Quai bị là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ em. Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề cơ bản xung quanh bệnh quai bị trong bài viết này nhé!
1Quai bị là gì?
Quai bị (Mumps) còn có những tên gọi khác như viêm tuyến nước bọt mang tai, viêm tuyến nước bọt mang tai do virus quai bị hoặc má chàm bàm. Bệnh quai bị do Mumps virus (thuộc nhóm Paramyxovirus) gây nên.
Virus quai bị thường tồn tại khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể. Thời gian từ lúc bạn nhiễm phải virus và bị bệnh thường kéo dài từ 12 đến 24 ngày.
Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc quai bị. Tuy nhiên, có một số đối tượng nguy cơ cao cần phải lưu ý như: trẻ em (đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 1 năm tuổi), người có hệ miễn dịch yếu.
Quai bị có tên gọi khác là viêm tuyến mang tai, viêm tuyến nước bọt.
2Nguyên nhân gây ra
Bệnh quai bị có nguồn lây lan là người mắc bệnh truyền cho người lành chưa có kháng thể chống lại virus quai bị.
Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói, các giọt nước chứa virus từ người bệnh phát tán trong không khí được người lành hít phải, virus theo đó xâm nhập vào cơ thể hoặc do người bình thường tiếp xúc với đồ vật đã bị nhiễm virus từ người mang bệnh.
Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt, các chất tiết mũi họng của người bệnh.
Người bị bệnh quai bị có thể lây bệnh cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau đó. Thời gian lây bệnh mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai xuất hiện.
Các đường lây truyền của quai bị
3Triệu chứng của bệnh quai bị
Thông thường, sau 12 đến 25 ngày (trung bình 17 ngày) khi nhiễm virus quai bị từ người bệnh, các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện. Ở giai đoạn này, một số người có thể không biểu hiện triệu chứng.
Các triệu chứng của bệnh quai bị đầu tiên xuất hiện có thể bị bỏ qua do nhầm lẫn với cúm như:
- Sốt cao (khoảng 39 độ C).
- Đau đầu.
- Đau cơ.
- Mệt mỏi.
- Khô miệng.
- Ăn mất ngon.
Sau 2 - 3 ngày xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, tuyến nước bọt sưng to dần, đau nhức trong 1 - 3 ngày. Đây là biểu hiện phổ biến và đặc trưng nhất (khoảng 70%), dễ nhận biết với các biểu hiện:
- Sưng một hoặc cả hai tuyến mang tai (ở hai bên khuôn mặt, ngay dưới tai).
- Đau, nhạy cảm chỗ sưng, có thể gây khó chịu khinuốt nước bọt.
- Hiếm gặp sưng các tuyến ở dưới sàn miệng.
Các triệu chứng hay gặp của quai bị
4Biến chứng nguy hiểm
Quai bị là bệnh diễn ra nhanh, ít khi để lại di chứng. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm nếu các virus gây bệnh ở các mô khác trong cơ thể ngoài tuyến nước bọt.
Các biến chứng này hay xảy ra ở những người không được tiêm phòng.
Sưng tinh hoàn: đây là biểu hiện của viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn do virus quai bị gây nên. Viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn sẽ có những đặc điểm:
- Tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường.
- Đau vùng bìu.
- Mào tinh dày bất thường.
- Tinh hoàn bị sưng có thể giảm kích thước và chức năng, từ đó làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
Buồng trứng sưng to: tương tự gây bệnh với nam giới, bệnh quai bị cũng gây ra viêm buồng trứng (tỉ lệ 7%) với các đặc điểm như:
- Đau: có thể âm ỉ hoặc trội thành cơn ở một bên hố chậu.
- Khí hư: số lượng nhiều, màu và mùi khác so với bình thường.
- Có thể gây khó chịu ở dạ dày, gây ra nôn.
- Nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn tới viêm buồng trứng, dính buồng trứng, u nang buồng trứng,... gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.
Viêm não: virus quai bị có thể phá huỷ thần kinh trung ương (tỉ lệ nhỏ 0,5%), gây ra những thay đổi về ý thức, co giật và mất kiểm soát cơ bắp.
Viêm màng não: gây viêm tổ chức màng bảo vệ não với các triệu chứng như đau đầu, sốt, cứng gáy. Tuy nhiên, các biểu hiện này là cấp tính, không để lại di chứng.
Mất thính lực: biến chứng rất hiếm gặp (2/10.000) trường hợp. Virus tấn công vào vùng ốc tai, gây tổn thương không hồi phục, từ đó làm giảm khả năng nghe. Nếu nặng hơn, có thể mất khả năng nghe vĩnh viễn.
Viêm tụy: tuyến tụy sưng to, biểu hiện với các triệu chứng:
- Đau vùng thượng vị (gần dạ dày).
- Có thể kèm nôn.
Sảy thai:
- 3 tháng đầu: dễ dẫn đến sảy thai, dị tật thai nhi.
- 3 tháng cuối: dễ dẫn tới doạ đẻ non, đẻ non, nhiễm khuẩn sơ sinh.
Các biến chứng của bệnh quai bị
5Cách chẩn đoán bệnh
Quai bị là bệnh chẩn đoán dễ với triệu chứng điển hình là sưng tuyến mang tai. Vì vậy, các xét nghiệm được chỉ định trong bệnh này chỉ để phân biệt các trường hợp không thật sự rõ ràng hoặc để phục vụ nghiên cứu.
Một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán quai bị thường được sử dụng là:
- Xét nghiệm kháng thể
Kháng thể IgM: Kháng thể này xuất hiện đầu tiên khi cơ thể nhiễm phải virus. Nếu kháng thể này xuất hiện ở những người chưa tiêm chủng thì có khả năng người đó đã lây nhiễm virus.
