Khi tìm kiếm cụm từ “giảm cân bằng dứa” trên Google, bạn sẽ nhận về hàng chục triệu kết quả với không ít bài viết nhận định đưa có khả năng đốt cháy mỡ trong cơ thể hoặc ăn dứa vào buổi sáng có tác dụng xuống cân nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dinh dưỡng, không có một loại thực phẩm nào có khả năng đốt cháy mỡ trực tiếp. Phần lớn thực phẩm chỉ có công dụng hỗ trợ giảm cân, thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ thừa trong cơ thể. Vậy ăn dứa có béo không? Có thể giảm cân bằng dứa không?
Quả dứa chứa bao nhiêu calorie?
Trước khi giải đáp vấn đề ăn dứa có béo không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hàm lượng calo cũng như các thành phần dinh dưỡng có trong quả dứa. Theo đó, trong 100g chứa khoảng 50 calo. Một quả dứa kích thước trung bình sẽ chứa khoảng 82 calo. Có thể thấy, hàm lượng calo trong dứa thấp.
Ngoài ra, trong quả dứa còn có nhiều vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho sức khoẻ con người như chất xơ, vitamin B1, vitamin B6, vitamin C, kali, đồng, magie,... Những chất dinh dưỡng này có tác dụng hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hoá, tăng cường khả năng miễn dịch, kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ bị thừa cân - béo phì.
Ăn dứa có béo không?
Nhìn chung, ăn dứa một cách vừa phải thường không gây tăng cân mất kiểm soát. Điều này cũng đồng nghĩa cơ thể sẽ không bị béo lên. Bởi dứa chứa nhiều chất xơ và nước, ít calo và hầu như không có chất béo, cholesterol và natri.
Tuy nhiên, không phải cứ ăn dứa đều không béo lên. Những trường hợp ăn dứa quá nhiều, vượt ngưỡng cho phép hoặc tiêu thụ những sản phẩm làm từ dứa chứa nhiều đường, nhiều chất béo như dứa đóng hộp, siro dứa, nước ép dứa đóng hộp, bánh dứa, mứt dứa, dứa ngâm đường,... sẽ rất dễ khiến cân nặng tăng mất kiểm soát, tăng lượng mỡ trong cơ thể.
Có thể giảm cân bằng dứa không?
Như những thông tin được chia sẻ ở trên, chúng ta đã có đáp án cho thắc mắc “Ăn dứa có béo không?”. Nếu ăn dứa không gây béo phì, giúp cơ thể bổ sung thêm nước, chất xơ và các vitamin, dưỡng chất quan trọng, vậy dứa có khả năng hỗ trợ quá trình giảm cân không?
Theo đó, các nghiên cứu cho thấy dứa có khả năng giúp đốt cháy mỡ trực tiếp vẫn còn ít. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng dứa hoặc nước ép dứa tươi có khả năng ngăn chặn sự hình thành của các chất béo, thúc đẩy quá trình phân huỷ chất béo của cơ thể. Ngoài ra, nghiên cứu được đăng trên tạp chí Immunopathology and Pharmacology cũng cho thấy rằng trong trong dứa chứa một loại enzyme có khả năng hỗ trợ tiêu hoá, giảm tình trạng viêm trong mô tiêu hoá.
Hơn nữa, quả dứa chứa nhiều chất chống oxy hoá có thể hỗ trợ giảm cân, kéo dài cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn. Như vậy, quả dứa cũng có tác dụng hỗ trợ giảm cân nếu kết hợp với chế độ ăn khoa học và tập luyện thể thao thường xuyên.
Hướng dẫn chế độ giảm cân với dứa
Ăn dứa tươi là phương pháp tốt nhất để tận dụng tối đa chất xơ cũng như các vitamin và khoáng chất. Nếu không thích ăn dứa tươi hoặc đã cơ địa dễ bị nổi mụn, nhiệt khi ăn dứa, bạn cũng có thể kết hợp dứa với những nguyên liệu khác. Điều này vừa giúp thay đổi khẩu vị, vừa làm cho bữa ăn thêm phong phú.
