Theo quan niệm dân gian, cúng Thần Tài trong cửa hàng sẽ đem lại tiền tài, may mắn, giúp cho việc kinh doanh buôn bán thêm thuận lợi. Trước thềm năm mới 2024, chủ shop nên lau dọn bàn thờ Thần Tài sạch sẽ, chuẩn bị mâm lễ cúng đủ đầy để rước vía Thần Tài. Theo dõi ngay bài viết dưới đây để thực hiện đúng nghi lễ này!
1. Ông Thần Tài, Ông Địa là ai?
Thờ ông Thần Tài, ông Địa là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đặc biệt, những chủ cửa hàng, gia đình làm kinh doanh lại càng coi trọng nghi lễ này. Trước khi tìm hiểu cách cúng Thần Tài, bạn nên biết rõ ông thần Tài, ông Địa là ai.
Thần Tài là vị thần giúp trông coi cửa hàng và mang tới sự may mắn về tiền bạc, tài lộc. Tương truyền Thần Tài có hình dáng của một ông lão râu tóc bạc phơ, nét mặt hiền lành nhân hậu, trên tay ông thần có cầm thỏi vàng. Thờ Thần Tài trong cửa hàng giúp việc kinh doanh thêm hanh thông, mua may bán đắt.
Trên bàn Thờ Thần Tài, ngoài ông Thần Tài, còn có một bức tượng nữa, chủ trì thờ Ông Địa (Thổ Địa). Thổ Địa là vị thần cai quản đất đai tại vị trí thuê cửa hàng. Thổ Công là hình ảnh ông lão phúc hậu, có thân hình phốp pháp và chiếc bụng to, tay cầm chiếc quạt. Cửa hàng có bàn thờ Ông Địa sẽ được che chở, ấm no, thịnh vượng hơn. Việc kinh doanh cũng nhờ thế phát tài phát lộc.
2. Cách cúng Thần Tài cầu tài lộc, may mắn năm 2024
Gia chủ cúng Thần Tài cần thể hiện được cái tâm của mình, chú ý đến những ngày quan trọng cúng Thần Tài, cách bài trí bàn thờ, chuẩn bị mâm lễ và bài cúng phù hợp.
2.1. Thời gian cúng Thần Tài
Lễ cúng Thần Tài diễn ra mỗi ngày vào buổi sáng, khi chủ quán, hay nhân viên đến sớm và thắp hương ban thờ Thần Tài. Vào những ngày mùng 10 (Âm lịch hàng tháng), đặc biệt là ngày vía Thần Tài (10 tháng Giêng Âm lịch), lễ cúng Thần Tài được làm đầy đủ hơn.
2.2 Cách bài trí bàn thờ cúng Thần Tài
Bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa thường được làm bằng gỗ tự nhiên, có nhiều kiểu dáng khác nhau. Bàn thờ Thần Tài được đặt dưới đất ở nơi sạch sẽ, trang trọng, có hướng ra cửa chính hoặc hướng phù hợp với mệnh của chủ shop. Trên bàn thờ Thần Tài thường có những đồ lễ như:
- Tượng Thần Tài và tượng Thổ Địa: Tượng nhỏ, được làm bằng sứ, được đặt 2 bên bàn thờ. Tượng Thần Tài được đặt bên trái, tượng Thổ Địa bên phải.
- Bát hương: Được đặt giữa bàn thờ, tuyệt đối không được xê dịch bát hương.
- Hũ gạo, muối, nước: Được đặt ở giữa 2 bức tượng ông Thần Tài và Thổ Địa. Đây là những đồ tượng trưng cho đời sống ấm no, sung túc. Hũ gạo, muối sẽ được thay mới vào dịp cuối năm. Cốc nước sạch sẽ được thay mới khi thắp hương hàng ngày.
- Lọ hoa tươi: Hoa được thay mới khi héo hoặc vào ngày rằm và mùng 1.
Xem thêm: Bàn thờ Thần Tài gồm những gì và cách bài trí chi tiết
2.3. Chuẩn bị mâm lễ cúng Thần Tài như thế nào?
Tùy tâm gia chủ mà việc chuẩn bị mâm lễ cúng Thần Tài có thể khác nhau. Lễ cúng Thần Tài hàng ngày có thể đơn giản hơn những ngày 10 Âm lịch hàng tháng.
