Danh từ Tiến Sĩ có lẽ là một từ mơ hồ và đa nghĩa nhất (ambiguous) khi được được nhắc tới vì nó có thể được hiểu, được diễn giải, được liên hệ theo nhiều cách khác nhau. Cũng chính vì tính mơ hồ đa nghĩa đó mà nó gây ra nhiều hệ lụy, tranh luận không hồi kết, và còn cả sự lạm dụng (abuse). Đối với những quốc gia phương Tây khi nền khoa học, kỹ thuật đã phát triển và đặc biệt có sự phân công lao động, chuyên môn hóa rất rõ ràng thì vấn đề lầm lẫn danh xưng sẽ không gây ra quá nhiều vấn đề xã hội. Tìm hiểu xem những người khác nhau hiểu danh xưng này theo cách nào sẽ là một ví dụ rất hay. Vì tò mò xem mỗi người ở độ tuổi khác nhau, công việc khác nhau, địa vị khác nhau liên tưởng gì khi nghe tới từ tiến sĩ. Một bạn sinh viên đại học khi được hỏi thì nói “tiến sĩ à, em nghĩ là một tấm bằng trên mức thạc sĩ.” Hỏi một cô giáo cấp ba thì cô nhận định: ‘ừ thì người có bằng tiến sĩ thì làm nghiên cứu’, xong rồi chua thêm ‘nhưng mà còn dùng để thăng tiến nữa’…Những câu trả lời khác nhau, cách hiểu khác nhau cứ thế liên miên vì mỗi người dựa vào kinh nghiệm, hiểu biết của mình mà nhận định. Chính vì sự mập mờ đó mà có rất nhiều ngộ nhận. Tuy nhiên, trước khi nói về những ngộ nhận này thì thử tiếp cận danh xưng này theo các góc độ khác nhau.
Cách tiếp cận nghề nghiệp: mảnh bằng tiến sĩ và người có bằng tiến sĩ là tấm vé/điều kiện cần cho một công việc như những công việc khác, dù khác nhau về sản phẩm, phương pháp, cách thức làm việc, và yêu cầu công việc. Mỗi loại hình công việc có những đặc thù khác nhau nên so sánh với nhau thì không thỏa đáng. Những người có bằng tiến sĩ thường theo đuổi sự nghiệp khoa bảng, học thuật, đi sâu vào một lĩnh vực chuyên môn hẹp để nghiên cứu, tìm hiểu và chia sẻ những hiểu biết đó, trước hết cho cộng đồng những người có chung mối quan tâm đó, cùng làm công việc đó, sau là tới những người quan tâm khác trong xã hội. Cũng vì là một nghề nên có những người hành nghề rất thành thạo, tạo nhiều sản phẩm và xây dựng được uy tín, thương hiệu trong nghề và ngược lại cũng sẽ có những người bình thường. Ở một nghề nghiệp khác, chúng ta thấy rằng những người kỹ sư khác nhau, được đào tạo ở các môi trường khác nhau, làm việc ở những nơi khác nhau có các tay nghề khác nhau, tiếng tăm khác nhau. Hay như những người làm ngành y cũng vậy, có những bác sĩ rất giỏi, đồng thời có nhiều bác sĩ cũng không quá xuất sắc. Tựu chung, họ hoàn thành việc mà họ được đào tạo.