Kết hợp dứa tươi với sữa chua là sự lựa chọn hợp lý. Theo đó, sữa chua là thực phẩm giàu lợi khuẩn, tốt cho hoạt động của hệ tiêu hoá, cải thiện làn da và vóc dáng. Trong dứa tươi cũng chứa hàm lượng cao chất xơ và các chất chống oxy hoá. Món ăn này không chỉ thơm ngon, lành mạnh mà còn hỗ trợ hệ tiêu hoá, giảm nguy cơ bị táo bón, chướng bụng, đầy hơi; đồng thời đẩy nhanh quá trình giảm cân.
Bên cạnh sữa chua trộn dứa, bạn còn có thể sử dụng dứa trong món salad như salad ức gà, salad bò, salad tôm, salad rau mầm, salad hoa quả... Món ăn này có thể sử dụng làm món khai vị hoặc làm món chính nếu bạn theo chế độ ăn kiêng với rau củ hoặc eat clean.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn chung dứa với những loại trái cây giàu vitamin C, có hàm lượng calo thấp khác như táo, kiwi, nho, bưởi, cam, quýt, các loại quả mọng,.. Hoặc có thể kết hợp dứa với các loại hạt (hạt óc chó, hạt chia, hạt hạnh nhân, hạt điều) và sữa chua. Đây vừa là món ăn tráng miệng thơm ngon vừa tốt cho sức khoẻ, làn da và vóc dáng.
Nếu không thích kết hợp dứa với những nguyên liệu khác, bạn có thể uống nước ép dứa không đường vào bữa phụ hoặc trước khi ăn bữa chính khoảng 30 phút. Theo nghiên cứu, một cốc nước ép dứa không đường chứa khoảng 130 calo, cung cấp cho cơ thể 33mg canxi, 30mg magie, 25g vitamin C. Nước ép dứa, ngoài công dụng giải độc tố, đốt cháy chất béo và giảm cân hiệu quả, còn tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ tiêu hoá, thanh lọc cơ thể và hỗ trợ điều trị ung thư.
Một số lưu ý khi giảm cân bằng dứa
Sở hữu nhiều ưu điểm, nhưng quả dứa cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt với người bị đau dạ dày hoặc đang sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh như thuốc làm loãng máu, thuốc chống đông máu, thuốc chống co giật, thuốc điều trị chứng mất ngủ, thuốc điều trị trầm cảm ba vòng. Theo đó, những người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh, chất bromelain có trong quả dứa gây ra tình trạng kháng tiểu cầu, tăng khả năng chảy máu quá mức.
Đối với những người bị bệnh đau dạ dày được khuyến cáo không nên ăn dứa thường xuyên. Bởi trong dứa chứa nhiều acid hữu cơ và enzyme bromelain. Những chất này tác động vào niêm mạc một số bộ phận của hệ tiêu hoá như dạ dày, ruột,... gây ra tình trạng tiêu protein, tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, khó chịu, nôn nao, mệt mỏi. Để giảm thiểu tối đa tác dụng phụ khi ăn dứa như rát lưỡi, loét niêm mạc dạ dày,..., người bị đau dạ dày có thể ăn kèm với chuối chát.
Nhìn chung dứa cũng có tác dụng hỗ trợ đẩy nhanh quá trình giảm cân. Tuy nhiên, trong quá trình giảm cân bằng dứa cũng cần phải lưu ý không nên ăn quá nhiều dứa nếu đang mắc bệnh về dạ dày hoặc đang sử dụng thuốc điều trị bệnh. Ngoài ra, để giảm cân đạt hiệu quả và bền vững, chế độ ăn cần phải bổ sung thêm những loại chất dinh dưỡng quan trọng như tinh bột, chất xơ, đạm, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất,...
Trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp thắc mắc “Ăn dứa có béo không?”. Đồng thời cung cấp thêm những thông tin cần thiết về chế độ giảm cân bằng dứa và một vài lưu ý để tránh xuất hiện các tác dụng phụ. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với tất cả mọi người.
Xem thêm:
- Uống sữa có béo không? Uống sữa gì để giảm cân hiệu quả?
- Ăn me có mập không? Quả me bao nhiêu calo?