Độ dày của lớp niêm mạc tử cung có vai trò quan trọng trong việc thụ thai và quá trình phát triển của thai nhi. Vậy niêm mạc tử cung dày có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ, độ dày niêm mạc tử cung lý tưởng là bao nhiêu để có thai, cùng đi tìm lời giải qua bài viết dưới đây.
Niêm mạc tử cung dày là gì?
Niêm mạc tử cung dày là tình trạng tăng sinh niêm mạc tử cung, được chẩn đoán khi ngày đầu chu kỳ kinh niêm mạc dày >9mm hoặc niêm mạc dày >4mm ở phụ nữ mãn kinh. Thông thường độ dày của niêm mạc tử cung sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. (1)
Cấu tạo và chức năng của niêm mạc tử cung
Niêm mạc tử cung được cấu tạo bởi biểu mô trụ tuyến và mô đệm. Hàng tháng, dưới tác dụng của nội tiết sinh dục, nội mạc tử cung sẽ phát triển dày lên để sẵn sàng nhận trứng thụ tinh làm tổ. Khi sự thụ tinh không xảy ra thì nội mạc tử cung sẽ tự động bong ra và gây nên hiện tượng kinh nguyệt ở người phụ nữ. Trong trường hợp trứng được thụ tinh và làm tổ, các hormone của thai kỳ sẽ thúc đẩy cho lớp niêm mạc dày lên tạo môi trường lý tưởng để thai nhi phát triển cũng như cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi.
Cấu tạo của niêm mạc tử cung gồm 2 phần chính bao gồm lớp đáy và lớp nông (niêm mạc chức năng). Lớp đáy là lớp nội mạc căn bản hình thành bởi tế bào biểu mô trụ tuyến với các mô đệm, lớp này có vai trò là lớp nền sinh sản tạo nên các phần chức năng ở trên, không chịu tác dụng của hormone của buồng trứng. Lớp nông hay lớp niêm mạc chức năng là phần chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chu kỳ kinh nguyệt cũng như những biến đổi của hormone trong chu kỳ.
Độ dày bình thường của niêm mạc tử cung
Độ dày niêm mạc tử cung thay đổi theo từng giai đoạn của chu kỳ. Chu kỳ kinh nguyệt được chia thành ba giai đoạn với độ dày niêm mạc tử cung tương ứng như sau: (2)
- Giai đoạn vừa hết kỳ kinh nguyệt: Lúc này niêm mạc tử cung đang bắt đầu tái tạo lại nên độ dày chỉ khoảng 2 - 4 mm.
- Giai đoạn giữa chu kỳ kinh nguyệt, trước thời điểm rụng trứng: Lớp niêm mạc dày lên đáng kể, độ dày lên đến 11mm.
- Giai đoạn sau khi rụng trứng và sắp đến kỳ hành kinh: Lớp niêm mạc, khoảng 12-16mm. Nếu không có thai nhi đến làm tổ thì lớp niêm mạc này sẽ bong ra tạo thành kinh nguyệt.
>> Xem thêm: Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì dễ có thai? Chuyên gia IVF giải đáp
Trong thai kỳ
Độ dày niêm mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong thai kỳ, các chuyên gia cho biết cơ hội tốt nhất để mang thai khỏe mạnh đủ ngày tháng là niêm mạc tử cung không quá mỏng cũng không quá dày. Theo các nghiên cứu thì niêm mạc tử cung tối ưu thời điểm rụng trứng là 8-12mm. Điều này cho phép phôi cấy ghép thành công và nhận được nguồn dinh dưỡng cần thiết. Nội mạc tử cung sẽ dày lên trong quá trình mang thai.
>> Xem thêm: Niêm mạc tử cung mỏng là gì?
Trong giai đoạn mãn kinh
Ở những người khỏe mạnh sau mãn kinh độ dày niêm mạc tử cung có kích thước khoảng <4mm. Tuy nhiên với những phụ nữ đang điều trị bằng liệu pháp hormone độ dày niêm mạc có thể lên tới 15mm.
Nguyên nhân khiến niêm mạc tử cung dày lên
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến niêm mạc tử cung dày trong đó phần lớn do lượng estrogen được sản xuất quá nhiều nhưng lại thiếu hụt progesterone trong cơ thể từ đó dẫn đến sự phát triển nhanh và quá mức của lớp niêm mạc tử cung, lớp niêm mạc này không bị bong ra và tiếp tục phát triển dưới sự tác động của estrogen dẫn đến tăng sản nội mạc, làm lớp nội mạc tử cung dày lên.