Lễ cúng Thần Tài mỗi ngày
Mỗi ngày khi đến cửa hàng hay nhà hàng, quán của mình, chủ shop hoặc nhân viên thắp hương cho bàn thờ Thần Tài để cầu cho ngày hôm đó quán đông khách. Lễ cúng Thần Tài mỗi ngày rất đơn giản. Bạn chỉ cần thay nước sạch, thay hoa tươi (nếu hoa đã tàn) và lễ bánh kẹo hoặc hoa quả tùy tâm. Sau khi chuẩn bị lễ, chủ kinh doanh thường thắp một nén hương và cầu xin Thần Tài phù hộ cho ngày hôm đó mua may bán đắt, việc buôn bán, làm ăn thuận lợn.
Lễ vật cúng Thần Tài mùng 10
Lễ vật cúng thần tài mùng 10 hàng tháng hay mâm cúng ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng thường được sắp lễ đầy đủ hơn ngày thường và chủ shop nên cúng mặn. Mâm cúng Thần Tài mùng 10 bao gồm:
- Bộ tam sên: gồm 3 món mặn là thịt lợn quay (hoặc thịt lợn luộc), 3 quả trứng luộc và 3 con tôm luộc.
- Hoa quả tươi: chọn các loại quả như xoài, thanh long, táo, dưa hấu, bưởi, chuối chín.
- Lọ hoa tươi: hoa có màu sắc rực rỡ như cúc, ly, đồng tiền, hồng.
- Tiền vàng mã, đĩnh vàng bằng vàng mã
- Thuốc lá
- Nến/ đèn dầu
- Xôi: có thể là xôi gấc hoặc đỗ xanh
- Bánh kẹo
- Trầu cau
- Tiền lẻ (tiền thật)
- Gạo, muối, cốc nước sạch
- Rượu trắng
Ngoài những đồ lễ ở trên, người dân miền Trung và miền Nam còn chuẩn bị thêm cả cá lóc nướng nguyên con để đặt lên bàn thờ Thần Tài, nhằm nhắc nhớ rằng ông cha ta trước kia đã từng rất thiếu thốn trong buổi đầu khai hoang.
Ngày Vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, dân gian có tục đi mua miếng vàng (loại nửa chỉ, một chỉ) và đặt lên ban thờ để xin lộc Thần Tài, cầu cho cả năm buôn bán may mắn, sung túc, tiền vào như nước.
Trước khi thắp hương cúng Thần Tài, chủ shop cần lau dọn bàn thờ Thần Tài. Các bước lau dọn, vệ sinh bàn thờ, mời chủ shop xem tại bài viết: Cách lau dọn bàn thờ Thần tài trong cửa hàng dịp cuối năm.
2.4. Bài cúng Thần Tài theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Sau khi chuẩn bị và sắp đầy đủ đồ lễ cúng Thần Tài, chủ cửa hàng thay nước sạch và rót rượu rồi thắp ba nén hương và bắt đầu khấn theo bài văn khấn Thần Tài cổ truyền Việt Nam:
Khi cúng Thần Tài, chủ cửa hàng nên đọc bài văn khấn to, rõ ràng và thành tâm cầu khẩn để được Thần Tài phù hộ độ trì cho mọi việc hanh thông.
3. Những lưu ý khi cúng Thần Tài tại cửa hàng
Khi cúng Thần Tài Thổ Địa, chủ cửa hàng cần lưu ý một số điều sau để không phạm vào những điều kiêng kỵ, không tốt:
- Sử dụng hoa tươi: Không nên sử dụng hoa khô, hoa giả để trên ban thờ Thần Tài. Khi hoa tươi héo nên bỏ đi và thay hoa mới, không để hoa héo úa, rụng đầy bàn thờ.
- Dùng khăn sạch lau bàn thờ Thần Tài: Dùng khăn sạch, mới để lau dọn bàn thờ Thần Tài, không được dùng vào việc khác. Có thể cho thêm một chút tinh dầu hoặc dùng nước hoa hồi để lau bàn thờ Thần Tài.
- Hóa vàng mã và thụ lộc: Vàng mã sau khi cúng xong nên hóa hết ở ngoài cửa hàng. Đồ lễ sau khi cúng xong thì chủ cửa hàng và nhân viên có thể thụ lộc.
- Trang phục lịch sự: Diện trang phục gọn gàng, lịch sự cũng là cách thể hiện lòng thành tâm khi thực hiện nghi lễ cúng Thần Tài mà bạn nên chú ý.
Trên đây là cách cúng Thần Tài vào ngày thường và ngày mùng 10 tháng Giêng. Theo quan niệm từ xa xưa, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Chủ kinh doanh có thành tâm thì sẽ càng rước được nhiều tài lộc, may mắn.