Viêm phế quản và viêm phổi dễ gây nhầm lẫn bởi triệu chứng khá giống nhau như ho, tức ngực, ớn lạnh… nhưng khác nhau về nguyên nhân, cơ chế bệnh và phương pháp điều trị. Do đó, việc phát hiện và chẩn đoán đúng mỗi bệnh là rất quan trọng.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng túi khí ở một hoặc cả hai phổi bị viêm, chứa đầy dịch hoặc mủ, gây ho có đờm, sốt, ớn lạnh và khó thở. Tình trạng nhiễm trùng này có thể xảy ra do hoạt động và khả năng gây hại của nhiều loại vi sinh vật khác nhau, bao gồm: vi khuẩn, virus và nấm. Viêm phổi có thể diễn tiến với nhiều mức độ nghiêm trọng, từ nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng. Bệnh gây nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi, những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm xảy ra ở các ống phế quản hay còn gọi là đường dẫn khí trong phổi. Bệnh có thể xảy ra sau các đợt bệnh do virus như cảm lạnh, cảm cúm thông thường, hoặc đôi khi có thể tự phát triển. Thông thường, viêm phế quản chủ yếu do virus gây nên, việc dùng thuốc kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng trong điều trị.
Viêm phế quản có phải là viêm phổi?
Viêm phế quản có phải là viêm phổi không? Viêm phế quản không phải là viêm phổi. Mặc dù cả hai tình trạng viêm đều có thể gây ho, tức ngực và ớn lạnh, nhưng viêm phế quản là tình trạng nhiễm trùng tại các ống phế quản (ống dẫn vận chuyển không khí vào phổi), còn viêm phổi là nhiễm trùng phát triển ở phế nang. (1)
Cách phân biệt viêm phế quản và viêm phổi
Viêm phế quản có phải viêm phổi không? Việc phân biệt viêm phổi và viêm phế quản có thể dựa vào các yếu tố sau đây:
1. Nguyên nhân viêm phế quản và viêm phổi
Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi, ngoài ra virus và nấm cũng có thể gây bệnh nhưng ít gặp hơn. Chẳng hạn, viêm phổi có thể do virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm và virus Corona (bao gồm cả SARS-CoV-2, gây ra COVID-19). Viêm phổi do virus thường ít nghiêm trọng hơn viêm phổi do vi khuẩn và nấm. Bệnh viêm phổi do nấm chỉ xảy ra ở những người mắc bệnh mạn tính hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
Một dạng viêm phổi nhẹ gọi là viêm phổi không điển hình cũng có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Với trường hợp này, triệu chứng thường chỉ như cảm nặng, người bệnh vẫn có thể học tập, làm việc và sinh hoạt bình thường. Bệnh có xu hướng cải thiện sau 3 - 5 ngày, ngoại trừ trường hợp xuất hiện dấu hiệu sốt, ớn lạnh.
Viêm phổi có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, tùy vào nguyên nhân gây nhiễm trùng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của người nhiễm bệnh. Trong khi đó, virus là tác nhân gây ra hầu hết các trường hợp viêm phế quản. Chẳng hạn, virus gây cảm lạnh và cúm là thủ phạm hàng đầu gây viêm phế quản cấp tính, thường cư trú ở phần dưới của phổi. Viêm phế quản thường là tạm thời và không nghiêm trọng, hiếm khi gây tổn thương phổi vĩnh viễn.
2. Triệu chứng viêm phế quản và viêm phổi
Triệu chứng viêm phế quản và viêm phổi khác nhau như thế nào? Các triệu chứng viêm phổi có thể tương tự như viêm phế quản nhưng thường nghiêm trọng hơn, điển hình như:
- Sốt,
- Ớn lạnh,
- Ho, thường có đờm,
- Hụt hơi,
- Đau ngực khi thở hoặc ho,
- Buồn nôn,
- Nôn mửa,
- Bệnh tiêu chảy.
Nhìn chung, viêm phổi thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, thường lâu hơn viêm phế quản. Một số trường hợp có thể diễn tiến thành nhiều tình trạng nghiêm trọng như:
- Nhiễm khuẩn huyết (xảy ra khi vi khuẩn di chuyển vào máu),
- Áp xe phổi,
- Suy thận,
- Suy hô hấp.
Ho là dấu hiệu điển hình của viêm phế quản, thường là ho từng cơn. Trong vài ngày đầu, triệu chứng tương đối giống với cảm lạnh thông thường, bao gồm:
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi,
- Sốt nhẹ,
- Tắc thở,
- Tiếng thở khò khè hoặc có tiếng như huýt sáo khi thở,
- Ho có đờm màu vàng hoặc xanh lá cây,
- Mệt mỏi.
Viêm phế quản thường kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày, nhưng một vài trường hợp ho có thể diễn tiến trong nhiều tuần.
