Cảm nhận về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử

Hướng dẫn làm bài 

1. Giới thiệu nhà thơ Hàn Mặc Tử và bài thơ Đây thôn Vĩ dạ

– Hàn Mặc Tử là một gương mặt đặc sắc của phong trào Thơ mới. Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng nói của tâm hồn yêu cuộc sống, yêu cảnh vật, yêu con người nồng nàn, tha thiết và một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn.

– Đây thôn Vĩ Dạ in trong tập Thơ điên (Đau thương), sáng tác năm 1938. Bài thơ được khơi nguồn cảm hứng từ một bức ảnh phong cảnh Huế với lời thăm hỏi của cô gái Vĩ Dạ, lúc thi sĩ đã mắc căn bệnh hiểm nghèo. Có thể xem bài thơ là lời tỏ tình với cuộc đời của một hồn thơ thiết tha nhưng tuyệt vọng.

2. Phân tích bài thơ

a. Khổ 1.

– Câu thơ mở đầu “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”? là một câu hỏi nhiều sắc thái: vừa hỏi, vừa nhắc nhở, vừa trách móc, vừa mời mọc. Nhà thơ đang phân thân để hỏi chính mình. Niềm khao khát được về thăm lại thôn Vĩ đã được cất lên thành lời tự vấn.

– Ba câu sau vẽ cảnh vườn thôn Vĩ:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

+ Mỗi câu một chi tiết vườn. Tất cả hợp lại, ánh lên một vẻ đẹp tinh khôi thanh khiết. Nắng trên hàng cau là những tia nắng mới của bình minh trên tàu lá cau con ướt sương đêm và xanh rời rợi. Nắng mai cứ theo chân cau và rót dần vào khu vườn. Đến khi tràn đầy thì nó biến cả khu vườn xanh thành một viên ngọc lớn. Hai chữ “mướt quá” tác động trực tiếp đến xúc cảm của người đọc, bởi nó như một tiếng reo ngỡ ngàng đầy hạnh phúc của thi sĩ. Chỉ là trong tưởng tượng, nhưng cứ tưởng như nhà thơ đang đứng trước khu vườn thôn Vĩ, khu vườn rời rợi sắc xanh và tỏa vào không gian những ánh sáng xanh, đơn sơ mà lộng lẫy, thanh tú.

+ Câu thơ thứ tư gây nhiều tranh luận: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Có thể đó là khuôn mặt người thôn Vĩ duyên dáng sau cành lá trúc – một nét vẽ tạo hình đậm chất cổ điển, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người thôn Vĩ. Nhưng cũng có thể hiểu đó là gương mặt người trở về thăm thôn Vĩ, đứng bên ngoài vịn cành lá trúc mà say ngắm vẻ đẹp thần tiên của khu vườn. Và cảnh vườn thôn Vĩ – cũng là hình ảnh cuộc đời – như một thiên đường trần gian, một ao ước ngoài tầm với, một hạnh phúc ngoài tầm tay.

b. Khổ 2.

Khổ thứ hai chuyển sang cảnh dòng sông:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?”

– Mặc cảm chia lìa đã hiện ra trong câu chữ, hình ảnh và giọng điệu. Hai câu trên diễn tả một thực tại chia lìa. Tất cả dường như đang bỏ đi. Nỗi buồn chia lìa của gió mây đôi ngả đã thấm vào dòng nước buồn thiu và hoa bắt lay buồn hiu hắt.