Khi lượng estrogen bị tăng cao, phụ nữ phải đối mặt với các hiện tượng như rong kinh, vô kinh thứ phát… những hiện tượng này đều gây khó khăn trong hành trình mang thai của chị em.
Nguyên nhân của tình trạng rối loạn nội tiết này đến từ: buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn, tiền mãn kinh, sử dụng thuốc chứa Estrogen liên tục…
Ngoài nguyên nhân đến từ yếu tố hormone, niêm mạc tử cung dày có thể do một số yếu tố sau đây:
- Béo phì;
- Hút thuốc (chủ động và thụ động);
- Điều trị thuốc Tamoxifen.
- Bệnh lý: polyp buồng tử cung, quá sản niêm mạc tử cung, ung thư niêm mạc tử cung…
- Dậy thì sớm hoặc mãn kinh trễ hơn bình thường;
- Người trên 35 tuổi;
- Phụ nữ không mang thai;
- Bệnh lý khác: tuyến giáp, túi mật…
Niêm mạc tử cung có vai trò quan trọng trong sức khỏe sinh sản cũng như sức khỏe chung của cơ thể, để biết niêm mạc tử cung có bất thường hay chị em nên đến các cơ sở uy tín để được thăm khám và biết về tình trạng cụ thể của bản thân.
Dấu hiệu niêm mạc tử cung dày
Thường không có dấu hiệu đặc trưng để cho biết rằng bạn có đang bị niêm mạc dày hay không. Độ dày của niêm mạc được đánh giá qua một số phương pháp chẩn đoán như siêu âm hoặc chụp MRI. Tuy nhiên nếu có những dấu hiệu bất thường dưới đây bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và đánh giá tình trạng của mình:
- Chảy máu trong kỳ kinh nguyệt nhiều hơn hoặc kéo dài hơn bình thường;
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo);
- Chảy máu bất thường sau mãn kinh.
Niêm mạc tử cung dày có sao không?
Niêm mạc tử cung lý tưởng cho việc thụ thai và cho thai nhi điều kiện tốt để phát triển là không quá dày hoặc quá mỏng. Nếu niêm mạc tử cung quá dày có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai kèm theo đó là những bệnh lý nguy hiểm: (3)
- Ảnh hưởng đến khả năng thụ thai: Phụ nữ có niêm mạc tử cung dày từ 20mm sẽ ảnh hưởng đến khả năng mang thai vì lượng estrogen được tiết ra trong cơ thể nhiều khiến cho niêm mạc phát triển mạnh cản trở đến quá trình làm tổ của thai nhi.
- Là triệu chứng của các bệnh lý nội tiết (buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn,…): Khi lượng estrogen bị đẩy lên quá cao, phụ nữ phải đối mặt với những hiện tượng như vô kinh, hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn… những hiện tượng này đều ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, đời sống tình dục cũng như cản trở quá trình thụ thai của phụ nữ.
- Niêm mạc tử cung dày còn gặp trong một số bệnh lý như: tăng sản niêm mạc tử cung, ung thư niêm mạc tử cung,…
Phương pháp chẩn đoán
Để xác định tình trạng niêm mạc dày, ngoài việc thăm khám lâm sàng như hỏi về tiền sử, tình trạng sức khỏe, có bị xuất huyết tử cung bất thường không thì bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm một số phương pháp để chẩn đoán tình trạng như: (4)
- Siêu âm: Siêu âm qua ngã âm đạo được chỉ định để kiểm tra độ dày niêm mạc của bạn. Bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò siêu âm nhỏ để ghi nhận hình ảnh trong buồng tử cung. Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tay được chỉ định để đánh giá niêm mạc tử cung. Thông qua siêu âm bác sĩ có thể đánh giá được độ dày và tính chất của niêm mạc tử cung.