3. Điều trị viêm phế quản và viêm phổi
Viêm phế quản và viêm phổi còn khác nhau ở phương pháp điều trị. Thuốc kháng sinh có thể điều trị hiệu quả tình trạng viêm phổi do vi khuẩn. Đối với các trường hợp viêm do virus hoặc nấm, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống nấm…
Khi bị viêm phổi nhẹ, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, kết hợp uống nhiều nước để hỗ trợ điều trị viêm phổi hiệu quả. Các trường hợp bệnh nặng nên nhập viện để được theo dõi sát sao.
Để ngăn ngừa viêm phổi do vi khuẩn, tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn cho trẻ em dưới 2 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người mắc một số bệnh mạn tính là biện pháp được khuyến cáo.
Đối với viêm phế quản, hầu hết đều do virus nên phương án điều trị bằng kháng sinh hoàn toàn không có hiệu quả. Thay vào đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các phương pháp sau:
- Uống thuốc giảm ho hoặc thuốc long đờm không kê đơn (OTC).
- Uống thuốc giảm đau, bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng.
- Uống mật ong với nước nước ấm để làm dịu cơn ho.
- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Chẩn đoán viêm phế quản và viêm phổi
Chẩn đoán viêm phổi với viêm phế quản như thế nào? Viêm phổi có thể khó chẩn đoán bởi các triệu chứng tương tự như cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Khi đến khám, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, triệu chứng, lịch trình du lịch/ di chuyển gần nhất, các đối tượng đã tiếp xúc… Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để kiểm tra hoạt động của phổi khi thở. Một số xét nghiệm khác cũng có thể được chỉ định bao gồm:
- Chụp X-quang ngực: Giúp phát hiện dấu hiệu viêm hoặc tích tụ dịch trong và xung quanh phổi.
- Xét nghiệm máu: Giúp xác định tình trạng nhiễm trùng và loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi.
- Đo nồng độ oxy trong máu: Người bị viêm phổi có nồng độ oxy trong máu thấp hơn bình thường.
- Nuôi cấy đờm: Mẫu đờm được thu thập trong quá trình ho, sau đó mang đi phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định mầm bệnh gây viêm phổi.
- Các xét nghiệm chẩn đoán bổ sung trong trường hợp người bệnh có nguy cơ cao mắc biến chứng viêm phổi hoặc phải nhập viện: Chụp cắt lớp vi tính (CT), nội soi phế quản, xét nghiệm khí máu động mạch, nuôi cấy dịch màng phổi.
Đối với viêm phế quản, các phương pháp chẩn đoán chủ yếu gồm:
- Xét nghiệm khí máu động mạch: Xét nghiệm này giúp kiểm tra lượng oxy và carbon dioxide trong máu.
- Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang giúp chẩn đoán viêm phế quản cấp tính, mạn tính và loại trừ viêm phổi.
- Đo nồng độ oxy trong máu: Người bị viêm phế quản có nồng độ oxy trong máu thấp hơn bình thường.
- Đo chức năng phổi.
Viêm phế quản có thể biến thành viêm phổi không?
Viêm phế quản cấp tính có thể chuyển thành viêm phổi nếu không được điều trị do nhiễm trùng có thể lan đến phổi. Vì vậy, người bệnh viêm phế quản nên đi khám ngay nếu triệu chứng ho kéo dài không cải thiện theo thời gian.
Cách phòng ngừa viêm phế quản chuyển thành viêm phổi
Khi bị viêm phế quản, người bệnh nên chủ động ngăn ngừa tình trạng diễn tiến thành viêm phổi bằng cách điều trị từ sớm. Để thực hiện điều này, trước tiên, bệnh nhân cần nhận biết sớm các triệu chứng viêm phế quản như:
- Sổ mũi,
- Đau họng,
- Hắt xì,
- Thở khò khè,
- Sốt từ 37,7 độ C đến 38 độ C,
- Cảm thấy mệt mỏi,
- Đau lưng và đau cơ,
- Ho khan, ho có đờm màu vàng hoặc xanh.
Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh viêm phổi ngay cả khi đang dùng thuốc kháng sinh để điều trị viêm phế quản. Nguyên nhân có thể do thuốc kháng sinh đang sử dụng chỉ phát huy với một loại vi khuẩn nhất định, bệnh viêm phổi phát triển do các loại vi khuẩn khác gây ra. Người bệnh nên tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị bệnh viêm phế quản hay viêm phổi của bác sĩ để tiến tới đẩy lùi, kiểm soát bệnh hiệu quả.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trên đây là bài viết tổng hợp các thông tin cơ bản về cách phân biệt viêm phế quản và viêm phổi. Hy vọng thông qua những thông tin này, người bệnh có thêm nhiều cập nhật hữu ích để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đồng thời chủ động đi thăm khám, điều trị sớm các bệnh về đường hô hấp, để tránh biến chứng nguy hiểm về sau.