1. Nghiên cứu khoa học là gì?
Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. [1]
2. Một số khái niệm trong nghiên cứu khoa học
- Đề tài nghiên cứu (research project): là hình thức tổ chức nghiên cứu khoa học do một người hoặc một nhóm người thực hiện để trả lời những câu hỏi mang tính học thuật hoặc ứng dụng vào thực tế. Mỗi đề tài nghiên cứu có tên đề tài (research title), là phát biểu ngắn gọn và khái quát về các mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
- Nhiệm vụ nghiên cứu (research topic): là những nội dung được đặt ra để nghiên cứu, trên cơ sở đã xác định tên đề tài nghiên cứu.
- Đối tượng nghiên cứu (research focus): là bản chất cốt lõi của sự vật hay hiện tượng cần xem xét và làm rõ trong đề tài nghiên cứu.
- Mục tiêu nghiên cứu (research objective): những nội dung cần được xem xét và làm rõ trong khuôn khổ đối tượng nghiên cứu đã xác định nhằm trả lời câu hỏi “Nghiên cứu cái gì?”. Dựa trên mục tiêu, các câu hỏi nghiên cứu được xây dựng.
- Mục đích nghiên cứu (research purpose): ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu. Mục đích trả lời câu hỏi “ Nghiên cứu nhằm vào việc gì?” hoặc “ Nghiên cứu để phục vụ cho cái gì?”.
- Khách thể nghiên cứu (research population): là sự vật chứa đựng đối tượng nghiên cứu. Khách thể nghiên cứu có thể là một không gian vật lý, một quá trình, một hoạt động, hoặc một cộng đồng.
- Đối tượng khảo sát (research sample): là mẫu đại diện của khách thể nghiên cứu.
- Phạm vi nghiên cứu (research scope): sự giới hạn về đối tượng nghiên cứu, đối tượng khảo sát và thời gian nghiên cứu (do những hạn chế mang tính khách quan và chủ quan đối với đề tài và người làm đề tài).
3. Phân loại nghiên cứu khoa học
3.1 Phân loại theo chức năng nghiên cứu
- Nghiên cứu mô tả (Descriptive research): nhằm đưa ra một hệ thống tri thức giúp con người phân biệt các sự vật, hiện tượng xung quanh; bao gồm mô tả định tính và mô tả định lượng, mô tả một sự vật, hiện tượng riêng lẻ hoặc so sánh giữa nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau.
Ví dụ: Nghiên cứu sở thích của khách du lịch khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu giải thích (Explanatory research): nhằm làm rõ các qui luật chi phối các hiện tượng, các quá trình vận động của sự vật.
Ví dụ: Nghiên cứu những lý do khiến khách du lịch ít quay lại để tham quan, du lịch thêm nhiều lần nữa.
- Nghiên cứu dự báo (Anticipatory research): nhằm chỉ ra xu hướng vận động của các hiện tượng, sự vật trong tương lai.
Ví dụ: Nghiên cứu các xu hướng của ngành du lịch trong 10 năm tới.
- Nghiên cứu sáng tạo (Creative research): nhằm tạo ra các qui luật, sự vật, hiện tượng mới hoàn toàn.
Ví dụ: Nghiên cứu mối liên hệ giữa kết quả học tập với thời gian lướt facebook của sinh viên.
3.2 Phân loại theo tính chất của sản phẩm nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ bản (Fundamental research): nghiên cứu nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc bên trong của các sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ.
- Nghiên cứu ứng dụng (Applied research): vận dụng thành tựu của các nghiên cứu cơ bản để giải thích sự vật, hiện tượng; tạo ra các giải pháp, qui trình công nghệ, sản phẩm để áp dụng vào đời sống và sản xuất.
Ví dụ: Nghiên cứu những giải pháp nhằm nâng cao lượng khách hàng đến mua sản phẩm tại cửa hàng.
- Nghiên cứu triển khai (Implementation research): vận dụng các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để tổ chức triển khai, thực hiện ở qui mô thử nghiệm.
Ví dụ: Nghiên cứu thử nghiệm việc áp dụng Quy định về thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa của sinh viên.
3.3 Phân loại theo lĩnh vực nghiên cứu
- Khoa học tự nhiên
- Khoa học kỹ thuật và công nghệ
- Khoa học y, dược
- Khoa học nông nghiệp
- Khoa học xã hội
- Khoa học nhân văn
3.4. Phân loại theo phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu định tính
- Phương pháp nghiên cứu định lượng
- Phương pháp nghiên cứu hỗn hợp
4. Trình tự 7 bước tiêu biểu của hoạt động nghiên cứu khoa học
Không có nguyên tắc tuyệt đối trong phương pháp nghiên cứu và trình bày kết quả do sự khác biệt về các chuyên ngành nghiên cứu. Tuy nhiên, để xây dựng một đề tài nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả, Ary và các cộng sự đã tổng hợp và đưa ra 7 bước tiêu biểu cho người làm công tác nghiên cứu khoa học. [2]
Tuy nhiên, trên thực tế, Ary và các cộng sự cho rằng, trình tự này chỉ có tính tương đối, các bước thường chồng chéo, các nhà nghiên cứu có thể sắp xếp lại trình tự cho phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Bởi vì có những đề tài xuất phát từ những ý tưởng mới, sau đó mới thu thập thông tin rồi triển khai thực hiện. Cũng có những đề tài xuất phát từ lượng thông tin, tài liệu đã được tích lũy đủ lớn để có cái nhìn tổng quát và sâu sắc, giúp nảy sinh ý tưởng xây dựng thành một đề tài nghiên cứu.
Các kết quả nghiên cứu ở bước 7, sau khi được thông qua, có thể viết gọn thành một bài báo khoa học và công bố trên các tạp chí nghiên cứu hoặc tham gia các hội thảo, hội nghị mà đề tài có liên quan.
Tại Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học đang trên đà phát triển, số lượng công trình nghiên cứu của Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế không ngừng tăng qua các năm (từ 4.071 lên 12.431 bài báo khoa học trong giai đoạn 2014-2019 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 23%). Điều này đã giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng công bố quốc tế các nước ASEAN, góp phần đưa nhanh các kết quả nghiên cứu trong nước đến với cộng đồng khoa học quốc tế.
[1] Theo Tài liệu điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2020 - Bộ Khoa học và Công nghệ [2] Ary, D. ; Jacobs, L ; Sorensen, C. ; Razavieh, A. (2010). Introduction to research in education (8th edition). Wadsworth, Cengage Learning, p.31-33.
Xem thêm bài viết: Sơ lược tình hình công bố quốc tế của Việt Nam năm 2019 và một số đại diện tiêu biểu của TP. HCM
Duy Sang
-
QUÝ ANH/CHỊ CẦN HỖ TRỢ XỬ LÝ, PHÂN TÍCH DỮ LIỆU VUI LÒNG GỬI THÔNG TIN QUA FORM DƯỚI ĐÂY
CHÚNG TÔI SẼ LIÊN HỆ PHẢN HỒI TRONG THỜI GIAN SỚM NHẤT
Đang tải…