đến không gian xanh mát, hài hòa với thiên nhiên, phục vụ nhu cầu giải trí và thể thao cho du khách trong và ngoài nước. Loại hình du lịch golf không chỉ nâng cao hình ảnh du lịch Phú Thọ mà còn thu hút nhóm du khách có khả năng chi tiêu cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Những tiềm năng về giá trị văn hóa cội nguồn kết hợp danh thắng thiên nhiên kỳ thú đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến trải nghiệm. Năm 2024, du lịch Phú Thọ đã đạt được những kết quả khả quan. Đó là, ước đón 6,63 triệu lượt khách, doanh thu du lịch dịch vụ đạt 4.100 tỷ đồng (ước đạt 111% kế hoạch năm, tăng 22% so với năm 2023); khách lưu trú: 830.000 lượt (ước đạt 104% kế hoạch năm, tăng 7% so với năm 2023), trong đó khách quốc tế là 10.600 lượt (ước đạt 112% kế hoạch năm, tăng 20% so với năm 2023).
Khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch
Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành Du lịch Phú Thọ đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm để đẩy nhanh việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển du lịch tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đó là: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý lữ hành và cơ sở lưu trú; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hoạt động, sự kiện phát triển thị trường, dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch, tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm kích cầu hoạt động du lịch; chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, số hóa dữ liệu du lịch; chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2025; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch có giá trị độc đáo và hấp dẫn; tăng cường hỗ trợ xây dựng khu, điểm du lịch và tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch...
Đặc biệt, với các giải pháp phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, Phú Thọ tập trung xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với du lịch “xanh”, đẩy mạnh công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể như hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, kết hợp xây dựng các tour du lịch trải nghiệm di sản.
Phát triển sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên bằng việc tăng cường khai thác du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc với các loại hình như trekking, cắm trại; phát triển mô hình du lịch sức khỏe tại suối khoáng nóng Thanh Thủy kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái; đầu tư vào hạ tầng xanh và bền vững, hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên như du lịch MICE thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch golf…
Ứng dụng công nghệ trong quản lý và quảng bá du lịch, xây dựng các nền tảng số hóa thông tin du lịch, phát triển ứng dụng di động cung cấp thông tin điểm đến, tour du lịch và hướng dẫn thân thiện với môi trường; áp dụng công nghệ theo dõi và đánh giá tác động môi trường để quản lý du lịch “xanh” hiệu quả; hỗ trợ cộng đồng và phát triển du lịch cộng đồng và giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch “xanh”.
Phú Thọ hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến du lịch “xanh” và bền vững hàng đầu Việt Nam. Việc bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên kỳ thú, kết hợp với các giải pháp phát triển bền vững như ứng dụng công nghệ, hỗ trợ cộng đồng và nâng cao nhận thức về du lịch “xanh” sẽ tạo động lực mạnh mẽ để mảnh đất cội nguồn này tiếp tục khẳng định vị thế đi đầu trong phát triển du lịch bền vững, góp phần làm giàu thêm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Đức HòaGiám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