Cách tiếp cận quyền lực: Thường chúng ta vẫn hay nghe “tri thức là sức mạnh” (knowledge is power) mà đặc thù của những người trong giới hàn lâm, làm công việc nghiên cứu là sản sinh ra tri thức. Do vậy những người có bằng tiến sĩ ngầm được hiểu là có nhiều tri thức hơn và vì thế sẽ có nhiều sức mạnh hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự ngộ nhận vì (1) nếu chúng ta nói tri thức là sức mạnh thì chỉ tự hỏi xem “tri thức” (knowledge) là gì? thì có lẽ không dễ có một câu trả lời thỏa đáng. Nếu chỉ dừng lại ở việc định nghĩa tri thức một cách hời hợt như diễn giả trong một cuốn từ điển thì chúng ta thấy có vẻ nó có sức mạnh, nhưng nếu hỏi kỹ hơn, sâu hơn thì vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều; (2) những người có bằng tiến sĩ không tự nhiên có nhiều kiến thức hơn những người khác, nếu có thì cũng chỉ kiến thức ở một hoặc vài chuyên môn hẹp của họ, lĩnh vực mà họ nghiên cứu. Đương nhiên, nếu họ không làm nghiên cứu thì không tự động có được những kiến thức ấy. Mặc dầu vậy, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng, những người được đào tạo bài bản thì chắc hẳn có lối tư duy chuyên ngành, hữu ích cho việc đánh giá, khám phá ra tri thức mới.
Cách tiếp cận tâm lý-xã hội: Vốn dĩ bằng tiến sĩ là bậc cao nhất trong môi trường giáo dục chính quy nên không ít người cũng muốn “cán đích” giống như một thành tựu. Một phép ẩn dụ để hiểu ý này là chúng ta quan sát những người chạy marathon. Mục tiêu cán đích và hoàn thành một công việc nặng nhọc là vô cùng thú vị. Tuy nhiên, bằng tiến sĩ mới chỉ là một nấc thang cao nhất trong môi trường chính quy, còn sự học thực sự thì không chỉ nằm trong khung khổ đó. Mỗi cá nhân luôn có một cái bản ngã bên trong và không ngừng tìm cách ảnh hưởng môi trường tự nhiên, xã hội để thỏa mãn cái bản ngã ấy. Vấn đề ở đây chẳng phải là ở văn hóa phương Đông hay phương Tây mà nhìn chung con người có xu hướng đó. Một khảo sát vui về động cơ học tiến sĩ đăng trên graphjam cho thấy được người khác gọi là Dr./TS thì thật là hạnh phúc, cũng giống như người một người khác quen sơ sơ, lâu ngày không gặp mà nhớ tên gọi của mình vậy.

Còn rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, cách luận giải khác nhau. Trong quá trình tò mò, tìm hiểu xem thực chất “tiến sĩ” là gì thì tôi đọc được nhiều bài viết rất thú vị. GS. Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia về loãng xương, hồi 2009 có viết một bài “những ngộ nhận về học vị tiến sĩ tại VN” đưa ra nhiều nhận định vô cùng thú vị, chỉ ra những lầm tưởng mà nhiều người vẫn hiểu sai về học vị này. Không chỉ những người làm công tác nghiên cứu mà còn cả công chúng khi phê phán một cách vô tội vạ (kiểu như có bao giáo sư tiến sĩ mà không chết tạo được cái ốc vít; đây gọi là chửi đổng vì họ không biết mình đang nói gì mặc dù chủ ý đôi khi đơn thuần là sự bất mãn với việc lạm dụng bằng cấp). Một bài viết khác của GS. Ngô Quang Hưng - Đại học Buffalo, Hoa Kỳ có tên “Tản mạn về bằng tiến sĩ” đăng trên bản tin của đại học Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều chi tiết về học vị tiến sĩ ở Hoa Kỳ rất đáng tham khảo. Có thể hơi thiên vị nếu chỉ tham khảo nhận định của hai người thuộc khối khoa học tự nhiên, cho nên tôi tìm đọc thêm một bài viết khác của TS. Ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Lưu với tiêu đề “tiến sĩ là ai” thì kết quả của những người “trong nghề” đều có những nhận định giống nhau. Những chia sẻ từ các bài viết kể trên giúp chúng ta gỡ đi bức màn huyền bí cho cái danh xưng “tiến sĩ”.