Kháng thể IgG: Kháng thể này xuất hiện muộn hơn nhưng có hiệu quả chống lại virus cao hơn. Nếu kháng thể này xuất hiện ở người đã tiêm phòng và/hoặc chưa bị bệnh thì người này đã có khả năng miễn dịch với quai bị.
- Xét nghiệm nuôi cấy virus.
- Xét nghiệm vật liệu di truyền của virus (RT - PCR).
- Cố định bổ thể (CI).
- Trung hòa đám hoại tử (NT).
- Miễn dịch gắn men có khả năng phát hiện kháng thể quai bị trong máu hoặc dịch não tủy (ELISA).
- Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp có khả năng phát hiện kháng nguyên và kháng thể đặc hiệu (IFA).
6Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Sưng tuyến nước bọt, đi kèm với các triệu chứng như: sốt cao ( từ 38,5 độ C), chán ăn, mệt mỏi, đau đầu,... không nên tự điều trị tại nhà.
Nếu gặp các triệu chứng như sưng đau vùng bìu, tinh hoàn to hơn bình thường, đau bụng, nôn,... thì cần gặp bác sĩ càng sớm, càng tốt.
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nơi khám chữa bệnh quai bị uy tín
Nếu gặp các dấu hiệu kể trên, có thể đến bất cứ bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện chuyên về truyền nhiễm nào gần nhà để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội,...
7Các phương pháp chữa bệnh
Do chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nên những điều trị hiện tại đều có mục đích giảm triệu chứng.
Giảm sưng tuyến nước bọt
- Dùng túi chườm (nóng hoặc lạnh) lên các tuyến bị sưng.
- Thể bệnh viêm tuyến nước bọt đơn thuần: vệ sinh họng, miệng, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như axit Boric 5%, nước muối sinh lý.
Hạ sốt
- Lau bằng khăn ấm các vùng như trán, nách, bẹn,...
- Dùng thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau: paracetamol, NSAIDs.
Đeo khẩu trang để tránh lây lan.
Đối với thể bệnh quai bị có viêm tinh hoàn
- Nếu tinh hoàn vẫn còn viêm, sưng, đỏ, đau cần tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi trên giường.
- Thực hiện chườm lạnh cho tinh hoàn bị sưng.
- Dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, Prednisolon 60mg/ ngày, sau đó giảm dần trong 7 - 10 ngày. ( Đây là thuốc cần chỉ định của bác sĩ).
Với bệnh nhân có các biến chứng đã nêu trên nên đến các cơ sở chuyên khoa để được theo dõi, chăm sóc và điều trị hợp lý để giảm thiểu tối đa mức độ trầm trọng, cũng như các biến chứng của bệnh.
Các phương pháp chữa bệnh quai bị
8Chăm sóc người bị quai bị
- Bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động mạnh.
- Uống nhiều nước, tránh các loại nước có vị chua có thể kích thích tuyến nước bọt và có thể làm cho tình trạng bệnh xấu đi.
- Chườm lạnh để làm dịu cơn đau.
- Chườm ấm và dùng thêm thuốc Paracetamol để hạ sốt.
- Súc miệng thường xuyên để vệ sinh vòm họng.
- Ăn thức ăn mềm hoặc lỏng, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tránh thức ăn làm từ nếp và thịt gà, bổ sung thêm những loại rau xanh, dưa đỏ.
- Vệ sinh môi trường sống, làm thông thoáng nhà ở, tận dụng ánh sáng mặt trời.
- Mặc quần lót vừa kích cỡ, sạch sẽ cần được chú trọng để treo nhẹ tinh hoàn lên và tránh cho tinh hoàn bị nhiễm trùng.
- Cách ly người bệnh và người trong gia đình, ít nhất 5 ngày sau khi sưng tuyến nước bọt.
Chăm sóc người bị quai bị
9Biện pháp phòng ngừa
Cách đơn giản, hiệu quả, an toàn và chủ động nhất là tiêm chủng vắc - xin MMR (sởi, quai bị, Rubella).
Theo lịch tiêm chủng mở rộng, trẻ em sẽ được tiêm 2 mũi MMR.
Với người lớn, sẽ được kiểm tra miễn dịch, sau đó dựa vào tình trạng cụ thể để đưa ra quyết định có tiêm hay không.
Tuy nhiên vắc xin này là virus sống, cơ thể suy giảm miễn dịch thì không được tiêm vắc xin này, cụ thể:
- Mắc bệnh bạch cầu, u lympho ác tính.
- Đang dùng thuốc Corticoid toàn thân liều kéo dài.
- Dùng thuốc chữa ung thư, độc tế bào, xạ trị điều trị ung thư.
- Phụ nữ mang thai.
Lưu ý, phụ nữ đã tiêm vắc xin quai bị cần sử dụng các biện pháp tránh thai ít nhất 28 ngày sau khi tiêm vắc xin.
Tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và các bề mặt như mặt bàn, bồn rửa tay,... sau khi tiếp xúc.
Đảm bảo môi trường sống xung quanh sạch sẽ, trong lành, hạn chế tối đa các nguyên nhân mang bệnh:
- Sử dụng dụng cụ hằng ngày (ăn uống, quần áo) riêng.
- Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi của trẻ em.
- Rửa tay đúng cách bằng xà bông nhiều lần, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Khi ho hay hắt hơi cần che miệng và quay về hướng không người, sau khi ho hay hắt hơi đều phải rửa tay ngay bằng xà phòng.
Một số cách phòng bệnh quai bị
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những kiến thức khái quát về bệnh quai bị. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè để cùng nhau hiểu biết về căn bệnh này nhé!