Rối loạn học tập là dạng khiếm khuyết không nhìn thấy. Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nào về bệnh lý này.
Con học thêm đủ môn... vẫn dở
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Khánh Vân, bộ môn Nhi, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cảnh tỉnh: “Việc bé không có khả năng đọc, viết, sắp xếp từ ngữ hay tính toán sẽ làm giảm cơ hội phát triển. Ngoài ra, khả năng tư duy của trẻ sẽ chậm hơn trẻ bình thường. Tuy chứng bệnh trên ảnh hưởng rất lớn đến tương lai trẻ nhưng rất ít cha mẹ Việt Nam biết đến bệnh lý này”.
Theo lời kể của bác sĩ Khánh Vân, có bé gái lớp Một được đưa đến khám vì con đã được học chữ từ lúc mẫu giáo; thậm chí bé học thêm với cô giáo… vẫn không thể đọc và làm các bài toán cộng trừ cơ bản.
Học kỳ I, các bạn trong lớp đều là học sinh khá giỏi, riêng bé luôn bị coi là học sinh cá biệt vì học lực kém. Khi chuyên viên tâm lý bệnh viện dò hỏi, bé cho biết mình luôn chăm chú nghe cô giáo giảng nhưng vẫn không thể đọc và tiếp thu bài chậm hơn các bạn.
Bên cạnh đó, còn có một số trường hợp trẻ không có khả năng viết đi kèm chứng tăng động kém tập trung. Trẻ luôn khóc lóc, bực tức khi phải viết bài hay kiểm tra chính tả. Chữ viết của trẻ xấu và ngoằn ngoèo, lúc to lúc nhỏ, sắp xếp từ lộn xộn.
Vì sao trẻ bị rối loạn học tập?
Rối loạn học tập có nhiều dạng khác nhau như: rối loạn đọc, rối loạn viết, rối loạn tính toán, rối loạn không đặc hiệu khác. Trẻ bị rối loạn học tập sẽ bị một hoặc nhiều dạng khó khăn về học tập.
Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn học tập có thể do tổn thương thực thể như: viêm não, u não, bệnh lý mạch máu não, bệnh não do chuyển hóa, di chứng não, bệnh mạn tính... Cũng có thể do thể chất không bình thường và phát triển tâm thần bệnh lý như: chậm phát triển tâm thần vận động, tự kỷ, tăng động kém tập trung hay một số yếu tố ngoại cảnh (tâm lý, môi trường học tập, vấn đề giáo dục…).
Cách nào để biết con đang “đánh vật” với chữ?
Chứng rối loạn học tập ở trẻ là tình trạng rối loạn một hay nhiều quá trình tâm lý cơ bản liên quan đến việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ nói, nghe, hiểu, đọc, viết hay suy luận và tính toán theo phương pháp thông thường. Cụ thể, trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện một số kỹ năng cụ thể, không thể theo được cùng một phương pháp, không hiểu nhanh bằng người bình thường, không hoàn thành bài tập. Trẻ có kết quả học lực và trí lực ở mức rất kém so với độ tuổi và không đáp ứng với các biện pháp giúp đỡ của gia đình và nhà trường.
Nếu bị rối loạn đọc, trẻ sẽ có các biểu hiện sau: gặp khó khăn khi đọc thuộc lòng bảng chữ cái, nhớ tên chữ cái. Khi đó, trẻ gặp khó khăn trong đọc hiểu và đánh vần, đọc sót chữ cái, sót từ, thay thế chữ cái, thêm từ, thêm hay đảo lộn chữ cái. Trẻ không nhớ những gì vừa đọc, mất khả năng đưa ra kết luận hoặc suy nghĩ về những điều đọc được. Có 20 - 25% trẻ rối loạn đọc có kèm theo rối loạn tăng động giảm chú ý. Trẻ thường ít hợp tác, thiếu thành thạo trong kỹ năng giao tiếp, thiếu tự tin, lo âu và trầm cảm.
Trong các dạng rối loạn học tập, chứng rối loạn đọc khá phổ biến, chiếm tới 80% và có đến 5 - 10% trẻ em có thể bị ảnh hưởng. Trẻ bị rối loạn đọc có thể do di truyền và môi trường.
Ngoài ra, trong rối loạn học tập ở trẻ còn có dạng rối loạn viết. Trẻ không viết được; hay mắc lỗi ngữ pháp, lỗi chấm câu, sắp xếp ý trong câu lộn xộn, dùng từ không thích hợp; mắc nhiều lỗi chính tả, nhất là các từ đồng âm. Còn có một số biểu hiện khác như chữ viết xấu, méo mó, không đúng kích cỡ. Một số vấn đề đi kèm để dễ nhận biết hơn là trẻ có thể bị đau, lo lắng hay bực bội khi phải viết; trẻ khóc hoặc không chịu hoàn thành bài viết.