- Nội soi tử cung: là một phương pháp hiện đại để thăm dò hình ảnh buồng tử cung. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể quan sát được hình ảnh bề mặt niêm mạc tử cung, đánh giá được màu sắc, tính chất và phát hiện được một số bất thường như: viêm niêm mạc tử cung mạn tính, polyp buồng tử cung, dính buồng tử cung,…
- Chụp MRI: Đây là một kỹ thuật cao cấp trong chẩn đoán hình ảnh, MRI được chỉ định với những trường hợp không thể tiến hành siêu âm qua ngã âm đạo như tử cung có vị trí bất thường, sức khỏe hay thể trạng không đáp ứng với kỹ thuật siêu âm ngã âm đạo.
- Sinh thiết: Sinh thiết niêm mạc tử cung làm mô bệnh học để đánh giá cấu trúc vi thể của niêm mạc tử cung, thông qua đó để chẩn đoán xác định bệnh lý, đặc biệt trong trường hợp tăng sinh niêm mạc tử cung hoặc ung thư niêm mạc tử cung.
Cách cải thiện tình trạng niêm mạc tử cung dày hơn bình thường
Hiện tượng niêm mạc tử cung quá dày thường xảy ra ở những phụ nữ béo phì, người mắc bệnh buồng trứng đa nang hoặc sử dụng các loại thuốc chứa estrogen mà không kèm theo progesterone.
Với trường hợp niêm mạc tử cung quá dày, thông thường bác sĩ sẽ điều trị bằng cách tái thiết lại sự cân bằng các hormone trong cơ thể, từ đó khiến độ dày niêm mạc tử cung trở lại bình thường, nâng cao khả năng thụ thai cho nữ giới. Bên cạnh đó chị em cần duy trì cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá và các chất kích thích.
Chị em nên sắp xếp đến bệnh viện thăm khám sớm. Thứ nhất là tìm hiểu nguyên nhân tại sao niêm mạc tử cung dày, thứ hai là được tư vấn về các phương pháp làm niêm mạc tử cung đạt độ dày lý tưởng. Về chế độ ăn uống thì cần tuân thủ chế độ ăn để cơ thể khỏe mạnh, thoải mái chứ không nên quá kỳ vọng vào thực phẩm.
Tuy nhiên, không nên bồi bổ quá mức dẫn đến tăng cân, gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa, cụ thể là đái tháo đường. Tại BVTA chúng tôi đã gặp những phụ nữ có BMI rất cao. Chúng tôi thường giới thiệu họ đi khám nội tiết để làm các xét nghiệm liên quan đến rối loạn chuyển hóa. Chúng tôi mong muốn bệnh nhân có được cân nặng trong giới hạn cho phép, tình trạng sức khỏe ổn định nhất trước khi mang thai
Phòng ngừa niêm mạc tử cung dày
Lớp niêm mạc tử cung rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn cho dù bạn đang cố mang thai hay không. Các tình trạng sức khỏe khác nhau sẽ có ảnh hưởng đến lớp niêm mạc tử cung. Một số yếu tố trong lối sống như chế độ ăn uống, vận động có thể cải thiện lưu lượng máu đến tử cung giúp tử cung khỏe mạnh hơn.
- Thay đổi lối sống: Một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng giúp cho sức khỏe tổng trạng của bạn tốt lên, kéo theo đó sức khỏe sinh sản cũng tốt lên, chế độ ăn uống tốt sẽ có lợi trong việc chống viêm, cải thiện lưu lượng máu và hỗ trợ cân bằng nội tiết tố. Một chế độ ăn hỗ trợ cho niêm mạc tử cung khỏe mạnh bao gồm:
- Nhiều loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất ( thường có trong rau lá xanh đậm, đậu, bắp cải, bông cải xanh, trái cây…);
- Ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ;
- Axit béo thiết yếu và giàu omega-3;
- Bỏ rượu, bia hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa caffein và nhiều đường cũng có lợi cho việc, những chất này có thể gây viêm và giảm lưu lượng máu;
- Tập thể giúp tăng cường sức khỏe, độ dẻo dai và tăng lưu lượng máu đến niêm mạc tử cung, việc tập luyện cũng giúp giảm căng thẳng, có lợi cho sức khỏe.
Tại IVFTA đang áp dụng nhiều phương pháp để giúp niêm mạc tử cung đạt độ dày lý tưởng, khảo sát được những bệnh lý tiềm ẩn giúp nhiều chị em có thể sớm đón con yêu về nhà. Liên hệ đặt lịch khám tại IVFTA: