Bất cứ một cá nhân nào muốn phát triển bản thân và thành công trong cuộc sống cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là kỹ năng mềm và kỹ năng sống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mơ hồ về hai kỹ năng này. Để hiểu rõ kỹ năng sống và kỹ năng mềm là gì, mối quan hệ và sự khác biệt giữa hai khái niệm này, bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của GPA Camps nhé!
I. Tổng quan về kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Hiện nay, hai thuật ngữ kỹ năng mềm và kỹ năng sống đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Thường nếu một cá nhân không thích ứng hay gặp khó khăn trong giải quyết các vấn đề cuộc sống thì đánh giá theo khía cạnh thiếu kỹ năng sống; nếu gặp thất bại trong công việc thì phần lớn là do thiếu kỹ năng mềm. Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu định nghĩa hai thuật ngữ này.
1. Tổng quan về kỹ năng mềm
Thực tế cho thấy, người thành công chỉ có 25% là do kiến thức chuyên môn quyết định, 75% còn lại nằm ở kỹ năng mềm họ được trang bị. Vậy Kỹ năng mềm là gì?
Kỹ năng mềm là gì?
Kỹ năng mềm (Soft Skills) là những kỹ năng không dựa vào kiến thức chuyên môn cụ thể, mà đó là cách sử dụng, quản lý ngôn ngữ, thái độ, cảm xúc, hành vi,… để hòa nhập, giao tiếp với những người xung quanh một cách tích cực và kiểm soát thành công các xung đột. Kỹ năng này thường giúp cho công việc và học tập thuận lợi hơn.
Ví dụ về kỹ năng mềm
Những kỹ năng mềm thường được nhắc đến như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, kỹ năng thương lượng, kỹ năng tạo ảnh hưởng, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng từ chối, kỹ năng lắng nghe,…
Ví dụ trong kỹ năng giao tiếp, nếu bạn vừa biết nói chuyện, lại biết lắng nghe, chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc và trình bày yêu cầu của mình với các đồng nghiệp, đối tác,… thì bạn đã có kỹ năng mềm tốt. Trong công việc, kỹ năng mềm này sẽ đem đến cho bạn thế mạnh khi đứng trước bất cứ ai, xây dựng cầu nối với đồng nghiệp, bày tỏ được nhu cầu và thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến của mình.
2. Tổng quan về kỹ năng sống
Để trang bị đầy đủ những hành trang cần thiết cho cuộc sống sau này thì cả kỹ năng mềm và kỹ năng sống là không thể thiếu. Vậy kỹ năng sống là gì?
Kỹ năng sống là gì?
Kỹ năng sống (Life Skills) là tập hợp những khả năng và hành vi giúp cá nhân có thể tương tác tốt với mọi người, thích ứng và đối phó hiệu quả với những đòi hỏi, thách thức của cuộc sống. Kỹ năng sống giúp thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi con người theo chiều hướng tích cực để giải quyết các vấn đề một cách tốt hơn.
Ví dụ về kỹ năng sống
Kỹ năng sống rất phong phú nhưng có thể kể đến một số kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn, kỹ năng sống khi bị lạc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng làm chủ và tự đánh giá bản thân, kỹ năng yêu thương, kỹ năng tự vệ khi bị tấn công,…
Ví dụ về kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn tại nhà chung cư chẳng hạn như thoát hiểm theo đèn báo và các thông báo chỉ dẫn, dùng cầu thang bộ chứ không dùng thang máy, dùng khăn thấm ướt nước trùm lên mũi và miệng để tránh khói độc,… Đây là những kỹ năng sống cần thiết để ứng phó với tình huống nguy hiểm và bảo vệ tính mạng.
II. Mối quan hệ giữa kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Nhiều người vẫn lầm tưởng kỹ năng mềm và kỹ năng sống là một nhưng thực tế không phải như vậy. Dựa trên khái niệm tổng quan đã đề cập ở trên, giữa chúng không có sự tách bạch với nhau nhưng cũng không thể đồng nhất cả hai.