– Trên cái xu thế tất cả đang bỏ đi ấy, thi sĩ chợt ước ao một thứ có thể ngược dòng trên với mình: “trăng”! Trong thế giới tâm hồn của Hàn Mặc Tử, trăng như một tri âm, một niềm tin cậy, mội nỗi khao khát, một vị cứu tinh. Sông trăng, thuyền trăng là những hình ảnh đầy chất thơ, ảo huyền như cõi mộng. Từ cõi thực, cảm xúc thơ dần chuyển sang mộng ảo, hư thuyền. Câu thơ cuối là một câu hỏi đầy tâm sự: “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Tại sao phải “kịp” và phải là “tối nay”? Có phải nếu không kịp thì tất cả sẽ trở thành muộn màng? Phải chăng thi sĩ đã dự cảm về một cái kết thúc đau thương của mình? Chữ “kịp” thật bình thường mà chất chứa bi kịch tâm hồn, nó hé mở một mặc cảm về thực tại xa vời, hiện tại ngắn ngủi và sự tồn tại mong manh. Câu thơ là câu hỏi của một niềm ước mong khắc khoải muốn được đón nhận vẻ đẹp của trăng, vẻ đẹp của cuộc đời.

c. Khổ 3.

Đến khổ thơ cuối, giọng khắc khoải đã hiển hiện thành nhịp điệu:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá, nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

– Nhà thơ đang ở trong cõi đau thương của riêng minh mà mơ.

+ Giấc mơ ấy là niềm mong ước đên tận cùng một hình bóng đẹp của “em”, của “khách đường xa”. “Em” là người của cõi đời, giờ đã thành xa xôi quá! Ba chữ “khách đường xa” được lặp lại lần càng nhấn mạnh sự xa xôi ấy.

+ Câu thơ “Áo em trắng quá nhìn không ra” có vẻ thật bâng khuâng, khó hiểu. “Trắng quá”, đó là cách nói đầy cảm xúc để tả sắc trắng của áo em. Ba chữ “nhìn không ra” là một cách nói đầy ấn tượng để cực tả sắc trắng ấy. Trong thơ Hàn Mặc Tử, ta vẫn thường gặp lối nói giàu ấn tượng như vậy:

– Chết rồi xiêm áo trắng như tinh

– Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.

Màu trắng đã trở thành một ám ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử. Ở bài thơ này, vẻ đẹp của sắc áo trắng thanh khiết, tinh khôi và rực rỡ như một vẻ đẹp đáng tôn thờ và ước mơ. Hình ảnh người con gái càng đẹp, càng tinh khiết lại càng xa vời.

– Khổ thơ trên ý nghĩa bề mặt của nó đã vẻ đẹp bức tranh đẹp về người con gái Huế và cảnh sông hương khói thơ mộng của xứ Huế.

+ Nhưng đâu chỉ là sương khói thực, dường như còn có sương khói của thời gian và cả sương khói mịt mờ trong vùng đau thương của riêng Hàn  Mặc Tử. “Ở đây” đâu phải là thôn Vĩ Dạ, mà là thế giới riêng của một linh hồn bất hạnh, ở đây, con người nhà thơ đang mờ dần, đang sắp tan biến vào cõi hư vô. Hàn Mặc Tử đã rời khỏi thôn Vĩ trong tưởng tượng để trở về với thế giới bất hạnh của riêng mình, mịt mờ sương khói và đầy băn khoăn nghi ngại. Ở đây, sự tồn tại của nhà thơ sao quá đỗi mong manh, không biết mình có được đón nhận tình người đậm đà của cuộc đời không?

+ Câu hỏi cuối bài thơ với hai chữ “ai” thật xa rời đã khép bài thơ lại trong một nỗi ngậm ngùi, bởi tình người quá mong manh xa vời giữa sương khói của vùng đau thương tuyệt vọng.

3. Kết bài

Bằng tình yêu tha thiết đối với cuộc đời, Hàn Mặt Tử để lại cho thơ ca một bức tranh đẹp và tuyệt vời thơ mộng về xứ Huế qua những câu thơ tài hoa của “Đây thôn Vĩ Dạ”. Bài thơ còn như một thông điệp của tâm hồn thi sĩ gửi đến người đời: hãy cảm thông và chia sẽ nỗi đau thương với những linh hồn bất hạnh.