Truyền hình HTV7 phát sóng một chương trình rất thú vị có tên “thách thức danh hài”, nếu chúng ta thử tiếp cận tương tự thì sẽ có một cách nghĩ vô cùng thú vị. Biết ai đó là tiến sĩ, giáo sư thì đừng mặc nhiên cho rằng họ “biết tuốt” kiểu “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, mà cần phải tìm hiểu xem họ nhận học vị tiến sĩ về chuyên ngành gì? hiện tại vấn đề nghiên cứu họ quan tâm ra sao? Từ đó, những phát ngôn, nhận định họ đưa ra sẽ giúp chúng ta đánh giá thêm được tính hiệu lực của nó. Vì sao ư? Vì hiểu biết của con người nói chung, của mỗi người nói riêng là rất hữu hạn.
Thật vậy, Matt Might, giáo sư khoa học máy tính ở đại học Utah đã diễn giải về học vị tiến sĩ một cách trực quan mà vô cùng thú vị. Tôi phỏng dịch lại để các bạn cùng tham khảo.
Hãy tưởng tượng rằng hình tròn dưới đây chứa toàn bộ tri thức của nhân loại.
Vào thời điểm chúng ta học xong tiểu học, chúng ta biết được một chút (minh họa bằng chấm màu xanh):
Khi học hết phổ thông (cấp 3), chúng ta mở rộng thêm một chút kiến thức nữa (màu xanh lá cây)
Vào đại học, lấy được bằng cử nhân, chúng ta tích lũy thêm được một chút và bắt đầu chuyên sâu hơn:
Khi học cao hơn, lấy bằng thạc sĩ, chúng ta lại tập chung sâu hơn về chuyên ngành đó:
Và thông qua tiếp cận các phát kiến, kiến thức từ những nghiên cứu trong ngành, chúng ta tiệm cận tới điểm giới hạn của tri thức nhân loại
Và tại điểm giới hạn này, chúng ta tập trung vào điểm giới hạn đó
“Xô đẩy” giới hạn này trong vài năm:
Cho tới một ngày đẹp trời (thực ra là một thời điểm đánh dấu một quá trình) chúng ta nhích thêm giới hạn đó ra một chút.
Và tại nút đẩy đó, chúng ta được gọi là tiến sĩ (PhD)
Và cách chúng ta nhìn thế giới tại điểm đó hoàn toàn khác.
Nhưng cũng đừng quên rằng đó mới là một phần rất nhỏ của một bức tranh lớn
Chính vì vậy mà cần tiếp tục đẩy (keep pushing) (có nghĩa là Ph.D hay tiến sĩ mới là một điểm khởi đầu rất khiêm tốn, việc tiếp theo là không ngững tìm tòi, nghiên cứu để mở rộng thêm tri thức, làm vòng tròn giới hạn được rộng hơn.
Có một ý mà GS. Matt Might không nhắc tới trong khi dùng hình ảnh trực quan để diễn giải về học vị tiến sĩ là ở hình tròn đầu tiên. Tri thức nhân loại, kiến thức mà chúng ta biết là rất hữu hạn, trong khi những điều chưa biết thì rất rộng lớn, nếu không muốn nói là vô hạn vì chẳng có hình tròn nào có thể bao quát.
Tóm lại, tiến sĩ là một bước khởi đầu trong hành trình mở rộng dần đường tròn giới hạn và mục đích chính của của những người có học vì này là tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra những phát kiến ở những chuyên ngành rất hẹp. Mặc dù đó là một công việc rất đáng ngưỡng mộ và vinh quang, nhưng không vì thế mà họ được mặc nhiên thừa nhận rằng “biết tuốt”. Bức tranh tri thức còn lớn và rộng hơn nhiều so với những gì họ biết. Vậy nên những tiến sĩ thực sự luôn biết được giới hạn của họ và thường rất trung thực về việc này.
Tìm hiểu lan man về học vị này không chỉ giúp cho bản thân tôi mà hy vọng hữu ích cho những người quan tâm, để chúng ta bớt đi những ngộ nhận và lối diễn giải thơ ngây như: Tiến = Thăng tiến; Sĩ = sĩ diện => Tiến sĩ = thăng tiến, sĩ diện.