- Mối quan hệ giữa kỹ năng mềm và kỹ năng sống mật thiết, không có sự tách bạch với nhau:
Kỹ năng sống bao gồm nhiều kỹ năng thiết yếu trong đó có cả kỹ năng mềm. Có thể nói, những kỹ năng mềm là nền tảng phát triển kỹ năng sống. Việc vận dụng kết hợp hai kỹ năng này với nhau sẽ tạo hiệu quả tốt nhất, chúng bổ sung cho nhau để giúp con người hoàn thiện và thành công hơn.
Ví dụ: Khi trẻ biết vận dụng những kỹ năng mềm trong môi trường học tập như biết quản lý cảm xúc, quản lý thời gian, biết giao tiếp và học tập theo đội nhóm,… bé sẽ tạo được mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, thầy cô,… Nhờ những kỹ năng mềm đó kết hợp với những kỹ năng khác như kiến thức đã học với thành tích xuất sắc trong học tập, biết đồng cảm, biết yêu thương mọi người, biết cách vượt qua những trở ngại,… thì đó chính là kỹ năng sống bé đã rèn luyện được, giúp con trở nên hoàn thiện hơn.
- Mối quan hệ giữa kỹ năng mềm và kỹ năng sống không thể đồng nhất:
Kỹ năng mềm và kỹ năng sống có mối quan hệ khăng khít, không thể tách bạch nhưng cũng không thể đồng nhất. Nguyên nhân là bởi kỹ năng sống có ý nghĩa rộng và phổ quát hơn nhiều so với kỹ năng mềm. Kỹ năng sống gồm nhiều kỹ năng giúp con người phản ứng một cách hiệu quả trước những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Còn kỹ năng mềm chỉ hỗ trợ công việc thông qua các tương tác tích cực với người khác bằng các yếu tố liên quan đến cảm xúc, ngôn ngữ, thái độ,… Nó chưa hoàn thiện tất cả mọi yếu tố để giúp một người đối phó được với các vấn đề trong cuộc sống giống như kỹ năng sống.
Tóm lại, kỹ năng mềm và kỹ năng sống là hai phạm trù không đồng nhất nhưng cũng không tách biệt nhau. Có thể nói, kỹ năng mềm là một bộ phận quan trọng của kỹ năng sống. Để đạt sự toàn vẹn cả trong cuộc sống lẫn sự nghiệp, chúng ta cần tới các biện pháp giáo dục kỹ năng sống và cả kỹ năng mềm để phát triển, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
III. Sự khác biệt giữa kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Phân biệt kỹ năng mềm và kỹ năng sống là một vấn đề cần được lưu tâm. Nếu không hiểu đúng nội hàm về chúng sẽ dễ dẫn đến cách nhìn nhận và hành động sai lệch trong quan điểm giáo dục các kỹ năng. Dưới đây là những phân tích chi tiết để làm rõ sự khác biệt của hai loại kỹ năng này.
1. Đặc điểm của kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Đặc điểm nổi bật của kỹ năng mềm và kỹ năng sống là:
- Kỹ năng mềm: Thường là những đặc tính của cá nhân như sự tự tin, sáng tạo, lắng nghe, giao tiếp,… Chúng hơi khó định lượng và liên quan đến tính cách của mỗi người.
- Kỹ năng sống: Là những kỹ năng mang tính tổng quát mà con người cần có để thích nghi với cuộc sống, giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức.
2. Phân loại kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Có nhiều quan điểm phân loại kỹ năng mềm và kỹ năng sống như của WHO, UNESCO, các tài liệu nghiên cứu,… nhưng dù dưới góc độ nào thì hướng phân loại cơ bản sẽ tập trung vào:
- Kỹ năng mềm: Dù là định dạng tương đối nhưng đây là những kỹ năng gắn chặt với khả năng lao động chuyên nghiệp, kỹ năng làm việc để thành công, sẽ phụ thuộc nhiều vào nghề nghiệp, đặc biệt là vị trí công việc hướng đến.
- Kỹ năng sống: Phải là những kỹ năng thuộc về năng lực của mỗi người, có khả năng giúp bản thân tồn tại, làm chủ cuộc sống và đạt được những mục tiêu một cách hiệu quả. Đơn giản thì nó sẽ bao gồm cả kỹ năng mềm.