Một dạng rối loạn khá phổ biến trong rối loạn học tập là rối loạn tính toán. Trẻ bị rối loạn tính toán có một số biểu hiện: khó khăn trong học và ghi nhớ chữ số; không làm được những phép cộng đơn giản nhất; khó khăn trong việc thực hiện phép tính số học ước lượng thời gian, không gian; không làm tốt bốn phép tính cơ bản (cộng, trừ, nhân, chia).
Điều trị có dễ?
Hiện có ba giải pháp can thiệp điều trị cho trẻ rối loạn học tập gồm: can thiệp giáo dục, can thiệp y tế và can thiệp xã hội.
Can thiệp giáo dục: Với rối loạn về đọc, có thể luyện tập cho trẻ làm chủ các âm vị đơn giản, sau đó kết hợp với âm vị trong các từ và câu. Cho trẻ theo học các lớp chuyên biệt, luyện tập đặc biệt về kỹ năng đọc. Ngôn ngữ trị liệu giúp trẻ nhận diện âm, nói đúng ngữ âm, nói lưu loát, xây dựng vốn từ và khả năng hiểu âm. Tạo các phương pháp giúp trẻ tiếp nhận dễ dàng và có động lực học tập. Điều trị rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi cho trẻ…
Với rối loạn về viết, có một số điểm tương đồng: lập mối quan hệ tốt giữa nhà trị liệu và bệnh nhân. Rèn luyện sự khéo léo, phối hợp mắt và tay. Tập viết và thư giãn khi có loạn trương lực bàn tay. Trị liệu rèn luyện trí nhớ và phục hồi trí nhớ cho trẻ. Sử dụng liệu pháp tâm lý, giải quyết rối loạn cảm xúc và hành vi kết hợp. Ba mẹ có thể cho trẻ sử dụng máy tính để viết. Cho trẻ mô tả cách viết từng chữ trước, rồi nói về nội dung sẽ viết. Sử dụng một số dụng cụ riêng biệt (bút chì tam giác, giấy màu nổi có vết có hàng cho bé…).
Với rối loạn tính toán, phương pháp can thiệp giáo dục để điều trị đơn giản hơn. Giáo viên kết hợp giữa dạy và chữa, phối hợp liệu pháp tâm lý, cho trẻ tham gia các hoạt động tổng hợp tâm lý và giác quan. Giáo viên nên tư vấn cho ba mẹ tham gia trị liệu.
Can thiệp y khoa: Chủ yếu là trị liệu và dùng thuốc. Việc can thiệp về tâm lý và vật lý trị liệu đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh, gồm âm ngữ trị liệu, vận động trị liệu, tư vấn ba mẹ tham gia trị liệu cho con. Ngoài ra, bệnh nhi có thể sử dụng thêm các loại thuốc điều trị lo âu, trầm cảm…
Hiện nay, y khoa cũng áp dụng phương pháp Neurofeedback - phản hồi sinh học thần kinh, bài tập thể dục cho não dựa trên nguyên lý Neuroplasticity. Thời gian luyện tập cho bé khoảng 30 - 60 phút, mỗi đợt 10 - 20 buổi. Neurofeedback giúp phục hồi chức năng não trước, xây dựng kết nối não trước và não giữa, giúp kiểm soát và phản ứng với sự tập trung, chú ý, xung động và cảm xúc. Phương pháp này chỉ sử dụng cho trẻ có vấn đề về học tập và khả năng tư duy, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ chậm phát triển trí tuệ.
Can thiệp xã hội: Cần đào tạo và xây dựng đội ngũ chuyên môn cho trẻ mắc chứng rối loạn học tập, từ đó xây dựng chương trình học tập cụ thể để hỗ trợ trẻ.
Điều trị lúc nào thì hiệu quả?
Về rối loạn viết, nếu can thiệp từ khi trẻ học lớp Một sẽ có kết quả tốt. Cần tập luyện, điều trị tích cực cho đến khi trẻ học tới bậc trung học và đại học.
Về rối loạn tính toán, nếu can thiệp khi trẻ 6-8 tuổi sẽ có kết quả tốt hơn.
* Để phòng ngừa bệnh rối loạn học tập cho trẻ, ba mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi. Tạo môi trường cho trẻ được thể hiện bản thân, không bị gò bó hay áp lực. Cần đi khám sức khỏe định kỳ đều đặn để ngăn chặn bệnh liên quan về não. Ba mẹ nên theo dõi mọi thay đổi và những vấn đề trẻ đang gặp phải, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp điều trị khoa học từ sớm.
Theo Đinh Tiên/ PNO