3. Đối tượng của kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Bất kỳ ai cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm và kỹ năng sống nhưng xét về đối tượng giữa hai kỹ năng này vẫn có chút khác biệt:
- Kỹ năng mềm: Ai cũng cần phải rèn luyện, sử dụng rộng rãi trong đời sống và công việc nhưng ở mỗi vị trí, mỗi công việc sẽ cần có mức độ kỹ năng mềm khác nhau.
- Kỹ năng sống: Bất kỳ ai cũng cần rèn luyện kỹ năng này, nó có thể được phát triển và hoàn thiện theo thời gian, không hề giới hạn độ tuổi hay nghề nghiệp.
4. Vai trò của kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Sau đây, GPA Camps sẽ chỉ ra sự khác biệt trong vai trò cốt lõi của kỹ năng sống và kỹ năng mềm:
- Kỹ năng mềm: Là phương tiện giúp đạt được sự chuyên nghiệp trong công việc nhanh chóng hơn, là nền tảng cho sự thành đạt của bất cứ ngành nghề nào, giải quyết được nhiều tình huống trong công việc và cuộc sống.
- Kỹ năng sống: Là kỹ năng có tính tiên quyết, mang lại giá trị cốt lõi để đảm bảo cho sự an toàn, xây dựng và duy trì công việc cũng như đời sống tốt đẹp hơn, giúp mỗi người đạt được sự cân bằng trong cuộc sống.
5. Biện pháp giáo dục kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Kỹ năng của mỗi người đều không phải bẩm sinh mà có. Chúng ta cần trải qua những va chạm, thử thách trong cuộc sống bằng sự nỗ lực, rèn luyện phát triển bản thân một cách đích thực và có các biện pháp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm phù hợp. Cụ thể:
- Kỹ năng mềm: Giáo dục kỹ năng mềm cần phải chú trọng đến các giá trị về mặt tinh thần cùng với những hành vi tương ứng. Nên bắt đầu từ rèn luyện các giá trị nội tâm và tinh thần rồi mới rèn tới hành vi, thao tác, thái độ, cách ứng xử cụ thể.
- Kỹ năng sống: Cần rèn luyện các kỹ năng như tìm kiếm thông tin, quản lý thời gian, phản biện và đặt câu hỏi, thuyết trình, tập trung, tự tin, tư duy sáng tạo, hợp tác, làm việc nhóm, kiểm soát cảm xúc, giao tiếp hiệu quả. Từ đó mới có năng lực tâm lý xã hội để đáp ứng và đối phó với những yêu cầu và thách thức trong cuộc sống.
6. Tính ổn định của kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Về tính ổn định của kỹ năng mềm và kỹ năng sống có sự khác biệt khá rõ:
- Kỹ năng sống: Có thể áp dụng trong mọi khía cạnh cuộc sống, mang tính hệ thống và ổn định tương đối,với nhiều người, ở bất kể độ tuổi, văn hóa hoặc nghề nghiệp nào.
- Kỹ năng mềm: Có tính linh động hơn. Dù là để giúp con người thích nghi trong mối quan hệ với người khác hay thúc đẩy hiệu quả công việc thì vẫn có thể thay đổi theo hoàn cảnh, môi trường làm việc, tính chất nghề nghiệp và vị trí công việc của mỗi người.
7. Mục tiêu của kỹ năng mềm và kỹ năng sống
Kỹ năng mềm và kỹ năng sống có nhiều mục tiêu nhưng mục tiêu chính là:
- Kỹ năng mềm: Tạo điều kiện để con người đạt được thành công trong công việc và xây dựng được mối quan hệ tốt với người khác.
- Kỹ năng sống: Giúp con người thích nghi và có cuộc sống hạnh phúc mỗi ngày, biết cách đối phó với những thách thức và nắm bắt cơ hội.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về kỹ năng mềm và kỹ năng sống. Ngoài ra, bố mẹ có thể đăng ký Khóa trại hè kỹ năng GPA Camps để con mình có thêm những trải nghiệm thú vị, rèn luyện và phát triển những kỹ năng quan trọng cho cuộc sống và làm tiền đề thúc đẩy sự thành công của con trong tương lai.